VIỆT MA TÂN LỤC – TẬP 3 | CHƯƠNG VI : DẤU CHÂN DÍNH BÙN
|Giọng hát du dương, da diết này thuộc về một cô gái trẻ, nhưng Cẩm Tú chỉ biết xanh mặt, trợn mắt nhìn. Cả Khuê hay Trinh đều không biết hát, nếu không muốn nói giọng ca của hai cô bạn đều dở tệ. Cẩm Tú run lẩy bẩy, lùi người về sau rồi vội vã lay em gái. Anh Đào mắt nhắm mắt mở, nghe chị hai thở hổn hển, không hiểu xảy ra chuyện gì.
– Chị hai, đêm hôm ngồi dậy làm chi đó?
– Anh Đào, qua cửa sổ coi với chị! Có người đứng hát dưới sân nhà mình kia kìa!
– Chị hai mắc cười vậy? Có ai chui vô sân nhà mình được? Chị em mình khóa cửa kỹ càng rồi mà!
– Thì mày cứ ra xem với chị!
Cẩm Tú lôi cô em gái đang lừ đừ đứng dậy, xềnh xệch kéo ra chỗ cửa chớp. Lúc họ nhìn xuống, quang cảnh vẫn y nguyên, chỉ người là biến mất. Bóng người đứng hát dưới gốc liễu đã không còn nữa…
Cẩm Tú lúng túng gãi tai, còn Anh Đào bĩu môi vì giấc ngủ của cô bị phá đám, cất công ra khỏi giường chỉ để trông ngóng cái sân nhà vắng lặng và đèn đường lập lờ. Cẩm Tú lẩm bẩm, rõ ràng cô nghe người ta gọi mình, rồi còn cất tiếng hát ai oán, thế mà bây giờ… Đến cả Anh Đào cũng chẳng tin lời cô nữa.
– Chị hai kỳ quá! Ban ngày chị có xem phim hay nghe ai kể chuyện lung tung không mà đêm lại sợ hãi thế?
– Nhưng chắc chắn có người mà! Chị vừa thấy… – Cẩm Tú cố giải thích.
– Thôi, em buồn ngủ lắm! Chị hai cũng về giường ngủ với em đi ha.
Tuy miễn cưỡng theo Anh Đào về giường nằm, nhưng đây lại là một đêm nữa cô mất ngủ. Cứ nhắm mắt là bóng người tóc dài ấy lại hiện lên, hát đúng ca khúc cô vừa nghe nhưng chẳng chịu quay người lại để lộ mặt. Thiết nghĩ, hay cô bệnh nhỉ? Ngày xưa cô tư cũng bệnh nặng, nghe bảo cô hay thấy bóng người lạ đi lại quanh nhà, nhiều đêm trằn trọc không dám ngủ vì cứ nghe tiếng bước chân ngoài cửa.
Ấy vậy, Cẩm Tú thấy trong người rất khỏe, không có chỗ nào khó chịu cả. Ăn uống ngon miệng, ngày ngày đi chơi với hai cô bạn đều đặn, chỉ có hai hôm nay khó ngủ do nghe thấy tiếng gọi trong lúc yên giấc. Giờ làm sao đây? Kể cho bà Mơ, chắc chắn bà sẽ nói đám Khuê với Trinh dọa nhau vớ vẩn thôi. Nhỡ trong người bệnh mà cô không biết, lại phải đợi ba mẹ đến đón đưa đi bệnh viện lớn trên thành phố kiểm tra, lúc ấy bao giờ mới quay lại xóm chơi được?
Nằm nghĩ miên man, Cẩm Tú lại trưng cặp mắt thâm quầng đến tận sáng. Thấy cô cháu gái uể oải hơn cả hôm qua, bà Mơ không giục Cẩm Tú nữa, nhờ Anh Đào mang đồ ăn sáng lên tận giường cho chị. Anh Đào sờ trán chị, thân nhiệt hoàn toàn bình thường, người không sốt hay bị lạnh. Anh Đào toan quay đi gọi bà Mơ thì Cẩm Tú chộp tay em, kéo lại.
