VĂN HỌC VẾT THƯƠNG – NHỮNG NGHIÊN CỨU Ở TRUNG QUỐC VÀ Ở VIỆT NAM

Rating: 5.0/5. From 6 votes.
Please wait...

Bài viết trình bày hoàn cảnh ra đời, các đặc trưng cơ bản của trào lưu Văn học vết thương, đồng thời tình hình nghiên cứu Văn học vết thương ở Trung Quốc và ở Việt Nam.

Đại hội Trung ương Trung Quốc lần thứ mười một, sau khi “cách mạng văn hóa” kết thúc đã mở ra một thời kỳ mới cho văn học nghệ thuật Trung Quốc. Cùng với sự thay đổi của cục diện chính trị, phiên họp lần ba của Đại hội toàn quốc Trung ương Trung Quốc lần thứ mười một đã khẳng định việc cởi trói cho tư tưởng, phủ định “cách mạng văn hóa”, phủ định đấu tranh giai cấp, công tác trọng điểm của toàn Đảng là thực hiện xây dựng kinh tế hiện đại hóa. Những chuyển biến lịch sử này đã thực sự cởi trói cho sáng tác văn học, xóa bỏ những “khu vực cấm” trong sáng tác. Tháng 10 năm 1979, Đại hội Văn học Toàn quốc lần thứ tư được khai mạc, Đặng Tiểu Bình thay mặt Đảng cộng sản Trung Quốc phát biểu, đã chỉ rõ, “Sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ không phải là chỉ huy ra lệnh, không phải yêu cầu văn học nghệ thuật phải kịp thời, cụ thể, trực tiếp trực thuộc các nhiệm vụ chính trị, mà là phải căn cứ vào đặc trưng và quy luật của văn học nghệ thuật, giúp đỡ những người làm công tác văn học nghệ thuật có điều kiện để cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp văn học nghệ thuật.” (Trần Tư Hòa, 2010: 2). Chính những phát biểu ấy của Đặng Tiểu Bình cùng những đường lối cải cách mở cửa đã giúp “cởi trói” văn nghệ, để nhà văn, nhà thơ… được quyền nói lên nỗi lòng của mình. Trong giáo trình Giản sử văn học thời kỳ mới, tác giả Trần Tư Hòa đã viết (2010: 15, 16), “Tháng 10 năm 1976, với việc bắt giam ‘bè lũ bốn tên’ đã kết thúc cuộc ‘đại cách mạng văn hóa’ trước đây chưa từng xảy ra, truyền thống Văn học Ngũ Tứ bị tàn phá suốt thời gian dài bắt đầu được khôi phục. Trong thời gian nửa năm sau đó, giới văn nghệ vẫn còn chưa phổ biến, tự giác từ bỏ phương thức tư duy và phương thức biểu hiện của thời kỳ ‘cách mạng văn hóa’. Dấu vết khôi phục truyền thống Văn học Ngũ tứ sớm nhất chính là bộ ba tác phẩm: Kịch bản Bình minh của Bạch Hoa, lấy đề tài về lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, lấy bi kịch lịch sử để mượn xưa nói nay, đầu tiên là biểu lộ mối hận dồn nén trong lòng mọi người suốt mấy chục năm nay đối với đường lối ‘tả’ trong nội bộ Đảng; truyện ngắn Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm Vũ lấy sự thiếu hiểu biết của học sinh trung học làm tiếng chuông cảnh tỉnh, viết ra sự nguy hại của mười năm thịnh hành trào lưu chính trị phản trí thức phản văn hóa; báo cáo văn học Giả thuyết Goldbach, thể hiện sự bất bình đối với những việc mà người trí thức gặp phải trong ‘cách mạng văn hóa’, thẳng thắn bày tỏ sự kính trọng và ca ngợi với tầng lớp trí thức. ‘Ba cánh én mang theo gió xuân’ này báo hiệu con đường mới mà văn học Trung Quốc đương đại sẽ đi tới, đồng thời, thể hiện xu hướng thay đổi nhanh chóng của giới chính trị và giới tư tưởng.”

