NHỮNG GIẤC MƠ SŨNG NƯỚC
|Những giấc mơ của Diên luôn sũng nước!…
Không rõ ràng. Không quá lạnh, nhưng hẳn nhiên là không ấm. Nước. Đuối ngộp. Cái thộp mạnh của đôi bàn tay run rẩy nhưng mạnh mẽ một cách lạ thường. Không khí. Ánh sáng. Sặc sụa… Bừng tỉnh. Lúc nào cũng thế. Hầu như đêm nào cũng thế vào tháng này – tháng có sinh nhật của Diên. Không biết tại sao, hoặc giả là chưa thật sự biết. Nhưng, chừng ấy năm, cứ đến tháng sinh nhật mình, Diên luôn mơ cùng một giấc mơ như thế. Đều đặn một cách đáng sợ. Nó phát hiện ra, cứ sau hết tháng này, nó sẽ sụt đi vài cân. Cơ bản, chỉ vì những giấc mơ không cho nó được cái quyền được ngủ một đêm trọn vẹn. Không dưng, Diên sợ ngày sinh nhật mình, Diên sợ tháng có sinh nhật mình.
Mẹ Diên thường hay xuất hiện ở cửa phòng ngủ của nó, chỉ sau khoảng ba phút nó ú ớ vì giấc mơ, trước khi nó tỉnh chừng một hai phút gì đấy. Bà đứng im, lặng nhìn. Chưa bao giờ bà đánh thức Diên dậy, dẫu, có vẻ, bà biết nó đang phải chịu đựng gì, phải trải qua gì. Một vài lần, Diên hỏi mẹ tại sao. Bà chỉ cười buồn và bảo, tay bà không đủ rộng để dang ra ôm lấy những thứ không thuộc về bà. Có phải, ý mẹ Diên bảo, giấc mơ của nó luôn nằm ngoài tầm bà có thể với? Diên không biết!
Diên không có cha, có vẻ thế, vì, chưa từng bao giờ trong cuộc đời hai mẹ con có một người đàn ông nào trú lâu quá một ngày. Nghĩa là, cũng vài người đến, ậm ờ những điều chỉ mắt họ và mắt mẹ giao nhau mới hiểu, rồi họ đi, sau khi để lại cho mẹ và Diên một số tiền. Kẻ nhiều – người ít, nhưng, ai cũng cho. Diên không biết điều ấy có ý nghĩa gì không với cuộc sống của người đàn bà không có khái niệm ra ngoài tiêu tiền như mẹ? Nó càng chẳng biết điều ấy có nghĩa gì với chính nó, thằng trai sắp lớn và luôn thấy sợ hãi cuộc đời?!
Sau mười mấy năm – Diên không chắc chắn con số – trải qua những tháng có ngày sinh nhật với những đêm vật lộn với chính mình để thoát khỏi giấc mơ không khác đi lấy một chi tiết nhỏ nào, Diên ngồi đối diện mẹ, vững vàng và chững chạc, hỏi, họ là ai?
– Họ nào? – Mẹ nhướng mày.
– Những người đàn ông cho tiền mẹ! – Diên nói, cộc lốc và thoáng vẻ bất cần. Phải! Diên không cần những đồng tiền mà bạn bè nó định nghĩa rằng đó là sự hoán đổi cơ bản giữa thân xác và vật chất. Nó mãi mãi không bao giờ muốn cần nữa!
– Chẳng có họ nào cả, con trai! – Mẹ nói, chua cay và nhục nhằn đến độ Diên rõ ràng nhận ra, mẹ đang nói dối.
– Nếu…
Đời, có mấy chỗ, có mấy lần để con người ta nói chữ nếu, chữ giá như? Diên không chắc về đời người khác, nó chỉ chắc rằng, một trong hai từ đấy mà thoát ra khỏi miệng nó, thì ngay lập tức mẹ nó bỏ đi, không nghe thêm, càng chẳng nói thêm gì. Đời Diên, không có chỗ cho hai từ thuộc nhóm giả định này.
