[truyện ngắn] Ráng chiều
|Na oằn mình rãy rụa, rồi, như một cái rùng mình, Na ra đi!… Đôi mắt nhắm nghiền đau đớn. Mái tóc dài bóng mượt ngày nào, giờ rối bù sau cơn đau siết tột cùng. Bộ da bủng beo dư thừa che đậy một cách thiếu tinh tế cái cơ thể từng rất đẫy đà tròn trịa, giờ, trơ lại xương và xương!
Nó sợ sệt chà lết hai chân, cố đẩy cả thân mình vào cuối góc tường. Cổ họng đắng nghét. Nó muốn la khóc, muốn gào thét, dù chỉ hai tiếng: Na ơi! Mà sao không thể! Quờ quạng tay vào xách, mắt nó không dám rời khỏi xác Na. Cái kim tiêm và ống nước cất cùng vài thứ son phấn linh tinh nằm trong bàn tay nó run rẩy. Nhẹ nhàng và điêu luyện, nó đưa mũi kim vào đường gân chân hằn lên một cách mờ nhạt dưới tất cả sức lực của sức bóp bàn tay trái nó. Nó sống! Sống trong cái thế giới riêng của nó! Thế giới đó, có cả Na.
***
Na hay cười lắm! Dù cái cười của Na luôn buồn thiu và chát ngắt. Na hay hỏi về quá khứ của nó. Na hay hỏi về cái lý do khiến nó đến nơi này… Nó luôn im lặng, mặc kệ vẻ ngạc nhiên muôn thuở hay cái tặc lưỡi tức tối của Na. Mỗi người một số phận, biết trách ai bây giờ?
13 tuổi, Na theo mẹ đến đây. Chưa bao giờ Na nói với nó, rằng Na hận mẹ đã đưa Na vào chốn này. Cha mang tội hiếp dâm, ở tù gần như là đến cuối đời. Mẹ Na bán thân nuôi 4 chị em… Na thật thấy thương bà nhiều hơn là hận hay căm ghét. Duy chỉ có một lần, Na mắng xối xả vào mặt mẹ bằng những lời lẽ thô tục và mất dạy nhất của mấy đứa con gái bán hoa, đó là ngày mẹ Na đưa em gái Na vào đây… Con bé mới 15! Hơn năm sau, bà bị đưa đi cai nghiện…
Ngày con bé em Na nhảy sông tự vẫn. Na ngồi bó gối bên cạnh nó, ngay nơi người ta vớt xác em gái mình. Giọng Na mỏng tang, khắc khoải: “Vậy, có lẽ lại tốt hơn, phải không, mày?”.
***
Xác em Na. Xác Na. Giọng Na lúc say, cười nắc nẻ. Mái tóc Na dài xõa bay. Những cơn say không bờ bến… Nó choàng tỉnh. Vô thức, nó lao xuống cầu thang: “Con Na chết rồi, nó chết rồi, chị Đình ơi!”. Có tiếng người lao đến. Nó kịp nhìn thấy một bàn tay vung ra, gò má nó rát bỏng sau tiếng “bốp” khô không khốc. “Đồ ngu! Mày muốn cả làng này biết à?” – giọng bà Đình ngang phè muôn thuở. “Tao nuôi báo cô nó lâu vậy, mày còn muốn hại tao đến khi nào?”… Ừ, cũng may cho Na! Na đẹp, tròn trịa, uống bia rượu giỏi và chiều khách cũng quá giỏi. Giỏi đến mức Na trở thành “đào cưng” của bà Đình. Giỏi đến mức Na có hẳn một phòng riêng nơi đây… Ừ, dù gì Na cũng có một nơi ấm cúng để trút hơi thở cuối cùng.
“Cũng may là nó không thuộc diện quản lý” – giọng bà Đình kéo nó về thực tại, lại cái giọng lạnh băng, ngang phè, ra lệnh: “Giải quyết nó đi!”.