– Đừng nói chuyện đêm qua cho bà nghe mày!
– Nhưng lỡ chị bệnh thì sao? Em báo để bà còn gọi cho ba mẹ chứ!
– Chị không sao, chị ngủ một giấc là khỏe.
– Vậy chị vẫn không khỏe là em méc ba mẹ nha!
Cẩm Tú ngồi dậy cố húp vài thìa cháo nóng, rồi nhờ Anh Đào mang xuống vì cô không đói. Cả ngày, Anh Đào với Vân Vân ở dưới nhà chơi, để Cẩm Tú nằm nghỉ một mình. Hôm nay, lạ là đám Khuê với Trinh không tạt qua ới Cẩm Tú một tiếng. Cẩm Tú nghĩ, chắc nãy bà Mơ đi chợ, gặp hai đứa ấy nên dặn không qua nhà rồi.
Ngủ cả ngày ngon lành, Cẩm Tú thấy trong người khỏe khoắn hơi đôi phần, bù lại cho hai đêm chập chờn. Bà Mơ hình như dẫn Anh Đào với Vân Vân ra ngoài cổng chơi nên dưới nhà im ắng. Cẩm Tú nhìn đồng hồ, tròn mắt vì đã năm giờ chiều; cô vội bật người dậy, đi lấy quần áo và tắm rửa qua loa. Một ngày không được ra chỗ bờ suối lội nước, Cẩm Tú cứ có cảm giác thiếu vắng và buồn chán.
Ở bếp, thức ăn đã có sẵn trong nồi, chỉ chờ đến giờ ăn đun lại cho nóng. Cẩm Tú đi ra sân vươn vai một chút, đứng lặng ngắm hoàng hôn nơi vùng trời chuyển màu tím đỏ, chấm phá vài nét màu vàng xen kẽ. Được ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp ở bên con suối hẳn còn thi vị hơn nữa!
Cẩm Tú định ngồi xuống chỗ gốc cây liễu thì phát hiện có dấu bùn trên tấm gạch lát màu đỏ. Hôm nay, Cẩm Tú không trốn ra suối với Khuê và Trinh, quanh xóm cũng chẳng có ao hồ, sao lại có bùn trong sân? Cẩm Tú khom người nhìn kỹ, thấy đây là dấu chân người, thậm chí hẵng còn ướt nước và mùi ngai ngái khó chịu. Dấu chân không quá lớn, có lẽ là của ai đó mang tạng người giống Cẩm Tú. Cô cau mày, thử ướm chân bên cạnh, giật nảy người khi thấy dấu chân gần như vừa khít. Không! Chắc chắn không phải dấu chân của cô! Nhưng quanh đây, có mấy ai cùng tuổi với cô mà ra vào nhà bà Mơ đâu?
Theo phản xạ, Cẩm Tú đưa mắt một vòng; ngoài ba bà cháu đang ở ngay ngoài, làm gì có ai dám ngang nhiên bước vào sân nhà?! Mà, nếu người ngoài bước vào, chẳng phải ở cổng cũng xuất hiện dấu chân ướt hay sao?
Mùi ngai ngái từ dấu chân xộc lên, trở thành một mùi tanh nồng đến phát ói. Cẩm Tú ôm miệng, ruột gan cồn cào như ăn phải thức ăn hỏng nhưng tuyệt nhiên không thể nôn ra bất cứ thứ gì. Cùng lúc, chân cô có cảm giác ngứa râm ran, nhưng cô không định hình nổi vị trí nào chính xác để gãi cho hết ngứa. Cẩm Tú cứ thế đứng giậm chân một lúc, mặt mày khó chịu, mãi mới xua tan được sự bức bối kia. Quái thật! Cô còn chưa chạm chân vào bùn kia mà, mới chỉ đặt gần bên cạnh thôi!
