Tầng bốn khu chung cư cũ

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Khu chung cư cũ, cũ đến đen sì sì những vệt đen mà mới nhìn vào, chẳng khác gì những vệt cháy xém, loan lỗ. Khu chung cư cũ, cũ đến lụm khụm, đến run rẩy mỗi khi có chiếc xe tải nào đó vô tình chạy qua với vận tốc chậm đều.

Khu chung cư cũ có bốn tầng. Tầng trên cùng là tầng thoáng nhất, mát nhất mà cũng nhiều chuyện để nhìn ngó rồi ngẫm nhất. Bởi, dân tầng trệt chỉ chăm bẳm mở hàng, mở quán buôn bán, chẳng mấy va chạm để có chuyện mà bàn, ngoài chuyện thi thoảng hai hàng sát nhau chí chóe đánh chửi tranh khách… Lúc ấy, dân tình thường hay bảo, sao không bán hai kiểu hàng, khỏi mất công hoạnh họe nhau, tranh giành nhau? Còn dân tầng hai, tầng ba số đông là dân công chức hoặc làm công ty tư nhân. Cứ sáng đi, chiều về, sống im ỉm trong nhà, không va chạm, không ồn ào.

tang - bon- khu-chung-cu
Tầng bốn khu chung cư cũ

Tầng bốn, chả biết vì vô tình, hay vì dân tầng bốn đã biết sẵn – để mà chủ ý dọn về ở khi mình tự thấy mình phù hợp – rằng, đây là tầng rất khác những tầng khác – tầng của các mụ đàn bà!

Sáng sáng, đầu cầu thang bên trái, bà Định quét xẹt xẹt hành lang trước nhà, quét luôn xuống chỗ những bậc cầu thang dơ hầy, mà, nói đúng ra là bà cố hắt rác từ nhà bà, hắt ra chỗ hành lang rồi sẵn tay hắt xuống luôn  chỗ cầu thang nhỏ tối hù hù ngay ở giữa trưa. Tiếng chổi dừng trong giây lát – kiểu được lập trình chính xác đến từng giây – rồi, y như thể, bà Định chửi đổng: “Chích đâu không chích, lê la qua chỗ nhà người ta mà chích! Lạy trời cho tụi mày chết bờ, chết dẫm hết! Chết vì sida, vì “ết” hết đi!”…

Một cái đầu thò ra: “Tối qua em đi về, tụi nó ngồi chồm hổm giữa cầu thang mà chích á chị! Ghê!” – giọng Huế đặc sệt. Lại một cái đầu khác thò ra: “Tui thấy tụi nó tụ tập ở bên chợ á! Kêu dân phòng bắt hết cả đám đi cho người khác còn yên tâm mà sống!” – giọng nói còn ngái ngủ, sặc mùi nước bọt, hoặc đó là mùi hôi hám của sự ẩm thấp nơi này như nó cứ bỗng nhiên bốc lên ngay khi giọng nói ấy cất lên, nên, người ta tưởng thế! Mụ Dung mập đợi hoài chưa thấy ai mon men tới gần nhà mình, chịu không được, phụng phệ từng bước chậm rãi bước ra: “Mấy thằng mất dạy, tối qua giựt mất sợi dây chuyền ba chỉ của em! Cổ sướt đường dài thòng, sâu hoắm nè!” – vừa nói, mụ vừa kéo trễ cái cổ áo vốn dĩ đã trễ đến hở phân nửa bộ ngực to đến ngộp thở ra, khoe vết sẹo còn mới của mình.