Mẹ Diên ra ngoài, ngay sau cái ngày nó cố hỏi về những bóng đàn ông xuất hiện chớp nhoáng rồi rời đi sau khi để lại mớ tiền đủ cho mẹ con nó sống tằn tiện khoảng vài ba tháng, khoảng thời gian họ vắng tăm và không báo trước ngày trở lại, dẫu biết, họ sẽ sớm trở lại thôi. Mẹ nó vận một cái áo lạ đời. Cái áo không tay, chỉ là hai vuông vải trùm lấy cơ thể. Cái áo có màu cam. Màu sắc kinh khiếp với Diên, vì, đấy là thứ màu sắc sót rớt cuối cùng trong những giấc mơ của nó, cũng trong cái hình dạng vuông vức lạ kỳ kia. Diên rùng mình rồi ù chạy về phòng. Mẹ và nỗi ám ảnh màu cam. Tại sao chứ?
Đến khi trời đã khuya lắm, trăng vằng vặc sáng tỏ bóng mẹ xiêu đổ, Diên vẫn dong mắt nhìn ra cửa sổ. Không biết, có phải nó đợi mẹ về không. Chỉ là, nó thật sự không muốn ngủ. Càng gần đến rằm – càng gần đến sinh nhật nó – thì những hình ảnh trong mơ càng rõ ràng hơn, nhất là cái cảm giác chới với và ngột ngạt nó phải chịu đựng trong mơ, rõ như thật. Nó sợ. Nó gần như chẳng còn dám ngủ vào đêm sinh nhật của mình.
Tiếng chìa khóa tra vào lỗ khóa. Tiếng mẹ khãy khẽ khàng chốt khóa. Tiếng cửa ken két đẩy ra… Diên nghe rất rõ. Và, cũng như nó rõ ràng cảm thấy cơ thể mình đang chậm rãi thả xuống giường, rõ ràng biết mắt nó khép chặt lại, rõ ràng nghe hơi thở nó phả đều ra, ngay khi mẹ xoay cửa bước vào phòng nó. Nó không muốn đối diện với mẹ nữa, sau cái sự thật mơ hồ bạn bè nó bảo với nó, mẹ nó bán thân. Nó giả vờ ngủ, dẫu nó chắc chắn rằng đêm nay mình không ngủ, để, đếm ngược từ số mười lăm về lại số không với hy vọng thoát khỏi tháng này. Chỉ đơn giản là, nó không muốn giao cái nhìn của mình với cái nhìn của mẹ.
Mẹ Diên đứng đó, chỉ tầm non phút thôi. Hình như bà thở dài rồi đi trở ra rất vội. Nhưng, Diên kịp nhận ra, hôm nay mẹ đem về nhà một cái mùi hôi hám rất lạ lùng. Mùi hôi hám vứt đi của những thừa mứa. Tự dưng, Diên bật dậy, chạy ra.
– Mẹ!
– Ờ! Con chưa ngủ sao? Hay… mẹ làm con thức giấc? – Mẹ hỏi, tuyệt không quay đầu nhìn lại, vai mẹ run dưới lớp áo cam có hình thù vuông vức lạ đời.
– Không!
– Không gì, hả con? – Hình như, mẹ khóc.
– Mẹ đi… đi làm về, hả mẹ?
– Ờ! Ai chả phải làm để kiếm tiền, hả con? Mình đâu thể hít thở để sống.
Thật ra là, con người cần phải hít thở được mới sống được. Thế nhưng, hít thở chỉ là cơ chế của sự sống, nhưng sự sống thì cần nhiều thứ hơn là không khí. Diên nghe mắt mình cay cay, như ai đó xát vào nó mùi tanh tửi, hôi hám vẫn cứ ám chặt trên áo mẹ. Diên khóc. Mẹ ơi…
Sau hôm đó, Diên ngoan hơn, dẫu, những giấc mơ kinh khủng ướt át với đoạn kết là màu cam như áo mẹ mặc mỗi ngày vẫn ám ảnh nó. Nó muốn mình phải khỏe! Đủ, để sáng phụ mẹ nhà cửa, cơm nước, chiều đến trường ngấu nghiến sách vở và lảng tránh những câu hỏi, mẹ mày còn tiếp đàn ông lạ không, và, đêm theo mẹ đẩy xe rác trên từng đoạn đường vắng ngắt. Đời nó, giờ thấm cái nỗi rác rến lại là tiền đề cuộc sống của mình. Ờ, thì mẹ nó là công nhân quét rác.
Diên không biết, mẹ nó quét rác từ xưa, chỉ là bà giấu đủ hay để nó không biết, hay, là từ sau cái ngày nó phản ứng về chuyện đàn ông lạ cứ vào ra nhà nó mà mẹ nó đành phải đi quét rác, thay vì chôn đời bà trong bốn bức tường chật hẹp, ẩm rêu mốc ngửa tay đợi tiền từ những người đàn ông Diên đã hỏi. Diên không biết, và, nó cũng chẳng cần phải biết nữa.
