“Chuyện cũ Hà Nội” – tập ký sự đặc sắc về Hà Nội
|Đây là một cuốn sách rất đáng đọc với những người yêu thích Hà Nội nói riêng, và văn hóa lịch sử Việt Nam nói chung.
“Chuyện cũ Hà Nội” là một tập ký sự lịch sử về Hà Nội đặc sắc của nhà văn Tô Hoài. Trong tác phẩm, sự hiểu biết của Tô Hoài về Hà Nội thời Pháp thuộc rất phong phú, đặc biệt, thêm sự quan sát tinh tế, văn chương hóm hỉnh, các mẩu chuyện trong tác phẩm như một bức ki hoạ về một con người, một hoàn cảnh… khiến người đọc rung động vì những tình cảm chân thành, nhân hậu.
Một trích đoạn hay:
“Tự dưng, một hôm nghe tiếng kèn đám ma tò tí te, tò tí te inh ỏi ở nhà bác đĩ Hiền. Chẳng mấy lúc, bọn trẻ trong xóm đã chạy cả đến. Rồi, cũng như ở các đám ma, đám cưới, đám việc hàng giáp trong xóm, trẻ con nhà xa nhà gần tới chầu chực lê la suốt ngày ở nhà có cỗ. Chặp tối, có thui bò. Thích nhất được xem thui bò, xem mổ lợn. Tranh nhau huých nhau xin cái bong bóng lợn. Thui bò thì cướp cho được cái sừng. Đứa nào nhanh tay, có thể đập gậy gỡ sừng, khi con bò vừa được thui chín. Thui bò buổi tối vui ghê. Lửa rơm vàng rực, từng nạm than đỏ hồng. Mùa rét đứng xem như sưởi ấm quanh đám lửa cháy to.
Cái gì mà nhà đĩ Hiền lại thui bò làm cỗ to thế? Phải nhà có của, phải có việc đám cưới, đám ma, đám khao vọng, mua trương, mua trùm, đám thứ thế nào người ta mới tậu bò về chè chén linh đình. Nhà có giỗ, cũng chỉ thịt gà, thịt sỏ hay mổ lợn đã là dinh dược rồi. Bác đĩ Hiền chẳng phải nhà giàu mà lại dám mổ bò.
Hỏi ra mới biết bác đĩ làm ma khô rửa mặt cho bố.
Ngày trước (từ bao giở bao giờ ấy) bố bác Hiền đi phu làm đường trên Thái Nguyên. Chẳng may, ốm ngã nước rồi chết. Cũng không biết được bố bác đã chết ngày tháng nào, người ta chôn rấp rúi ở đâu. Mấy lâu nay, nhà bác đĩ Hiền chỉ biết cúng giỗ vào cái ngày bố bước chân ra đi.
Chết đường là một nỗi đau, một điều khốn khổ, lại chết mất xác thì phải tiếng để đời với làng nước, với bao nhiêu âm thầm cực nhục không thể nào nói xiết.
Chỉ riêng việc xưa nay trong họ ngoài làng, nhà nào có cha già mẹ héo mà nhà mình đã đi phúng viếng, hào bạc hay chai rượu, bao hương, bao nến. Không phải lệ làng, không có khoản khoán hương ước mà đâm trói buộc nặng nề, không có không được. Nhà bác đĩ Hiền chạy ăn từng bữa chưa xong. Mà vẫn phải đi mừng rỡ, phúng viếng những nhà người. Ông bố chết đường, đã thảm hại, mà ở nhà lại mất hết, bởi vì xưa nay đi mừng đi phúng tốn kém đến điều rồi thế là từ rày không biết tính được nhà ai có dịp đền bù đáp lại nhà mình vào đâu.
Chỉ có lo cái ma khô mới rửa được tiếng và mới có cớ trả nợ miệng đòi nợ miệng. Bác đĩ Hiền đã tính, đã lo dần như thế từ lâu rồi. Sắm sửa, vay mượn, cầm bán, nhặt nhạnh và mượn mâm bát, dao thớt, nồi chảo nhà ai, đánh dấu vôi cẩn thận.
