(Truyện ngắn) tại chức

No votes yet.
Please wait...

Tôi thích trốn vào góc khuất nhất của giảng đường – dĩ nhiên đó sẽ là chỗ ngồi của cái bàn cuối lớp, khuất sau dãy cột xuất hiện rất vô duyên giữa gian phòng đủ lớn chứa hơn trăm con người – để tiện cho trò điện tử trên điện thoại, để tiện cho việc nhìn ngắm và phán xét những kẻ ngồi trên kia – những kẻ già nua và đáng thương hại! Chị đến, thản nhiên và lạnh lùng, ngồi xuống cạnh tôi! Tôi khẽ liếc mắt nhìn qua và… muốn ngất xỉu! Khoan hãy nói tại sao tôi lại diễn tả cảm xúc của mình lúc này như thế, hãy bàn trước về chuyện tại sao thêm một kẻ già nua và đáng thương hại lại chọn chỗ ngồi cạnh tôi? Khi mà, cái “đống đáng thương hại ấy” không điện tử, cũng không dòm ngó ai để phán xét?… Có vẻ, chị đáng thương hại hơn cả những kẻ đáng thương hại ở trên kia, vì, chị thậm chí không thể giả vờ tỏ ra mình hiếu học trong cái vỏ bọc “muốn gây hấn” với tất cả mọi người xung quanh!

Nói về cái vẻ bề ngoài “muốn gây hấn” – cũng là thứ khiến tôi muốn ngất xỉu ngay cái lần nhìn đầu tiên – thì phải kể ngay đến mái tóc ngắn đến dị thường của chị, dĩ nhiên là tính trên cái đầu của một phụ nữ. Mái tóc ngắn đến sát sàn sạt da đầu chị, nhuộm màu nâu nhạt – phải thừa nhận là màu tóc rất đẹp, và sau này thì tôi biết, đó là màu tóc thật của chị, không cần thuốc nhuộm. Gương mặt dài, gầy cùng cặp mắt sâu, cái mũi cao nhìn rất Tây của chị càng lộ rõ ràng với mái tóc ngắn ấy. Từng đường nét trên gương mặt chị, nếu nhìn kỹ càng và phân tích kỹ càng thì phải nói là đẹp đến hoàn hảo, nhưng, khi gộp chúng nó lại trên một bố cục lạnh lùng, dẫu không có gì là bất hợp lý, thì cái tổng thể lại chẳng đẹp tí nào! Chị mặc váy ngắn ngang đùi, bó sát, lộ thân hình gầy guộc ốm yếu và không chút gợi cảm. Một phụ nữ ba mươi diện bộ váy gợi cảm trên thân hình không gợi cảm cùng mái tóc không thể nam tính hơn – đó là tất cả những gì đập vào cảm giác, gây ấn tượng đầu tiên khi tôi nhìn thấy chị – một ấn tượng chả đẹp đẽ gì!

Ngày thứ hai, ngày thứ ba… và dĩ nhiên là tất cả những ngày sau đó, chị luôn lặng lẽ, lạnh lùng đến lớp đúng giờ, ngồi xuống chỗ ngồi cạnh tôi ở góc khuất nhất giảng đường. Chưa bao giờ chị quay qua nhìn tôi. Chưa bao giờ chị cười một cái. Đó dĩ nhiên là tiền đề cho câu: tôi không tài nào biết tên chị! Việc duy nhất chị làm là nhìn thẳng lên bảng, nhìn chằm chằm, nhìn chăm chú đến độ có khi tôi phải lén liếc qua nhìn thử chị có chớp mắt không. Thi thoảng, chị liếc mắt xuống bàn, lúc điện thoại chị rung – mà nó thì cực kỳ hay rung – rồi lại tiếp tục nhìn lên bảng. Mười lăm phút nghỉ giải lao giữa giờ, chị dùng toàn bộ thời gian để trả lời lại những cuộc điện thoại nhỡ ban nãy. Giọng chị đều, trầm, ít cảm xúc nhưng nhiều quyền uy. Tôi đã từng nghe kiểu giọng này vài lần, từ vài người, tất cả họ đều thành công, và, tôi tự hỏi, liệu có phải chị cũng là người thành công?

