HOA KIỀU HUÊ
|Tôi không nhớ tôi đã đau lòng thế nào ngày hôm ấy. Đó dường như là lần đầu tiên tôi biết được cuộc đời này có thể buồn như thế; hay là trước đó tôi luôn nghĩ sẽ rất lâu nữa mới phải trải qua những cảm xúc như vậy trong đời.
*
Hôm đó Hân gọi cho tôi báo Quyên mất, kêu tôi tới bệnh viện ngay. Đột nhiên trong lòng tôi tĩnh lặng đến lạ; không có cơn sóng nào trào lên như cái hôm tôi nhìn Quyên từ bên ngoài phòng cách ly với những ống thở, máy móc chằng chịt bên người. Tôi bần thần một hồi rồi bấm gọi cho Linh như lời Hân dặn, tôi không biết Linh nghĩ gì lúc đó, nó kêu “Ừ”. Tôi nhìn thấy cái gật đầu lặng lẽ của nó bên kia đầu dây.
Lúc ấy tôi đang ở trong lớp, giờ tiếng Anh. Lẽ ra tôi nên xin về sớm ngay lúc đó nhưng tôi vẫn đợi hết tiết rồi mới đi; tôi cứ ngồi đó nhìn vào điện thoại. Tôi không nghĩ được bất cứ điều gì rõ ràng, như sự ra đi của Quyên đầy mơ hồ trong lòng tôi. Nên tôi quay sang kể chuyện với đứa bạn đang ngồi kế bên tôi. Ai mà có thể không ngạc nhiên hay hoảng hốt về những điều tôi đang kể? Tôi cố kể để tìm một lời an ủi.
Tin nhắn của Linh đến sau đó không lâu, đính chính lại là Quyên chưa mất nhưng đang rất nặng và tối nay bệnh viện sẽ trả để ba mẹ đưa Quyên về quê. Tôi thở ra. Có lẽ hy vọng vẫn còn chăng?! Nhưng cũng có lẽ chẳng thay đổi được gì, có điều thường chúng ta vẫn luôn bám lấy những hy vọng dù là mong manh nhất.
Hoa kiều huê
Tôi lao ra khỏi lớp ngay khi có chuông reo; những đứa khác trong nhóm chúng tôi đều đã đến bệnh viện cả rồi. Có lẽ đầu óc lúc này bận rộn hơn, nhưng sau này tôi không thể nào nhớ nổi ngay thời điểm đó tôi đã cảm thấy thế nào. Thậm chí tôi đã để xe mình đi ngược chiều trong vô thức, may mắn cho tôi đó là đoạn đường nhỏ vắng người. Tôi chỉ giật mình khi nghe tiếng còi xe và tiếng chửi của người đàn ông suýt nữa thì bị tôi đâm phải. Tôi điên rồ nghĩ trong đầu, nếu đó là một chiếc xe lớn hơn thì sao, và nếu người ta không tránh được tôi thì sao? Có thể tôi sẽ ngã xuống, bất tỉnh, máu me; ai đó sẽ đưa tôi vào bệnh viện; rồi gia đình tôi, bạn bè tôi sẽ lo lắng chờ tôi tỉnh lại? Nhưng mà tôi không tỉnh lại nữa, chưa kịp tỉnh lại để nhận ra mình sắp từ biệt cõi đời.
Đó là Quyên lúc này, chỉ khác là Quyên không bị xe đụng, không máu me. Quyên được vớt lên từ dòng nước lạnh của hồ bơi, nước đã vào đến não.
*
Tôi tới bệnh viện, hơn năm giờ chiều. Màu tối của chiều đang đậm dần lên, mùi thuốc khử trùng, mùi bác sĩ, mùi bệnh nhân, mùi của những người thăm bệnh loang đầy một không khí nặng nề. Khi tôi ngồi nhớ lại, tất cả những hình ảnh ngày hôm đó có một màu tối om. Tôi đi dọc hành lang nối hai khu của bệnh viện. Đã từng đến đây một lần thăm Quyên lúc trước, nhưng tôi tìm một hồi lâu mới tới được phòng cách ly. Ở phía trước đó đám bạn tôi đứng. Tôi nhìn lần lượt từng khuôn mặt. Chúng tôi đã gắn bó với nhau lâu, và tưởng như có thể sẽ gắn bó đến mãi sau này. Nhưng nếu một người trong chúng tôi đột nhiên không còn nữa, tôi tự hỏi còn có những điều gì sẽ xảy đến trong tương lai?
