YÊU LÀ YÊU, THẾ THÔI!

Rating: 5.0/5. From 6 votes.
Please wait...

Khi yêu có cần quan tâm tới nghề nghiệp, gia cảnh, học vấn, và đặc biệt là giới tính? Yêu là cảm xúc nồng nàn của con tim, mà khi đã là cảm xúc thì mọi giới hạn đều có thể phá bỏ. Miên Tú và Trần Kha của “Không thể chạm vào em” là thế, yêu là yêu, thế thôi!

Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của nhiều cuộc cách mạng công nghệ cao, mở ra những tính năng siêu việt giúp con người trên toàn thế giới cởi mở hơn và gần nhau hơn. Xã hội hiện đại đã xóa bỏ nhiều rào cản và những cấm đoán kìm nén cảm xúc của con người so với thời đại trước. Ngày nay chuyện sex không còn là vấn đề thầm kín khó nói. Nó là sự thăng hoa của tình yêu để duy trì nòi giống. Vậy có nhất thiết phải có sex trong tình yêu? Không sex có yêu được không? Đó là những tranh cãi còn chưa có hồi kết, song chúng ta chọn đứng vào chiến tuyến nào trong cuộc chiến bất phân thắng bại kia, còn phụ thuộc vào tâm thế, bản năng, cũng như mục đích sống của mỗi người trước bất kỳ mối quan hệ nào.

Một số người luôn khao khát dục vọng, họ sống vì những ham muốn xác thịt và luôn lầm đường bởi những dẫn dụ đó. Sex không có tội khi gây ra bao cuộc chia tay của nhiều cặp vợ chồng, hay những cặp tình nhân. Sex đơn giản chỉ là nhu cầu sinh lý của một loại hóc – môn sản xuất trong cơ thể người với mức độ khác nhau. Chúng ta khi bàn về sex, bình đằng mà nói, hãy gọi đúng tên của cá thể là giống đực và giống cái. Bởi chức năng và bổn phận của sex cũng là nhu cầu thỏa mãn, phục vụ duy trì nòi giống của các loài theo sinh học. Không nằm ngoài quy luật tiến hóa, con người có nhiều xu hướng biểu thị cảm xúc, và có những hấp dẫn tình dục hay không tình dục khác nhau.

truyen - ngon - tinh - hay
Ảnh minh họa

Chuyện sex có quan trọng hay không? Nếu xét trên phương diện duy trì nòi giống thì nó quan trọng, tuy nhiên, việc nếu một ai đó không bị hấp dẫn bởi sex là điều bình thường và đó không phải lỗi mà họ gây ra. Chúng ta biết rằng đa dạng cá thể, đa dạng loài cùng tồn tại, nên không ai phải lo rằng nếu cổ vũ nhóm asexual – người vô tính – thì một ngày nào đó Trái Đất sẽ tuyệt diệt vì không có giống nòi. Bởi rằng, sẽ không có gì là cố định; và đương nhiên trong nhiều tỷ người trên thế giới, số lượng người có hấp dẫn tình dục và không hấp dẫn tình dục vẫn song song tồn tại. Chúng ta cũng không phải kêu gào tẩy chay nhóm đối tượng có xu hướng khác mình, bởi khác không có nghĩa sai. Tất cả chúng ta chỉ khác nhau ở những cảm xúc, còn tình yêu thì ở giới nào cũng có.

Vô tính có được thừa nhận? Thực ra mà nói, bản thân những người vô tính không cần ai phải thừa nhận bản chất của họ; và duy chỉ có họ mới có tiếng nói với những gì thuộc riêng về con người mình. Những người không thuộc nhóm asexual cho rằng không có nhóm người nào không sex, nên họ tạo ra một định kiến với những đối tượng khác mình. Chúng ta nhìn nhận mọi vấn đề trong cuộc sống bằng con mắt khách quan, bằng cái nhìn thiện chí của một cá thể với đồng loại muôn màu thì không có những tranh cãi trái chiều vẫn diễn ra hằng ngày. Hãy sống chỉ cần biết chúng ta có tình yêu, biết yêu và được yêu thế là đủ.

Tiểu thuyết “Không thể chạm vào em” là một minh chứng cho tình yêu đôi khi không cần sex. Trong tiểu thuyết không có những định kiến giới tính như vừa nêu trên, mà nó là những cuộc chiến nội tâm của mỗi nhân vật khi nhìn nhận về tình yêu, nhìn nhận về tình dục. Sự gặp gỡ duyên phận của Trần Kha và Miên Tú tạo nên chuyện tình đầy hy sinh – yêu người kia nhiều hơn cả tự yêu bản thân mình. Trần Kha có xu hướng tình dục với người cùng giới, nên khi gặp Miên Tú, cô đã có những rung động, khát khao yêu thương, khát khao dục vọng. Nhưng điều đáng nể ở Trần Kha là chấp nhận hy sinh ham muốn ấy để níu giữ Miên Tú, ôm chặt người con gái mình yêu vào lòng, bằng một tình yêu thuần khiết. Còn Miên Tú, cô chạy trốn Trần Kha, bởi cô không thể mang lại tình yêu trọn vẹn cho người mình yêu – theo cô nghĩ trọn vẹn nghĩa là cả tinh thần và thể xác. Nhưng, có nhất thiết phải trao trọn tình yêu theo cách mà Miên Tú nghĩ, bởi không có tình dục có phải là điều tồi tệ?