lop-hoc-tai-chuc-1
Tại chức – Lớp học kỷ niệm

Mà, nếu đã thành công thì chị vào đây làm gì nhỉ? Một lớp tại chức Luật. Nghe đâu, hơn nửa lớp này, với những con người già nua đáng thương hại kia, họ cần cái bằng này để nâng cao cái ghế họ đang ngồi. Nửa còn lại nằm ở nhóm những đứa nhỏ như chúng tôi – những đứa vài ba năm không thi đậu đại học chính quy nên đành thi vào đây, mong có cái bằng để ra xin việc. Có nghĩa, nhóm nửa lớp già không ai thành công, hoặc chưa, họ cần cái gì đó hơn cái họ đang đó để mong một sự thành công muộn màng, hoặc ít nhất là được người khác đánh giá họ thành công. Nhóm nửa lớp trẻ đương nhiên cũng chả đứa nào thành công, vì việc vàng còn chưa có, học hành cũng chẳng giỏi giang nên mới phải học lớp không chính quy, chuyện thành công nằm ở kế hoạch mười năm tới chứ đừng nói là năm năm – dĩ nhiên là với sự cố gắng hết sức. Tự nhiên, tôi thấy chị khác họ, khác tôi, khác với hơn trăm con người ngồi đây. Và, tự nhiên, với những suy đoán của chính mình, tôi thấy, chị đặc biệt!

***

Vũ bảo tôi thiếu thực tế. Tôi hỏi Vũ, thực tế thì phải thế nào? Vũ bảo, thực tế là gia đình tôi nghèo, tôi học dở, nên tôi cứ an phận với cái lớp trung cấp kế toán của tôi, học xong, xin việc vài ba triệu, sáng đi chiều về. Vũ bảo, thực tế là chỉ những kẻ ham quyền ham chức thì mới phải bổ túc bằng đại học Luật cho mình hòng mong cầu lợi danh. Tôi ấm ớ vài câu theo kiểu, học Luật có nhiều cái hay. Vũ gạt đi ngay. Và, như nhiều năm ở cạnh nhau, chúng tôi kết thúc cuộc nói chuyện hai chiều trong im lặng sau những tràng Vũ nói. Không tranh cãi! Không bao giờ tranh cãi! Vì, nó không đưa chúng tôi đến được đâu!

Nhưng có lẽ lần này Vũ muốn khác. Nên, cả khi tôi đã im lặng cố không cãi lại Vũ, Vũ vẫn không chịu thôi. Thật ra thì lúc đó Vũ đã thôi, nhưng chắc tới tối, khi tôi lại vác giỏ đi học, Vũ bực vì tôi không chịu bỏ như lời Vũ bảo, nên Vũ gọi, cố gây sự với tôi. Tôi vẫn như mọi lần, cố im lặng lắng nghe và cố bảo Vũ, tôi không muốn chúng tôi tranh cãi.

Không biết vô tình hay cố ý, không biết có sự trùng hợp nào không, mà sau những lần đảo mắt nhìn xem ai gọi trong giờ học – thật tôi không biết ai gọi thì chị sẽ bắt máy, thay vì để cái điện thoại rung rẹc rẹc như vậy – đến giờ giải lao, chị gọi lại cho một số và bảo một câu khiến tôi chạnh lòng sau vài câu chị nói trước đó, tôi không dám để ý sợ chị bảo tôi tò mò, vô duyên.

– Thật ra, đôi khi tranh cãi cũng có cái hay – chị nói vô điện thoại – vì, ít ra như vậy, các em có thể nói ra được chính kiến của mình để đi đến một sự thống nhất nào đó, tốt cho cả hai.

***

Vũ bảo tôi ngoan cố. Tôi, lần đầu tiên hỏi lại – thật ra không phải tôi không dám, mà là tôi không muốn – chính trên câu Vũ nói, rằng, chẳng lẽ, Vũ mong có một người bạn gái lúc nào cũng cúi đầu lặng im nghe theo lời Vũ. Vũ nổi cộc. Lần đầu tiên Vũ nổi cộc. Có lẽ, Vũ quen với chuyện tôi nín nhịn Vũ suốt chừng đó năm, làm theo sai khiến của Vũ chừng đó năm, nên chỉ cần một câu hỏi lại theo kiểu không đồng tình đủ khiến Vũ nổi cộc. Vũ bảo, Vũ cần một người sẽ làm vợ Vũ và biết cách lắng nghe, để Vũ cảm thấy an toàn trong cuộc sống, để Vũ cảm thấy có thể yên tâm mà sáng chạy xe đi làm, tối chạy xe về nhà, ăn cơm cùng, trò chuyện cùng. Tôi chán ngán thật sự. Tự nhiên, thấy mình nổi tham. Tự nhiên thấy mình quá quắt. Vì, lúc ấy, tôi nghĩ, giá mà Vũ làm tháng vài ngàn đô, chắc sẽ dễ để người ta buộc phải để Vũ yên ổn, đằng này…

Vũ không còn muốn nhịn nữa, thật là vậy! Nên, đến tối, khi tôi đến lớp, vừa vào góc khuất của mình thì Vũ lại gọi, hạch sách đủ điều. Vũ thậm chí ghen tuông tầm bậy, nói tôi vì thằng nào đó nên không dám bỏ cái lớp Luật vớ vẩn của tôi. Tôi nổi khùng, hét lớn trong điện thoại mà không lường trước mình sẽ kéo bao nhiêu cái nhìn về phía mình.