– Con có mệt không? – Mẹ Diên hỏi, sau khi quay trở lại cái xe rác hôi hám đến buồn nôn.
– Con không mệt! – Diên cười – Kia là gì, hả mẹ?
Mẹ nhìn theo ngón tay Diên chỉ, mặt xám nghoét. Rồi, ngay lập tức bà tản lờ đi, kiểu như chẳng nghe thấy gì.
– Đó là gì, hả mẹ? – Diên hỏi lại, cương quyết hơn.
– Hồ bơi! – Mẹ nói, rất lạnh lùng.
– Con có thể…
– Không! – Mẹ nói luôn, nói như gào.
Diên cụp mắt xuống. Cái vệt nhìn cuối cùng của Diên băng qua dọc hàng rào trắng, chắn lối nó đứng với mặt hồ ám đen nhưng không giấu được mặt nước xanh trong, phẳng lặng, chẳng gợn lấy nỗi một lăn tăn. Tại sao?
Đêm ấy, mẹ không nói với Diên câu nào khi về đến nhà. Mẹ lặng lẽ vào phòng tắm, xả nước như kiểu không phải để gột rửa mớ hôi thối trên cơ thể mẹ, mà là để xả cho đầy con hồ mà Diên đang mơ. Ờ, không hiểu sao, nó từng có những giấc mơ ướt át kinh hãi, nhưng giờ, nó lại thèm khát được ùm mình vào trong một cái hồ có đầy nước như tối nay nó đã thấy. Cái hồ ấy, tuy hình dáng không giống như cái hồ trong mơ, nhưng dẫu sao, cũng là một trũng nhân tạo đầy nước, thứ tưởng nó phải sợ, hóa ra lại rất thèm. Tháng âm đã sang mồng một. Hết sinh nhật rồi. Nhưng, Diên lại mơ, giấc mơ sũng nước, đuối ngộp và không khí tràn trở lại sau cú thộp của đôi bàn tay run rẩy. Đêm nay, nó không giật mình.
Mẹ cảm mưa. Sốt li bì. Rên hừ hừ. Nằm yên một chỗ. Diên vụng về nấu được nồi cháo khê với hành hẹ còn sống sì bưng lại, rắc tiêu đen cả mặt tô. Mẹ nó gượng dậy, rưng rưng húp cháo, gật gù khen ngon dẫu Diên biết, nó không tài nào nuốt nổi nếu là mẹ đâu. Nó bỏ về phòng, đứng trước gương, vả mặt mình bốp bốp cho bõ cái tội vô dụng, tới bữa cháo cũng không đàng hoàng cho mẹ được. Tự dưng, nó dừng hẳn lại. Nó sững sờ nhìn và nhận ra, nó giống hệt như bóng những người đàn ông lạ xưa vẫn ghé thăm mẹ nó, lâu lắm không còn thấy họ nữa rồi. Tự dưng, nó nhớ rõ ràng câu mẹ nói ngày nọ, “chẳng có họ nào cả”. Phải rồi! Chỉ duy nhất một người đàn ông…
Mẹ không qua nổi cơn bệnh. Chỉ tưởng cảm xoàng, ai ngờ chuyển sang phổi. Mẹ ho khù khụ, như muốt khạc hết lòng ruột mẹ ra. Diên nghe ruột gan nó quặn từng thắt một, ở mỗi tiếng ho của mẹ. Nếu có thể chết, nó sẵn sàng, chỉ cần, mẹ đừng đau nữa.
Cây chổi tre xếp xó đã hơn ba tháng ròng mà vẫn cứ ngày ngày phả ra cái mùi hôi thối đặc trưng của nó, như thể, tự mãn đời nó là thứ duy nhất còn lại trong nhà. Ờ, bán sạch rồi! Mẹ bệnh. Diên chỉ mới mười lăm. Biết làm gì để có tiền mà sống? Con người ta, có hít thở thành no được đâu mà!
