TRUYỆN NGẮN CAO CƠ – KHI NHỮNG TÍNH TOÁN QUỶ QUYỆT, NHỎ NHEN KHÔNG THẮNG ĐƯỢC TÌNH THƯƠNG CHÂN THẬT

Rating: 5.0/5. From 4 votes.
Please wait...

Người ta thường nói lòng dạ đàn bà như kim đáy biển, khó lường, khó dò, muôn đời là bí ẩn với cánh đàn ông. Người hiểu thấu phụ nữ luôn chính là phụ nữ, bởi, chỉ có phụ nữ với nhau mới có thể dễ dàng đồng cảm, về những nỗi đau khổ, khát khao, ước muốn của nhau. Truyện ngắn “Cao cơ” của tác giả Trương Thanh Thùy nằm trong tập truyện “Mít ơi!” là một truyện ngắn viết về hai người phụ nữ, hai người đàn bà với những tâm tư giấu kín, giằng co trong một mâu thuẫn giành giật hạnh phúc cho bản thân mình.

Truyện xoay quanh Ngọc và cô Nhị, hai tuyp phụ nữ hoàn toàn khác xa nhau xét về mọi thứ, nhưng lại nằm trong một mối quan hệ đặc biệt – thầy trò – mẹ con nuôi. Cô Nhị quen biết, nhận nuôi Ngọc khi Ngọc trong những ngày tháng đau khổ, khó khăn nhất đời mình – một cô gái tội nghiệp, hoàn cảnh éo le, bị chồng bạo hành, luôn lẽo đẽo sau cô Nhị hoảng sợ và bỡ ngỡ trước mọi thứ xung quanh. Thời gian và sự giúp đỡ của cô Nhị đã làm cho Ngọc thay đổi, hoàn toàn lột xác trở thành một con người mới, trở nên xinh đẹp, trẻ trung, tràn đầy tự tin và sức sống nhưng cũng cực kỳ hời hợt, trẻ con và ích kỷ.

truyen - ngan - cao - co

Truyện ngắn “Cao cơ”

Mẹ nuôi Ngọc, cô Nhị cũng là một người phụ nữ đã trải qua đau khổ sau một cuộc hôn nhân tan vỡ. Cô Nhị thương xót, đồng cảm với nỗi đau của Ngọc, dang tay ra với Ngọc “Thôi kệ, đàn bà mà, thương được nhau chừng nào thì cố mà thương hơn chừng ấy”, “Thương hơn kiểu đàn bà thương đàn bà thì mình vẫn còn làm được mà” và cô Nhị thương Ngọc đúng kiểu như một người mẹ thương một đứa con gái. Dẫu rằng đứa con ấy chẳng phải mình sinh ra và nó khác xa cô về mọi thứ. Cô đơn giản với quan niệm “Cuộc sống đôi khi cần có sự bù trừ”.

Cô Nhị đưa Ngọc về sống cùng mặc kệ những lời đồn đãi dị nghị, mặc kệ nguy cơ về việc có một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, tuổi xuân phơi phới ở cạnh chồng mình – người chồng mà non cô mười tuổi. Dưới ánh mắt của người đời nhìn vào cho rằng cô làm như thế là dại khờ, là nuôi ong tay áo nhưng cô vẫn chỉ sống đúng với quan điểm của mình là tận sức để yêu thương. Hai người phụ nữ, với những nỗi lòng, tâm sự, những khao khát rất riêng để rồi cùng yêu thương một người đàn ông, khởi đầu cho những mâu thuẫn xung đột gay gắt.

Ngọc, dựa vào lòng tin của cô Nhị, dựa vào tuổi trẻ, sắc đẹp của mình mà từng bước từng bước chia rẽ mối quan hệ vợ chồng giữa cô Nhị và chú Phi. Lợi dụng những khi cô Nhị bận bịu lao đầu vào công việc ít khi quan tâm đến chồng để quyến rũ chính người ba nuôi của mình. Ngọc, tự tin vào sắc đẹp vào thủ đoạn, từng bước, từng bước đưa người ba nuôi của mình vào cái bẫy do cô giăng ra, Ngọc tự hào mình “cao cơ” nhất quyết muốn giành giật và có được tình yêu của ba nuôi mình cho bằng được.