Thế là, cả tầng bốn ngày đó có chuyện để bàn. Nào là chuyện mụ Dung bị giựt dây chuyền. Nào là chuyện đám nghiện hút tụ tập ở bên hông chợ. Nào là chuyện chả ai làm gì bọn chúng… Dẫn hoài, dẫn mãi, dẫn đến hồi mỗi người dẫn về bài thuyết trình muôn thuở của mình – tự hào về chồng, tự hào về con. Trong số họ, ai cũng có cái may mắn được chồng thương, chồng nể. Chồng đi làm kiếm tiền về nộp đủ, không thiếu một xu. Tiêu gì, xài gì, tự họ quyết hết, chả ông chồng nào dám nặng nhẹ lấy một câu! Trong số họ, ai cũng có cái may mắn có con giỏi giang, chịu khó! Cha đi làm, mẹ ở nhà lê la hành lang tầng bốn khu chung cư mà đứa nào cũng đại học này, cao học nọ. Ngày trước còn khoe khoang con mình thủ khoa, tới ngày sau đã nghe nói vô công ty nước ngoài làm lương mấy ngàn… Đời họ thiệt là sung sướng!

Rồi, dẫu có là cái ngày đau khổ của mụ Dung mập khi bị giựt dây chuyền, đám đàn bà tầng bốn khu chung cư cũ vẫn giữ y nguyên cái thói quen của họ – tụ tập thành đám, ăn uống bê bết giữa hành lang, chỗ trước cầu thang giữa, khoảng trống rộng đủ cho đám đàn bà nhê nhếch uống, nhê nhếch cười và nhê nhếch khoe khoang. Ngày của họ dài quá! Từ sáng tiễn chồng đi làm, tiễn con đi học – đi con đường thành công để họ có cớ ở nhà mà tự hào – đến khi đón chồng, đón con về mà đoàn viên cơm chiều dài đến như bất tận. Chính vì thế mà họ cứ phải cùng nhau tìm chuyện mà giết thời gian.

Họ ngồi dưới, nướng thịt nướng cá, khói bay mịt mùng, mặc kệ những nhà không chịu góp mặt đàn bà vào các cuộc xôm tụ ấy cảm gì, nghĩ gì. Họ chỉ biết, họ phải ăn, họ phải tụ tập, vì, họ cần phải nói, nói về những cái nỗi không thể không nói của họ. Tự hào, sung sướng, thỏa mãn… là những thứ không nói dễ trầm uất hơn cả đau buồn mà!

Đàn chuột đen cứ dài người trườn trên mấy cái ống nước vắt trên trần hành lang. Cả đám bình thản bò qua, trườn lại trên đầu mấy mụ đàn bà miệng không bao giờ khép lại phía dưới. Những cặp mắt đen đảo liên tục, khi nhìn mụ này, lúc mụ kia… Có những lúc, đầu chúng ngúc ngắc qua lại, kiểu như chúng đang không hiểu gì đó?! Mặc chúng, đám đàn bà tầng bốn khu chung cư cũ vẫn rôm rả bữa trưa bắt đầu lê thê bởi bia bọt ngấm vào…

Chiều! Tối! Đến tận chặp khuya… bà Định vắt chân lên bàn sa-lon, mắt nhìn vào tivi đang chiếu mấy cảnh phim nhạt nhẽo mà tai cứ dỏng ra ngoài – có vẻ, phim nhạt đến độ, bà hóng ra hành lang tìm một tiếng lao xao, dẫu chỉ là tiếng mấy con chuột đen vấp cửa sắt, còn hay ho hơn!