Diên thèm một cái đùi gà. Thèm đến lồng lộn lên được. Thèm đến độ nhìn cái ngón cái bàn tay mình và tự nghĩ, giống cái đùi gà quá, tiếc là cái đùi gà nhỏ này còn sống, nếu không, nó sẽ ngấu nghiến nhai. Nó rửa mặt cho tỉnh cơn đói và gạt ngay cái suy nghĩ tự ăn thịt mình. Trong gương, nó lại thấy rõ ràng người đàn ông nọ. Diên giật mình. Ờ, tìm đi, chắc sẽ xin được ít tiền cho mẹ, ít nhất thì cũng đủ để mẹ có bữa cháo thịt đàng hoàng, may hơn thì có thêm cái đùi gã đã rán chín cho nó nữa. Nó sẽ tìm.
Mà… biết tìm đâu?
Diên đánh bạo tới gần giường mẹ nằm, ngồi xuống, ậm ờ lát – rồi khẽ giật mình, kiểu ậm ờ của nó cũng giống của người đàn ông lạ nọ – hỏi đứt quãng như người sắp hết hơi.
– Mẹ à… ông ấy… ông ấy ở đâu, hả mẹ?
Mẹ cố rướn mắt to tròn, đủ để nhìn bằng thấu cái hình hài đã to lớn non bằng mẹ, đang run rẩy vì sợ mẹ tổn thương – dẫu, trái tim Diên còn quá bé để hiểu, thế nào mới thật sự là tổn thương. Rồi, mẹ thở hắt ra một cái, gục gặc đầu, tạo âm thanh rền rệt khi tóc mẹ bệt mạnh xuống chiếc gối xỉn màu.
– Ờ! Đến lúc rồi! Đã đến lúc rồi… – Mẹ nói, quên hẳn cặp mắt cứ tròn dần trên gương mặt Diên vì thắc mắc – Mẹ biết, đã đến lúc rồi…
Sau hai giờ ngồi xe, lắc lư, chòng chành, Diên lần đầu tiên rời khỏi Sài Gòn bằng một bản năng rất lạ. Xe chở nó đi qua nhiều đoạn đường, để nó kịp nhận ra, Sài Gòn không phải chỉ có khu ổ chuột nó ở, cũng không phải những khu biệt thự vắng người suốt đoạn dài những đêm theo mẹ quét rác. Sài Gòn, còn có cả những quãng đời cơ khổ mài mình vào với dòng xoáy đầy bon chen. Ồn ào quá. Tấp nập quá. Vậy mà, chừng ấy năm, Diên chưa từng hay biết. Không biết tại vì sao nữa, mà, khi nhận ra cuộc sống bên ngoài chật chội đến vậy, lòng nó dấy lên một nỗi thương yêu lạ lùng dành cho mẹ, cho người đàn bà đang thoi thóp thở chờ đến phút giây cuối cùng. Tự dưng, Diên hiểu, mẹ bao nó lại, nhốt nó lại, cũng chỉ bởi, mẹ muốn bảo vệ nó mà thôi.
Căn biệt thự trắng nằm trong dãy hàng rào gỗ thấp xủn, sau khoảng vài chục bước chân qua lối đi lát sỏi giữa vạt cỏ xanh mềm. Diên chần chừ bước. Cái sự ngần ngừ e ngại rõ ràng hiện lên trên đôi chân sắp trưởng thành của nó, khi nó bắt gặp cái nhìn đau đớn của bóng người đàn ông giờ đã thành quen thuộc với trí óc nó gióng ra. Nó đau hệt nỗi đau ông ấy đang vấu víu trong mình. Nỗi đau hoàn toàn xác thịt. Nỗi đau của máu mủ bị tách rời. Là cha nó, phải không?
Ông không đủ sức để bật thẳng dậy, chỉ lui cui đứng khòm vài giây, rồi, bất thình lình quỳ mọp xuống, ngay lúc Diên vững vàng đứng trước mặt ông.
– Ba sai rồi! Ba đáng chết! Ba đáng chết!
Diên sững người đi một lát. Trước, là vì hành động của người đàn ông vẫn ghé qua đời nó bằng bóng dáng trong những bộ trang phục đổi thay nhanh đến độ Diên cứ ngỡ là nhiều người. Sau, là vì hai hũ tro cốt trắng nằm cạnh ghế ông đang ngồi, trên chiếc bàn con be bé. Một, là tro cốt của mẹ Diên – mẹ ruột nó. Một kia, là… là của mẹ cha nó, nghĩa là bà nội nó, người đàn bà đã đẩy cuộc đời cha con nó đến đây. Diên bật khóc. Diên sụp xuống, ôm chầm lấy cha.