Văn học vết thương ở Trung Quốc và Việt Nam
Ảnh minh họa

Sau không khí ngột ngạt, bị kìm tỏa mọi mặt của “cách mạng văn hóa”, khi mà người viết chỉ được viết trong một khuôn khổ rất hẹp theo đường lối, sự chỉ đạo của cấp trên, không được phép viết ra ngoài những đường biên ấy, thì  sự “cởi trói” trong văn nghệ này đã giúp các nhà văn Trung Quốc dám nói thẳng nói thật, nhìn nhận lại những vấn đề tồn đọng, những góc khuất tối tăm và cả những đau thương trong quá khứ. Năm 1978, sự xuất hiện của trào lưu “văn học vết thương” chính là sự cởi trói mạnh mẽ nhất của giới văn nghệ sĩ đối với các vấn đề thời sự lúc bấy giờ. Lúc này, nhà văn Trung Quốc được quyền nhìn thẳng vào mười năm cách mạng văn hóa, được khai thác những đề tài trước đây không được phép, và trào lưu này nhanh chóng trở thành tâm điểm cho văn học Trung Quốc đương đại.

Về việc tên gọi trào lưu Văn học vết thương, theo Trần Tư Hòa, Văn học vết thương được định danh từ tên truyện ngắn Vết thương của Lư Tân Hoa, đại diện cho thái độ của thanh niên trí thức với lịch sử và hiện thực cuộc sống. Những người thanh niên trí thức này chính là những học sinh, sinh viên… đã bị đưa về nông thôn cải tạo lao động trong “cách mạng văn hóa”. Những áp chế về mặt tinh thần, tư tưởng đã để lại những “vết thương” vĩnh viễn không thể liền sẹo trong trái tim họ. Văn học vết thương đã xuất hiện hơn ba mươi năm nay, từ những tên gọi ban đầu như Văn học vạch trần rồi tới Văn học tiên thanh, trào lưu này đã khuấy động văn đàn, là một hiện tượng văn học. Từ năm 1977 đến 2009 có khoảng hơn 100 công trình nghiên cứu lý luận và sáng tác Văn học vết thương hoặc “vết thương” ở Trung Quốc. 1977 – 1987 là thời kỳ nghiên cứu Văn học vết thương sôi nổi nhất ở Trung Quốc, nhiều học giả quan tâm nghiên cứu, các cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi. Gần bốn mươi năm trước, nhà văn Bắc Kinh Lưu Tâm Vũ đã cho ra mắt truyện ngắn Chủ nhiệm lớp đăng trên tạp chí Văn học nhân dân kỳ 11 năm 1977, đã mang tới một luồng gió mới cho văn đàn Trung Quốc sau mười năm động loạn, cũng là vén tấm rèm che sau thời kỳ “cách mạng văn hóa”. Chủ nhiệm lớp sau này cũng được các nhà nghiên cứu cho rằng là tác phẩm mở đầu cho trào lưu Văn học vết thương. Sau đó, năm 1978, truyện ngắn Vết thương của Lư Tân Hoa đăng trên Văn hối báo ngày 11 tháng 8 đã tạo một tiếng vang rất lớn trên văn đàn. Mặc dù không ít công trình văn học sử của Trung Quốc khi nhắc tới Văn học vết thương đều cho rằng tên của truyện ngắn Vết thương đã định danh cho trào lưu “văn học vết thương”, nhưng truy nguyên tới cùng thì khái niệm “vết thương” hay “văn học vết thương” được giới học thuật dùng để khái quát một trào lưu văn học sớm nhất là từ khi nào? Đã có nhiều học giả nghiên cứu về vấn đề này. Tài liệu văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới (1976 – 1985) của Khoa Văn học Đại học Phúc Đán đã ghi người sử dụng khái niệm Văn học vết thương sớm nhất là Trần Kị Mẫn trong bài Tiểu luận văn học “vết thương” trên báo Văn nghệ Thượng Hải số ra tháng 12 năm 1987. Giới nghiên cứu Trung Quốc chú ý tới Văn học vết thương như một khái niệm chỉnh thể có lẽ bắt đầu từ năm 1979. Trong quãng thời gian này có rất nhiều bài viết sử dụng thuật ngữ này như Bức tranh Văn học vết thương (Bào Xương, kỳ 1 năm 1979 Tân Cảng), Cuộc đối thoại liên quan tới Văn học vết thương (Trương Xuân Dư, Bách gia văn nghệ kỳ 1 năm 1979), Văn học vết thương và vết thương trong văn học (Xương Minh Khang, Hải Âu kỳ 8 năm 1979)…

