[tản văn] EM GÁI NUÔI

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

 Em nói em hoàn toàn không hề giống những đứa trẻ đó vì em là nàng công chúa bé bỏng của cha mẹ em, em không phải là một đứa ăn mày không nơi ngủ, chốn ăn như chúng. Vậy tại sao em phải sống chung với chúng? Tại sao em lại phải gọi chúng là anh, chị em? Và tại sao em phải gọi những người xa lạ đang nuôi dưỡng em là mẹ?

Tôi gặp em vào một buổi sáng đầu đông năm hai ba tuổi. Khi mới vừa chia tay mối tình đại học sau ba năm thanh xuân vui buồn trọn vẹn, khi vết thương sâu hoắm nơi trái tim chỉ mới vừa thành sẹo. Còn chưa kịp thích nghi, còn chưa kịp đón nhận sự thay đổi ấy, khi mọi điều xung quanh tôi đang trở nên ngột ngạt vô cùng.

Mùi không khí ẩm mốc của cái thành phố hơn nghìn năm tuổi quyện vào tiết trời lành lạnh càng làm cho trái tim của những kẻ cô đơn thêm phần tê tái. Tôi kéo vội khóa của chiếc áo khoác to kềnh càng, rồi buông mình bước ra màn mưa chỉ trực chờ đổ xuống bất cứ lúc nào. Cũng tốt! Mưa đi! Mưa để gột rửa hết mùi hôi tanh của đất trời và thứ mùi tang thương đang xâm chiếm cõi lòng người con gái. Tôi định bụng sẽ tìm đến quán cà phê quen thuộc ngay cuối con đường trước khi cơn mưa kéo đến. Tôi sẽ gọi một ly đen nóng, ngồi ngay chiếc cửa sổ đủ để có thể ngắm trọn vẹn cơn mưa và không quên mang theo cuốn sách mà anh đã tặng.

Hôm nay chủ nhật, hôm nay có mưa rơi, hôm nay tôi cho phép mình tìm lại nơi chốn cũ ấy và hôm nay tôi muốn bản thân được nhớ anh thêm một ngày cuối cùng, rồi thôi.

Đó là một cô bé khoảng tầm bảy, tám tuổi. Nước da đen ngỏm, chiếc áo mỏng tang có đôi chỗ rách rưới chẳng đủ để che hết thân hình gầy nhom của em. Mái tóc em rối bời, ướt nhẹp bởi cơn mưa đang xối xả trút xuống. Tôi không hiểu tại sao em cứ đứng mãi dưới màn mưa dày đặc đó, hàng giờ liền?  Môi em tím lại, thân thể em run lên bần bật nhưng lại chẳng hề có ý định rời đi. Em cứ đứng đó, trân trơ mà đón nhận cơn mưa đang mỗi lúc một lớn dần.

– Nếu còn đứng đó thì em sẽ chết vì lạnh đó, đồ ngốc!

Tiếng tôi hét lên khi nhận ra mình đã rời khỏi quán cà phê tự lúc nào? Em quay lại nhìn tôi, ánh mắt đục ngầu vì nước mưa hay nước mắt?  Chẳng hiểu vì sao em lại bật khóc khi nhìn thấy tôi, khóc như một đứa trẻ đi lạc sau bao năm được gặp lại mẹ. Em chỉ đứng yên và khóc như thế, rồi em ngất lịm, ngay trong vòng tay tôi, ngay dưới cơn mưa mùa đông năm ấy.

Suốt buổi sáng xoay sở thì cuối cùng tôi cũng nấu xong một tô cháo nóng cho em. Tô cháo có thêm hành hoa để giải cảm. Đương nhiên rồi! Cô bé đã dầm mưa lâu như thế cơ mà. Cả đêm qua tôi không thể chợp mắt vì tiếng em rên lên từng hồi khiến tôi chẳng an lòng. Toàn thân em nóng ran, mồ hôi vã ra như tắm, em miên man chìm trong cơn mộng mị hàng giờ liền. Chỉ khi tôi cho em uống một viên hạ sốt và đáp khăn mát lên trán, khi cơn nóng bắt đầu giảm dần thì em mới từ từ chìm vào giấc ngủ, hiền lành như một thiên thần bé nhỏ. Mắt em đỏ hoe vì đã khóc rất nhiều. Nhìn thế, tôi không thể mường tượng ra em đang phải trải qua những gì, chỉ có thể mơ hồ đoán rằng nó hoàn toàn vượt xa sức chịu đựng của một cô bé tám tuổi như em.

