Câu chuyện về những ký ức mất mát mà “đẹp đẽ” trong Rừng Na Uy
|Ký ức thật đẹp nhưng cũng thật buồn, mà buồn ở đây thường gắn với mất mát. Ở tôi, sự ra đi của một người bạn thưở đôi mươi thiếu thời, khi bị dòng lũ dữ cuốn đi là mất mát. Ở Toru Watanabe, cái chết của người bạn thân Kizuki, rồi sau đó là cái chết của Naoko – tuổi thanh xuân, tình yêu ngọn lửa bất diệt của đời anh, cũng là những mất mát. Những mất mát thực sự.
Rừng Nauy giống như một cuốn băng trong một bộ phim kiểu cũ, tua chậm từ thực tại tới quá khứ. Rất nhiều nhà văn trước Haruki Murakami đã chọn thủ pháp dòng ý thức để kể câu chuyện của mình. Và không có gì ngạc nhiên khi kể một câu chuyện tuổi thanh xuân lại không lựa chọn thủ pháp này. Tôi tin đó là sự lựa chọn đúng đắn, nếu như sau này tôi có đủ can đảm để cầm bút lên để viết, thì tôi cũng sẽ bắt đầu một câu chuyện bằng chính thủ pháp này.
Tôi tin rằng, những ca từ của Norwegian Wood vang lên từ hệ thống loa trên trần, của chiếc Boeing 747 đang lao về phía sân bay Hamburg nước Đức, đã khiến cho Toru thật sự thấy choáng váng. Những hình ảnh của mùa thu năm 1969 đột ngột quay về trong tâm trí anh, như dòng thác lũ, khiến cho anh không đủ thời gian để sắp xếp những hình ảnh đó theo trật tự nhất định.
Anh đã nói:“Ký ức thật ngộ. Khi còn ở trong cảnh thực thì tôi chẳng để ý gì đến nó. Không bao giờ tôi nghĩ đến nó như một cái gì đó sẽ để lại một ấn tượng lâu dài, và chắc chắn là không thể tưởng tượng rằng mười tám năm sau rồi tôi sẽ nhớ lại nó đến từng chi tiết.”
Không một ai có thể phủ nhận được quá khứ của mình và Toru cũng thế, anh buộc phải thốt lên trong tâm trí mình rằng: “Ký ức thật ngộ”. “Ngộ” một từ ngữ được dùng để lột tả sự ngạc nhiên, bỡ ngỡ trước những gì đang dội ngược lại tiềm thức mình. Như ngày hôm đó, như ký ức về đồng cỏ, hay cuộc dạo chơi với Naoko hay hơn hết là câu chuyện về những cái miệng giếng bí mật hiện ra giữa đồng cỏ.
Hình ảnh những cái miệng giếng hiện ra giữa đồng cỏ, là sự ẩn dụ sự “sợ hãi” và hơn hết nó…tuyệt đẹp. Đẹp như miệng giếng đen ngòm, đẹp như màn đêm, đẹp như “con chim nhỏ” đang đi cạnh chàng khờ Toru. Con chim ấy đang run rẩy lên vì sự sợ hãi. Một dự cảm lớn lao, hơn cả. Ấy là về cái chết. Những cái chết của tuổi trẻ.
“Sự chết không phải là đối nghịch của sự sống, mà là một phần của sự sống. Sống, tức là nuôi dưỡng chết. Sự chết không phải chấm dứt, cũng chẳng phải bắt đầu. Nó ở ngay đây rôi, được chính sự sống nuôi dưỡng”
Cái chết đã bao trùm như thế lên câu chuyện, lên thế giới này, nhưng cũng chẳng thể làm bầu trời kia trở nên đen tối hơn, và cũng chẳng khiến nó trở nên tươi sáng hơn. Mặt trời vẫn mọc và lặn theo chu kỳ. Và con người vẫn sinh ra, lớn lên rồi chết đi. Chẳng có gì đáng trách. Tôi thường quan niệm rằng, tới một lúc nào đó trong đời mình, ai ai rồi cũng sẽ chấm dứt sự “sống” của mình và thay bằng một sự “chết”. Và đó là tất yếu, hay sự lựa chọn của mỗi người. Lựa chọn cái chết ở tuổi 17 của mình, Kizuki tâm niệm rằng, cậu sẽ sống mãi trong tuổi 17 đó. Mãi mãi. Bất tử.