Mẹ ruột của Diên và mẹ bây giờ đều là người làm công trong căn biệt thự lớn nhất nhì thành phố biển này. Hai cô gái khác quê, cùng hoàn cảnh, thương nhau như ruột rà để còn biết có ai đó bên đời mình mà bấu víu vào, mà đứng lên. Mẹ ruột của Diên sanh ở Sài Gòn, trong khu ổ chuột tồi tàn nhất thành phố – nơi mà sau này Diên duy nhất biết trong đời mình. Mẹ của Diên bây giờ là người Vũng Tàu. Một cô gái bị cha dượng cưỡng bức phát rồ, bỏ xứ đi lang thang rồi chẳng hiểu sao lại tỉnh. Có lẽ, bàn tay chăm sóc của một cô gái vừa toan tự vẫn vì bị những thằng bợm nhậu hại đời có sức mạnh hồi sinh. Hai cô gái bấu vào nhau mà sống từ khi ấy.
Mẹ nuôi Diên hỏi mòn chân, rồi cũng xin việc được cho hai chị em trong căn biệt thự này. Mẹ nuôi Diên làm vườn, dọn hồ bơi, còn mẹ ruột thì cơm nước. Cha đem lòng yêu mẹ ruột của Diên dẫu bà nội cấm tiệt. Bà nội nói, léng phéng gần loại con hoang đó, bà đánh gãy chân. Tình yêu là thứ xúc cảm lạ đời, nó làm cho con người ta trở thành liều mạng. Cha liều mạng lao vào mẹ. Mẹ liều mạng phôi thai Diên. Mẹ nuôi của Diên liều mạng che chở, giấu giếm cho hai người. Thành ra, cả ba người đều có tội.
Khi Diên tròn xoe trong bụng mẹ, bà nội sinh nghi, nhưng không nhận, tuyệt không chịu nhận. Bà chửi nhiếc, đánh đập, đuổi mẹ Diên đi. Cả mẹ nuôi cũng không được làm việc nữa. Cha trộm đồ nhà nội bán kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi Diên, nuôi cả mẹ nuôi, vì, mẹ con Diên cần người chăm sóc. Cha – con, vợ – chồng thậm thụt, lén lút được ba năm, bà nội ra quê gốc ở Hà Nội hỏi vợ cho cha. Bà nội bảo, chọn tông cho phải đạo với cả họ nhà ông nội. Lần ấy, mẹ Diên không hề khóc. Mẹ bảo cha, cho mẹ được làm chủ ngôi nhà ấy một ngày, chỉ một ngày thôi. Mẹ không khát của cải. Mẹ khát cái cảm giác Diên được chạy nhảy ở cái nơi lẽ ra Diên phải thuộc về. Hẳn nhiên cha không từ chối. Không bao giờ cha từ chối mẹ và Diên, nhất là khi, cha biết, vì chữ hiếu cha sẽ phải bước đi những bước phụ bạc hai người. Cha khóc khi đón mẹ và Diên về làm chủ ngôi nhà của cha, một ngày…
Kể đến đây, cha không nói thêm được gì nữa. Tự Diên đoán được câu chuyện tiếp theo của đời mình, bằng cách lồng giấc mơ ướt sũng cứ lặp đi lặp lại hoài ấy. Năm ấy là sinh nhật lên ba của Diên. Mẹ vào bếp nướng bánh. Cha phụ mẹ. Diên lon ton chạy dưới chân hai người. Chỉ một ngày thôi, nhưng, cha vẫn sẽ phải lên lầu trả lời điện thoại nội gọi về dò xét. Mẹ nướng cả nỗi nhục nhã, cay đắng căng phồng theo chiếc bánh gato. Diên ùm xuống hồ bơi mặt nước xanh, hoàn toàn không có vẻ đáng sợ. Diên đuối. Diên ngộp. Và, Diên chìm dần vào cái chết.
Ba tuổi, Diên hiểu rõ ràng một điều mà mãi mãi con người không bao giờ có thể thay đổi – con người phải có không khí để hít thở thì mới chạm được đến tiền đề của sự sống. Và, Diên đang ngu xuẩn chối bỏ sự sống ấy ở sinh nhật lên ba của nó. Nó sắp chết đuối, phải không?