Tiếng ho sặc sụa làm tôi chợt tỉnh cơn mơ hồ. Tôi đã như thế rất lâu, nghĩ về cô bé đáng thương đang nằm trước mắt mình rất nhiều nhưng vẫn không thể nào tìm ra một câu trả lời nào thỏa đáng cho câu hỏi “ Em là ai? Em từ đâu đến? Và tại sao em lại liều lĩnh mà đứng dưới cơn mưa như vậy?”

– Tỉnh rồi hả cô bé? Ăn chút cháo đi cho đỡ đói!

Tôi nói và đưa tô cháo đến trước mặt em, những tưởng em sẽ ngoan ngoãn đón nhận và chén sạch nó một cách ngon lành. Nhưng không, em vung tay ra rồi hất văng tô cháo xuống sàn nhà kêu cái choang. Cháo bắn tung tóe lên người tôi, người em, nóng rát. Tôi đứng dựng lên vì quá ngạc nhiên và tức giận, ánh mắt nhìn em như thiêu đốt, cánh tay tôi vung lên cao rồi dừng lại ngay trước đôi mắt to tròn của em. Ánh nhìn của em kì lạ quá! Chẳng hiểu sao lại khiến người đối diện vừa thấy giận nhưng cũng thương vô cùng. Ánh nhìn như có lửa ở bên trong, như vừa muốn nuốt chửng ánh nhìn của tôi, vừa muốn van lơn để cầu xin điều gì đó.

Đã ba ngày trôi qua nhưng em vẫn chưa muốn mở lời nói chuyện với tôi. Môi em khô khốc vì thiếu nước, thi thoảng tôi nghe tiếng léo réo phát ra từ bụng em nhưng em tuyệt nhiên chẳng có ý định ngó ngàng tới tô phở mà tôi đang đặt trên bàn, ngay trên đầu giường nằm.

– Chị phải đi làm. Nếu em không còn muốn sống nữa thì đừng ăn.

Giọng tôi đanh lại rồi bước vội qua cánh cửa của căn phòng 15m vuông chật chội, khi có thêm một cô bé bướng bỉnh như em nữa thì trông nó càng tồi tệ hơn.

Vừa dắt được chiếc xe wave rách nát ra khỏi dãy nhà trọ, tôi mới phát hiện ra mình đã quên chìa khóa ở trên phòng. Tôi lao vội lên cầu thang vì chẳng còn mấy thời gian nữa thì sẽ muộn giờ làm. Nhưng, cảnh tượng trước mắt làm tôi khựng lại, núp vội vào sau cánh cửa sổ phòng đã ngả màu rêu mốc.

em - gai - nuoi1

Em gái nuôi

Em gái nhỏ nhắn của tôi đang lọt thỏm giữa căn phòng chẳng mấy sáng sủa và rộng rãi, ăn ngấu nghiến bát phở tôi đã mua, thỉnh thoảng lại uống một ngụm nước vì nghẹn do ăn quá vội vàng. Cứ như thế, chẳng mấy chốc mà bát phở đã sạch bóng, nhẵn trơn. 

Chắc em đói lắm phải không, cô bé? Tôi buông tiếng thở dài, rồi quay lưng bước đi. Tôi không có ý định lấy chiếc chìa khóa nữa, tôi chẳng muốn quấy rầy đứa trẻ đáng thương nhưng bướng bỉnh, gai góc đó nữa. Ngày hôm đấy, tôi bắt vội chuyến xe buýt vừa dừng ngay trước cửa, đến chỗ làm rồi mà lòng còn khoan khoái rất nhiều.