Rồi Naoko. 21 tuổi. Chết bên bìa rừng, dưới những tán cây, như con chim nhỏ không thể cất cánh lên bầu trời xám xịt tự do kia nữa. Những biến cố lớn lao, chẳng còn ám ảnh cánh chim ấy nữa, sự ra đi là mãi mãi. Chỉ còn tình bạn, tình yêu là ở lại.
Chẳng ngạc nhiên gì khi Haruki Murakami đặt câu chuyện này trong bối cảnh Nhật Bản thập niên 60. Khi nước Nhật đã chấm dứt khỏi cuộc chiến (mà có lẽ) là họ đã tự gây ra. Hai quả bom nguyên tử rơi xuống hai thành phố của Nhật Bản, có lẽ đã quá đủ với họ rồi. Ở đây, chúng ta không bàn gì về chiến tranh, vì những năm 60 của thế kỷ trước, nước Nhật đã rời xa bóng ma quá khứ của mình để vươn lên trở thành một trong những cường quốc công nghiệp phát triển nhất nhì thời bấy giờ. Chủ nghĩa tư bản tiêu thụ phát triển mạnh mẽ, có tác động vô cùng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần, mà đặc biệt là tầng lớp tuổi trẻ. Những con người có tâm hồn dễ rung động hơn bất cứ thứ sinh vật nào trên đời, điều đó được minh chứng bằng những cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra ở khắp Tokyo thời bấy giờ. Murakami đã không để cho Toru tham gia vào những cuộc biểu tình đó, anh mê mải với những cuốn sách, băng đĩa, cuộc vui chơi với một cậu bạn nhà giàu hay tâm trí lúc nào cũng hiện hữu trong đôi mắt của người con gái mà anh thầm yêu mến. Có lẽ tác giả không đơn thuần để cho nhân vật mình trở nên lạc nhịp giữa thời cuộc để phần nào làm rõ nét hơn sự cô độc, khát khao của tuổi trẻ, mà ở đó, tác giả còn muốn khái quát hóa lên một thời đại. Nơi những người trẻ mất đi lý tưởng, mục đích sống, sự thăng bằng cần thiết cho cuộc sống này. Và khi ấy, tôi cho rằng, ý nghĩ về cái chết đã len lỏi hằng ngày hằng ngày, hằng giờ hằng giờ trong cuộc sống của họ.
Ngay như bản thân Toru, sau cái chết của Toru, sự buồn bã hiện rõ trên gương mặt của Naoko cũng khiến anh thực sự mất phương hướng, lạc lõng, vô định. Và tình yêu còn lại, tình yêu của anh dành cho Naoko, hay thứ tình cảm kỳ lạ mà anh cảm nhận được trong con người của Midori (giữa những con người “giống nhau” quá mức cần thiết, ở Midori anh đôi chút cảm nhận được sự “khác”) tuy nhiên những gì anh hướng tới vẫn là tình yêu thuở thanh xuân, nơi Naoko, nơi của sự bất diệt, tinh lành và đớn đau.
Trở về với bản nhạc của The Beatles, trở về với đồng cỏ, những bìa rừng với xác những con ve sầu đã chết vào mùa thu hay khu vườn của Naoko và Reiko. Những năm 1969 ấy, anh nói rằng, tâm trí mình chỉ như một vùng đầm lầy, dẻo quánh và sâu hoắm, như muốn kéo tuột mọi thứ về phía nó. Anh đã nói, khi ấy chỉ có bóng tối vô tận của đầm lầy mà thôi. Và đâu thể, đâu thể cứ cho rằng, tình yêu sẽ cứu rỗi tất cả. Sau cùng thì Naoko vẫn phải chết đó thôi.
