VIỆT MA TÂN LỤC – TẬP 2 | CHƯƠNG I : MỘT THIẾU NỮ MẤT TÍCH
|Trên con đường mòn nhỏ dẫn lên sườn đồi, lổm cổm những tảng đá lớn nhỏ xen lẫn những bụi cây trinh nữ vẫn đọng lại chút sương sớm. Người thiếu nữ chân trần, vai đeo một chiếc gùi lớn được đan bằng mây đang lặng lẽ bước đi. Trên người cô bận một chiếc áo cỏm tay ngắn – loại trang phục đặc trưng của người Thái nơi đây, nhưng bên dưới lại bận chiếc quần vải màu nâu đã bạc phếch; thường thì khi đi rừng, ăn bận như vậy sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Đi tới lưng chừng đồi, người thiếu nữ dừng lại, có lẽ vì đã thấm mệt. Cô ngồi xuống phiến đá xám ven đường, tiện tay bỏ chiếc gùi xuống, lấy vạt áo thấm nhẹ mồ hôi ướt đầm đìa trên gương mặt trắng trẻo, thanh tú. Người ta đồn, những thiếu nữ người Thái, người Mường vùng này đẹp lắm!
Nghỉ một lát, người thiếu nữ đứng dậy, tiếp tục đi lên phía trên. Con đường mòn dẫn thẳng vào khu rừng rậm. Những đoạn đường lổm cổm đá cuội không còn nữa, mà thay bằng những đoạn đường đất được phủ lớp lá dày, hoai mục. Phía bên trên, những tầng lá dày tới nỗi ánh mặt trời không thể nào lọt qua. Người thiếu nữ phăng phăng đi về phía trước, vẻ như đoạn đường này đã quá quen thuộc với cô rồi!
Đi hết đoạn rừng rậm, những tán lá thưa dần. Người thiếu nữ ngước lên, nắng vờn quanh những tầng lá, điểm tô bằng những hạt sương mai lóng lánh. Thảng hoặc, một con chim lạ vùi mình trong tán cây, bị đánh động bay vù lên, cất lên vài tiếng “tu huýt, tu huýt”, nhưng tuyệt nhiên người thiếu nữ không hề giật mình, sợ hãi bởi những điều đó.
Cô phăng phăng bước tiếp, rồi cuối cùng dừng lại ở một rừng cây đành hanh – một loại măng rừng phổ biến trong vùng. Người thiếu nữ dừng lại, bỏ gùi xuống, lấy từ trong gùi ra một con dao mũi nhọn loại nhỏ. Rồi cứ thế, sấn mũi dao sâu xuống dưới gốc măng, nhổ lên; chẳng mấy chốc mà măng đã đầy gùi.
– Vúttt…
Tiếng động lạ! Cô giật mình, quay ngoắt lại, nhìn quanh. Xa xa, mấy ngọn đành hanh rung rung rồi đổ ụp xuống. Người thiếu nữ đeo gùi lại vào lưng rồi lặng lẽ tiến về phía đó. Một mế già lớn tuổi trong trang phục truyền thống của người Mường đang dùng dao lóc những cành nhỏ quanh thân cây đành hanh, nhanh thoăn thoắt!
Khi nhìn thấy cô thì mế già bèn dừng lại. Người thiếu nữ lên tiếng hỏi han.
– Mế[1] đi rừng sớm thế! Mà mế lấy cây đành hanh về làm gì vậy?
Mế già ngừng tay, nụ cười nhăm nhúm nở trên gương mặt già nua, mỏi mệt. Mế bận trên người trang phục đặc trưng của người Mường vùng dưới với áo chẽn ngắn tay và chân váy màu đen, phần nối giữa gấu váy và áo là một loại đai được dệt bằng thổ cẩm với hoa văn đặc sắc. Phía bên hông mế còn đeo thêm một sợi dây xà tích làm bằng bạc. Ở vùng này cư ngụ chủ yếu là người Thái và người Mường; người Mông và người Dao thì chọn chỗ ở cao hơn, tùy thuộc vào tập tục của họ.
– Lấy đành hanh về làm chuồng cho trâu ấy mà… – Mế già trả lời. – Đi sớm, không trưa đi nắng lắm!
– Nhà mế ở gần đây à? – Cô gái tiếp tục hỏi.