– Anh không phải đại gia! Anh không phải kẻ vẽ ra tiền để cho em một cuộc sống thừa mứa, nên, đừng tiếp tục vô lý với em.

Đầu dây bên kia, nghe rõ một tiếng à há của Vũ, như kiểu, Vũ nhận ra tôi tham lam và đòi hỏi đến mức nào. Rồi, Vũ cúp máy.

Chị đặt cái điện thoại lên bàn – hành động đầu tiên, quen thuộc mỗi khi chị vào chỗ ngồi – đảo mắt nhìn quanh một vòng. Tôi không nhìn thấy ánh mắt của chị lúc ấy, tôi không biết nó mang nhiều tính đe dọa đến đâu. Tôi chỉ biết, sau cái đảo mắt của chị, tất cả những cặp mắt đang đổ về phía tôi dò xét, đánh giá – chắc theo chiều rất tiêu cực, như Vũ đang nghĩ – đều tảng lờ đi rất nhanh. Chị bình thản ngồi xuống. Vẫn quá bình thản. Vẫn quá lạnh lùng. Rồi, chị quay qua nhìn tôi, cười rất nhẹ.

– Cũng chưa chắc đại gia sẽ đem đến hạnh phúc cho chúng ta. Và, cũng chưa chắc đại gia sẽ có thể sai khiến được chúng ta.

Giải lao, tôi tần ngần lát rồi mời chị ra ngoài uống nước. Chị phẩy tay một cái lạnh lùng, không lắc đầu, không nói câu từ chối, chỉ là một cái phẩy tay khiến tôi không thật sự hiểu. Nhưng sau cái phẩy tay ấy, khi chị cầm điện thoại lên và bắt đầu những cuộc gọi trả lời của mình, tôi hiểu, chị không muốn nhận lời mời của tôi.

Ra về, tôi chạy xe rất chậm. Muốn tránh chuyện phải về đến nhà, phải trả lời điện thoại kiểm tra của Vũ. Hình như, tôi đã tắt điện thoại từ trước đó rồi thì phải. Chị chạy đến, ngang tôi, lại cười cái cười rất nhẹ.

– Em biết uống rượu không?

Tôi gật.

– Đi uống vài ly đi!

Tôi gật.

Và, suốt buổi, tôi lặng im nhìn chị cứ rót rượu ra ly, đưa lên môi, uống ực, đặt ly xuống, rót rượu ra ly, đưa lên môi…

– Phụ nữ uống rượu sẽ bị đánh giá là không tử tế! – Chị nói.

Tôi gật.

– Phụ nữ hút thuốc cũng sẽ bị đánh giá là không tử tế! – Chị nói, rút một điếu thuốc ra từ bao, châm lửa.

Tôi cũng gật.

– Hóa ra, sự tử tế của phụ nữ chỉ nằm ở giới hạn mà người ta tưởng người ta có quyền đặt ra.

Tôi lại gật.

– Dẫu sao thì – chị nhún vai – bị đánh giá là không tử tế, cũng chẳng hay ho gì, cho dù tự mình biết, mình là đứa đáng được gọi là tử tế.

Tôi lặng thinh, không gật nữa. Muốn hỏi chị, nếu nghĩ vậy, sao chị không làm theo mà không dám. Chị về. Tôi về. Trong chếnh choáng đêm trở mình. Tự nhiên, tôi có một đêm không ngủ.

***

Hết một năm, chị không phải thi lại môn nào. Điểm của chị không cao, nhưng không rớt. Tôi qua tìm mượn chị tài liệu môn thi lại. Chị không tỏ ra lạnh lùng nữa, nhưng cũng không có vẻ gì là ân cần. Sau cái hôm tôi đi uống rượu cùng chị – đi nhìn chị uống – thì tôi và chị cũng không nói gì nhiều với nhau.

Mãi đến khi vào năm hai, khi tôi bắt đầu đi cùng nhóm bạn chênh tuổi trong lớp thì chị lại chủ động chạy xe theo tôi và bảo tôi đi uống rượu cùng. Ra đến quán, chị lại cứ rót – uống – rót – uống rồi châm thuốc hút, rồi thủng thỉnh nhìn tôi, bảo.

