“BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU” – NHỮNG SỰ ĐIÊN RỒ ĐẦY THẤM THÍA

Rating: 5.0/5. From 2 votes.
Please wait...

Lấy bối cảnh tại một bệnh viện tâm thần với toàn những con người cá biệt của xã hội, nhưng “Bay trên tổ chim cúc cu” của Ken Kesey cho người đọc cái nhìn rộng lớn hơn là chính xã hội Mỹ thời bấy giờ. Để câu chuyện về một McMurphy – bệnh nhân vào trại tâm thần vốn chỉ để trốn phạt lao động – khơi dậy sức sống, khao khát tự do của các bệnh nhân vốn đang sống trong một sự phục tùng tuyệt đối với những nguyên tắc cứng nhắc của bệnh viện và mụ y tá trưởng dường như trở thành một cuộc cách mạng đúng nghĩa.

Ngày McMurphy bước vào bệnh viện một cách ngông cuồng và ngạo nghễ, có lẽ chính hắn cũng không hình dung được cái kết bi đát mà hắn sẽ phải chịu. Nhưng có phải là một cái kết bi đát không? Chỉ có McMurphy mới có thể trả lời. Nhà thương điên này, trước khi McMurphy đến là một nơi mà quyền tự do của con người bị kìm hãm. Những bệnh nhân sống trong sự quản lý quy tắc và khuôn khổ cứng nhắc, bị triệt tiêu hết những phần cá tính, những phần rất con người của họ. Họ sống ngoan ngoãn và phục tùng bởi dường như chính họ cũng không biết thực sự mình là ai, mình muốn điều gì và cần làm gì. Nhưng sâu bên trong bệnh nhân ấy vẫn tiềm ẩn khát khao sống, khát khao tự do. Thế nên mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện giữa mong muốn được tự do và khuôn khổ cứng nhắc mà họ đang tuân theo.

phim - bay - len - toi - chim - cuc - cu

Ảnh minh họa

Và sự xuất hiện của “nhà cách mạng” McMurphy đánh thức ở họ những phần cá tính tiềm tàng đó. Ban đầu có thể chỉ bởi cá tính ngông cuồng của mình mà McMurphy không chấp nhận được việc các bệnh nhân khác răm rắp nghe theo những nguyên tắc cứng nhắc và lạnh lùng ở đây. Hắn bắt đầu kích động, lôi từng bệnh nhân ra khỏi vùng an toàn của mình và chiến đấu lại với bộ máy quản lý của bệnh viện mà đứng đầu là mụ y tá. Và rồi người đọc cũng bị cuốn vào chính cuộc chiến đó. Mỗi chiến thắng nhỏ mà McMurphy mang về không chỉ làm những bệnh nhân ở đây thích thú mà còn khiến người đọc cũng cảm thấy hân hoan theo.

Nhưng hơn cả những sự kích động mà một tên đầu đường xó chợ từng ngồi tù vì gây gổ và quan hệ với trẻ vị thành niên đã đưa đến cho các bệnh nhân ở đây, McMurphy trở thành người hùng đối với họ và với chính độc giả vì những điều lớn lao hơn như thế. Ở đây, tưởng chừng như kẻ tỉnh táo duy nhất ở giữa đám người điên ấy nhưng chỉ mình McMurphy biết rằng họ chẳng điên đến thế. Hắn đối xử với từng con người ở đây với một sự bình đẳng và trân trọng lạ thường dù khó để nhận ra. Và thế là, chính McMurphy đã làm bừng tỉnh các con bệnh, tiếp thêm cho họ tình yêu tự do, nhắc nhở họ về cá tính của chính mình. Bởi điều đó, câu chuyện về cuộc nổi loạn của những bệnh nhân tâm thần tưởng chừng như điên rồ và vặt vãnh nhưng mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Điều đáng tiếc nhất của tác phẩm có lẽ chính là ở cái kết. Cuối cùng,  như một điều tất yếu, kẻ mạnh luôn thắng, cuộc cách mạng của những kẻ yếu không giành được thắng lợi. Nhưng thắng lợi ở đây là gì? Nếu coi sự thức tỉnh của những bệnh nhân ở đây là một thắng lợi, thì “nhà cách mạng” McMurphy đã thực sự thành công. Dù là phải hy sinh sự tự do của mình để thức tỉnh chừng ấy con người, McMurphy cuối cùng vẫn quyết định không tẩu thoát, sẵn sàng chọn ở lại bên cạnh họ.

Đọc “Bay trên tổ chim cúc cu”, cảm xúc của người đọc được đẩy lên rất cao. Đó là sự sảng khoái, hân hoan khi McMurphy và những bệnh nhân tâm thần thành công trong những trò quỷ quyệt nhằm phá rối cơ chế lãnh đạo lạnh lùng và đạo đức giả của bệnh viện. Và đó là cả những xót thương đến tận cùng cho thân phận của những con người nhỏ bé ấy, cho cả McMurphy to lớn.

Hãy đọc “Bay trên tổ chim cúc cu” để hiểu thấu một điều, chúng ta luôn có quyền chọn cho chúng ta cách sống, dù là ở bất cứ đâu.

THANH TRÚC

Rating: 5.0/5. From 2 votes.
Please wait...