– Ngay đằng kia. – Mế lấy dao trỏ về phía rừng rậm um tùm.
Người thiếu nữ ngạc nhiên vì khu rừng rậm đó hầu như chẳng có ai ở, ngoài mấy cái lán mà người Mường dựng lên để nghỉ ngơi mỗi khi đi rừng. Thấy lạ, người thiếu nữ tiếp tục hỏi.
– Con tưởng mế ở bản dưới chứ? Chỗ này thâm u quá! – Vừa nói, người thiếu nữ vừa nhìn quanh, rùng mình!
Mế dừng lại, ngồi xuống, thở dài rồi nói.
– Trước mế có ở bản dưới, nhưng từ ngày con cái mế đi làm thuê thì mế không ở nữa. Mế có một mảnh nương trồng ngô gần đây, nên mế chuyển hẳn lên đây ở.
– Ra thế! Mà mế có nuôi thêm trâu sao?
– Ừ… – Mế già nói. – … Con trai mế tuần trước mới mua cho mế một con nghé.
– Thôi chào mế! Con về nhé!
– Vội chi chớ gái ơi…! – Mế lên tiếng. – Sang nhà mế uống nước, ăn ngô luộc đã. Ngô mới bẻ hôm qua, luộc lên ăn ngọt lắm.
Người thiếu nữ chần chừ, nửa như muốn ở lại, nửa như không. Cô nhìn lên tán cây, lộ ra khoảng trời bé nhỏ, rồi lẩm bẩm, trời hẵng còn sớm mà.
– Còn sớm mà, qua nhà mế chơi đi. Mế ở một mình ở đây lâu rồi. Buồn lắm! Thi thoảng mới có người qua chơi.
Mế già nói với tông giọng trầm buồn. Khi ấy, người thiếu nữ cũng cảm thấy thấm mệt, mà nghỉ ngơi một lát rồi về vẫn chưa muộn.
– Được ạ! Thế mế có cần con giúp gì không?
– Không cần đâu! Cứ đi theo sát mế là được, vì đường hơi khó đi đấy!
Mế già nói rồi buộc mấy cây đành hanh đã lóc sạch cành lại với nhau, cho cả lên vai, vác một cách dễ dàng. Người thiếu nữ dậm bước, đi theo bà mế về phía khu rừng rậm rạp cây cối.
Những tán lá bọc kín lấy khoảng trời khiến cho những tia sáng không thể nào lọt xuống, người thiếu nữ thấm mệt, khó thở, không nhận ra bước chân đang run rẩy và chậm lại bởi không gian âm u.
– Qua đoạn này là đường dễ đi à!
Mế già nói, giọng vô hồn, vẫn phăm phăm tiến về phía trước như chẳng thấy mệt mỏi gì. Người thiếu nữ cố gắng đi thật nhanh vì sợ mất dấu mế, vả lại, chẳng hay ho gì khi lạc trong khu rừng này. Người dưới làng thi thoảng vẫn bảo, nếu đi lên trên khu rừng của người Mường thì nên cẩn thận, vì rất dễ bị lạc. Có nhiều người đồn đoán, thường do ma rừng trêu ngươi người đi rừng, dẫn họ vào rừng sâu rồi chẳng thể tìm thấy lối ra. Nhưng người vùng này cũng chẳng lạ gì chuyện ma cỏ nữa, bởi từ bé tới lớn, ai ai cũng được nghe những chuyện ấy một lần.
Càng đi, khoảng không gian trên đầu như càng bít lại, nhìn xuống dưới con đường mòn chỉ lờ mờ không rõ. Ngày và đêm lẫn lộn, thiếu nữ sởn gai ốc, nhưng không thể dừng lại, vì nhỡ đâu mế già lại đi mất thì sao.
– Chờ cháu với mế ơi! Cháu không theo nổi mế nữa rồi…!
Giọng người thiếu nữ yếu ớt đứt quãng. Bà mế đi ngày một nhanh hơn, cứ như con sóc thoăn thoắt chuyền từ cành này sang cành khác.
Người thiếu nữ nhìn về phía trước, bóng lưng nhỏ bé của bà mế khuất sau bụi cây rồi biến mất. Cô hoảng hốt chạy theo, nhưng càng chạy thì càng không thấy đường. Lúc nhìn lại, xung quanh những bụi rậm đã bít hết lối đi.