Ngoài ra, còn có một giả thuyết khác cho rằng “vết thương” là từ du nhập từ nước ngoài vào, đã được giới văn học dùng để khái quát thành trào lưu văn học, sớm nhất là Hứa Giới Dục trong Thảo luận văn học Trung Quốc tại Đại học Tiểu bang San Francisco Mỹ cho rằng: “Trung Quốc đại lục từ tháng 10 năm 1976 trở về sau, các tác phẩm văn học thì truyện ngắn là sôi nổi nhất, nội dung được mọi người quan tâm nhiều nhất, Hứa Giới Dục gọi đó là “Hurts Generations”, chính là Văn học vết thương, bởi vì có truyện ngắn tên là Vết thương, như ngọn cờ đầu, các tác giả của kiểu văn học này đã kể về những ký ức đau thương của mình trong “văn cách”, không chỉ là những tổn hại tinh thần và thể xác, mà nó còn tạo thành di chứng rất lớn sau đó. Ông hiện tượng vẫn đang không ngừng thu hút sự thảo luận này là Văn học vết thương. Qua đó có thể thấy, cần phải nghiên cứu thêm nữa về nguồn gốc định danh Văn học vết thương.” (Diệp Ký Anh 1990: 5).

Nói tới các tác phẩm của Văn học vết thương, có thể coi truyện ngắn Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm Vũ đăng trên tờ Văn học nhân dân số 11 năm 1977 là tác phẩm đầu tiên của dòng Văn học vết thương. Lưu Tâm Vũ thành danh nhờ truyện ngắn Chủ nhiệm lớp bởi tác phẩm đã chỉ rõ nguyên nhân khiến tầng lớp thanh niên trí thức bị “nội thương tinh thần”. Chủ nhiệm lớp là tác phẩm văn học đầu tiên thời bấy giờ viết về sự giải phóng tư tưởng và dân chủ nghệ thuật, thoát ra khỏi những mô thức hạn hẹp của Văn học cách mạng, dám nhìn thẳng, vạch trần những vết thương trong tâm hồn mà những người trí thức trẻ tuổi phải chịu, thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới, cách mạng. Chính vì vậy, Chủ nhiệm lớp có ý nghĩa lịch sử và tinh thần tiến bộ sâu sắc. Tiếp tới không thể không kể đến Vết thương của Lư Tân Hoa, nỗi bi kịch, sự day dứt, hối hận ở kết thúc truyện của nhân vật Vương Hiểu Hoa là do đâu mà gây nên nếu không phải chính những áp chế tư tưởng của “bè lũ bốn tên” trong “cách mạng văn hóa”? Tác phẩm dám nêu lên vấn đề bức thiết nhất của xã hội lúc bấy giờ, thu hút đông đảo tranh luận trái chiều. Ngoài ra, nhắc tới Văn học vết thương không thể không kể tới thơ “mông lung” của Cố Thành và Tùy tưởng lục của Ba Kim. Thơ “mông lung” ý tượng hóa và lập thể hóa, nhằm tôn vinh sự va đập chốc lát giữa những hình ảnh để tạo nên một tứ thơ đa nghĩa. Cố Thành đã sử dụng sự ám dụ biểu trưng để nói về vấn đề bức bối, nỗi đau trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Như trong bài Một lớp người, ông đã dùng hình ảnh đôi mắt màu đen để ám dụ những trải nghiệm lịch sử đầy đau đớn của bản thân, nhưng chính đôi màu đen ấy lại giúp nhà thơ đi tìm ánh sáng, tìm niềm tin, khát vọng và tinh thần đấu tranh. Còn Tùy tưởng lục là những bài ghi chép lại các trải nghiệm của nhà văn Ba Kim trong suốt mười năm cách mạng văn hóa. Ông đã kể về những khổ nạn mà người trí thức và cả những người thân xung quanh họ phải chịu đựng. Đồng thời ông đề xuất phải đứng lên vạch trần tội ác của “bè lũ bốn tên”, xây dựng một Bảo tàng cách mạng văn hóa, để xem đó như một bài học sâu sắc và tàn khốc của lịch sử, với hy vọng các thế hệ sau sẽ không mắc phải những sai lầm như thế nữa. Không chỉ dừng lại ở đó, Tùy tưởng lục còn là sự tự vấn, tự sám hối của một cá nhân mang trong mình ý thức trách nhiệm với quốc gia, dân tộc. Ông cho rằng bản thân ông đã cúi đầu nhận tội, tự nguyện cải tạo trong cách mạng văn hóa là hành vi đáng lên án; thay vào đó người trí thức phải biết đấu tranh, giữ vững ngọn lửa cách mạng của truyền thống tinh thần Ngũ Tứ, góp phần xóa bỏ cái xấu, cái ác. Chính bởi những giá trị ấy mà Tùy tưởng lục được xem như một trong các tác phẩm tiêu biểu nhất của Văn học vết thương.

