[ Bình luận] HỘI HÈ MIÊN MAN – Hemingway

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...

“Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân, thì cho dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn luôn ở trong bạn, bởi Paris là một cuộc hội hè miên man.”

Tôi không nhớ rõ ràng, Ernest Hemingway đã mở đầu câu chuyện về ký ức của mình bằng cách nào. Nhưng tôi dám chắc rằng, khi ấy ở thuở ban đầu, Paris trong họ “rất nghèo và hạnh phúc”.

Cuốn tiểu thuyết – hồi ký hệt như một bộ phim tài liệu, những thước phim tài liệu hiếm có về Paris thập niên 20 của thế kỷ trước. Sự hiếm hoi ở đây không hẳn là những giá trị về lịch sử của một thời vàng son khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, cùng với đó là sự giàu có của hàng loạt các nước tư bản. Khi ấy, thiết nghĩ thế giới lúc bấy giờ trở nên xa hoa hơn bao giờ. Nhưng thước phim mà tôi muốn nói ở đây là thước phim về những “con người” ấy, những con người của văn chương, nghệ thuật, của những vũ điệu, của rượu bourbon hay nhạc Jazz…

hoi he mien man
Ảnh minh họa

Ở thủ đô Paris hoa lệ mới chuyển mình ra khỏi chiến tranh, thế hệ mất mát của Hemingway đã “sống”. Có lẽ đã thực sự được sống. Sự sống ở đây không được hình tượng hóa lên thành một thứ mỹ miều hoa lệ. Nó dung dị, chậm rãi như lối viết văn tinh gọn, chính xác của ông, hay đúng hơn là ông đã giấu mình sau những hình tượng đó, để rồi sau này ta được đọc một câu chuyện về chuyến săn lùng con cá kiếm vĩ đại của cuộc đời.

Hay chính xác hơn đó là một câu chuyện sống sót. Họ đã sống sót, sau chiến tranh, bom rơi, lửa đạn, bệnh dịch…để cùng nhau hiện thực hóa bữa tiệc “hội hè miên man” của đời mình. Và chính thế hệ ấy đã sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, những người làm nghệ thuật vĩ đại, mà hơn 50 năm về sau, ở thế hệ chúng ta vẫn nhắc tới họ như những biểu tượng tráng kiện của một thời. Đó là, Gertrude Stein, Ezra Pound, Sylvia Beach, James Joyce, T.S. Eliot và Scott Fitzgerald…vân vân.

Điểm đáng chú ý hơn nữa trong cuốn sách này, có lẽ đó chính là sự ưu ái của Hemingway dành cho người bạn thân của mình. Scott Fitzgerald hay Gatsby vĩ đại thuở nào.

Thông qua hình ảnh của Scott Fitzgerald, có thể thấy Hemingway đã phản chiếu qua hình ảnh con người vĩ đại ấy với những lý lẽ ngắn gọn, chính xác. Đó là sự đam mê của tuổi trẻ, nhiệt thành, sự “sống” hết mình, để rốt cuộc sau cùng chỉ tìm cho mình một ý nghĩa để tồn tại mà thôi. Sống là khi ta “cắt”, “xẻ” những khoảnh khắc, mà những khoảnh khắc ấy phải là những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất đời mình. Và dĩ nhiên, chẳng có gì là vĩnh cửu, mọi thứ sẽ phủi bụi thời gian, những huy hoàng ngày nào hãy chỉ còn trong hồi ức.

Sau này, Scott đã hiến đời mình cho rượu, cuộc hôn nhân đổ vỡ, hay chính bản thân papa Hemingway của chúng ta – người đã sống trọn những tháng năm “nghèo” mà hạnh phúc ở Paris cũng đã dí súng vào đầu mình, bóp cò trong căn nhà của mình. Không có gì là tồn tại vĩnh cửu cả, quan trọng là chúng ta đã sống trọn vẹn những năm tháng ấy với nhiệt huyết, đam mê cháy bỏng của đời mình mà thôi.

“Không bao giờ có kết thúc với Paris và kỷ niệm của mỗi người, những ai từng sống trong thành phố này, không ai giống ai. Chúng ta luôn quay lại đó cho dù chúng ta có là ai, hay thành phố có đổi thay thế nào đi nữa, và dù có những khó khăn, hay thuận lợi, thành phố vẫn nằm trong tầm tay. Paris luôn xứng đáng với điều đó, và ta được nhận đầy đủ cho những gì ta dâng tặng nó. Nhưng Paris đây là của thuở ban đầu, khi chúng tôi còn rất nghèo và hạnh phúc.”

Nguyên Nguyên

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...

Add a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *