TỪ CƠN SỐT DIÊN HI CÔNG LƯỢC: SỬ TA Ú Ớ, SỬ NGƯỜI NÓI MỚ CŨNG THUỘC LÀU

Rating: 5.0/5. From 7 votes.
Please wait...

Diên Hi công lược” không hẳn là phim cung đấu xuất sắc nhất nhưng mức độ phủ sóng và tầm ảnh hưởng của nó thì không thể không công nhận. Không ít các bạn trẻ cất công tìm hiểu về triều đại Càn Long trong phim để nhập cuộc sôi nổi. Nhiều người chạnh lòng khi nhìn lại, bao nhiêu bạn chấp nhận dùng ít thời gian rảnh rỗi để tìm về sử Việt. Nhưng khoan hãy trách giới trẻ đã!

Dạo một vòng khắp các diễn đàn lớn, không khó để bắt gặp những bạn trẻ thuộc lòng lịch sử Trung Quốc về các vị vua như Càn Long, Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên,… Không chỉ tường tận về quá trình lên ngôi thế nào, trị vì ra sao mà cả hậu cung sóng gió với các phi tần mỹ nữ tranh quyền, đoạt vị thời ấy đều được các bạn kể vanh vách. Thế nhưng chỉ cần hỏi các bạn những câu đơn giản về Ngô Quyền, Lý Công Uẩn, Lê Lợi,..thì hơn 80% đều lắc đầu ngơ ngác. Ngẫm lại mà thấy chạnh lòng khi dân ta chẳng biết sử ta, sử người thì thuộc làu làu như ca.

Nếu có một cuộc bầu chọn môn học nào khiến các bạn học sinh ngao ngán nhất thì có lẽ Lịch sử sẽ là một trong những môn có tỉ lệ áp đảo. Các bạn ngán ngẫm, không một chút hào hứng khi được hỏi về những giai thoại được xem là niềm tự hào của Việt Nam, nhưng lại bỏ thời gian ra nghiên cứu say mê về cuộc đời các vị vua và thuộc vanh vách các triều đại Trung Hoa. Xin đừng vội trách các bạn trẻ vì họ chẳng có cơ sở nào để thích thú khi nhắc đến sử Việt chỉ là những trang giấy khô khan.

TỪ CƠN SỐT DIÊN HI CÔNG LƯỢC: SỬ TA Ú Ớ, SỬ NGƯỜI NÓI MỚ CŨNG THUỘC LÀU
Không chỉ “Diên Hi công lược”, rất nhiều phim trước đón cũng đã làm về triều đại Càn Long

Không thể trách các bạn trẻ ngày nay khi họ chẳng am tường về lịch sử nước nhà khi suốt từ những năm 90 thì phim cổ trang Trung Quốc, HongKong gần như phủ sóng các kênh truyền hình. Chúng ta mê mẩn với Dương quý phi, say sưa với Tiểu Yến Tử, đắm chìm với Võ Tắc Thiên. Cho đến những năm 2000, truyền hình Hàn Quốc tấn công thị trường Việt Nam để rồi một lần nữa chúng ta lại cuốn mình theo lịch sử của xứ Kim Chi.

Con đường quảng bá lịch sử bằng phim ảnh mà Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Nhật Bản đã đi quả thật là hiệu quả. “Diên Hi công lược” không chỉ là duy nhất vì sau đó “Hậu cung Như Ý truyện” cũng đang gây bão và trước đó rất lâu từ thời còn bé, “Hoàn Châu cách cách” cũng trở thành tuổi thơ của cả một thế hệ 9x. Có một ý kiến rất hay cho rằng sẽ chẳng ai quan tâm về một nhân vật lịch sử cho đến khi họ được xem một tác phẩm nghệ thuật có nhân vật lịch sử đó, mà điển hình nhất chính là dùng phim ảnh.

Ở Hàn Quốc, họ làm phim truyền hình để giáo dục và phim cổ trang được dùng để nhắc nhở người dân nhớ về lịch sử nước họ. Ở Trung Quốc, một vị vua được đem ra mổ xẻ với nhiều góc nhìn khác nhau, mỗi một triều đại lại được xây dựng dưới nhiều giai đoạn khác nhau. Vì sao các bạn bỏ qua cho sự tàn độc của Võ Tắc Thiên trong lịch sử? Vì sao các bạn tha thứ cho sự hung bạo của Chu Nguyên Chương? Và cả sự máu lạnh của Tần Thủy Hoàng cũng được các bạn nhìn một cách bao dung? Vì chúng ta chỉ thêm hiểu và cảm thông cho ai đó khi biết được nhiều khía cạnh của họ. Và đó là cách Trung Quốc đã làm. Nhưng dù cách thức là gì thì vẫn có chung một mục đích là lưu truyền lịch sử vì lịch sử là nguồn cội, là văn hóa và nếu dám nhìn thẳng lịch sử bằng con mắt trung dung nhất, chúng ta mới có thể cảm nhận đúng đắn và yêu thêm tổ quốc mình.

Phim ảnh có một cái hay là có thể nói những điều mà sách giáo khoa không thể. Ngày còn học phổ thông, trong tiết lịch sử, thầy cô thường kể về trận đánh dưới góc nhìn của những người chiến thắng. Những lời giảng như “Đó là một trận chiến vĩ đại” hay “Trải qua rất nhiều khó khăn, quân ta đã chiến thắng” hoặc “Quân dân ta đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ quê hương” thật sự sáo rỗng. Nhưng phim ảnh lại kể theo một cách khác bằng ngôn ngữ riêng của nó và nhắm vào những góc khuất tăm tối hơn. Chúng ta chẳng thể nào hiểu một chiến thắng lịch sử có ý nghĩa thế nào khi chưa tận mắt nhìn thấy hình ảnh hàng ngàn đồng bào nằm trên vũng máu. Những điều ấy sách giáo khoa không làm được, vô hình chung khiến cho giới trẻ khó mà cảm nhận cái hay của Lịch sử.

Chúng ta không phải chưa từng làm phim về lịch sử Việt Nam như “Diên hi công lược” đã làm. Thế nhưng đến nay vẫn chưa tạo được hiệu ứng tốt phần vì kinh phí có phần eo hẹp và phần vì chất lượng của phim cũng không đủ tốt. Tôi tin rằng nếu Việt Nam có những phim lịch sử được đầu tư nghiêm túc và chỉnh chu thì việc giới trẻ tiếp cận với lịch sử sẽ ngày càng nhiều hơn và sẽ là con đường lâu dài để quảng bá văn hóa – lịch sử Việt Nam với thế giới.

 

VIẾT THANH

 

=> Đọc thêm:https://nhom40.com/nhac-phim-gao-nep-gao-te-diem-sang-dang-ghi-nhan/

Rating: 5.0/5. From 7 votes.
Please wait...