Cẩm Tú thở mạnh, vô thức nhớ lại lúc ba giờ sáng; hình như, bóng người đó đứng ở đúng vị trí này. Cô vội vã chạy lên phòng Anh Đào mở cửa chớp, cố hình dung khung cảnh đêm qua. Không sai! Dấu chân dính bùn ở dưới cây liễu là của người đứng hát ấy!
Sợ hãi, Cẩm Tú lao ra khỏi cổng, gọi bà Mơ và các em vào sân. Trông vẻ hớt hải, bà Mơ cũng cuống cuồng đi theo cháu gái tới dưới gốc cây liễu. Cả bốn người chúi đầu xuống chỗ Cẩm Tú chỉ tay, nhưng cô nhận lại toàn những cặp mắt ngơ ngác.
– Bà thấy không? Có dấu chân người ở đây nè! – Cẩm Tú chỉ trỏ không ngừng.
– Chị hai, em không thấy gì hết trơn! – Anh Đào lắc đầu.
– Chị hai chỉ tay vào cái chi đó? – Vân Vân chớp mắt hồn nhiên.
– Bà, bà cũng không thấy sao?!
– Bà mắt kém, nhưng không đến mức không nhìn được. Chỉ là, bà không hiểu con đang nói đến dấu chân nào…
Cẩm Tú lặng người. Không như bóng người đứng hát biến mất ngay khi cô dựng Anh Đào dậy, dấu chân ấy vẫn rõ mồn một trước mắt, song bà Mơ và hai em gái của cô đều khẳng định họ chẳng thấy gì ngoài gốc cây khô khốc. Cẩm Tú mím chặt môi, rồi xua tay, đáp qua quýt là mình nhìn nhầm và đánh trống lảng sang giờ ăn tối.
Suốt bữa ăn, bà Mơ gặng hỏi cháu gái nhưng Cẩm Tú từ chối trả lời, chỉ nhìn chăm chăm vào bát cơm chan đầy. Anh Đào định kêu bà Mơ gọi điện báo ba mẹ một tiếng thì Cẩm Tú gạt đi, mắng em gái trẻ con khi chuyện cỏn con mà cũng phải làm phiền ba mẹ bận công chuyện.
– Thôi, tối cho Vân Vân xuống ngủ với bà. Con về phòng riêng, không cần ru em đâu, bà dỗ cho!
– Ơ, thế con phải ngủ một mình à? – Anh Đào chưng hửng.
– Con lớn rồi, học ngủ một mình như chị hai đi!
Cẩm Tú không hé môi nửa lời, cứ tần ngần đi vào phòng, khóa chặt cửa. Cô thở dài, trượt lưng trên cánh cửa ra vào rồi vùng mình nằm xuống chiếc giường thân quen. Hiện tại, không chỉ giọng hát trong màn đêm mà còn có dấu chân dính bùn dưới gốc cây thay phiên nhau tìm đến đeo bám tâm trí cô.
Cẩm Tú ép mình ngủ tiếp bằng cách nhẩm đếm số trong đầu. Cô nằm một mạch đến khoảng năm giờ sáng, cảm thấy có chút an tâm khi đêm qua không có tiếng đồng hồ hay giọng nói kỳ lạ đánh thức mình. Là lạ giường thật, cô tự nhủ. Còn sớm nhưng Cẩm Tú thấy đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, tâm trạng cũng đỡ hơn nhiều.
Cô xuống bếp chuẩn bị bữa sáng thay bà Mơ, trong lúc lấy quả trứng ở tủ lạnh thì thấy thấp thoáng bóng người ở ngoài cổng, thông qua ô cửa kính của nhà bếp. Cẩm Tú cau mày, đặt trứng vào rổ rồi tất tả chạy ra. Là Khuê! Nhưng chắc do bình minh chưa lên hết, Cẩm Tú thấy da bạn trắng ởn, hai mắt không chớp vô hồn, không giống với Khuê hoạt bát mọi ngày. Khuê nắm thanh sắt của cánh cổng, đầu móng tay cụt lủn, dính đầy bùn đất.
– Khuê đấy à? Bồ qua sớm thế?
