NỖI BUỒN CỦA SỰ LỚN LÊN

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Một ngày nọ, tôi nhớ về trường cấp một của mình. Tôi đã chẳng nghĩ về nó trong một khoảng thời gian rất dài. Nhưng trong những dòng suy nghĩ, tôi thấy mình đi đến từng ngõ ngách của ngôi trường và mỗi bước đi ấy, những hình ảnh xung quanh rõ nét đến lạ lùng, như thể mới ngày hôm qua tôi vẫn còn đang nhảy lò cò trên những bậc tam cấp nối hai khu của ngôi trường nhỏ. Những điều đó làm lòng tôi xao động.

Tôi đi qua từng phòng học, nhận ra căn phòng nào cũng lưu giữ ít nhiều ký ức ngày xưa. Căn phòng học ngoài cùng trên khu cao nhất dành cho những lớp hai buổi, lớp 5A, từ bên ngoài tôi nhìn thấy tôi ngày bé xíu ngồi bên cửa sổ, bên cạnh là một bạn nam ngổ ngáo.

noi-buon-cua-su-lon-len1
Nỗi buồn của sự lớn lên

Tôi không hiểu sao, Lập rất thích kể cho tôi nghe những câu chuyện không dám nói với ai, kể cả việc bạn ấy thích cô bạn ở lớp 5C và nhờ tôi quân sư để gửi một bức thư tình. Nhưng đó là chuyện sau này, còn lần đầu tiên Lập bắt chuyện với tôi, bạn ấy đã nói rằng: “Có chuyện này, bí mật, tao kể với mày vì mày là đứa hiền nhất lớp!”

Lập thích bắt chước tôi làm nhiều thứ. Thậm chí bài vẽ với chủ đề “ước mơ của em”, bạn ấy cũng vẽ một cô gái đang đứng trên sân khấu hát chỉ vì tôi đã vẽ về ước mơ của mình như thế. Rồi vào những bài tập vẽ trang trí hình tròn, hình vuông, bài vẽ của tôi luôn có một bản sao khác nhưng vụng về và lem luốc hơn.

Và bởi vì tôi thích nghe nhạc, Lập đã mượn từ một ông anh họ xa của mình bộ đĩa DVD album ca nhạc của một ca sĩ mà tôi rất thích. Lập bảo rằng tôi phải giữ thật cẩn thận vì ông anh của bạn ấy sẽ cho một trận đòn nhừ tử nếu mấy cái đĩa đó có hư hỏng gì. Nhưng rồi có một ngày, Lập mượn của tôi hai nghìn đồng mà đòi mãi không chịu trả, tôi quyết định dùng mấy cái đĩa kia làm con tin. Lập buộc phải mếu máo trả tôi số tiền đã mượn để có thể lấy lại được số đĩa quý báu. Dù vậy, với số đĩa đó, tôi đã rất biết ơn Lập cho đến mãi sau này.

Khi trường chúng tôi có phong trào trồng cây, mỗi học sinh đều phải trồng ít nhất một cây và chăm sóc chúng cho đến hết thời gian còn ở lại trường. Sang ngày hôm sau, có tình trạng nhiều bạn trong lớp bị nhổ trộm cây và không thể biết ai là hung thủ. Dù số cây của tôi vẫn còn nguyên, Lập vẫn quyết định đào một cái hố ở phía trước cây của tôi và đặt vào đó mấy cây bàn chải, bảo rằng đó là cái bẫy để không ai dám nhổ trộm cây của tôi. Tôi không biết có ai sợ những cái bẫy thô sơ vừa nhìn đã biết ngay đó của Lập hay không, nhưng những cái cây của tôi đã yên bình trưởng thành cho đến khi tôi ra trường.

Lên lớp 6, chúng tôi cùng trường nhưng khác lớp. Tôi vẫn nghe được Lập khoe khắp lớp của bạn ấy rằng mình từng ngồi chung với một bạn giỏi giang như thế nào, hiền lành như thế nào. Đó là tôi.

Nhưng chỉ vài tháng sau, bạn ấy bị đuổi học vì gây gỗ đánh nhau trong trường. Có những điều tôi đã không kể ở những dòng trên, rằng bạn ấy là một học sinh cá biệt mà mọi giáo viên khi ấy đều e ngại. Hồi còn ở trường cấp một, cứ dăm bữa, Lập lại bị gọi tên trong giờ chào cờ một lần. Phụ huynh của Lập cũng được gọi lên trường đều đặn như vậy. Mỗi lần như thế, chúng tôi đứng tụm lại bên cửa sổ, để nhìn mẹ Lập gương mặt phiền não và xấu hổ bước ra khỏi phòng giáo viên, cùng đứa con trai mặt cúi gầm xuống đi ở phía sau tưởng như đã nhận ra lỗi lầm của mình. Nhưng chỉ vài ngày sau, mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu hết được tất cả những điều này, để có thể ít nhất một lần hỏi Lập rằng vì sao lại phải đánh nhau nhiều như thế, và để nói với Lập rằng có thể đừng như thế nữa được không? Hoặc cũng có thể, riêng ở bên cạnh tôi, Lập chỉ là một thằng bạn thật thà và ngốc nghếch, thích chơi với tôi bởi vì tôi hiền và cũng bảo vệ tôi bởi vì tôi hiền.

Kể từ sau khi Lập không còn đi học nữa, chúng tôi gần như trở thành những người xa lạ. Giống như Lập đi về thế giới riêng của bạn ấy và ngược hướng hoàn toàn với thế giới của tôi. Có những lần chúng tôi đi lướt qua nhau trên đường, Lập buông lời chào tôi bằng giọng điệu có phần trêu chọc và khiêu khích mà tôi chẳng bao giờ dám đáp lại. Chính những lúc ấy tôi biết rằng quá trình trưởng thành này đã thật sự kéo chúng tôi về hai cực của thế giới. Chúng tôi không bao giờ có thể nhìn vào nhau bằng những tình cảm trong veo của thời đó nữa. Dù cho tôi có vẫn là tôi của ngày đó, Lập cũng đã hoàn toàn đến với thế giới mà bạn ấy muốn thuộc về.

Đôi lần tôi tự hỏi, có bao giờ Lập có ngồi nhớ lại những ký ức của ngày đó và suy nghĩ về những điều này giống như cách tôi vẫn thỉnh thoảng hoài niệm. Mà nếu có, liệu những hoài niệm của bạn ấy có mang một màu buồn giống như tôi của hiện tại?

 

THANH TRÚC

=> Đọc thêm: Một cánh thư tình

 

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...