TÔI LÀ MỘT CON NGHIỆN TỪ NGỮ
|Bạn có bao giờ cảm thấy cực kỳ thỏa mãn khi đọc được cụm từ mới rất hay mà chưa từng nghe qua, và nghĩ đến việc sẽ dùng nó như thế nào?
Nếu có lỡ quên mất một từ, bạn có nhu cầu khẩn thiết phải tìm cho ra nó để diễn tả chính xác nhất suy nghĩ của mình?
Khi nghe nhạc, xem phim, bạn hay để ý đến lời bài hát và những trích dẫn, để ghi nhớ và tâm đắc?
Bạn thích tìm hiểu nguồn gốc của từ, so sánh sắc thái các từ, và đặc biệt ưa thích những trò chơi chữ?
Chúc mừng, rất có thể bạn đã mang trong mình Logolepsy – Chứng nghiện từ ngữ. Nhưng đừng lo lắng gì cả, vì tôi cũng giống bạn.
Tôi phát hiện ra sự mê đắm của mình qua một bài viết nào đó trên mạng mà đáng tiếc là đến bây giờ không thể tìm lại được; trong bài viết đó, người ta liệt kê một loạt những hội chứng nghe lạ tai nhưng thật ra lại có ở rất nhiều người trên thế giới. Logolepsy chỉ là một trong số đó, nhưng đương nhiên tôi nhớ nó nhất. Từ trước tới nay, người ta mặc định tôi là đứa thích đọc sách, thích viết, hay sưu tập mấy câu trích dẫn, hoặc cầu kỳ trong ăn nói, ừ thì cũng đúng đấy, nhưng tôi biết có điều gì còn hơn như thế nhiều. Những biểu hiện của tôi quá cụ thể để bị gán cho những cái mác chung chung, việc đấy giống như mắc căn bệnh mà người ta chỉ có thể điều trị triệu chứng chứ không có thuốc chữa dứt điểm vậy! Thế nên, khỏi phải nói tôi đã hài lòng thế nào khi tìm được cụm từ miêu tả chính xác về mình.
Tất cả những điều này có nghĩa gì? Tôi không nói ra điều này chỉ để khoe về một từ mới hay tuyên bố về chứng nghiện của bản thân. Đây là một lời nhắn gửi đến những “con nghiện từ ngữ” – hãy tự hào đi, bởi thật ra bạn đang sở hữu một kho báu đấy!
Tiếng Việt rất đẹp, rất phong phú, và tôi hài lòng với việc có hẳn một bộ sưu tập những đại từ nhân xưng để xưng hô với người đối diện, sao cho đúng với độ tuổi, vai vế và thậm chí cả hàm ý của mình nhất. Nhưng, khi cần diễn tả những khái niệm khoa học, tôi khó mà tìm được từ đại diện chính xác cho những gì mình muốn đề cập trong tiếng mẹ đẻ, không kể đến những đoạn chuyển nghĩa dài dòng. Đó là một trong những lý do tôi tìm đến ngoại ngữ. Chính nỗi ham muốn diễn đạt “Người bị hấp dẫn và kích thích bởi trí thông minh của người khác” có thể dẫn bạn đến từ “Sapiosexual” trong tiếng Anh, hay “Cảm giác rung động và ấm áp mà tác phẩm nghệ thuật mang đến” sẽ giúp bạn khám phá ra “Duende” trong ngôn ngữ của đất nước đấu bò tót. Có đến hơn 7000 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, bạn không cần phải biết hết chúng, nhưng hãy cho phép cơn nghiện từ ngữ thúc đẩy bạn bước ra khỏi vòng tròn nhàm chán của những câu chữ quá quen thuộc và giản đơn.
Tôi đã từng được nghe một bài thuyết trình thú vị về cách từ ngữ ảnh hưởng đến lối tư duy của ta*. Tôi mạn phép dùng chính một trong số nhiều ví dụ mà diễn giả đã đưa ra, vì đó là kết quả có được qua khảo nghiệm thực tế, chứ không phải chỉ là một cảm nhận cá nhân. Chẳng hạn, trong những ngôn ngữ mà danh từ có mang “giống loài”, cách người nói nhìn nhận và sử dụng một từ nhất định cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào việc nó là giống đực hay cái. Trong tiếng Đức, từ “cây cầu” thuộc giống cái, còn trong tiếng Tây Ban Nha lại mang giống đực. Vậy nên, khi được yêu cầu miêu tả “cầu”, người Đức thường sẽ sử dụng tính từ như “đẹp”, “thanh lịch”, và những người bạn nói tiếng Tây Ban Nha đa số sẽ chọn từ “rộng dài” hay “vững chắc”. Ấy là phương thức ngôn từ hình thành thói quen tư duy, mà khi ta nắm được, ta hiểu sâu sắc hơn vì sao người này dùng từ này, người kia dùng từ kia, và khi đến lượt mình, ta có thể giành quyền điều khiển và biến hóa, để làm mới và thỏa mãn chính mình.
Từ ngữ mang sức mạnh vô cùng. Nó có thể đặt nụ cười trên môi hay làm cho nước mắt bạn lăn dài trên má. Nó có thể làm hại đến người khác, nhưng cũng có thể hàn gắn vết thương của họ. Là một con nghiện của từ ngữ, tôi như một kẻ lang thang tìm nhặt những con chữ nhét đầy túi, tôi cố gắng suy xét màu sắc và sức nặng của chúng, để rồi dùng đến chúng một cách trân trọng và xứng đáng nhất có thể.
Nói thế nào nhỉ, tôi là một con nghiện có tâm.
Leona Nguyen
#byleonanguyen
* Tham khảo bài thuyết trình “How language shapes the way we think”, Lera Boroditsky, www.ted.com./