Chẳng hiểu sao, đám ma khô cũng khác, nhà có việc hiếu mà sạch sẽ như không. Mùi hương đen hương vòng thơm tràn lan không cảm thấy nặng nề như mùi hương ở nhà đám lù lù chiếc quan tài giữa nhà.
Có đến hai ba ngày nhộn nhịp. Gần khắp làng kéo đến ăn cỗ nhà bác đĩ Hiền.
Có người chỉ cầm đến thẻ hương. Rồi đứng ngoài đầu ngõ, đợi người trong nhà ra. Nhà có việc đã biết hiệu, một người xách chai rượu ra, thu thu trong vạt áo, nhận hai hào bạc rồi đưa cho người đến phúng đàng hoàng đem chai rượu và thẻ hương vào.
Ai phúng, phúng bao nhiêu, bác đĩ Hiền đã nhờ người ghi sổ cả. Trên bàn thờ, đèn nến sáng trưng. Tấm màn xô và cái gậy tre với vòng rơm đội đầu trên dải khăn sô của chú Hai đi làm ăn xa, tận sở cao su Đất Đỏ trong Sà Goòng, không về được.
Tuy không có cái quan tài kê ngang gian giữa nhà, cũng ra vẻ đám ma. Bác đĩ Hiền chít khăn ngang đứng một bên cột, tay chống gậy, tay che lên miệng. Ai vào viếng bác cũng hì hục lễ đáp. Ai khóc, bác đĩ gái và mấy bà trong họ khóc theo, khóc đáp lễ. Trong khi khắp nhà, ăn uống rào rào. Trời nắng hanh khô ráo. Khách đông, những mâm rượu phải bày cả ngoài sân, cạnh hàng đóng cỗ.
Chập tối, có họ bên bác gái ở làng dưới lên. Mỗi gian treo một chiếc đèn ba dây. Gian trong đã bày ra đĩa mỗi chiếu một cỗ tổ tôm.
Các ông phường kèn già nam ăn cỗ giã đám ra về lúc chập tối. Đêm qua, phường kèn ỉ eo thổi bài làm “chim kêu, gà gáy” đến khuya, khéo quá. Tiền công, phần biếu, miếng thịt, đấu xôi, chục cau của mỗi ông đánh trống, ông kéo nhị, ông thổi kèn, đâu đấy đều có gói bọc đủ cả.
Đêm thứ hai vẫn còn những chiếu tổ tôm khắp ba gian và ngoài hiên rộng, thêm một đám xóc đĩa. Người nhà lại sắp xếp cỗ vét, dưới bếp đã bắc nồi ba mươi cháo ăn khuya. Ai cũng nói mệt quá, buồn ngủ quá, gào khóc cả mấy hôm rồi khản cả cổ, nhưng chẳng chịu ngồi một chỗ, người nào cũng lăng xăng ra vào, và lúc nào cũng thấy những mặt rượu ngà ngà.
Thế là bác đĩ Hiền rửa được tiếng. Dưới suối Vàng hay ở Âm phủ, ông bố chết dường như cũng được ngậm cười. Vợ chồng bác đĩ Hiền đánh thư vào Đất Đỏ cho chú Hai biết ở nhà anh chị đã lo được “cái ma khô cho thầy”.
Nhưng đợi mãi, chẳng thấy măng đa tiền chú ấy gửi về. Mấy năm sau, thế nào mà cả hai vợ chồng bác đĩ Hiền cũng đi phu, cái công việc mà làng xóm sợ nhất, chỉ khốn cùng lắm mới tính đến nước cuối ấy là đi phu cao su. Nhưng, không vào cao su Đất Đỏ, mà họ đi phu mộ sang tận Tân Thế Giới. Cái nhà đã cầm đoạn mại rồi bán đứt.
Không biết có phải vì làm ma khô cho bố chẳng thu lại được vốn, như vợ chồng bác đã chắc mẩm. Thế là cả nhà bác đĩ Hiền ra đi chẳng bao giờ về nữa”.
Nguyên An
=> Đọc thêm: Những cuốn sách hay nhất mọi thời đại
Key liên quan:
- 4 tác phầm viết về hà nội
- https://nhom40 com/chuyen-cu-ha-noi-tap-ky-su-dac-sac-ve-ha-noi/