– Em không nên chơi thân với nhóm đó!

– Tại sao?

– Họ có những mối quan hệ phức tạp, nó không phù hợp với tuổi của em!

– Mối quan hệ của họ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ với em!

– Ừ! Nếu em đã nghĩ vậy!

Vũ đến tận trường đón tôi. Vũ bảo, có lẽ đến lúc Vũ nên tìm hiểu thử, tôi đang say mê với gì. Thật ra, đây là lúc tôi thấy Vũ ít hiểu tôi nhất. Bởi, nếu hiểu, Vũ sẽ biết, tôi không say mê. Với tôi, đơn giản là tối chẳng có gì để làm ngoài ngồi máy tính, ngoài đi lang thang với Vũ, nên, đến lớp, cố nuốt gì đó, có lẽ sẽ tốt hơn. Chị thấy Vũ, chỉ nhìn qua rồi chạy đi thẳng. Vũ không thấy chị, hay nói đúng hơn Vũ chẳng biết chị là ai. Tôi thấy ngại khi phải kể với Vũ về một người bạn hơn tuổi là phụ nữ mà hút thuốc và uống rượu.

Đám bạn chênh tuổi vui vẻ nói cười theo cặp, đi ra sau tôi. Vũ nhìn qua cách họ cười với nhau, cười với tôi rồi cứ một nam đèo một nữ về. Vũ bảo tôi không được chơi với họ nữa. Tôi hỏi tại sao. Vũ bảo Vũ không thích.

Sau một vài tuần vào năm hai, chuyện động trời xảy ra ở cái lớp tại chức Luật tôi học. Hai người phụ nữ có vẻ giàu sang và trau chuốt xuất hiện cùng những lời lẽ đay nghiến thô tục dành cho một chị bạn trong nhóm bạn chênh tuổi của tôi. Tôi biết, họ đến đánh ghen. Anh bạn tôi – tức chồng của một trong hai người phụ nữ ấy – hôm đấy không đến lớp. Nghe câu chửi thề của người phụ nữ kia, tôi thấy rợn người. Càng rợn hơn khi chị ấy khinh khỉnh bảo, chính chồng chị ấy thú nhận hết, chính chồng chị ấy đưa ảnh chị kia cho vợ xem, cũng chính chồng chị ấy tự động không đến lớp để chị ấy dễ hành xử. Chị bạn tôi ngoài cúi rịt đầu, chẳng biết làm gì hơn. Nhưng người lớn có vẻ phức tạp và hay thù hằn. Vì, họ chửi rủa mỏi miệng mà không hả. Một trong hai tiến lại, túm tóc chị bạn tôi, vả thẳng mặt mấy cái. Cả lớp nhốn nháo nhưng không ai dám làm gì.

Chị từ bàn cuối lớp – nơi tôi và chị mỗi ngày vẫn ngồi – tiến lại, nhẹ nhàng gỡ tay người phụ nữ kia ra.

– Có gì từ từ nói!

Tôi cứ tưởng, người phụ nữ kia sẽ quay qua, cho chị một trận. Nhưng không! Có lẽ, cái uy quyền trong giọng của chị đủ để người phụ nữ kia dừng tay lại, quay qua nhìn rồi rướm nước mắt.

– Nếu chồng em vậy, em có từ từ nổi không?

– Chắc là không, chị! – Chị thở dài – Nhưng ồn ào cũng đâu hay gì cho chị?

Chị liếc mắt nhìn tôi, gật đầu. Tôi hiểu ý, vội vàng đưa chị bạn của tôi ra lấy xe, nhanh về. Vũ đứng ngoài đợi. Vũ thấy hết. Tối về, Vũ bảo tôi, ghét nhất là đã nói từ đầu mà không nghe.

***

Hết hai năm, chị cũng không thi lại môn nào. Tôi xách cả quần áo sang nhờ chị ôn bài cho mấy môn thi lại. Chị hỏi tôi, vẻ rất không hài lòng, là tại sao ngày nào cũng đến lớp, ngày nào cũng ngồi nghe mà không được đến điểm trung bình. Tôi có phần tự ái, nhưng không dám nói năng gì. Rồi chị cũng không nói nữa, chỉ tập trung chỉ tôi bài. Giải lao, chị bảo tôi, đừng qua lại với Đạt nhỏ. Tôi hỏi chị tại sao. Chị bảo, Đạt sắp lấy vợ.

