VỀ QUÊ NGOẠI

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Con lần đầu bước chân về quê ngoại lúc vừa bước sang tuổi 26, lúc cuộc đời vừa quen với phố thị đèn hoa dặt dìu, lúc quê hương chỉ còn là tên một địa danh nổi tiếng trên truyền hình… Con về đây, nơi “chó ăn đá, gà ăn muối”, để tìm kiếm một sự đói khát cho tâm hồn tưởng chừng luôn thừa mứa!

Sau lưng mẹ, sau lưng con, chỉ toàn mồ mã xếp thành hàng ngay thẳng lúp ló sau vựa lúa mới ươm mầm còn xanh. Mẹ bảo, quê ngoại, ngoài lúa và mã, chẳng còn gì. Chiến tranh đi qua lâu rồi, mà con người ta vẫn còn cứ phải sống trong hồi ức của nó, bằng những thứ đã trở thành hữu cơ – mồ mã của ông, của cha, của dì, của thím, của họ hàng, của làng xóm mình. Mẹ nói, trong nước mắt của một đứa trẻ mồ côi không bao giờ có cơ hội vấn khăn tang cho cha. À, ngày ông ngoại mất, mẹ mới chỉ thành hình.

ve que ngoai
Ảnh minh họa

Trời Quảng Trị cựa mình giữa cái nắng rát, trút chút mưa hiếm hoi làm bệt rệt mớ đất sét đầu con hẻm dẫn vào ngôi nhà tranh của ngoại đã nhiều tuổi – ngôi nhà chưa từng hóa mờ nhạt trong trí nhớ của mẹ giờ đã thành khắc khổ, già nua. Mẹ đi, run run niềm thổn thức, ngoái đầu lại nhìn con, cười bằng cặp mắt đã trĩu màu tím nhớ thương của những buổi trời chiều thuở mẹ còn chạy rong bắt bướm, còn cởi truồng tắm mưa… rồi đêm về chát chúa khóc cha trong những cơn ngủ chưa từng bao giờ trọn vẹn. Mẹ hỏi, có khó đi lắm không làm con thấy chạnh lòng. Quen guốc cao, quen giày chật… Tự con biến mình thành xa lạ với những thứ đã phôi thai những yêu thương trong con, từ những ngày con còn ngậm dây rún trong bụng mẹ.

Con về, nhìn dáng ngoại gầy còng thấp thoáng nua già phía bên kia màn mưa dày hạt tháng Ngưu Lang – Chức Nữ. Rưng rức nơi con thảng thốt hai tiếng “ngoại ơi” ngào nghẹn trong lòng tự bấy lâu nay. Ngoại không nhai trầu như những cụ già con thường thấy lúc nhà còn ở con xóm nhỏ. Ngoại ngồi trước hiên nhà đất sét lâu năm, run run xé từng lá thuốc cẩm lệ, rồi vê lại, móm mém bập từng hơi thuốc. Giọng ngoại khê đặc kể về những ngày xưa…

Ngày xưa của ngoại răng đen, tóc vấn khăn. Ngày xưa của ngoại áo bà ba màu lam, màu chàm, màu lục. Ngày xưa của ngoại đêm nằm nghe tiếng súng, giật nhói lòng mà vẫn cứ vững vàng đứng, vững vàng đi, vững vàng cười khoe màu nắng nhạt dần trong cuộc đời quả phụ. Ngoại chưa từng để ai biết ngoại khóc đêm hay tin mình mất chồng. Đêm ấy – ngoại bảo – ngoại ôm bụng, hỏi mẹ, có biết mai này phải sống thế nào cho phải không?

Ngày xưa của ngoại để lại ba tháng cữ, để lại đứa con gái còn đang khát sữa khóc lóe chóe tìm hơi quen, lao ra giữa mảnh đất hừng hực nóng từ bom đạn. Ngoại sống, như một đứa con chân chính của cái đất Quảng Trị chưa từng biết nghiêng mình trước giặc. Ngày xưa…

***

Đứa con gái sinh ra, lớn lên và luôn khát khao được là một phần của cuộc sống mới, hôm nay nghiêng mình trước những lăng, những tẩm, những nhà thờ họ xưa cổ trang nghiêm. Này là rồng, này là phượng, uốn quanh từng cột đền mái cong, như đời ngoại, như đời mẹ cong theo từng cơn khắc khổ. Mẹ đỡ tay ngoại, ngằn ngặt hai tiếng “mạ ơi” tưởng chừng ngàn năm thèm khát được trào tuôn một lần. Chao! Cái giọng Quảng Trị đậm đà mà dân dã, mà thê thiết, hệt món mắm cá nục mặn từng bữa cơm nhà nghèo. Con nghe sao mà gần gũi, con nghe sao mà thân thương đến là da diết!

Tay ngoại gầy còm xương xẩu. Tay mẹ run run hằn lên những lằn gân xanh – những vết thời gian nhọc nhằn. Hai đôi bàn tay chắp lại, giữ chặc mấy nén hương ngút ngát khói thơm. Mẹ rưng rưng khấn vái, “Ba ơi, cháu ngoại của ba về thắp hương cho ba đây!”. Này là mộ ông con, kia là của các cậu, các dì. Những cái tên của họ Hoàng Công từng khắc khoải cơn ngủ ngoại đớn đau đợi chờ, từng mênh mang cơn ngủ mẹ thiếu thốn những vòng tay, từng mặn mòi tuổi thơ con lớn lên với niềm tự hào khó lý giải – ông mình là liệt sỹ.

Đứa con gái đi qua hơn một phần tư thế kỷ hòa bình, ngoái đầu nhìn những rạch cây không cao nổi giữa mớ đất cát luôn đói nước, mà kiêu hãnh dong thẳng lên trời, như một lời ca tráng hùng dội vang trời vang đất. Chênh vênh đất mặn nước mắt những người đàn bà khóc chồng, khóc con không thành lời làm nghiêng đời đứa con gái tìm về với miền đất quê ngoại.

***

Đêm, con nằm cạnh mẹ, dong mắt nhìn trần nhà vách gỗ xiêu xiêu, lặng nghe tiếng ếch nhái lộp bộp ngoài kia gọi bầy. Mẹ hỏi con, có sợ ma không? Người ta bảo, đất này nhiều ma lắm, bởi, có những linh hồn không nỡ rời thương rời yêu mà đi, thành ra vất vưởng. Con trút lòng mình vào đêm, muốn khóc mà không thể, hỏi lại mẹ, có thể nào, con người ta lại đi sợ yêu thương?

Đêm Quảng Trị ngắn. Ngày Quảng Trị cũng không dài. Thảo nào con người ta hóa già nua nhanh đến thế. Sớm bưng mắt, khi mặt trời chưa kịp đỏ, ngoại ngồi chong mắt nhìn ra cửa, tay vân vê điếu thuốc cẩm lệ không khói, rưng rưng bảo, đêm qua, ông về…

Mẹ bóc vỏ quả bồng cúng trước mộ ông, chia phần con múi dày cơm nhất. Từ đầu vị giác, sâu vào bên trong cuống họng, chạy suốt cả trái tim con, cả tâm hồn con, vị bồng the nồng – cái nồng của nắng rát, của gió Lào quê ngoại. Vẳng trong trời chiều chực mát tiếng chuông chùa thanh thản từ bi, cùng chất giọng Quảng Trị đậm đà thê thiết mẹ hát ru con thuở nảo thuở nao đuổi theo tiếng võng đưa kẽo kẹt, “À ơ… Quê hương là chùm khế ngọt…!”.

 

NHóm 4.0

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...