Sau cùng thì tình yêu vẫn chỉ là thứ giá trị lấp lánh ẩn sau những ngọn cỏ mùa xuân trên cánh đồng ngày hôm đó. Có nhiều người sẽ nghĩ rằng, có lẽ Toru đã quá dại khờ khi cứ mãi đeo đuổi một bóng hình mà ngay từ đầu, anh đã biết rằng, Naoko không thể dành tình cảm cho anh được. Nhưng không có nghĩa là anh sẽ bỏ cuộc, bởi lẽ khi bạn đến với cuộc sống này, chấp nhận sự “sống” của mình, dẫu là tạm bợ thì không nghĩa lý gì khi bạn đeo đuổi những thứ hư ảo ấy. Như tình yêu. Như Naoko. Nhưng nói gì thì nói, mọi thứ vẫn sẽ như vậy.
Cái chết của Naoko, những dự cảm về cái chết ấy, có lẽ Toru đã đoán được từ lâu, chỉ là không biết lúc nào Naoko sẽ đưa ra lựa chọn đó thôi. Anh nghĩ rằng, mình sẽ thản nhiên chấp nhận sự thật ấy, nhưng không. Anh đã bỏ đi bụi, tới những bờ biển hoang vu chỉ có sóng và gió mặn, anh cảm thấy mình chưa từng được tồn tại trên đời này. Âu những điều đó, cũng chỉ là những cảnh tỉnh lớn lao, sâu thẳm trong con người mình mà thôi. Khi bạn không đủ can đảm để chết đi, chỉ còn một lựa chọn là sống, sống cho một cuộc đời có ý nghĩa, theo ý của riêng mình.
Và sự thực là Toru đã sống như cái tên của anh Watanabe (Want to be). Anh đã sống để kể lại câu chuyện này, anh đã sống để nghe những giai điệu của Norwegian Wood vang lên trên loa trần máy bay, để choáng váng, để những ký ức quay trở lại bên anh một cách mãnh liệt hơn bao hết. Về câu chuyện bất diệt của tuổi thanh xuân này.
Mỗi khi nghĩ về cái chết của chuyện, đôi lúc tôi cảm thấy trúc trắc và đôi khi là sự bực mình. Khi Toru gọi về cho Midori, Midori hỏi anh, anh đang ở đâu. Anh lặng người đi, ngẩng đầu lên. Anh bảo, anh không biết, anh chỉ thấy những hình nhân vội vã lướt qua, về nơi vô định. Đó đó, điều tôi bực mình ở chỗ đó. Ở cái chỗ mà tuổi trẻ đã bị chen chân quá nhiều những mất mát, lạc lối, vô định.
Đôi khi bản thân tôi (khi nghĩ về tuổi 21 của mình) tôi cũng đã có những – cảm – giác – tương – tự – như –Toru, khi tôi không thể nói yêu thương một người, khi tôi đã tự làm đau chính bản thân mình, khi tôi đã trải qua những mất mát nhất định, khi đốt điếu thuốc dưới bầu trời sao, khi nghĩ về mọi thứ…vân vân.
Thiết nghĩ, ai trong chúng ta cũng sẽ như thế, như Toru, như tôi, một giai đoạn nào đó khủng hoảng. Thật sự, trong đời mình. Nhưng dẫu có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Hãy sống. Hãy bước qua, và một khi nhìn lại, có thể là quãng thời gian 5 năm hay 10 năm. Ta sẽ tự thốt lên với bản thân mình rằng: “Woa, mình đã trải qua những ngày tháng đó. Bằng sự phi thường, lấp lánh.”
Nguyên Nguyên
=> Đọc thêm: Cảm nhận về truyện “Biên niên ký chim vặn dây cót” – Haruki Murakami
Key liên quan:
- rừng na uy sách cũ 2007