Nói thật, thông tin chị đưa khiến tôi chưng hửng. Tôi biết Đạt hơn hai năm, chưa khi nào nghe Đạt kể về bạn gái Đạt. Cả lớp – hoặc ít nhất thì những ai biết tôi, biết Đạt – đều biết Đạt dành một tình cảm đặc biệt cho tôi, nói chính xác ra, đó là tán tỉnh. Giờ, nghe chị bảo Đạt sắp lấy vợ, tôi thấy có phần hoang mang. Không phải tôi buồn hay ghen tức, vì, tôi đã có bạn trai. Cái khiến tôi hoang mang là sao đàn ông hay thích có nhiều hơn một, và, khi họ muốn vậy, sao họ dễ dàng nói dối mọi người xung quanh.

Rồi, hình như, chính cái hoang mang ấy đẩy tôi đến những cuộc hẹn riêng với Đạt, trốn Vũ, trốn chị. Hình như, tôi đang nghĩ đến chuyện trả thù cho một cảm giác chưa thật sự là thù hận. Chị nhắn vào điện thoại của tôi: “Lẽ ra em nên lấy chuyện người khác làm gương cho mình!”. Tôi vẫn mặc kệ! Vũ tìm, ghen tuông ra mặt, bảo tôi, nếu còn lén lút sau lưng Vũ thì đừng trách Vũ kết thúc những năm của chúng tôi trong cay đắng. Tôi cũng mặc kệ!

Vợ sắp cưới của Đạt đến lớp trên chiếc xe con màu đỏ ớt. Tôi nghe lạnh sống lưng của mình. Mọi người trong lớp nhìn tôi với ánh mắt nửa thương hại, nửa đáng đời. Đạt nhâng nhâng ôm ấp vợ sắp cưới trong lớp, trước mặt tôi. Thi thoảng, cô bé quay nhìn tôi, cười mỉa. Tôi bẽ bàng bỏ ngang giờ học, chạy xe về. Chị nhắn, bảo đến quán rượu đợi chị.

– Đạt nhỏ hơn em chỉ một tuổi, nhỉ?

– Dạ!

– Nghĩa là nó cũng chỉ mới hai hai?

– Dạ!

– Hèn nào nó chỉ biết đặt mục tiêu chừng đó! – Chị cười buồn – Tội nghiệp…

– Chị tội nghiệp Đạt?

– Ờ! – Chị gật, châm thuốc và rít sâu – Khi không yêu và không nhiều cảm xúc mà phải chọn lựa một gia tài thừa cho chuyện sống sướng, không phải làm việc, thì đó là một điều đáng thương, đặc biệt là khi các em còn quá trẻ!

***

– Chị… bao nhiêu tuổi? – Tôi có phần ấp úng, vì, hỏi tuổi phụ nữ là hành động mất lịch sự, cho dù người hỏi cũng là phụ nữ.

– Chị hả? – Chị nhướng mày – Hai mươi!

Tôi bật cười. Chị lại có vẻ nghiêm túc.

– Hai mươi tức là thua tuổi em?

– À! Tuổi! – Chị có vẻ suy nghĩ, dụi mạnh điếu thuốc vào gạt tàn – Chị sống hơn ba mươi năm, nhưng chị lại luôn nhớ mình chỉ hai mươi, nhiều thì hai mốt.

– Em đâu thấy chị trẻ trung! – Tôi nhún vai – Em thấy chị già và khó tính, khó hơn cả ba mươi!

– Ai nói cứ hai mươi là phải trẻ? – Chị cười.

– Vậy thì phải sao?

– Phải có nhiều ham muốn và có nhiều mục tiêu!

***

Gần hết năm ba, Vũ vẫn một mực bảo tôi phải bỏ lớp tại chức Luật. Giờ không phải là vì thiếu thực tế, cũng không phải vì ngoan cố, chỉ là vì, Vũ bảo, đã đến lúc tôi và Vũ tính chuyện cưới xin. Mà, nếu cưới rồi, tôi còn đi đi lại lại những buổi đêm suốt hơn năm rưỡi nữa, gia đình Vũ sẽ không đồng ý. Tôi bảo Vũ, tôi mới hai hai, tôi nghĩ mình chưa thật sự sẵn sàng làm vợ. Vũ nhún vai, bất cần, bảo nếu vậy Vũ sẽ tìm người khác và hỏi họ có đồng ý làm cô dâu trong đám cưới của Vũ không. Câu nói có vẻ chỉ là đùa! Nhưng tôi biết, Vũ đang nói rất thật.

– Tại sao chị hút thuốc?

– Vì chị đua đòi!

– Giờ hết tuổi đua đòi, sao chị vẫn hút?

