(Truyện ngắn) Tấm vé mời

No votes yet.
Please wait...

Thằng Dao mặt xanh như tàu lá, liêu xiêu bước chập choạng chậm chạp lên từng bậc thang cao đến chấp chới… Mỗi ngày, nó đều đi qua những nấc thang này, sao nay, chúng cao đến thế?

Lão thầy một mắt từ trên nhìn xuống, thảy một câu theo cái kiểu khạc vào mặt người ta: “Đi hết nổi thì bò, thì trườn… Tưởng mình đủ sức mà trèo cao sao, con?”. Cái từ “con” của lão thầy kéo dài đến mênh mông. Thằng Dao ngước cặp mắt đỏ ngầu vì quá nhiều đêm thức trắng của nó, nghiêng nghiêng đầu nhìn thầy mình – cái kiểu nhìn mà nó đã rất nhanh học được từ lão thầy một mắt của nó. Sở dĩ, nó nhìn vậy, không phải vì nó muốn chòng ghẹo gì cái tật của thầy mình. Nó toàn tâm toàn ý học mọi thứ từ thầy mình, vì, nó kính trọng, nể phục thầy bằng tất cả trái tim và lý trí của nó – nghĩa là, kể cả các cái tật, cho dù là tởm lợm nhất, kinh khiếp nhất, nó cũng muốn học. Thằng Dao ấu trĩ bậu cái suy nghĩ bệnh hoạn vào đầu mình: “Nhất định, mình phải là bản sao của thầy!”.

Lão thầy một mắt hứ một tiếng – nhão nhoét, dài nhoẹt của cái kiểu các bà tám buôn chuyện không đã nư ngoài chợ hấm hứ nhau – quay thẳng cái đít quần trắng bệch màu vôi – chắc lão vừa tựa mông vào đâu đấy tám chuyện qua điện thoại với một mối quan hệ cao ngất ngưỡng của lão – chổng thẳng vào mặt thằng Dao vẫn đang lồm cồm bò lên. Lão thầy một mắt đi thẳng…

*****

Mẹ chạy vạy ngược xuôi, vay nóng vay lạnh, van vài, xin xỏ… đủ kiểu! Mẹ không màng! Thứ duy nhất mẹ màng làm làm sao để thằng Dao con mẹ có đủ tiền làm đề tài tốt nghiệp. Với mẹ, cái bằng tốt nghiệp của nó chả nghĩa gì. Mẹ không đem nó ra chợ, rao bán lấy lại được vài chục triệu – hay vài trăm triệu – thậm chí có bán vài chục ngàn đồng, chắc cũng chẳng ai thèm dòm tới chớ đừng nói là mua. Với mẹ, thỏa được cái đam mê của Dao – cái thứ đã bệu rệu theo Dao vào từng giấc ngủ con trẻ, đến những giấc mơ trưởng thành – mới là thứ khiến mẹ hạnh phúc nhất!

tam-ve-moi
Tấm vé mời

Dao quỳ mọp dưới đất, chỗ mẹ đang ngồi run rẩy trên chiếc ghế nhựa cũ mèm – cũ đến độ nó chuyển từ màu đỏ sẫm sang màu đen từ lâu lắm lắm rồi – gục đầu vào hai đùi mẹ, khóc tức tưởi. Mẹ cười, xoa xoa đầu Dao – cái đầu giờ đã gần như trọc láng: “Y chang con nít! Mắc gì bây khóc?”… Dao không trả lời câu hỏi đó của mẹ. Không phải vì Dao không thể trả lời hay không biết cách trả lời! Dao không kịp trả lời vì Dao vội vã quệt nước mắt, lao thẳng đến chỗ thầy, báo với thầy rằng: “Thầy ơi, có có tiền làm đề tài tốt nghiệp rồi!”…

Mẹ còn nhớ, năm Dao 14-15 tuổi, Dao ngồi mắt tròn mắt dẹt coi cải lương, thèm thuồng đến độ chảy nước miếng. Mẹ hỏi: “Bây thích hát cải lương à?”. Dao gật lia gật lịa.

Mẹ còn nhớ, năm Dao 18 tuổi, Dao luýnh quýnh xộc vô nhà, hét như điên dại: “Con đậu rồi! Mẹ ơi, con đậu rồi!”. Đó là khi Dao nhận được giấy báo trúng tuyển vào lớp học cải lương của trường sân khấu.

Mẹ vẫn nhớ, những bức thư Dao gửi, mặn mòi, hiếu thuận. Lúc nào cũng thăm sóc sức khỏe của mẹ. Lúc nào cũng lo lắng cho cả nhà… Chưa từng một bức thư nào Dao không kể rằng: “Mẹ ơi, thầy con thương con lắm lắm!”…

Mẹ nghe loáng thoáng đâu đó, cái chuyện thằng Dao con mẹ điên khùng chạy lên chạy xuống mấy vòng cầu thang cao chới với của trường nó học, hét cho khản tiếng, hét cho tới khi khạc ra máu… chỉ để đổi được cái giọng nhừa nhựa lai Bắc – Nam của nó… chỉ để nó hát được cải lương…

Mẹ không khóc! Mẹ không thể khóc khi biết rằng con của mẹ đã trưởng thành, đã khôn lớn, đã bước được bước chân vào ngưỡng đam mê của nó! Trên hết, mẹ không khóc, vì mẹ biết rằng, giờ, đã có thầy hàng ngày dõi theo để bảo ban Dao thay mẹ…

*****

Thật ra, lão thầy không đui, chả chột. Lão được một – một vài – hoặc nhiều người nào đó gán cho cái biệt danh một mắt, bởi, lão nhìn cái gì cũng bằng một mắt cả. Chỉ có khi lão xun xoe những câu xu nịnh với những mối quan hệ cao chót vót của lão qua điện thoại, lão không nhìn bằng một mắt, lúc đó, hoặc mắt lão lia lịa đảo, hoặc lão tịt cả hai mắt lại để phụ họa cho nụ cười nịnh nọt của mình.