Nó van vải bà Đình cho nó thuê chiếc xe chở Na ra Đồng Nai hỏa táng với lời hứa không lấy phần trăm tiếp khách nửa năm cho bà Đình. Thế là, đám tang Na chỉ mình nó với chiếc quan tài rẻ hề, trong khả năng nó có thể trả, cùng người tài xế đánh xe…
Xe dừng ở ngã tư đèn đỏ. Nó mơ hồ trông ra đường. Kìa! Ai như mẹ đó, đẹp đẽ trong chiếc Mercedes sang trọng cạnh một bóng người, có lẽ là đàn ông… Bất chợt, nó sợ hãi. Lần đầu tiên trong đời, nó sợ khi thấy mẹ mình. Chẳng biết vì sao nữa, chỉ biết là, nó đang sợ. Nó thụp người xuống sát quan tài, thì thào: “Mẹ tao kìa, Na!”.
***
Chiếc quan tài từ từ được chuyển vào lò thiêu. Nó thấy tim mình đau nhói. Lặng lẽ ra ngoài mua chai rượu và bao thuốc lá. Lúc nó trở vào, quan tài Na đã cháy phân nửa, lộ xác Na tong teo. Nó không dám nhìn thêm. Quay lưng đi, tu ực ngụm rượu, châm điếu thuốc. “Mày có giận tao không, Na?”… “Tao chẳng bao giờ kể cho mày nghe gì về tao cả… Mày có nghĩ tao ích kỷ lắm không, hả Na?”.
Mà kể làm sao được? Kể thế nào cho Na hiểu hết chuyện của nó bây giờ? Làm sao Na hiểu hết cảm giác của nó khi sống cùng một tuổi thơ đầy gian dối? Khu biệt thự sang trọng ấy dường như thật sự được điểm tô bằng căn nhà nó ở. Đẹp! Đẹp đến lý tưởng với tất thảy người lại qua. Ngôi biệt thự ấy, là nhà nó, ngày nào mà chẳng tiệc tùng, chẳng hội hè. Ngày nào mà chẳng đón vài người sang trọng đến và đi trên những chiếc xe con đắt tiền bóng loáng.
Na làm sao hiểu hết cảm giác của nó lúc gã đàn ông ấy quát thẳng vào mặt cha nó: “Ông thì hiểu cái đách gì! Để vợ ông giải quyết thì tốt hơn!”. Nói rồi, gã mở cửa xe cho mẹ nó lên, đóng sập cửa xe lại (đến giờ, nó vẫn chưa thể hiểu cái tiếng “ầm” lạt lẽo ấy là tiếng sập cửa của một sự giận dữ hay thách thức nữa), bóng hắn và mẹ nó khuất sau ngã cua giữa một buổi ráng chiều. Sau ngày ấy, cha nó nghỉ việc với một cọc tiền bồi thường hay gì đó, nó cũng không rõ lắm! Sau ngày ấy, mẹ nó thường ít về. Mỗi lần bà về, cha nó lại lặng lẽ ôm chăn gối sang phòng khách ngủ. Mẹ nó lại đi. Nó và anh nó lại có những món đồ gì đó, mới và đắt tiền.
Mẹ nó cứ thưa dần những lần về nhà thăm nó, thăm anh nó, thăm cha, là như thể cái thù hằn trong mắt cha dành cho nó lại tăng thêm. Cha nhìn nó thù hằn như mỗi đêm ông thù hằn nhìn mẹ nó trong tấm ảnh cưới của ông bà được phóng lớn treo nơi đầu giường ông nằm. Ông hay quát nạt nó vô cớ. Rồi, vài cái tát vô cớ. Rồi, những câu mắng nhiếc, sỉ vả nặng nề cũng vô cớ… Về phòng, nó soi gương. Ủa, nó giống mẹ đến thế sao? Từng nhịp đập trái tim nó lúc bấy giờ chỉ dành cho một sự khắc khoải nhớ mẹ. Nó mong bà về biết chừng nào! Nước mắt nó mặn từng bữa cơm, mặn từng giấc ngủ chập chờn, mặn từng dòng suy nghĩ trẻ con, non nớt… Nó lặng lẽ đi học rồi về nhà. Nó lặng lẽ ngóng mong dáng mẹ về nơi cổng nhà từng giờ. Lặng lẽ như một cái bóng. Không chống cự, không phản kháng…
Na chắc cũng không thể hiểu cái ngày nó mặc độc bộ áo dài trắng trên người, rời bỏ cái nhà ấy mà đi với lời thề không bao giờ trở về nữa. Chẳng sao cả! Vì nếu có về, đến một ngày, khi cha nó mất, nó cũng phải ra đi như lúc này. Những lời cha nó nói với anh trai mà vô tình nó nghe được, còn nặng nề gấp ngàn lần những cái tát tai vô cớ ông đã giáng vào mặt nó. “Cha không làm di chúc, vì nếu vậy, mỗi đứa rồi sẽ hưởng một nửa… Cha làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu cho con. Em con, chắc rồi cũng giống mẹ nó!”. Lần đầu tiên, nó ghét sự có mặt của mẹ nó trong đời mình. Lần đầu tiên, nó không thèm khát nhìn thấy bà trở về nữa… Vì mẹ mà nó mất cả cha và anh trai!