– Còn chứ! Chị vẫn chỉ hai mươi mà!

Tôi nhìn chị bằng cặp mắt bất lực hoàn toàn trước kiểu luôn tự nhận mình trẻ của chị. Chặp, tôi ấp úng.

– Em… chắc em… bỏ Vũ!

– Vì sao? – Chị có vẻ trầm ngâm nhưng hoàn toàn không bất ngờ.

– Chắc vì em còn muốn đua đòi, chưa muốn an phận.

– Làm vợ, đâu có nghĩa phải an phận? Em vẫn có thể…

– Tại chị chưa biết Vũ thôi! – Tôi ngắt ngang, không muốn bàn nữa.

Chị gật, lặng im. Chiều đổ xiêng theo chiều màu khói thuốc chị phả. Bất thình lình, tôi nhận ra, chị lúc nào cũng nhìn nghiêng!

Tôi kết thúc năm ba không nợ môn nào, nhờ chị. Chưa từng phải nói thẳng, nhưng vẻ nghiêm túc của chị trong từng buổi học khiến tôi phải tự chấn chỉnh mình. Rồi, từ khi nào tôi không còn điện tử trên điện thoại trong giờ học nữa, tôi cũng không biết. Tôi càng không biết mình đã chăm chú lắng nghe bài giảng từ khi nào. Chỉ biết là, đề thi hết môn không có gì là khó. Khi xem bảng điểm của mình, tự tôi biết, chị đã khiến tôi phải thay đổi thế này. Không dưng, tôi cũng muốn làm chị phải thay đổi. Ít nhất là hai thói quen xấu mà chị vẫn đeo dính trong mình mỗi ngày – rượu và thuốc lá.

Tôi kết thúc năm ba và kết thúc luôn cả mối tình với Vũ – mối tình đầu kéo dài nhiều năm, từ khi chúng tôi còn chung trường cấp ba. Tôi không thấy buồn vì chia tay với Vũ. Tôi buồn vì câu chị nói sau khi đặt ly rượu xuống bàn.

– Chị buồn vì em không thấy buồn sau mọi thứ!

***

Chỉ còn lại nửa năm.

Tôi giờ đã biết lý do của một số người trong lớp – lý do họ có mặt ở đây.

Như anh Đạt lớn, có cái bằng nghĩa là nghiễm nhiên lên Phó phòng Giáo dục. Vốn anh chỉ học cao đẳng, rồi dạy lâu năm, rồi lên chức hiệu phó – hiệu trưởng. Bằng anh xưa cũ, không thể học liên thông. Anh vào lớp Luật tại chức này và đinh ninh, ra trường cũng sẽ là ngày anh đổi ghế.

Như Đạt nhỏ, có cái bằng nghĩa là có thứ để trưng ra cho gia đình nhà vợ rằng họ cũng có phần “môn đăng hộ đối” với nhau. Thì, đứa giàu không học hành đàng hoàng sẽ chấp nhận lấy đứa nghèo nhưng có bằng có cấp để huênh hoang với họ hàng trong ngày cưới. Hèn chi, Đạt nhỏ chẳng khi nào dám bỏ học, cũng ít khi nợ môn. Mỗi lần nợ, thấy Đạt cũng lân la qua chị hỏi mượn tài liệu. Sự ngang bằng của con người đôi khi chỉ đơn giản là thế!

Như chị Như – người bị đánh ghen năm trước nữa – thì lớp tại chức này là lý do đủ rõ ràng để mỗi đêm vắng mặt ở nhà. Chồng đi biền biệt, thi thoảng mới về, về cũng sực mùi nước hoa rẻ tiền gột không hết. Bảo chị cứ mòn mỏi ở nhà thì kể cũng bất công. Nên, chị ít khi đến lớp. Đến cũng chẳng học hành gì ngoài nhắn tin hẹn hò, bỏ buổi ngang. Thi không qua cũng không bận tâm mấy. Sau khi bị đánh ghen, chị bỏ luôn anh đó, nhảy qua cặp kè với một anh cũng trong nhóm – nghe đâu là bạn thân của anh kia. Và, họ bắt đầu có những thỏa thuận về sự kín đáo.

Những đứa ngang tuổi tôi thì từ đầu tôi đã biết, bọn chúng cần có một cái bằng để xin việc, nhưng không thể thi đậu chính quy, nên phải vào đây. Chỉ một người, tôi không biết – chị!

– Chị! Sao chị học lớp này?

– Vì… à – lần đầu tiên tôi thấy chị ấp úng – vì hai người… Còn em?

– Chị chưa trả lời xong câu em hỏi.