Đêm, mọi tiếng động dù khẽ nhất vẫn đủ để nghe rõ đến là mồn một ở cái khu chung cư có những vách ngăn không dầy này. Bên phía nhà đối diện, tiếng đứa con gái đã mất hẳn chất Huế vọng lên: “Mẹ phiền quá! Con thích thì con làm, chả chết ai”. Rồi giọng Huế đặc sệt rền lên, vài vỉ: “Mạ lạy con, con nói vừa thôi, hay ho gì đâu!”. Lại tiếng đứa con gái: “Sợ gì? Con có ăn trộm ăn cướp của họ đâu mà sợ, có sợ là sợ họ ghen ăn tức ở, nói ra nói vô phiền mấy cuộc nhiều chuyện của họ với mẹ thôi!”. Có tiếng âng ấc khóc. Có tiếng Huế vọng vào đêm trong căm tức: “Ừ, nói đi! Nói cho to vô! Đi giựt chồng người ta, hay lắm!”. Bất thình lình, giọng con bé trở ngược lại với chất Huế của nó – thứ mà nó đã học được từ ngày chỉ còn nó và mẹ nó bơ vơ – “Mạ đi tìm ba mà nói! Con khát nước cũng tại ba ăn mặn thôi!”… Bên đó, không còn tiếng Huế già nua trả lại. Hình như, nước mắt ngập cả cuốn họng người đàn bà Huế rồi! Bên này, bà Định vẫn hóng hớt, chậc lưỡi tiếc, sao không nói tiếp nữa đi?

Xa hơn chút nữa, tiếng the thé phát ra từ cái cổ núng nính mỡ của mụ Dung: “Đi đâu giờ này mới về?”. Không có tiếng trả lời. Vẫn giọng mụ Dung rít lên nhưng cố kiềm hãm âm lượng: “Đi với con nào, hử? Nói tui nghe, ông đi với con nào?”. Vẫn chẳng có câu trả lời nào cả, kiểu như, mụ Dung đang độc thoại một mình với hình mình phản chiếu trong gương. Có tiếng ầm ầm, có tiếng loảng xoảng – có vẻ như có thứ gì đó dễ vỡ mới vừa vỡ – rồi lại tiếng của mụ Dung: “Bây giờ ông muốn sao? Ông nói tui nghe coi, ông đi đâu về?”. Giọng đàn ông vọng lên, ồ ồ, rền rĩ: “Đi kiếm tiền! Đi kiếm cái bỏ vô miệng cho no mà còn có sức làm việc mua vàng mua bạc đeo đỏ cổ bà mời bọn lưu manh giựt!”… Rồi, mọi thứ lại lặng đi!

Bà Định đã chạy thẳng tới cửa nhà, vảnh tai ra mà nghe cho kỹ. Khi bên nhà mụ Dung đã không còn tiếng động gì nữa, bà Định tiếc nuối thở ra, toan bước vô. Cánh cửa sắt nhà bà kéo mạnh, kêu ken két. Bà Định giật mình quay lại nhìn. Thằng con trai của bà ốm như cái bóng, xiêu vẹo bước ngang qua cửa – vào nhà. Bà Định lom lom nhìn con, hỏi: “Làm gì mấy bữa nay không về?”. Thằng con thậm chí không thèm nhìn ngang lấy mẹ, cứ thế, lầm lũi tiến về phòng. Bà Định gí theo, chặn đường, nghếch mặt hỏi lại: “Sao mấy bữa nay không về?”. Thằng con bực mình, giơ tay gạt bà Định sang một bên: “Mẹ để con đi ngủ, con mệt lắm rồi!”. Bà Định vẫn đứng trơ ra, nói tiếp: “Mày cứ tụ tập với đám đó đi. Thể nào cũng có ngày, cả đám tụi bây bị gô cổ!”. Thằng con đưa tay lên che miệng, ngáp liên tục: “Đó là thứ mẹ mong mà, lúc nào mẹ chả cầu vậy! Nếu vậy, thì cứ để nó vậy đi!”…

Trong nhà, bà Định bất lực đứng nhìn theo thằng con đang thất thểu bước về phòng, miệng vẫn ngắn dài ngáp, kiểu như mấy con cá mắc cạn. Ngoài hành lang, đám chuột đen vẫn dài mình trườn trên từng ống dẫn nước, trườn xuống vách tường, đến chỗ mấy bịch rác ngồn ngộn thức ăn thừa mứa từ bữa trưa tụ tập dài chuyện khoe khoang tự hào của mấy mụ đàn bà tầng bốn khu chung cư cũ…

 

Nhóm 4.0

=>Đọc thêm: Truyện ngắn “chia xa”

 

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...