[Review] “Người mê” – Đan xen giữa hiện thực và ảo ảnh
|“Người mê” của Uông Triều đưa đã độc giả đứng giữa ranh giới của thực tại và ảo ảnh, thái độ bàng quan với cuộc đời và khát khao được sống đúng nghĩa của một con người.
Lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ, nội dung tiểu thuyết kể về một lão già ngoài sáu mươi tuổi, đã sống một cuộc đời bạc nhược, cam chịu, dễ thỏa hiệp thậm chí là luồn cúi. Sau khi về hưu, lão tiếp tục sống như con nhộng không chịu phá kén bằng cách mở quán cà phê đơn giản, chật chội chỉ phục vụ duy nhất một quán cà phê cho đến một ngày lão gặp được H – bạn thân của con gái lão. Vẻ đẹp và sự tươi trẻ của H như đã tưới sức sống lên cuộc đời khô cằn của lão. Lão yêu H, tình yêu cuồng nhiệt si dại hơn bất kỳ gã trai trẻ nào. Từ một kẻ bạc nhược dễ thỏa hiệp, lão chống đối tất cả người thân, tuyên bố cho tất cả mọi người về tình yêu của lão.
Văn kể được sử dụng nhiều trong “Người mê”, những câu thoại đan xen liền mạch với hành động và cảm xúc. Mọi thứ diễn ra như dòng chảy không ngăn chặn được trước mắt nhân vật chính, đồng thời thời việc sử dụng văn kể khiến cho người đọc đang lắng nghe giống bộc bạch, thanh minh của nhân vật chính về những điều đang xảy ra. Cả tuổi trẻ cam chịu, dễ thỏa hiệp với cuộc sống, sự nổi loạn của lão bùng nổ khi về già là điều hiển nhiên sẽ đến. Lão yêu H như một lẽ hiển nhiên và không mảy may hổ thẹn về nó.
Nhiều hình ảnh ẩn dụ được sử dụng trong “Người mê”, ví dụ như cục mụn nhọt – sự xấu xa trong lão di truyền sang đứa con của H, dù H đã khẳng định hai người chưa từng quan hệ tình dục, cái bình – nơi chứa đựng sai lầm không thể sửa chữa lại trong quá khứ, hoặc cái giếng sâu hun hút, nơi lão nhìn thấy linh hồn biến dạng của người vợ trong giấc mơ và cũng là nơi lão kết thúc cuộc đời mình.
Giống như tên gọi của tiểu thuyết, người đọc giống như người mê khi lật từng trang sách. Là hư ảo hay thực tại? Những gì diễn ra là sự thật hay chỉ là giấc mộng điên cuồng của ông lão già cỗi mong muốn được sống hết mình – điều lão không thể làm được khi còn trai trẻ. “Người mê” không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Uông Triều, nhưng để nói về bi kịch của một người đã không có cơ hội được yêu, được sống thật với cảm xúc của mình rồi chuốc lấy kết cục bi đát – có thể coi là đã tròn trịa.
Nguyễn Anh
=> Đọc thêm: Review truyện Những vì sao trong mơ