[truyện ngắn] MÀU 20
|Nàng nhìn bà cụ hàng xóm, từ cửa sổ bên này nhìn sang. Có một loại sức hút mãnh liệt nào đó từ người đàn bà già, từ đôi mắt leo nheo nhìn vào hư không, từ đôi chân teo lại đầy tật nguyền gắn chặt vào chiếc xe lăn, mà nàng đã thấy mình đi xuống ngồi cạnh bà cụ một cách đầy tự nhiên. Hai người phụ nữ của hai thế hệ chào nhau bằng một nụ cười.
– Sáng nào con cũng thấy bà ngồi đây?
– Ở tuổi này, không ngồi đây thì cũng ngồi đâu đó, vào buổi sáng thì bà tìm một chỗ tốt để ngồi.
Bà cụ vừa chuyển đến đây ít hôm trước, có lẽ chưa đến một tuần. Có điều bà ở một mình, một mình ở tuổi này…
– Con bao nhiêu tuổi rồi? – Bà cụ hỏi trong khi đôi mắt lướt đi chậm rãi trên khuôn mặt nàng.
– Dạ 20, khoảng vài tuần nữa con sẽ được 20. Hồi 20 tuổi chắc bà đẹp lắm.
Nhìn vào sâu đằng sau lớp da nhăn nheo và chảy ra của tuổi già, nàng nhận ra được một dung nhan có lẽ đã từng rất mặn mà thời trẻ. Những đường nét rõ ràng của chiếc mũi thon và khuôn miệng đẹp có phần móm lại vì răng không còn, đặc biệt là ánh mắt gợi cho nàng một linh cảm, hay chỉ là tưởng tượng đầy tính phiêu lưu của tuổi trẻ về câu nói của người đời “hồng nhan bạc phận”. Mắt nàng dừng lại chỗ đôi chân và thấy tay bà cụ cũng vân vê trên đó.
– Tuổi 20 người ta luôn đẹp, con cũng vây, tuổi 20 rất đẹp.
Bà cụ rời mắt khỏi nàng ở cuối câu nói, ánh nhìn chuyển sang vườn cây cối um tùm trước nhà. Nàng nhìn theo và thoáng động lòng, dường như phía trước là cả một kỉ niệm. Một người ngày ngày vẫn ngồi lặng im giữa dòng đời thì có bao giây phút là vui vẻ hay sung sướng, nếu không đau đớn thì là tiếc nuối ngồi hoài niệm những năm tháng không thể quay trở lại. Sao ngày 20 tuổi nàng đã nhìn thấy mình già khọm và mong manh ở thời tương lai?
Trước khi bước xuống bắt chuyện với bà cụ, nàng đang uể oải nằm trên giường nhìn vẩn vơ ra bên ngoài cửa sổ. Bầu trời xanh và thoáng đãng nhưng đôi mắt nàng chỉ chú ý đến vệt mây mỏng không ra hình thù gì, nhìn thật lâu nàng lại thấy nó xám lại rồi đen kịt. Khi chớp mắt rồi nhìn lại, nàng nhận ra vệt mây vẫn trắng tinh khôi và vô hại, nàng đâm ra bực dọc vô cớ. Cái khó khăn nhất, là chính nàng cũng cảm thấy mình là cái nhịp lỗi nào đó trong bản nhạc tuổi trẻ này. Mà nguyên nhân là gì, nàng cũng không tìm thấy lý do nào hợp lí hơn là chính bản thân nàng. Nghĩa là chẳng có nguyên nhân khách quan nào, chỉ có một bản thân rệu rã ý chí và phương hướng, hoặc, chính là sự e ngại dấn thân, sự nhút nhát không hề có ý nghĩa. Thế là cùng với cái tâm trạng nhăn nheo này, nàng đã đi đến bắt chuyện với một người già mà nàng cho là chắc cũng không khá hơn mình.
Bà cụ lặng thinh một lát trước khi tiếp tục.