– Mế ơi! Mế đâu rồi!
Người thiếu nữ la lên trong tuyệt vọng, ngồi thụp xuống vì hoa mắt, chóng mặt và khó thở.
“Tránh cái dớp. Tránh cái dớp.”
Chợt có tiếng rít gào bên tai, như muốn xuyên thủng vào màng nhĩ cô. Âm thanh thê lương lẫn phẫn nộ làm thiếu nữ sởm gai ốc, toàn thân bủn rủn.
Bỗng nhiên, từ bên bụi cây có tiếng sột soạt, gầm gừ. Một bóng đen, đúng hơn là bóng dáng của một con vật khổng lồ chực lao về phía cô. Một mùi hôi thối, xú uế như xác chết lâu ngày nồng nặc trong không khí. Thiếu nữ bịt miệng, để không nôn mửa, đến khi định thần lại, thì kinh hoàng khi nhìn thấy cả một vết xước kéo dài từ dưới bẹn xuống đùi, theo đó máu loang ra, ướt đẫm.
Người thiếu nữ nhăn mặt, cắn răng cố ngồi dậy, nhưng trời đất như quay cuồng. Lập tức, bốn bề im lặng. Sự im lặng rợn người. Trong không gian nhờ nhờ ấy, người thiếu nữ nhìn thấy bóng lưng của bà mế, chỉ đứng cách đó một khoảng.
– Mế… mế ơi… – Những tiếng kêu yếu ớt, đứt quãng.
Thật chậm rãi, mế già quay lại, phát ra tiếng cười khanh khách. Thiếu nữ kinh hãi, không tin vào mắt mình. Trước mắt cô là một gương mặt chằng chịt vết cào, đến mức lòi hết cả da thịt, tuy nhiên vẫn thấy rõ đôi mắt mế trợn trừng, long sòng sọc. Cô lắp bắp, mế mấp máy môi, hình như muốn nói gì đó, nhưng khi mở miệng, cái lưỡi đỏ lòm liền rơi xuống.
“Bịch.”
– A!!!
Người thiếu nữ hét thảm thiết, nỗ lực đứng dậy một lần nữa, nhưng đôi chân nặng trịch như ghim chặt xuống nền đất. Người thiếu nữ dùng tay quờ quạng, thậm chí đấm liên tục vào đôi chân đang rỉ máu của mình, nhưng hoàn toàn bất lực. Đôi chân như chìm xuống lớp đất ẩm. Cô dùng tay, hối hả bới đất.
Bỗng nhiên, cô chạm vào thứ gì đó tròn tròn đang vùi sâu dưới đất. Người thiếu nữ nhấc lên, cái sọ người vẫn chưa hoàn toàn phân hủy, một mảng da tóc vẫn còn bám dính. Hai hốc mắt đã khô máu, đen kịt. Một nửa gương mặt đã thối rữa, lúc nhúc dòi bọ, không phân biệt được là đàn ông hay đàn bà.
Người thiếu nữ kinh hãi buông tay, theo phản xạ giật lùi lại phía sau nhưng lập tức vướng phải một thứ. Cô nhìn lại, một thân thể mất đầu đang nằm chình ình trên nền đất. Không những thế, xung quanh khoảng đất trống ấy, rải rác vài bộ phận cơ thể, có cái vẫn ri rỉ máu, có cái đã phân hủy, lúc nhúc dòi bọ, bốc mùi hôi thối, tởm lợm vô cùng.
Mặt cắt không còn một giọt máu, người thiếu nữ lấy hai tay bụm miệng lại vì cảm giác nôn ọe. Đồng tử cô căng ra, nước mắt giàn giục, gương mặt thất kinh.
Đột nhiên, từ phía sau, bụi cây chuyển động, một bóng đen khổng lồ từ từ xuất hiện.
– Á… Á… Áaaaaaaaa…!!!
***
Lang Trượng giật thột, tỉnh giấc giữa đêm. Xung quanh ông, bốn bề vẫn lặng ngắt như tờ. Thảng hoặc, chỉ nghe tiếng grù, grù của con chim cù đang ngái ngủ. Nhưng kỳ thực Lang Trượng đã nghe thấy thứ gì đó, chỉ là tất cả đều không rõ ràng!