Lão không ghét Dao – ai đời thầy lại đi ghét trò. Mà, kể ra Dao cũng chả làm gì để lão thầy một mắt phải ghét. Qua cái nhìn một mắt của lão, Dao cũng chỉ là một thằng học trò bình thường, không quá xuất sắc, chẳng nhiều tiềm năng. Thế là lão thầy một mắt vẫn cứ bình thản nhìn thằng Dao bằng cái nhìn nghiêng nghiêng một mắt của mình.

Lão thầy một mắt bắt đầu để ý đến Dao khi thấy cái kiểu nghiêng đầu nhìn mọi thứ – giống hệt kiểu nhìn của lão – ở Dao. Và, lão ghét cay ghét đắng điều đó! Lão không giải thích với ai, cũng chẳng phân bua với chính mình. Với lão, thứ đáng ghét, là ghét, vậy thôi!

Ngẫm, thấy thằng này lỳ quá! Hay, tại nó ngu? Mà sao nó không chịu biết rằng lão thầy một mắt ghét nó? Nhất là khi ông thầy này, bà cô nọ, xung xít cười với lão rằng: “Thằng Dao học trò anh giỏi quá! Giống hệt thầy nó!”, hay: “Thể nào thằng Dao cũng hơn người!…”. Chả ai được quyền giống lão! Lão là người, thằng Dao hơn người – nghĩa là nó sẽ hơn lão? Hão huyền! Huyễn hoặc!

*****

Ngày Dao gửi tập giấy cáp bìa cứng trịnh trọng, in bản thảo kịch bản đề tài tốt nghiệp của mình cho thầy, thầy thờ ơ nhìn qua, gật!

Ngày Dao chờ đợi thầy trả lời về kịch bản trong cơn đói lả người, cơn mệt lử của những đêm dài thức trắng viết kịch bản, thầy gọi, bảo, “hủy đi!”.

Ngày Dao quỵ ngã trên sàn tập vì lằn ranh của chịu đựng – không thể chịu đựng bị Dao vượt qua quá xa, thầy lạnh lùng bảo với các thầy cô khác: “Thì tui cũng chỉ làm tròn trách nhiệm của mình, khuyên rồi, nó không nghe cũng đành chịu…”.

Ngày Dao duyệt vở, gọi, vài vỉ thầy đến giúp, thầy thờ ơ trả lời: “Thầy bận chuốt vở cho bạn con”. Dao nói như khóc: “Nhưng mà, thầy ơi, mai mới là ngày con tốt nghiệp, đâu phải ngày tốt nghiệp của bạn con, thầy!”. Hình như thầy rủ lòng thương thật. Thầy tạt về. Thầy ghé qua. Ngồi, bảo: “Diễn thầy coi!”. Thằng Dao mừng như trẻ con được tha đòn, luýnh quýnh biểu đám diễn viên diễn.

Hết vở, thầy mở mắt, lếu bếu nói bằng giọng sặc mùi nước bọt của thầy: “Diễn lại lần hai để thầy chuốt!”… Thằng Dao lủi ra sau cánh gà, khóc tu toa như trẻ con bị đòn oan…

*****

Dao bước ra đời, ngông nghênh, bình thản. Mẹ không biết có còn nhận ra thằng Dao của mẹ hay không. Nó giờ, không dễ mủi lòng, không hay khóc nữa, mẹ ạ!

Nó chuyển vở cải lương tốt nghiệp của nó – vở mà lão thầy một mắt của nó từng bảo: “Vục mặt vào hận thù, rồi sẽ tới đâu?” – thành kịch sân khấu.

Vở diễn được hoan nghênh quá mức Dao có thể tưởng tượng – dẫu trí tưởng tượng của nó không hề tồi – quá luôn cả mức tất cả bạn bè, thầy cô và mẹ của nó cộng lại có thể tưởng tượng. Dao tự hỏi: “Thầy sẽ nghĩ sao?”… Vày tận đáy túi quần, Dao móc ra hai tờ bạc trăm ngàn sót lại. Dao tiến tới phòng vé, dõng dạc: “Chị ơi, bán cho em hai vé!”. Chị phòng vé nhìn Dao, bất ngờ: “Ủa, sao cưng phải mua vé?”… Dao cười! Dao muốn dành hết số tiền mình đang có – số tiền ít ỏi Dao có thể kiếm được từ những tháng ngày viết thuê của mình – mua vé cho hai người, đầu tiên, đó phải là mẹ!

Dao hồi hộp cắm ống hút vào hộp sữa yomost, mút lấy mút để… Tự dưng, nó nhớ đến cái ngày tốt nghiệp, mấy ngày trời, nó cũng chỉ hút được một hộp sữa thế này. Lão thầy một mắt vẫn còn đang rong dài nịnh nọt qua điện thoại. Mắt hết lia lịa đảo lại tịt đi vì phần phụ họa cũ mèm của lão. Cúp máy, lão thờ ơ nhìn Dao bằng cái nhìn nghiêng nghiêng một mắt muôn thuở của lão: “Có gì không, con?”. Tiếng “con” của lão vẫn dài đến mênh mông, bất tận… Dao nhìn thầy, mắt rướm nước – Dao à, mày đâu có thoát ra được cái vụ mủi lòng của mày – ấp úng: “Thầy, con gửi thầy vé mời coi kịch của con!”…

 

Nhóm 4.0

=> Đọc thêm: Truyện ngắn hay “Tại chức”

 

 

 

 

 

No votes yet.
Please wait...