***
“Xong rồi!” – giọng ông lão quản lò thiêu làm nó giật bắn cả người. Ông đưa cho nó cái hũ đất đựng tro bụi là xương cốt của Na. Nó ghì chặt chiếc hũ vào lòng như thể đó là một báu vật. Nó bật khóc! Ừ, vậy có lẽ lại tốt hơn, phải không Na?
Vô hồn, vô định, nó bước chếnh choáng ra ngoài. Trời hửng chiều. Nắng rực đỏ và đậm mùi khói. Nó cố hít thật sâu, như thể nó cố gắng nén chút gì đó là của Na vào cơ thể mình. Hai giọt nước mắt tròn xoe, trong veo vô tình rơi ngay vào chiếc hũ đang nằm im ỉm trong lòng nó. Nó đưa một bàn tay lên quệt vội. Ráo hoảnh. Lâu rồi, không ai thấy nó khóc, và, nó cũng chẳng mong ai đó thấy nó khóc!
Mấy tờ giấy bạc nhàu nát xồn xoạt trong tay lúc nó thò vào túi áo như thôi thúc nó quay về nhà bà Đình (nó cố gọi vậy về cái ổ chứa ấy để bớt thấy kinh tởm chính mình). Về lại đấy ư? Để lại tiếp tục ngồi bàn, nốc bia, nốc rượu cùng những gã đàn ông luôn chòng chọc vào cơ thể nó ư? Để đến cữ, nó lại bỏ tất cả tiền mà nó kiếm được từ danh dự của mình ra mua chút bột trắng ấy, pha vào ống nước cất, rồi tiêm vào mấy sợi ven cuối cùng trên người nó ư?… Nghĩ đến cữ thuốc, tay chân nó bủn rủn. Đến giờ rồi ư? Nó quỵ xuống. Phải về thôi! Không, không, đừng vậy! Giọng Na đâu đó vẳng lên trong đầu nó, vọng về từ cuối vùng ký ức của nó với cái âm điệu tang thương, ma quái nhưng quá đỗi chân thành.
Không! Nó không muốn vậy! Nó không muốn lúc nó chết đi, chẳng có ai biết đến nó cả! Nó không muốn đám tang của nó chỉ có một con bạn cùng nghề vì xót thương nó mà phải gánh nợ! Nó không muốn nó chết đi vì căn bệnh thế kỷ quái ác và cay nghiệt như Na, bạn nó đã mắc phải! Nó sợ, nếu nó chết đi sẽ chẳng ai đó rỏ cho nó một giọt nước mắt xót thương. Không! Nó không muốn!
Nó lao ra đường. Chiếc taxi thắng két lại. Người tài xế lò đầu ra ngoài cửa xe, quắc mắt: “Đi đứng thế à! Muốn chết sao?”. Nó lần tay qua đầu xe, cố bấu víu vào chỗ dựa trơn tuột, dò dẫm đến bên chiếc cửa kính xe đã hạ xuống. Giọng nó run rẩy, van xin: “Chở cháu đến trung tâm cai nghiện gần nhất, xin bác…!”. Người lái xe nhìn nó dò xét, nửa thương hại, lắc đầu: “Không được!”. Chặp. Ông chỉ tay ngược về phía sau: “Đi đi, khoảng 500 mét, bên tay trái!”. Chiếc taxi lao vụt đi, khuất khỏi tầm nhìn của nó chới với. Nó chậm rãi quay đầu về phía tay người lái taxi vừa chỉ. Nơi đó, ráng đỏ một trời chiều.
Nhóm 4.0
Đọc thêm truyện ngắn: Những chiếc chuông màu cam