Để khu biệt trào lưu Văn học vết thương với một loạt các trào lưu khác của văn học Trung Quốc cùng thời kỳ đó, giới nghiên cứu Trung Quốc đã chỉ ra ba đặc trưng tiêu biểu nhất của Văn học vết thương. Và cũng chính những đặc trưng này tạo nên giá trị của trào lưu Văn học vết thương trong tiến trình văn học sử Trung Quốc.

Đặc điểm nổi bật nhất của Văn học vết thương chính là tập trung phê phán, vạch trần những tội ác của “cách mạng văn hóa” tới tinh thần con người, những vết thương không bao giờ chữa lành. Các tác phẩm này dám phá bỏ những nguyên tắc sáng tác trong thời kỳ “cách mạng văn hóa”, dám bày tỏ những bi kịch đau thương trong thời kỳ “văn cách”, chính điều đó đã tạo lên tiếng vang rất lớn trong quần chúng nhân dân. Tinh thần dũng cảm dám trực tiếp đối mặt và phê bình hiện thực cuộc sống này đã mở đầu cho hàng loạt các trào lưu, sáng tác sau này như Văn học phản tư, Văn học tầm căn… Các nhà văn hy vọng việc phơi bày căn nguyên tội ác của “cách mạng văn hóa” sẽ giúp thúc đẩy xã hội cải cách, tiến bộ hơn.

Đặc điểm thứ hai của Văn học vết thương chính là sự trở về với truyền thống của Văn học Ngũ Tứ. Ý nghĩa của sự trở về với truyền thống này chính là ở việc đã luôn dũng cảm đấu tranh, cấp thiết phê phán những ung nhọt, những mặt tối trong xã hội. Như Lỗ Tấn từng nói: “Phải chân thành, sâu sắc, mạnh dạn nhìn nhận và viết ra máu thịt của nhân dân.” (Lỗ Tấn 1982: 241). Sau “cách mạng văn hóa”, tầng lớp trí thức chính là người đại diện phát ngôn của nhân dân, các nhà văn từ những tầng lớp lão thành đến những người trẻ tuổi nhất đều nhiệt tình, dũng cảm đối diện với hiện thực xã hội, tạo thành lực lượng phê phán là những người trí thức. Họ chính là những người đầu tiên phản tỉnh, phủ định lại những mặt xấu xa, tăm tối trong xã hội. Có thể nói, thời kỳ văn học mới của Trung Quốc được mở đầu bằng trào lưu “văn học vết thương”, đây chính là việc ngọn cờ đấu tranh với tinh thần thanh niên Ngũ tứ một lần nữa được giương cao.

Đặc điểm thứ ba của Văn học vết thương chính là sự tự thức tỉnh, sám hối của người trí thức đã bị đày đọa suốt mười năm “cách mạng văn hóa”. Không chỉ là tố cáo tội ác của “bè lũ bốn tên”, mà người trí thức còn nhận thấy một phần trách nhiệm không nhỏ của mình ở trong đó. Bởi lẽ, chính vì chịu cúi đầu nhận tội, tự làm nô lệ tinh thần nên “bè lũ bốn tên” mới có thể lộng hành như thế.

