ĐÓN NHẬN KHEN – CHÊ BẰNG CÁI ĐẦU LẠNH!
|Gửi cả nhóm!
Chị và chị Thủy đã từng nói, bọn chị muốn đứng đằng sau thành công của các em; có nghĩa, sẽ không bất kỳ “mặt trận” nào mà tên bọn chị xuất hiện cả. Thế nhưng, hôm nay, khi chúng ta chính thức ra mắt độc giả – sau quá trình các em đã âm thầm cùng bọn chị vượt qua quá nhiều khó khăn – chị muốn một lần chia sẻ với các em những suy nghĩ của chị, về đời, về nghề, về một góc mà chắc chắn chúng ta luôn phải trải qua khi còn đi trên con đường mình đã chọn – là chuyện khen và chê.
Chị chưa từng được gặp một con người nào chỉ nhận lời khen của tất cả những người quanh họ; và dĩ nhiên cũng chẳng ai toàn nhận lời chê bai cả! Nghĩa là, không một ai trên hành tinh này có thể vừa lòng tất cả mọi người; và cũng có nghĩa là, trên con đường này – gánh chữ – chúng ta không bao giờ đủ sức tạo ra một sản phẩm hoàn hảo đến mức không tì vết! Thế nên, nhận lời chê âu cũng là chuyện rất đỗi bình thường. Thứ quan trọng là tư thế đón nhận của chúng ta mà thôi! Và chị muốn tất cả các em hãy nhớ điều này, phải luôn bình thản đón nhận – đón nhận bằng cái đầu thật sự lạnh – cả lời khen lẫn tiếng chê từ phía độc giả. Vì sao à?
Khi các em không đủ “lạnh”, lời khen sẽ đưa các em đến ảo tưởng rất nhanh. Chỉ một chút thành công là chạm đến được sự đồng cảm của một vài độc giả đủ để các em tưởng mình đã giỏi giang rồi. Cảm giác ấy ru ngủ chúng ta một cách ngọt ngào đến mức chẳng ai chịu thức dậy nữa. Và các em hãy nhớ, khi ngủ, mọi thứ nhìn thấy chỉ là giấc mơ! Các em muốn làm nghề, muốn sống trong những thứ không thật không? Nếu không, hãy “lạnh” khi đón nhận những lời khen, những lời ưu ái từ người khác.
Nhưng “lạnh” lúc nhận lời chê, lời góp ý không phải để phớt lờ, càng không phải để khinh khỉnh và tạo ra tranh cãi, cố bảo vệ tác phẩm của mình cho đến cùng. “Lạnh” là để tự kiểm tra lại mình, xem thử bản thân đã đầu tư đúng và đủ cho tác phẩm chưa? Nếu chưa, phải biết tự khắc phục, phải biết tìm sự hỗ trợ từ cộng sự – các em có đội nhóm nghĩa là các em lợi thế hơn những bạn tác giả đang làm việc một mình rất nhiều, và đừng lãng phí điều ấy trong quá trình tự hoàn thiện bản thân, tự sửa lỗi. Còn một mặt khác để trả lời cho câu hỏi này nữa, là khi tự kiểm tra rồi và các em tự tin mình đúng, thì hãy ung nhiên bước qua những ác ý nặng lời đang giáng về phía các em. Đây không phải hèn, đây càng không phải tránh né, là các em biết giữ sức để làm những chuyện lớn hơn!
Chị đã hoàn toàn lặng im, ngày các em khóc, bảo độc giả quá ác ý khi bảo em viết sai cụm “cảm xúc hữu cơ”; họ dùng cụm “cảm xúc vô cơ” để dè bỉu, bỡn cợt các em. Chị im lặng vì đơn giản nghĩ, các em hoàn toàn đúng, tại sao lại phải buồn? “Hữu cơ” nghĩa là gì, độc giả không hiểu thì chúng ta cố làm sao cho họ hiểu; họ không hiểu có nghĩa họ không muốn hiểu, lúc ấy, đừng nên cố làm gì sẽ thành ra phí sức! Cơ bản, chị muốn các em ngẫm thử, khóc liệu có giải quyết được gì không?
Chị đã chỉ trả lời duy nhất một từ “đúng” khi các em đem thắc mắc của độc giả ra, hỏi rằng, viết “mùi etilen” là sai hay đúng?! Độc giả họ máy móc xem Google là thứ mặc nhiên đúng nhưng chưa tự xem lại cách đọc hiểu của mình đã đúng chưa. Vì họ đọc về khí và mặc định không màu, không mùi rồi lên án các em viết tệ, viết dốt, viết thiếu đầu tư…, chỉ đơn giản bởi họ không hề biết quá trình hóa lỏng etilen thành thuốc khử trùng là gì. Chị không giải thích, vì các em phải tự tìm cách để khẳng định sự đầu tư của mình vào tác phẩm. Chị không thể bảo vệ các em mọi lúc được! Chị muốn các em tự trưởng thành!
Chị và chị Thủy không phải là Google, càng chẳng phải là thánh, thế nên còn cả tỷ thứ bọn chị không biết; nhưng, các em cứ tin chắc một điều, bọn chị không giấu dốt, không sợ thừa nhận mình sai và càng không sợ phải sửa sai! Chị chia sẻ với các em tư thế đứng trong nghề – giữ tâm sạch để ngòi bút luôn sạch; chị yêu cầu các em đầu tư cho nghề – đọc, đi, quan sát, ngẫm và viết; chị muốn các em hãy cùng chị kiêu dũng để đuổi theo đam mê của mình – sự kiêu dũng của những đứa trẻ trong nghề đang học cách để trưởng thành, để vững vàng và cảm nhận hạnh phúc trên từng trang viết; chỉ cần các em còn nhớ, còn muốn làm theo và khẳng định mình vẫn làm theo nghĩa là với chị đã đủ.
Chị chưa từng sợ nghe lời chê bai, bởi kể cả những lời ấy xuất phát từ người có dã tâm muốn làm tổn thương chị, thì chắc chắn chị vẫn có thể học được rất nhiều điều. Thế nên, các em cũng hãy như thế, trong nghề này, dám lắng nghe, tự kiểm tra lại để dặn mình không ngừng nạp kiến thức, không bao giờ bẻ cong ngòi bút; chấp nhận bị chê là tác giả trẻ, còn non kém thay vì phải nhận mình là thợ viết, bởi non kém nhưng dám học ắt sẽ sớm khôn lớn thôi! Và sự học ấy rất cần cái đầu lạnh khi các em đón nhận khen – chê từ độc giả; chị hy vọng các em sẽ nhớ và sẽ áp dụng được cho chính mình!
TRƯƠNG THANH THÙY
=>>Đọc thêm:
https://nhom40.com/hanh-trinh-truyen-cam-hung/