CÂU CHUYỆN ĐẦU TIÊN

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Tôi không nhớ rõ là mình đã kể câu chuyện đầu tiên của mình theo cách nào? Bằng việc ghi chép lại một diễn biến, một hoạt cảnh trong đời sống thường ngày. Hình ảnh của mẹ tôi đang ngồi cặm cụi bên bàn khâu hay tiếng ho sù sụ của cha tôi mỗi khi mùa Đông về. Chẳng thể nhớ nổi những chi tiết, nhưng tôi thường thiên về những suy nghĩ ám ảnh hơn. Đó là khi tôi sợ mình bỏ quên quá nhiều thứ.

Khi ấy, tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu bằng công việc ghi chép. Viết nhật ký là một cách hay để lưu giữ lại những cảm xúc, một hoạt cảnh trong cuộc sống hằng ngày. Tôi nhớ mình đã bắt đầu viết nhật ký từ năm học lớp bốn. Từ việc viết những thứ ngô nghê, vui tươi hay thậm chí là cảm giác bực tức một ai đó trong những trang giấy cũng được coi là một biện pháp để giảm căng thẳng, hay thỏa mãn một thứ gì đó trong lòng, mà tới giờ tôi cũng chẳng thể nào định nghĩa nổi. Có những người đã tới với việc viết văn như thế. Và, tôi cũng vậy.

Haruki Murakami viết câu chuyện (tiểu thuyết ngắn) đầu tiên của mình năm ông 29 tuổi. Có người bảo rằng, trước đó ông chưa từng nghĩ tới chuyện sẽ đi theo con đường viết văn, trở thành một người viết văn, người kể những câu chuyện. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự việc không hoàn toàn đúng như thế. Haruki tốt nghiệp ngành sân khấu của đại học Waseda, Tokyo, cha mẹ ông đều là những người có dính dáng tới văn chương, nghệ thuật. Từ nhỏ ông đã dành rất nhiều thời gian để đọc những tác phẩm của Kurt Vonegurt, Raymond Carver hay Richard Brautigan. Ngoài ra, ông còn có niềm đam mê lớn với âm nhạc, đặc biệt là nhạc Jazz, nguồn cảm hứng bất tận để ông viết lên những trang văn thấm đẫm chất âm nhạc đầy sự ngẫu hứng ấy, nếu ai đọc Phía nam biên giới, phía tây mặt trời thì đều biết tới điều đó. Kazuo Ishiguro cũng cho rằng, đó là tiểu thuyết hay nhất về nhạc Jazz.

Thiết nghĩ, chẳng ai “nghiễm nhiên” hay “vô tình” trở thành một nhà văn, hay theo nghiệp viết lách cả. Ngay trong một bài đăng với tiêu đề “So What Shall I Write Abouts?” (tạm dịch: Vậy thì tôi nên viết gì đây?) phỏng vấn Haruki thì ông đã nói rằng, ông nghĩ nhiệm vụ đầu tiên của một nhà văn là đọc thật nhiều tiểu thuyết. Vậy nên, tôi thường nghĩ tới một quá trình. Một quá trình mà bạn phải đọc thật nhiều cuốn sách, nghe thật nhiều bản nhạc, xem thật nhiều bộ phim ở các lĩnh vực khác nhau.

Một quá trình mà bạn tự chuẩn bị cho mình bằng những việc nhỏ nhặt nhất để cho tới một ngày, bạn đủ can đảm cầm bút lên, đặt tay lên bàn phím và kể câu chuyện đầu tiên của mình, bằng tất cả những cảm xúc được gom góp, tích lũy.

 

Nguyên Nguyên

=>>Đọc thêm:

https://nhom40.com/tac-gia-nguyen-nguyen-nhom-4-0/

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...