Là tiếng nói đầu tiên của vừa mới thoát khỏi mô thức sáng tác cứng nhắc của “cách mạng văn hóa”, đồng thời lại là những tác phẩm nhiệt tình khám phá những vấn đề mới, những vấn đề trước đó không được nhắc tới hơn là việc chú ý đến nghệ thuật biểu hiện, nên Văn học vết thương không thể tránh khỏi một số tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là việc các thủ pháp sáng tác còn non kém, nội dung tác phẩm nhiều khi nông cạn, hời hợt. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử cũng như những đóng góp to lớn của Văn học vết thương đối với văn học đương đại Trung Quốc. Văn học vết thương mở đầu cho văn học sau “cách mạng văn hóa”, đồng thời chất liệu được sử dụng của trào lưu này cũng được lấy từ mười năm động loạn, đặc điểm tự sự là kể về vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn của cá nhân cũng như quần chúng nhân dân do mười năm động loạn gây nên. Nguyên tắc của thủ pháp sáng tác là kể lại một cách chân thực hiện trạng và những bạo lực của xã hội ấy. Có thể nói, Văn học vết thương giống như Văn học Ngũ Tứ, đã tạo sự chuyển biến mới đối với văn học Trung Quốc. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, nhân đạo chủ nghĩa là đề tài phổ biến và nhạy cảm ở Trung Quốc. Văn học Ngũ Tứ không chỉ phổ biến rộng rãi chủ nghĩa nhân đạo thức tỉnh con người mà còn hình thành nên ý thức chủ thể mạnh mẽ và đặc tính rõ ràng trong sáng tác văn học mới. Sự phát triển của văn học mới sau đó dù gặp rất nhiều trắc trở, nhưng chủ nghĩa nhân đạo vẫn là chủ đề, nội dung tư tưởng mà nhiều tác giả, tác phẩm lớn hướng tới. “Cách mạng văn hóa” đã mang tới vô số tai họa cho nhân dân Trung Quốc, ở thời điểm ấy, con người không còn được là con người, mà bị biến thành công cụ đấu tranh giai cấp; một bộ phận bị ép thành “kẻ thù giai cấp” mà bị tước mất tư cách làm người; một bộ phận khác lấy “danh nghĩa làm cách mạng” mà nảy sinh thú tính tàn sát đồng loại, mất đi sự tôn nghiêm và tự trọng của bản thân. Sau khi “cách mạng văn hóa” kết thúc, mọi người nhớ về mười năm động loạn ấy, phản tư lại lịch sử, thì điểm quan trọng và nổi bật nhất chính là những phát hiện và nhận thức mới về “con người”, vấn đề bức thiết là cần phục hồi tôn nghiêm và đề cao giá trị con người. Vì vậy, các sáng tác văn học nghệ thuật sau thời kỳ “cách mạng văn hóa”, ngay từ đầu đã tự giác gánh lấy trách nhiệm này. Trong Đại hội Văn học Toàn quốc lần thứ tư năm 1979, các nhà văn đã nêu cao khẩu hiệu “con người là mục đích, con người là trung tâm”, trên bình diện nhân đạo chủ nghĩa đó là sự khẳng định tác dụng vạch trần, tố cáo một giai đoạn lịch sử tàn nhẫn là “cách mạng văn hóa”, đồng thời là lời kêu gọi, sự kỳ vọng đối với văn học những năm 80. Văn học vết thương phủ định hoàn toàn “cách mạng văn hóa”. Nó không những phủ định chính sách, hậu quả của “cách mạng văn hóa” mà còn phủ định sáng tác văn học theo kiểu bưng bít, che đậy cho “cách mạng văn hóa”, từ đó khôi phục được tính chân thực của văn học. Đối tượng biểu hiện của “văn học vết thương” được mở rộng, các nhà văn bắt đầu chú ý đến người dân lao động tầng lớp dưới, từ đó thoát khỏi quy định giáo điều của văn học thập niên 70 và “cách mạng văn hóa” thế kỷ trước chỉ được viết về “công, nông, binh” hay nhân vật anh hùng dân tộc. Các tác phẩm văn học là một bằng chứng sống cho một giai đoạn xã hội, một thời kỳ lịch sử, cho nên Văn học vết thương đã ghi lại một cách chân thực máu và nước mắt của một thời đại. Trào lưu này đã đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn học đương đại Trung Quốc, có thể ví như những tiếng nói đầu tiên, mở đầu một loạt các trào lưu văn học tiếp sau đó, tạo nên một thời đại hoàng kim mới cho văn học Trung Quốc.