– Em nói trước đi!

– Em hả? Em cũng không biết nữa!

– Không biết sao lại làm?

– Ý chị là…?

– Là mình đừng làm gì không có mục đích!

– Vậy mục đích của chị là gì?

– Chị cần cái bằng để… – chị bỏ lửng đó, mà thật thì, tôi cũng không còn muốn nghe.

Thì ra, cũng chỉ là cái bằng!

Tôi thật không hiểu! Sao xã hội cứ mãi chú trọng đến bằng cấp, nhỉ? Việc chị làm thật ra đâu cần bằng cấp làm gì? Chị chưa từng có bằng cấp, nhưng đã giữ những vị trí quản lý cao cấp của nhiều công ty nước ngoài, rồi chị bỏ hết, xách máy ảnh đi chụp những gì chị thích, gửi đăng báo, thi thoảng viết bài… Rõ ràng, đó là công việc không cần bằng cấp. Mà, chính chị cũng bảo, gì chứ việc giữ chị tám tiếng trong bốn bức tường là không thể. Vậy, chị đem bằng cấp về làm gì cho sự tự do chị đã chọn?

***

Sau cưới Đạt nhỏ, tôi đèo chị về. Hai chị em tấp vào quán trứng lộn vỉa hè ngồi nói chuyện. Nói thật, sau khi chị thừa nhận chuyện chị đi học vì cần cái bằng, những gì chị nói với tôi không còn nhiều giá trị như lúc đầu tiên. Sự nể trọng là một trong ít ỏi những thứ cần đến tính trọn vẹn.

Chị vẫn nói với tôi về sự tử tế của phụ nữ bị xã hội áp đặt vào những đâu. Chị vẫn nói với tôi về những mối quan hệ tưởng không thể tác động đến tôi nhưng thật ra là rất dễ để ảnh hưởng không tốt. Chị vẫn nói với tôi về chị của tuổi hai mươi… Tôi không còn cố nuốt lời chị nữa! Tôi không còn cố tra vấn mình rằng, liệu mình có thể lĩnh hội hết những gì chị nói để nghiệm ra cách làm lợi cho mình, hoặc ít nhất là tìm cách để tránh bớt những cái hại? Có vẻ, sau chuyện lý do chị đi học, tôi bắt đầu có cảm giác hồ nghi!

Tôi thậm chí cũng chỉ qua loa trả lời chị những câu chị hỏi tôi về dự định sau khi lấy bằng. Chuyện này thì không phải do tôi đang tạo khoảng cách với chị. Chuyện này thật sự là vì chính bản thân tôi chưa nghĩ được gì cho tương lai của mình. Chị nghe. Và, tôi biết, chị đang dò xét thái độ của tôi.

– Em cảm thấy, nếu đi học việc để lấy chứng chỉ luật sư, với mức lương hai ba triệu là vô lý sao? – Chị hỏi.

– Dạ! – Tôi gật – Thời buổi này mà lương hai ba triệu, đi làm, đổ xăng xong còn lỗ. Vậy, thà ở nhà!

– Vậy, em có nghĩ, sau sáu tháng đó, em học thêm được những gì không?

– Em chưa nghĩ! – Tôi nhún vai – Có nghĩ thì cũng chỉ nghĩ là có tìm đủ tiền bù vô trong sáu tháng đó hay không thôi!

– Sợ thâm hụt, quyết định không thâm hụt đó đủ là lý do để không ham muốn học và từ chối cơ hội được học?! – Chị nói hay hỏi gì đó, tôi không chắc, chỉ biết, nghe xong thấy nhột nhạt và khó chịu.

Tôi định hỏi lại chị vài câu theo kiểu chị tưởng chị giỏi tính toán lắm hay sao mà hay áp đặt tư tưởng cho người khác để từ đó đưa ra những câu kết luận nửa vời theo kiểu người khác thấp kém. Nhưng, tôi chưa kịp phản ứng gì thì chị đã đứng dậy, đưa mắt nhìn ra đường rồi đảo mắt lại nhìn tôi, chờ đợi.

Tôi đứng dậy, lẳng lặng ra dẫn xe, đợi chị, nổ máy, chạy đi. Đêm nay sương dầy và đặc quánh. Tôi hơi còng người lại cho đỡ lạnh. Chị vẫn thản nhiên ngồi huýt sáo phía sau.

– Chị! – Tôi hơi ngoái đầu lại – Hôm nay chị không hút thuốc?

– À! Chị bỏ rồi! Hết tuổi đua đòi mà!

– Bỏ thuốc lá… chỉ đơn giản nói là bỏ, hả chị?