– Con thì sắp bước sang tuổi 20, còn bà thì chắc cũng chỉ vài tuần nữa là kết thúc tuổi tác của mình.
– Sao bà lại… – Nàng giật mình.
– Có gì đâu con, già cả và bệnh tật là như là hai thứ gắn liền với nhau. – Bà cụ cười nhẹ. – Sau này đến tuổi bà con sẽ hiểu, người già biết rất rõ khi nào thì mình sắp chết.
– Lúc còn trẻ bà đã làm nghề gì thế? – Nàng hỏi luôn một câu không mấy hợp lý trong hoàn cảnh này, nhưng nàng thấy bà cười.
– Bà làm nghề giáo, cũng không làm lâu lắm.
– Đúng thật…
*
Cứ thế những ngày tiếp theo họ trở thành bạn trò chuyện với nhau mỗi buổi sớm. Người ta tự hỏi rằng một cô gái trẻ và một bà lão thì có những chuyện gì để nói với nhau. Mặc kệ là chuyện gì, nàng nghĩ, đôi khi người ta nhìn thấy và bắt gặp trong nhau một điều gì đó mà họ trân trọng. Với nàng, bà cụ là một hình ảnh tươi đẹp nào đó của cuộc đời. Bà cụ đang chờ cái chết một cách bình thản.
Những buổi sáng sau đó nàng sang, bà mang cái máy cát cassette cũ ra và hai bà cháu trò chuyện trong tiếng nhạc, có cả những bài khá là “xập xình”. Và có những lúc nàng sang, bà cụ đang hí hoáy viết vào một cuốn sổ, nàng tưởng là nhật kí, nhưng bà bảo là tiểu thuyết, bà đang viết tiểu thuyết, khi nào xong bà sẽ cho nàng đọc trước khi bà gửi đến nhà xuất bản.
Nàng cười, nhưng rồi lại thấy xót xa. Lúc trước bà bảo chắc chỉ còn vài tuần nữa, và giờ thì bà đang sống như còn cả một cuộc đời dài phía trước. Còn nàng, người đang ở tuổi thanh xuân thì cứ loay hoay trong sự chán nản…
*
Vào một buổi sáng nọ, bà cụ ngạc nhiên nhìn nàng đỗ chiếc xe máy ở trước sân nhà bà, một chiếc xe máy ở phía sau gắn đủ thứ linh tinh. Khi bà cụ nhận ra nàng định làm gì tiếp theo, bà cụ đã thấy mình ngồi lên chiếc xe máy, chiếc xe được gắn rất thủ công những lưng tựa, chỗ để chân và cả dây an toàn cho bà. Nàng nổ máy và hét lớn: “Bà cháu mình đi phượt nào!!”
Nàng để xe ở bãi và cõng bà cụ ra bờ biển. Họ đã đi dạo trên xe máy cả một ngày, dừng lại ở vài nơi, ngắm nhìn phong cảnh. Nàng thao thao bất tuyệt như một hướng dẫn viên thực thụ chỉ bằng những gì nàng tìm hiểu trên mạng và qua một vài người bạn. Bà cụ không nói gì nhiều ngày hôm nay, chỉ gật đầu và mỉm cười nghe nàng giới thiệu hết thứ này đến thứ khác. Bây giờ thì họ ngồi trên bờ biển, trời chiều còn xót lại những tia nắng cuối ngày, nàng lấy điện thoại ra và chụp ảnh hai bà cháu, trong bức hình bà cụ cười và đưa hai ngón tay lên thành hình chữ V.
– Bà biết cái này hả? – Nàng ngạc nhiên đến phì cười.
– Bà cũng có coi ti vi mà.
Hai bà cháu cười, âm thanh lanh lảnh dội vào tiếng gió và tiếng sóng.
– Bà mệt không?