– Thắp đèn lên! – Lang Trượng cất tiếng, giọng uy nghi.
Chỉ vài phút sau, ánh đèn dầu lan tỏa khắp gian nhà. Người đệ tử lặng lẽ đi vào, hai tay bưng một cái khay, trên đó đựng một cái áo thụng dài màu đen, điểm tô thêm vài họa tiết hoa lá đơn giản. Tuần trước Lang Trượng được một người dưới xuôi tặng thứ này làm kỷ niệm, sau khi ông giúp người đó tìm lại được hài cốt thân nhân. Tiếng tăm của Lang Trượng đã đồn khắp cả vùng, thậm chí có nhiều người tò mò muốn tìm hiểu, nên ngược lên Nà Hạ để gặp ông. Nhưng Lang Trượng ít khi tiếp xúc với ai, nhất là cánh nhà báo, phóng viên. Có lần, một trong những đệ tử của ông đã nói, chẳng phải những việc đó sẽ khiến tiếng lành của thầy đồn xa hơn nữa sao, nhưng Lang Trượng chỉ nhất mực lắc đầu mà không giải thích gì thêm.
– Thầy dậy sớm vậy sao?
Người đệ tử có dáng hình nhỏ bé, bẽn lẽn lên tiếng. Đó là Thạnh – một trong những đệ tử thân cận nhất của Lang Trượng. Thạnh từ từ tiến lại phía đầu chiếc trường kỷ gỗ màu nâu cánh gián, nơi ông Lang Trượng đã ngồi trực sẵn ở đó, đặt cái khay có để áo thụng xuống bên cạnh thầy mình, rồi tiếp tục đi thắp đèn ở những chỗ còn lại trong gian nhà sàn. Ánh sáng vàng đục lan tỏa khắp không gian.
Lang Trượng vẫn ngồi yên, hai mắt nhắm, miệng lẩm bẩm một câu gì đó không thành lời. Trên gương mặt cương nghị phảng phất chút căng thẳng, tựa như dư âm của cơn ác mộng ban nãy vẫn lảng vảng trong tâm trí. Người thiếu nữ đó là ai? Tại sao cô ta lại hét lên kinh hãi như thế!
Bất thình lình Lang Trượng mở mắt ra khiến cho Thạnh giật thột. Bắt gặp ánh mắt của thầy, Thạnh bối rối cúi xuống.
Thạnh nhà nghèo, được người nhà cho tới hầu Lang Trượng từ năm mười hai tuổi, thấm thoát cũng đã năm năm trôi qua. Thầy rất quý Thạnh, nhưng vì là người cẩn trọng nên Thạnh luôn giữ chừng mực, không như các đệ tử khác, có lẽ cũng vì thế mà Lang Trượng luôn tin tưởng và giao những việc quan trọng cho cậu.
– Có chuyện gì vậy thầy? Trông thầy hơi căng thẳng. – Thạnh lên tiếng hỏi.
Lúc này, Lang Trượng bình thường trở lại, mặc áo thụng vào, nhưng gương mặt vẫn chưa hết đăm chiêu.
Mãi một lúc sau Lang Trượng mới lên tiếng trả lời đệ tử.
– Một điềm báo. Ta nghĩ thế!
– Điềm báo? Thầy đã thấy gì ạ?
Lang Trượng lắc đầu.
– Ta không rõ, chỉ nghe tiếng hét thất kinh của một thiếu nữ.
Thạnh lúc này đã dâng lên thầy chén trà nhài đương bốc mùi thơm phức. Lang Trượng cẩn trọng đỡ lấy rồi khẽ nhấp một mụm, mặt dãn ra nhưng vẫn không bớt căng thẳng.
Đúng lúc đó, ngoài ngõ, một vài người đang đốt đuốc đi vào. Thạnh chẳng nói chẳng rằng chạy nhanh ra. Phía dưới nhà sàn có hai người đàn ông, có lẽ là hai bố con đang đứng, gương mặt thấp thoáng nét sợ hãi.
– Chúng tôi có việc gấp cần nhờ thầy Lang Trượng giúp? – Người đàn ông lớn tuổi hơn lên tiếng.
– Hai người có chuyện gì mà cần gặp thầy tôi gấp vậy? Trời còn chưa sáng nữa! – Thạnh nói.