Ở Việt Nam, nghiên cứu về phong trào “văn học vết thương” của Trung Quốc dường như vẫn còn là mảnh đất khá mới mẻ. Các công trình nghiên cứu đã công bố ở Việt Nam tiếp cận trào lưu Văn học vết thương ở các phương diện khác nhau, tuy nhiên chúng ta gần như chưa có được bức tranh về trào lưu Văn học vết thương Trung Quốc một cách đúng đắn và toàn diện nhất. Trong cuốn Tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa, PGS.TS Lê Huy Tiêu đã giới thiệu về mặt nội dung có thể chia các tiểu thuyết văn học vết thương thành bốn loại: Vạch trần tội ác của “bọn bốn tên” và phơi bày nỗi bất hạnh do mười năm động loạn gây nên; đồng tình thương xót những cảnh ngộ của nhân dân và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của họ; thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân chống lại “bè lũ bốn tên” và phe phản động; vừa viết về cảnh “động loạn mười năm”, vừa nêu ra những vấn đề khiến mọi người phải suy ngẫm. Còn về mặt phương pháp sáng tác, tiểu thuyết văn học vết thương đã khôi phục lại truyền thống hiện thực chủ nghĩa. Về mặt nghệ thuật còn thô thiển, quá lộ liễu (Lê Huy Tiêu 2011). Trong luận văn Đặc trưng mỹ học của bộ phận văn học “vết thương” trong văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới, tác giả Lê Văn Hiệp, bảo vệ tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, năm 2012, đã dùng Văn học vết thương như một thế so sánh để nhằm làm rõ hơn bộ phận văn học “vết thương” ở Việt Nam. Trong luận văn này, theo tác giả tiêu chí nhận diện quan trọng nhất và gần như duy nhất trào lưu Văn học vết thương chính là việc phản ánh và tố cáo những bi kịch của con người trong “cách mạng văn hóa”. Đồng thời, Lê Văn Hiệp mở rộng khái niệm “vết thương” ở đây ra thành các tác phẩm hướng tới đề tài “vết thương” trong quá khứ và lịch sử. Để từ đó tác giả nghiên cứu tới những “vết thương” mà chiến tranh để lại trong một số tác phẩm của Việt Nam.

Như vậy có thể thấy cách hiểu về Văn học vết thương tại Trung Quốc và Việt Nam đang có một độ chênh nhất định.

Thứ nhất, về hoàn cảnh hình thành nên trào lưu Văn học vết thương, ở Việt Nam nhấn mạnh tới sự kiện “cách mạng văn hóa” kết thúc mà không coi trọng tới yếu tố sự thay đổi đường lối đối với văn học nghệ thuật ở Trung Quốc. Có thể nói, chính chính sách mở cửa, “cởi trói” đối với văn nghệ mà nhà văn, nhà thơ mới có quyền được tự do nói lên tiếng lòng của mình. Điều này trái ngược hoàn toàn với những khuôn khổ chật chội trong văn học thời kỳ “cách mạng văn hóa”, khi mà các sáng tác bị kìm tỏa chặt chẽ, chỉ được viết về “công, nông, binh” và ca ngợi anh hùng cách mạng. Có thể nói, nếu không có chính sách mới, sẽ không thể có những tác phẩm dám vạch trần tội ác lịch sử của “bè lũ bốn tên”, nêu lên những hậu quả mà “cách mạng văn hóa” để lại, đồng thời giương cao ngọn cờ cách mạng mang tinh thần Ngũ Tứ – lật đổ cái cũ, cái hủ lậu, xây dựng cái mới tốt đẹp, dân chủ.