– Mệt. Một bà già gần chết đi ngoài đường cả một ngày mà. Nhưng mà không sao, chịu không được thì bà sẽ nói. Giờ có chết ngay lúc này cũng không sao. Cảm ơn con gái!
Đôi bàn tay nhăn nheo cầm và bóp lấy tay nàng. Nàng xiết lấy như đáp lại
– Thực ra con mới phải cảm ơn, chắc bà không biết, nhờ có bà mà lần đầu tiên trong đời con cảm thấy mình thực sự đang ở tuổi thanh xuân…
– Tuổi trẻ… – Đôi mắt bà cụ lại mang ánh nhìn xa xăm. Tuổi trẻ của bà chính là đôi chân tàn phế này. Ngày bà mất đôi chân, bà còn định tự tử, nhưng mà lúc đấy cũng sợ chết. Thế là vẫn phải sống và nghĩ là không còn mất mát gì to lớn hơn nữa, sống mạnh mẽ hơn gấp đôi gấp ba lần. Rồi bà thi sư phạm, ra trường dạy được ít lâu thì đi xung phong, cái gì cũng làm qua, chỉ bằng nửa thân trên, còn hai chân chắc là nằm im đấy mà cổ vũ…
Bà kể, rồi kể, lần đầu tiên nàng nghe câu chuyện cuộc đời bà. Bà gặp ông thế nào; họ yêu nhau rồi làm đám cưới rồi chia ly thế nào; rồi bà hay tin ông hi sinh; rồi chiến tranh khốc liệt ra sao. Có đoạn nàng nghe mà cứ thế ôm mặt khóc òa. Bà ngồi bên thì cười, bảo là lúc đó cũng khóc cạn cả nước mắt rồi, giờ có ngồi nhớ lại cả lúc vui lúc buồn cũng chỉ biết cười.
Nàng dựng lều và để hai bà cháu nghỉ lại. Đến sáng nàng chở bà về vì bà kêu mệt.
*
Một tuần sau đó bà cụ mất, lặng lẽ và tự nhiên như lúc nàng gặp bà lần đầu, nàng đau lòng nhưng thôi không muốn xót xa nữa vì bà bảo thế. Nàng tự hỏi liệu cái chết đến không bất ngờ thì có bớt đau đớn và tiếc nuối hơn không? Dù bà nói rằng bà không sợ nó, nhưng cái cách bà sống nhiệt tình và vui vẻ những ngày cuối đời thế nói với nàng rằng bà chưa bao giờ muốn từ bỏ cuộc sống này. Đột nhiên nàng thấy bà cụ như một bà tiên, xuất hiện vào lúc nàng cảm thấy khó khăn và cho nàng một điều gì đó như là phép màu, như cái lúc nàng bắt tay vào “thiết kế” và “lắp đặt” chiếc xe, bắt tay vào kế hoạch đi du lịch cùng với bà, cho bà cũng là cho chính bản thân nàng. Chưa bao giờ nàng thấy mình được sống nhiệt huyết như lúc đó. Nó đã bắt đầu và sẽ không kết thúc, nàng tin vậy, vì giờ nàng thấy mình đang trên đường tới trường với một tâm trạng hoàn toàn khác. Trời thì đang mưa. Tất nhiên tới trường không phải chỉ để học.
Trước đây nàng từng nghĩ thế này, cầu vồng có bảy màu, rất đẹp, còn mưa thì không có màu, nàng vẫn thấy đẹp lạ thường. Bây giờ, dù sao, tuổi trẻ của mình nàng vẫn mong có màu của cầu vồng, rực rỡ tuyệt vời. Ngày hai mươi tuổi, nàng sẽ để mưa rơi trên đầu. Ngày hai mươi tuổi, tôi thấy mưa rơi trên đầu. Ngày hai mươi tuổi, bạn cứ để mưa rơi trên đầu, sau đó tuổi trẻ của bạn sẽ có màu của cầu vồng.
THANH TRÚC
=> Đọc thêm: Những ngón tay buồn