Thế nhưng đối diện với những toan tính, thủ đoạn của Ngọc, sự phản bội của chú Phi; cô Nhị vẫn điềm tĩnh, bình thản và nhẹ nhàng đến bất ngờ. Cô Nhị đau, cái đau đến xé lòng khi bị chính hai người mình tin yêu nhất phản bội, quay lưng. Thế nhưng, cô vẫn giữ quan niệm sống của mình “Hãy đem hết lòng mình ra, trải đều cho tất cả mọi người. Chuyện gì tới sẽ tới, con gái ạ! Và như thế, con vẫn sẽ thấy mình thanh thản, vì không phải hối tiếc rằng, con đã không làm điều tốt nhất cho những người con thương yêu”. Có thể, sẽ có người nói ràng cô Nhị quá tốt bụng, quá khờ, nhưng chí ít sống với điều này cô sẽ không bao giờ là người phải hối hận.

Những thủ đoạn và cái bẫy của Ngọc giăng quá cẩn thận, nhưng cuối cùng tất cả những toan tính đều trở thành công cốc. Chú Phi vẫn về với cô Nhị, về với người vợ đã cùng mình đồng cam cộng khổ vượt qua biết bao thử thách và chông gai. Không phải cô Nhị “cao cơ” hơn Ngọc, cô hoàn toàn không toan tính gì, nên không thể so sánh ai cao cơ hơn ai. “Thứ cô có mà Ngọc không hề có đó chính là cái tình, cái nghĩa với chú. Là quãng chông gai cô và chú nắm tay nhau kiên định bước qua”. Đối lập hoàn toàn với sự tính toán của Ngọc, cô Nhị luôn yêu thương và nghĩ cho người khác, và chính tình yêu thương chân thành ấy đã vượt lên trên tất cả, chiến thắng tất cả những toan tính, thủ đoạn ích kỷ, nhỏ nhen.“Chú Phi có thể hạnh phúc nếu được làm cha lần nữa. Nhưng chú có hạnh phúc không nếu đó chỉ là một cái bẫy đã giăng sẵn? Nếu đó là toan tính trong một mối quan hệ chông chênh? Và, đã là đàn bà, hẳn con cũng hiểu. Bất kỳ điều gì toan tính đều không có giới hạn trong tình yêu”.

Trong truyện ngắn “Cao cơ”, nhân vật Ngọc được xây dựng với bao nhiêu điều đáng ghét – một cô gái xinh đẹp, hời hợt, thủ đoạn và vô ơn. Ngọc đã lợi dụng lòng tốt của cô Nhị, phụ bạc lại những ân tình của cô Nhị dành cho cô. Ngọc xấu xa, đáng ghét nhưng khi đọc truyện ngắn ít người có thể ghét Ngọc được bởi cô ấy cũng rất đáng thương. Cô Nhị khi đối mặt với mọi chuyện Ngọc gây ra đã rất tỉnh táo mà nói rằng, “Ngọc không yêu chú Phi. Thứ Ngọc dành cho chú Phi là một sự si mê điên cuồng cùng với cái khát khao giành được người đàn ông nên ở cạnh mình hơn là ở cạnh một bà già mập ù, xấu xí…”. Sau tất cả những điều Ngọc gây ra, cuối cùng cô cũng là người nhận lại bao cay đắng và đau khổ. Tác giả không biện minh, không giải thích cho Ngọc,  tác giả chỉ đơn giản là yêu thương nhân vật của mình đến tận cùng. Và, chính sự yêu thương đến tận cùng dành cho nhân vật ấy, độc giả cũng đau thấu nỗi đau, trăn trở với nỗi niềm riêng của từng nhân vật.

Truyện ngắn “Cao cơ” đọng lại trong lòng người đọc nhiều giá trị – về cách đối nhân xử thế, về tình yêu thương, sự bao dung, về giá trị đích thực của hạnh phúc…Khép lại truyện hình ảnh cô Nhị và quan niệm của cô cứ âm vang trong đầu tôi mãi, đó là hãy yêu thương đến bằng cùng để không bao giờ phải hối tiếc.

 

PHẠM THANH

=> Đọc thêm:https://nhom40.com/tac-gia-tre-cua-nhom-4-0-pham-thanh/

Rating: 5.0/5. From 4 votes.
Please wait...