Từ nhiều đời nay người ta mặc định rằng, con người sinh ra phải có tính dục, xu hướng số đông đó trói buộc cảm xúc tự nhiên của nhiều người. Số đông có luôn luôn đúng? Số đông chỉ là đa số và chưa chắc đã phải là chân lý. Bởi khi phủ nhận rằng làm gì có chuyện con người không cần tình dục mà vẫn có thể sống với nhau, tức là người ta đã lấy cái bản năng của mình ra áp đặt tới nhóm đối tượng không giống họ. Thế giới thứ ba, họ cũng là một con người, và người vô tính cũng thế; họ được sinh ra từ tình yêu thương và được nuôi dưỡng bằng tình yêu nên cũng có một trái tim khát khao yêu thương, có lẽ sống vì cộng đồng và biết hy sinh vì hạnh phúc. Vậy lẽ nào họ là những con người “quái dị” theo số đông quy kết. Không! Chẳng có tình yêu nào là “quái dị” cả! Và, công bằng mà nói, tất cả mọi người sinh ra ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đều cần có tình yêu và khao khát được yêu. Tình yêu là sự giao hòa giữa những xúc cảm, rung động cũng như những yêu thương cháy bỏng được thể hiện bằng sự hy sinh cao cả vì người mình yêu.

Ở Đây Trần Kha là một nhân vật điển hình như thế, cô ấy sẵn sàng gạt bỏ cái ham muốn bản năng để lựa chọn một tình yêu thuần khiết bên cạnh người con gái làm trái tim cô thổn thức. Vậy hà cớ gì, Miên Tú lại không được ngợi ca, chỉ vì cô asexual? Miên Tú sinh ra như thế, bản thân tạo hóa chỉ dành cho Miên Tú một vẻ đẹp ngoại hình cùng một tâm hồn nhạy cảm, một đôi mắt chứa chan yêu thương, với những mong muốn cuộc sống bình yên bên người yêu. Và đối với Miên Tú như thế là quá đủ. Với những xung đột nội tâm của Miên Tú trong tiểu thuyết, cô cũng xứng đáng được ca tụng sự hy sinh vì yêu khi rời bỏ người mình yêu – cho dẫu điều ấy khiến tự thân cô đau đớn hơn bất kỳ ai khác. Chúng ta luôn luôn mắc phải những định kiến do chính mình tạo ra, bủa vây, và trói buộc quan niệm vĩnh cửu của mình trong đó. Vì chúng ta luôn nghĩ, ai cũng phải sống theo lối sống của mình, nhìn nhận mọi thứ về tình yêu và tình dục giống mình như thế mới là bình thường.

Tình yêu bình thường là gì? Và tình yêu bất thường là gì? Khi định hình ra những khái niệm đó, chúng ta đã để cái chủ quan trở thành thứ rất khó để tháo gỡ định kiến. Mọi thứ hãy để nó diễn ra theo tự nhiên, đó là điều mà tác giả của tiểu thuyết “Không thể chạm vào em” muốn nói đến. Hãy tiếp nhận mọi thứ tự nhiên nhất, rằng cuộc sống muôn màu, có đẹp có xấu, có tình yêu mang tính dục thì có tình yêu thuần khiết không có sex. Khi chúng ta nhìn mọi sự phát triển trong nội tâm của con người với những cảm xúc hoàn toàn tự nhiên thì không có gì là bất thường hết.

Dĩ nhiên, có thể với một vài độc giả dị tính, việc bỏ qua tính dục trong một tác phẩm văn chương, giữa một cặp đôi có tình cảm mặn nồng đến mức này, dễ cảm thấy tác giả đang “thi vị hóa” tình yêu; hoặc cũng có thể, tình dục vốn là một điều tuyệt diệu khi tình yêu thăng hoa bị nhìn méo mó đi rằng đó chỉ là một sự dung tục của bản năng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, không thể trong một tác phẩm văn chương mà lột tả hết được tất cả mọi giới tính, mọi thân phận trong xã hội. “Không thể chạm vào em” chỉ đang kể câu chuyện của một cô gái đồng tính sẵn sàng biến mình thành vô tính để giữ người yêu theo cách thiêng liêng nhất. Nếu chỉ xét ở khía cạnh người đồng tính – người vô tính, thì tiểu thuyết này mang một giá trị giản đơn nhưng đáng suy ngẫm – yêu là yêu, thế thôi!

 

 

 

Nhóm 4.0

Rating: 5.0/5. From 6 votes.
Please wait...