Tai nó ù đi vì nước xộc vào, nhưng nó vẫn nghe rõ ràng một tiếng tùm rất lớn sát cạnh nó. Nó cảm giác được một cơ thể đang chới với, đang vùng vẫy. Mẹ nó không biết bơi! Mẹ ruột của nó không biết bơi! Cơ thể trẻ con của Diên đang kiệt dần sức sống bỗng bừng dậy, ở ngay giây phút hai bàn tay mẹ chộp mạnh vào. Bằng tất cả sức lực, bằng tất cả sự cố gắng cuối cùng, bà đẩy mạnh Diên lên khi cơ thể bà đang chìm dần xuống. Diên nghe cơ thể mình đang hít thở không khí từ những lỗ chân lông chứ không phải từ mũi, từ miệng nữa. Bản năng sinh tồn của nó trở dậy rất mạnh. Nó cố hít thở. Nó cố chòi đạp. Cơ thể nó bắn mạnh về phía bờ bởi sức đẩy cuối cùng của mẹ, trước một nhịp khi bà chìm xuống hoàn toàn, có lẽ, bà còn nhìn thấy được việt áo phao màu cam bà đã vội lảy xuống trước khi nhảy về phía Diên. Bà chắc chắn Diên đã bám được vào cái mớ vuông cam ấy, rồi thả lỏng. Bà muốn, giây cuối đời mình phải thật nhẹ nhàng…
Cha không hề trách nội trong khi nội cứ tự trách mình. Nội bỏ ăn, không dám ngủ vì đêm là thấy bóng mẹ đứng ở đầu giường, hỏi, sao không cho mẹ, cho Diên cơ hội được yêu thương cha? Nội mất, sau mẹ đúng ba năm, nghĩa là, vào đúng sinh nhật năm Diên vào lớp một.
Mẹ nuôi Diên đau như bị xẻ thịt, khóc không đặng sau nỗi mất mát quá lớn của đời mình. Với mẹ, người em gái kia là tất cả những gì bà có. Nước mắt, đong bao nhiêu cho vừa với một điểm tựa của cuộc đời, dẫu, điểm tựa ấy thật sự quá mong manh? Và, cứ thế mẹ âm thầm nuôi Diên bằng tiền cha trợ cấp. Cha từng quỳ dưới chân mẹ, lạy sống lạy chết, xin mẹ đừng nói với Diên sự thật chua cay này. Cha không sợ Diên hận cha, mà, cha sợ Diên căm giận cuộc đời, căm giận lòng người. Và, cha không sợ trách nhiệm của một người đàn ông đã tự nguyện vứt bỏ hạnh phúc của mình để tôn thờ một người đàn bà chỉ còn là một linh hồn cóng lạnh. Cha sợ cha không đủ bản lãnh để đối diện với cặp mắt in rõ ràng hình bóng của mẹ. Cha đợi đến lúc nào đấy, khi cha biết, hơi thở của cha phả đủ về vong linh mẹ an yên rồi mới tìm để lạy sống con trai mình. Giờ, nó đã tìm cha, và, cha sẽ lạy.
– Ba đâu có lỗi gì! – Diên nói, nước mắt vỡ òa, như sóng biển ngoài bờ đối diện vẫn ì oạp vỗ.
– Làm đàn ông mà không bảo vệ nỗi người phụ nữ của mình, đấy là tội lỗi lớn nhất, con trai ạ!
Diên bừng tỉnh! Diên thật sự bừng tỉnh!
Nó điên cuồng chạy chân trần ra bến xe trong khi túi nó dính không lấy một đồng. Người phụ nữ của đời nó. Mẹ nó. Người đàn bà đã đi qua tuổi thanh xuân với một vết xước lớn như biển, mặn như muối mà vẫn thường trực nụ cười ấm mềm vỗ tuổi thơ nó yên bình đang nằm trên chiếc giường chật chội, hôi hám, trong căn nhà tồi tàn nhất ở khu ổ chuột kinh tởm của Sài Gòn chờ chết. Vậy mà, nó lại ở đây sao? Không! Nó phải về! Với đúng cái nơi nó vốn thuộc về! Khu ổ chuột. Nó là đứa con của khu ổ chuột. Nó là thành viên của khu ổ chuột. Như mẹ ruột nó đã từng. Như mẹ nuôi nó đã chấp nhận. Nó đi. Chân trần, rát bỏng nắng biển thui từng bước nó chạy. Nó phải trở về căn nhà có mẹ nó, với con giường cũ sì oằn mình đón nó, cùng những giấc mơ sũng nước mỗi đêm…
Nhóm 4.0
Đọc thêm truyện ngắn hay “Nhàn”