Cẩm Tú vớ chìa khóa định ra mở cổng, lại thấy Khuê buông thõng tay, lặng lẽ quay người bước về phía bên phải. Nay Khuê mặc chiếc áo sơ mi xanh kẻ trắng cài cúc cổ với quần bò, nhưng Cẩm Tú ngờ ngợ. Hình như hôm kia Khuê cũng mặc đồ y chang khi đi chơi với cô và Trinh. Dự cảm không lành, Cẩm Tú mở khóa cổng, chạy ra con đường mòn của xóm, thấy bạn đã đi được một đoạn, tiến về hướng nhà Khuê.
Cẩm Tú hối hả chạy theo sau. Đến một ngã rẽ, Khuê bất ngờ bước nhanh hơn khiến Cẩm Tú mất dấu. Cô gồng người tăng tốc, rồi lại thấy mình đứng giữa ngã ba không người vắng vẻ. Sao Khuê có thể đi nhanh như vậy? Con nhỏ chẳng dám bơi, chân tay luống cuống mà lại chạy nhanh hơn Cẩm Tú? Thật vô lý!
Càng đi, lồng ngực của Cẩm Tú càng thêm nặng, như ai đó đang bóp nghẹt trái tim đến khó thở. Con đường tới nhà Khuê, Cẩm Tú đã đi cả chục lần, nhưng đây là lần đầu cô đi vào lúc sáng sớm, khi sương còn dày đặc, mịt mờ và bầu không khí lạnh đến tê tái. Cẩm Tú xoa xoa tay vào với nhau, rồi xoa mạnh lên hai vai cho đỡ lạnh. Ngôi nhà của Khuê hiện ra, cách đúng vài bước chân nữa.
Cổng khóa trái…
Cẩm Tú hoang mang. Ba mẹ Khuê không có nhà! Lặng lẽ lùi lại, Cẩm Tú vấp phải một vật lớn nằm giữa đường, ngã sõng soài. Cô chống tay định ngồi dậy thì thấy một tấm chiếu rách đang phủ lên thứ vừa làm cô ngã. Rõ ràng vừa nãy không có gì, mà quanh cô cũng không có ai qua lại! Đúng lúc này, từ chiếc chiếu rách, một dòng nước đục ngầu chảy ra, kèm theo mùi tanh tưởi, rất giống mùi của dấu chân Cẩm Tú đã thấy hôm qua.
Cẩm Tú rón rén hất chiếc chiếu lên, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Một cánh tay bị bẻ ngược, da phồng lên, thò ra túm cổ tay cô.
– Aaaaaaa!
Cô thét lên, mặt cắt không còn giọt máu, vội đạp lia lịa rồi vùng người chạy về phía ngược lại. Cẩm Tú cắm đầu chạy sang phía nhà ngoại Khuê ở đối diện. Vừa bám lấy cánh cổng, Cẩm Tú nghiến răng nghiến lợi quay đầu nhìn thử – chỉ có một vũng nước trước cổng nhà ba mẹ Khuê, không có tấm chiếu rách hay cánh tay bị gãy nào.
Trong nhà ngoại Khuê chợt vang lên tiếng kêu khóc và gào thét đau đớn, khiến Cẩm Tú run rẩy.
“Ối trời ơi! Khuê ơi là Khuê! Sao con bỏ ngoại mà đi Khuê ơi?! Khuê ơi… con tỉnh lại đi…!”
Cẩm Tú chậm rãi đẩy cánh cổng khép hờ, từ tốn bước vào. Trên thềm có bốn, năm người lớn đang đứng chắp tay lắc đầu, còn dưới sàn nhà, ngoại của Khuê đang khóc lóc, người nghiêng ngả bên cạnh một cái chiếu rách phình lớn.
Người lớn rầm rì với nhau, nằm dưới cái chiếu kia là xác của Khuê. Lúc được tìm thấy, trên người Khuê mặc chiếc áo sơ mi xanh kẻ sọc trắng và quần bò…
==> Đọc trọn bộ Việt Ma Tân Lục tại đây