Ở đằng xa tôi còn nhìn thấy những gương mặt khác, đám bạn cấp ba của Quyên mà chúng tôi có biết nhau chứ không từng tiếp xúc nhiều, những người họ hàng, ba mẹ, chị gái và anh rể Quyên. Tôi cũng thấy Linh đang nói chuyện với một người lớn đang đứng ở cửa thang máy, tôi nhớ ra là Quyên với Linh cũng là họ hàng xa với nhau. Đám chúng tôi việc họ hàng dây mơ rễ má xa gần với nhau cũng không ít, tôi cũng có họ hàng xa với một đứa trong lớp chúng tôi lúc ấy. Có nghĩa là, điều tôi muốn nói, chúng tôi có những mối liên hệ giản dị với nhau, gắn bó với nhau theo một cách rất tự nhiên.
Chúng tôi học cùng với nhau từ cấp một, tôi với Quyên. Có một vài đứa trong nhóm tôi chơi từ khi chưa đi học, từ khi còn chẳng biết tên thật của nhau. Rồi chúng tôi học cùng đến hết cấp hai, khoảng thời gian đó đối với tôi, với chúng tôi mà nói, là ký ức, là kỷ niệm, là tuổi thơ.
*
Những đứa khác nhìn thấy tôi đến và chúng tôi cười với nhau – những nụ cười không biết phải hiểu sao cho đúng. Tôi hỏi Hân tình hình thế nào; Hân đưa mắt về phía phòng cách ly. Ở trước đó bác sĩ, y tá, gia đình Hân đang bận rộn ra vào. Mọi người cũng chưa vào được, bây giờ chúng tôi chỉ ở đây và chờ, tôi cũng không rõ chờ gì. Linh thôi nói chuyện với người họ hàng, tới kéo tay tôi và tất cả chúng tôi đi ra phía ngoài. Trời bây giờ lưng chừng, chờ tối.
Chúng tôi nói chuyện, nói nhiều chuyện, rất tự nhiên, những chuyện mà chúng tôi vẫn thường nói, thường hỏi han nhau những khi lâu không gặp. Nga than hôm nay học mệt, lúc tới đây thì lạc đường, bây giờ thì đói rã rời. Tôi thích cái vẻ hồn nhiên của nó vô cùng. Rồi mọi người hỏi về trường đại học của tôi, bàn về đồng phục trường tôi, lần đầu tôi gặp tụi nó trong bộ đồng phục trường. Những chủ đề nối nhau, nối nhau. Chúng tôi không nói mãi về Quyên, chúng tôi cũng không tránh né.
Kim Hoàng giục tôi nhắn tin cho Thương, con bạn ở tận Hà Nội không vào được; trong lúc đó Nhi kể về hôm cách đây ba bốn ngày, tụi nó vào bệnh viện thăm Quyên và nói chuyện với mẹ Quyên, ngồi gấp hạc giấy nhưng tất nhiên chưa đủ một ngàn. Kim Hoàng giữ đám hạc hôm đó và hôm nay vẫn mang theo, nhưng mà giờ chẳng ai ngồi gấp nổi nữa. Tôi thì vẫn nhớ, hôm đó tôi nhận được điện thoại Nhi kêu tôi đến, nhưng tôi bị sốt không đến được. Nếu tôi biết ngày hôm nay, tôi sẽ đến thăm Quyên nhiều nữa, nhiều nữa…
Chúng tôi nghe thấy chị của Quyên và ba Quyên cãi nhau, không, đúng ra là chỉ mình chị Quyên lớn tiếng. Chúng tôi đi vào, chị khóc quay mặt bỏ đi, ba Quyên nhìn chúng tôi ái ngại.
Hân kể chị của Quyên giận vì chú đồng ý hòa giải với bên phía hồ bơi. Người quản lý bên đó hôm nay có đến. Tôi nhìn quanh; tôi không biết là ai; tôi cũng không nhận ra được là ai. Mọi người ở xung quanh đây, khuôn mặt họ, sao tự nhiên tôi thấy tất cả đều giống nhau. Và tôi cũng không biết người ta sai đúng thế nào; tôi chỉ nhìn thấy chị Quyên, lòng tôi cũng thấy giận như chị. Họ đã làm gì? Họ bất cẩn, họ tắc trách, họ vô tình, không thể thành ra họ độc ác, họ nhẫn tâm. Nhưng mà họ để Quyên ở dưới nước lạnh lâu như thế, để sau đó Quyên không tỉnh dậy một lần nào nữa. Bên tai tôi giọng nói buồn buồn của chị khi lần trước tôi đến: “Nó đặt xong cả vé tàu về Tết rồi…”
*
Người nhà Quyên đã chuẩn bị gần xong để đưa Quyên ra xe về quê, chúng tôi tiến lại đứng trước phòng bệnh. Mẹ và chị thay đồ cho Quyên, tôi không nhìn rõ bạn mình ở bên trong lớp cửa kính. Mẹ Quyên đi ra, rồi bỗng đứng lại nhìn chúng tôi. Cô nhìn chúng tôi một hồi rồi cầm lấy tay Hân mà bóp như đang nắm tay con gái đáng thương của mình. Cô khóc, giọng lạc đi, nhưng mà chúng tôi nghe rất rõ “Bạn tụi con đâu còn nữa…”.