Thường thì thầy Lang Trượng sẽ không tiếp ai trong khoảng thời gian này, nhưng vẻ như hai người dưới nhà đang có chuyện gấp thật!
– Nhờ cậu báo với thầy Trượng, chúng tôi cần thầy gấp! Có chuyện lớn lắm! – Người đàn ông run run nói.
– Hai người chờ ở đây, để tôi vào báo thầy! – Thạnh dứt lời bèn đi vào trong nhà để bẩm báo.
Lang Trượng vẫn đang nhâm nhi cốc trà nóng.
– Thưa thầy, có hai người bản bên tìm thầy có việc gấp!
– Cho họ vào đi!
Lang Trượng cũng phần nào đoán được cơ sự nên không hạch sách gì thêm.
Lúc này, ông đã ngồi trên chiếc phản tiếp khách quen thuộc, bên bức tường gỗ treo hằng hà sa số những bảo vật trừ tà quen thuộc – những túi khót đặc trưng để đựng bảo vật, một thanh kiếm được làm từ gỗ của cây moi, loại cây trồng trên núi cao chuyên dùng để trừ tà. Lang Trượng ngồi khoanh chân, hai tay đặt yên trong lòng, mắt nhắm chặt.
Hai người đàn ông theo Thạnh đi vào.
– Có chuyện gì mà hai người tìm tôi sớm vậy? – Lang Trượng lên tiếng, rồi ra hiệu cho hai cha con nhà nọ ngồi xuống.
– Thưa thầy. – Người đàn ông lớn tuổi hơn từ tốn lên tiếng, giọng run rẩy. – Chẳng là con có đứa con gái, đi lên rừng lấy măng, đến chiều hôm qua vẫn không thấy về.
– Đã tìm thử ở đâu chưa? – Lang Trượng hỏi, mắt vẫn nhắm nghiền.
– Người nhà con đã đi lên rừng tìm thử, nhưng không thấy! Con e là có chuyện không hay xảy ra rồi!
– Hai người có mang theo đồ vật gì không? – Lang Trượng lại hỏi.
– Dạ có ạ! – Người đàn ông lớn tuổi ra hiệu cho con lấy từ trong túi vải ra một cái áo yếm màu xanh nõn chuối, loại áo yếm mà thiếu nữ vùng này thường hay mặc.
Thạnh khẽ khàng đón lấy cái áo yếm rồi trải ra trước mặt Lang Trượng. Lang Trượng khi đó lôi từ trong túi khót ra một chiếc chuông cổ cầm tay bằng đồng, trên thân chuông có khắc mấy hoa văn kỳ dị. Đồng thời ông lôi ra một nắm xương thú nhỏ, được bện chặt bằng cây gai. Thêm một bình nước đựng trong hồ lô hô hỏ. Thạnh đưa cho thầy một nhánh lá tre tươi.
Lang Trượng cầm lấy, nhúng nhánh tre vào trong chiếc hồ lô, rồi vẩy vẩy lên yếm. Sau đó, một tay ông cầm chuông, tay còn lại cầm lấy nắm xương gà được buộc gọn, có dây treo, quơ qua quơ lại bên trên chiếc áo. Vừa lắc chuông leng keng, miệng vừa lẩm nhẩm đọc một đoạn thần chú vẻ bí hiểm lắm!
Một lát sau, Lang Trượng mở mắt ra, thoáng thất kinh hiện rõ trong ánh mắt cương nghị ấy. Gương mặt đỏ au như đồng chợt bợt bạt trong ánh đèn đùng đục.
– Lũ ma trành trong vùng Nà Thượng lại hoành hành rồi! Ta e là con gái ông khó giữ được tính mạng.
Người đàn ông mặt cắt không còn một giọt máu, kinh hãi nhìn Lang Trượng, cố nén nỗi buồn đau vào sâu trong ánh mắt đang ngân ngấn lệ, buồn rầu nói.
– Vậy mong thầy giúp chúng con tìm được xác con gái và siêu độ nó không bơ vơ giữa dương gian. Không thì tội nghiệp lắm!
[1] Có nghĩa là mẹ (cách gọi của người Mường).
==> ĐỌC FULL TRUYỆN VIỆT MA TÂN LỤC – TẬP 2 TẠI ĐÂY