– Ờ! Với chị là vậy!

Tôi thật sự sốc với câu trả lời này. Tôi tưởng, thứ gì nghiện, cần cai cũng mất nhiều thời gian. Chị chồm đến trước, kề cằm vào vai tôi, đau điếng vì chiếc cằm quá nhọn.

– Chúng ta sống, phải luôn có tham vọng, luôn có ham muốn, luôn có kế hoạch. Và khi đã có thì chúng ta buộc phải cương quyết, phải quyết đoán và… chắc là phải thật sự quyết tâm!

Tôi lặng im suốt đoạn đường gần chục cây số về đến nhà chị. Chị xuống xe, cười hiền rồi bước thẳng vô trong, tay vẫn giơ cao lên, vẫy vẫy.

– Chị! – Tôi gọi với theo.

– Sao? – Chị quay lại, nhướng mày.

– Khi hai mươi tuổi, chị bỏ lỡ gì, hả?

Chị chun môi, suy nghĩ lát, lại cười hiền rồi quay trở ra, đến sát tôi, chị mím môi, gật đầu, nhỏ nhẹ.

– Ừ! Chị bỏ lỡ cái bằng đại học!

– Chị thật sự cần cái bằng đại học?

– Ừ! Chị cần và chị đã bỏ lỡ nó nhiều lần, vì cái gọi là ham muốn quá riêng tư của mình!

– Chị hối hận?

– Dĩ nhiên! – Chị bật cười, thản nhiên – Nếu không, giờ chị đâu có đi học. Với lại, nếu không, chắc chị cũng không thấy mình cứ hai mươi hoài!

– Nghĩa là… chị bắt chị thấy chị hai mươi?

– Chị muốn mình nhớ mình từng tham vọng đến đâu, từng ước mơ những gì. Và, chị sẽ theo đuổi nó một cách khôn ngoan hơn khi biết tiết chế cái máu lửa của tuổi hai mươi.

– Chị hài lòng chứ?

– Dĩ nhiên!

– Thật sự thì… em nghĩ… em nghĩ chị đâu cần cái bằng đại học này?

– À! – Chị nhướng mày – Tại lần đó đang nói mà thấy em không muốn nghe! Ba chị nói, chị không có bằng đại học, ông chết không nhắm mắt!

Tôi chưng hửng! Thật sự chưng hửng!

Chị cười, có vẻ hơi ấp úng, hơi lúng túng mà cũng không cần giấu vẻ tự kiêu của mình.

– Tại chị từng học rất giỏi mà! – Chị nhún vai, kiểu như không muốn khoe khoang – Và… chắc tại ba chị thất học. Chắc ông muốn chứng tỏ với mọi người rằng, kẻ mù chữ vẫn có thể có con cầm bằng cử nhân.

Tôi lặng thinh, không biết nói gì với chị lúc này nữa.

Chị nhìn tôi rồi nhìn chếch lên phía bầu trời bị xẻ ngang dọc bởi dây điện, bởi những tòa nhà. Không biết trên cao đó có gì, mà thấy cái nhìn của chị bỗng mênh mang. Khi nhìn xuống, chị nói với cái giọng tưởng như lạnh lùng của ngày đầu tôi nghe thấy.

– Chị biết, thứ ba chị muốn ở chị, chính là khát khao khi ông còn ở tuổi hai mươi! Ông không làm được và mong chị làm, chị nghĩ mình nên cố! Không nên hoang phí khát khao của bất kỳ tuổi hai mươi nào, nhỉ!

Tôi chỉ biết chun môi cười, gật lia gật lịa.

Chị xua tay.

– Về! Về đi, khuya rồi!

Tôi gật vội, nổ máy vội. Tôi muốn nhanh về phòng mình. Tôi muốn nhanh được ở trong yên lặng hoàn toàn để ngẫm về những gì chị đã nói. Chị bất thình lình với ra, gọi lớn.

– Ê, nhỏ!

Tôi chống chân xuống, ngoái hẳn đầu lại.

Chị đứng nguyên tại chỗ, nhún vai, nghẹo đầu qua một bên, nheo nheo mắt.

– Đừng làm gì không có mục đích! Và, cũng đừng làm gì thiếu lửa của tuổi hai mươi. Quan trọng là, em phải biết tiết chế!

Tôi gật.

Chị bành miệng cười, giơ tay, khều khều trên má chị.

– Nhìn chị nè! Chị hai mươi đó, tin không?

Nhóm 4.0

=> Đọc thêm: Sẽ không sao đâu chị !

 

 

 

 

 

 

 

No votes yet.
Please wait...