Tôi lấy tay ôm lấy mặt. Chúng tôi không kiềm được nữa, tất cả chúng tôi, Nhi quay qua níu lấy vai tôi. Chỉ có Kim Hoàng không khóc; nỗi buồn của nó không trào ra được thành nước – nó từng bảo vậy. Ngày ông nội nó mất nó cũng không khóc được.
Một đứa bạn cấp ba của Quyên ngỡ ngàng, trước đó nó vẫn nghĩ là người ta cho gia đình đưa Quyên về để tiếp tục chữa trị ở quê. Tôi muốn ngăn nó lại khi nó vẫn hỏi tới tấp mẹ Quyên. Sau đó chị Quyên ra đỡ vai mẹ Quyên đi vào. Ba Quyên đi làm thủ tục, tới lúc đẩy Quyên ra xe.
Quyên được đẩy ra, tôi không nhận ra được bạn mình nữa. Cả người Quyên sưng lên. Tôi có cảm giác mỗi khúc cơ thể là một quả bóng dài đầy nước được nối lại với nhau. Và chúng tôi nhìn bạn mình qua làn nước mắt.
Chúng tôi khóc và chạy theo giường của Quyên. Tôi không bao giờ quên được; nước mắt chúng tôi, tiếng khóc chúng tôi, có cái gì hơn thế để thể hiện cái đau đớn của chúng tôi lúc đó? Đoạn đường chúng tôi chạy không dài, tôi đã ước nó dài hơn, dài mãi. Nếu chúng tôi cứ chạy hoài và khóc hoài như thế, vẫn tốt hơn là dừng ở trước cửa xe đóng lại, và biết là không bao giờ gặp lại nhau.
*
Còn chúng tôi ngồi lại trên những bậc tam cấp trước sảnh bệnh viện, như ngồi nhìn một cơn bão vừa đi qua, chờ nước mắt khô trên mặt. Bây giờ đã vào bảy giờ đêm. Ánh đèn đường chiếu lên những khuôn mặt vàng bợt của chúng tôi; nhưng mà gió đêm thổi tới mát rượi làm nhẹ bớt tâm trạng của mọi người. Ở sảnh sau bệnh không có người, chỉ có phía trước con đường xe cộ tấp nập và ồn ào, vừa mới qua giờ cao điểm. Thế nên dường như không gian này của riêng chúng tôi; tôi tưởng tượng như mình cùng đám bạn ngồi giữa sân trường một ngày trong ký ức.
Chúng tôi ngồi bàn tới chuyện sáng sớm mai sẽ bắt chuyến tàu sớm về quê cùng với Quyên. Lúc này Tuấn mới tới, đứa con trai duy nhất sắp xếp được để tới ngày hôm nay, tiếc là không kịp gặp Quyên, mà mai cũng không về cùng mọi người được vì kẹt lịch học. Rồi chúng tôi cứ thế chọc ghẹo anh chàng. Chúng tôi cười, những câu chuyện không biết lúc nào đã nhẹ nhàng dần. Thậm cả bọn sau đó ngồi nghe Nga kể về bộ phim Hàn Quốc yêu thích của nó, hài hước đến nỗi cười vang một góc trời. Nếu có ai nhìn thấy tụi tôi trước đó khóc lóc ầm ĩ như thể vừa rớt xuống một cái hố tưởng chừng không thể nào ngoi lên được nữa, bây giờ vẫn ngồi dưới đáy cái hố đó và tán gẫu đầy lạc quan, chắc sẽ cảm thấy vô cùng lố bịch. Nhưng mà miễn là chúng tôi hiểu, Quyên hiểu, mọi thứ chẳng có gì là quan trọng nữa.
*
Dù chúng tôi có giữ cho mình những hy vọng mong manh, sáng hôm sau Quyên cũng đã thật sự mãi xa chúng tôi. Giữa những đau lòng ngỡ chẳng thể nào nguôi nổi ấy, chúng tôi biết mãi mãi chúng tôi vẫn có nhau trong tim mình – người đã ra đi và những người vẫn còn lại bên nhau.
Thỉnh thoảng tôi mơ thấy Quyên trong những ngày tháng vẫn còn bình yên của chúng tôi.
* Gửi tặng lũ bạn thân yêu của tao những dòng vẩn vơ viết trong một ngày những kỷ niệm chợt về *
THANH TRÚC
=> Đọc thêm: truyện ngắn Mắt nâu