Thứ hai, trong Đặc trưng mỹ học của bộ phận văn học “vết thương” trong văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới tác giả Lê Văn Hiệp viết, “Ở đây, theo các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc, tiêu chí quan trọng và gần như duy nhất tạo nên Văn học Vết thương đó là sự phản ánh và tố cáo những bi kịch của con người trong Cách mạng văn hóa. Vượt ra khỏi tiêu chí này, chẳng hạn nếu như tác giả cố gắng lý giải nguyên nhân của những bi kịch mà người ta phải chịu đựng trong Cách mạng văn hóa, thì những tác phẩm ấy lại được xếp vào trào lưu Văn học Phản tư (suy nghĩ lại, đặt lại vấn đề), trào lưu văn học tồn tại gần như song song với Văn học Vết thương.” (2012: 30). Tiêu chí tạo nên Văn học vết thương, theo Trần Tư Hòa, Văn học vết thương vạch trần tội ác của “cách mạng văn hóa”, mà ở đây cụ thể là “bè lũ bốn tên” trên tinh thần tiếp nối giá trị truyền thống Ngũ Tứ, đồng thời đó là sự sám hối của người trí thức đối với những vấn đề lịch sử đã qua (tiêu biểu là tác phẩm Tùy tưởng lục của Ba Kim). Qua đó có thể thấy, ngoài thời gian ra đời của tác phẩm, có ít nhất ba đặc trưng quan trọng để định hướng một tác phẩm có thuộc trào lưu Văn học vết thương hay không chứ không thể chỉ dừng lại ở một tiêu chí “gần như duy nhất” là viết về “cách mạng văn hóa” được.

Thứ ba, theo Lê Văn Hiệp: “Kết cục của các tác phẩm Văn học vết thương bao giờ cũng là những kết thúc có hậu theo lối công thức hóa bị ảnh hưởng từ quan niệm sáng tác của giai đoạn trước” (2012: 31). Tuy nhiên, trong giáo trình Giản sử văn học thời kỳ mới chỉ rõ bao phủ lên các tác phẩm Văn học vết thương là không khí âm u, tuyệt vọng (Trần Tư Hòa 2010). Có thể thấy rõ việc này qua kết thúc tác phẩm Vết thương – một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của trào lưu Văn học vết thương. Kết thúc truyện là tâm trạng đau đớn, tràn đầy hối hận của Vương Hiểu Hoa trước những sai lầm của bản thân, nỗi day dứt vì không được gặp mẹ lần cuối chắc chắn sẽ theo cô tới suốt cuộc đời.

Như vậy, có thể nói rằng, để nhìn nhận Văn học vết thương một cách toàn diện nhất, không thể tách rời nó khỏi hoàn cảnh ra đời là sự kết thúc của cuộc “cách mạng văn hóa”, sự “cởi trói” trong chính sách văn nghệ của Đảng Trung Quốc. Đồng thời, Văn học vết thương còn là sự trở về, tiếp nối truyền thống tinh thần Ngũ Tứ đã bị đứt đoạn suốt mười năm trước đó. Và cao hơn nữa là sự tự sám hối, ý thức trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc của người trí thức.

 

Tài liệu trích dẫn

Diệp Kỳ Anh. 1990. Khái quát văn học đương đại đại lục. Đài Bắc: Công ty Hữu hạn Cổ phần Đông đại đồ thư.

Lê Huy Tiêu. 2011. Tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Lỗ Tấn. 1982. Lỗ Tấn toàn tập, quyển 1. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Văn học nhân dân, 1982.

Lê Văn Hiệp. 2012. Đặc trưng mỹ học của bộ phận văn học “vết thương” trong văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới. Hà Nội: Luận văn thạc sĩ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Trần Tư Hòa chủ biên. 2010. Giản sử văn học thời kỳ mới. Quế Lâm: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Quảng Tây.

 

Sophia Mặc

 

Key liên quan:

  • https://nhom40 com/van-van-hoc-vet-thuong-nhung-nghien-cuu-o-trung-quoc-va-o-viet-nam/
  • khái niệm văn học vết thương
  • văn học viết thương
Rating: 5.0/5. From 6 votes.
Please wait...