Thời gian cứ dần dần trôi qua, khi đã bắt đầu trở nên thân thiết thì em cuối cùng đã mở lòng với tôi. Em kể, trước đây, em từng là một nàng công chúa bé bỏng, lớn lên trong sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ với trọn vẹn tình yêu thương. Nhưng rồi, một vụ tai nạn xe hơi đã cướp mất cha mẹ ra khỏi cuộc đời em. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, khi biết không còn ai trên cõi đời này để nương tựa, khi được đưa vào trại trẻ mồ côi, khi phải sống chung với hàng trăm đứa trẻ không cha, không mẹ khác thì em hoàn toàn gục ngã. Em nói em không hề giống những đứa trẻ đó vì em là nàng công chúa bé bỏng của cha mẹ em, em không phải là một đứa ăn mày không nơi ngủ, chốn ăn như chúng. Vậy tại sao em phải sống chung với chúng? Tại sao em lại phải gọi chúng là anh, chị em? Và tại sao em phải gọi những người xa lạ đang nuôi dưỡng em là mẹ? Em không thể chấp nhận điều đó, không thể chấp nhận việc trong một khoảnh khắc thôi em đã phải mất đi tất cả như thế. Không nơi đi về, không tình yêu thương. Em trở thành đứa trẻ bơ vơ mà không ai thèm đoái hoài, chăm sóc.

Vừa kể, em vừa khóc, những tiếng nấc nghẹn ngào đua kéo đến khiến lồng ngực tôi đau nhói. Em một mình trốn khỏi trại trẻ mồ côi, em cứ chạy, chạy để thoát khỏi nơi mà em phải gọi bằng nhà, những người mà em phải gọi bằng mẹ và những đứa trẻ mà em phải gọi bằng anh chị em.

Em chạy, chạy mãi, chạy cho đến khi cơn mưa đổ xuống ngay trên đầu.

Tôi ôm em vào lòng. Vòng tay tôi chẳng đủ để sưởi ấm con tim đang đau đớn của em nhưng tôi đã tự hứa với lòng mình là kể từ giờ trở đi sẽ không bao giờ để em phải cô đơn thêm nữa.

Ở đây nhé! Nàng công chúa bé bỏng của chị.

Em bắt đầu sống cùng tôi trong căn phòng 15m vuông đó. Một đứa sinh viên mới ra trường, một cô gái vừa mới chia tay mối tình sâu đậm. Tất cả đều chông chênh, đều mơ hồ nên tôi không biết phải yêu thương em làm sao cho trọn vẹn?

em - gai - nuoi2
Tản văn – Em gái nuôi

Ngoài lương thử việc của một đứa đang học nghề, tôi bắt đầu đi làm thêm rất nhiều. Tôi làm từ sáng sớm cho đến tận tối mịt mới trở về phòng nhưng hôm nào em cũng thức đợi tôi. Em nói em không thể ngủ mà không có tôi. Thật ra, chỉ cần câu nói đó thôi cũng khiến cả ngày mệt mỏi của tôi bỗng trở nên tươi xanh, hạnh phúc. Tôi cho em đi học, trở thành phụ huynh bất đắc dĩ của em mỗi khi em cần làm giấy tờ gì đó hoặc cô giáo có việc cần gặp. Kể từ khi có em, cuộc sống của tôi bắt đầu bận rộn hơn, vết thương lòng cũng chẳng có thời gian mà xâu xé, dày vò tôi nữa. Tôi chợt nhận ra rằng, chẳng mấy chốc nữa thôi, vết thương sẽ lành sẹo, không còn đau đớn hay nhức nhối gì nữa.

Hôm đó là chủ nhật, tôi cho em đi chơi công viên Hồ Tây. Em đã cười rất vui vẻ, nụ cười trong trẻo của đứa trẻ tám tuổi như em càng khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Tôi tin mình đã làm đúng, tin rằng quyết định giữ em lại bên mình giữa bao biến cố thật sự là một điều may mắn. May mắn cho em và cả tôi nữa. Tôi đã thật sự rất may mắn vì có em.

Bỗng đám đông phía trước mặt làm tôi và em chú ý. Chúng tôi tiến lại gần, khi nhìn thấy cảnh tượng đang diễn ra, chân tay em bắt đầu lạnh toát, rồi nhũn ra. Em hốt hoảng quay mặt lại rồi ôm chầm lấy tôi, miệng không quên nức nở. Ngay trước mắt chúng tôi, máu chảy ra lênh láng cả một góc đường, một cậu bé nằm im lìm trên vũng máu, bên cạnh là một người phụ nữ, hình như là mẹ của cậu bé. Cả hai đều bất động, xung quanh mọi người đang vây kín chúng tôi, cả tôi và em. Tôi hốt hoảng kéo em ra xa khỏi đám đông, miệng liên tục lẩm bẩm đủ để em nghe thấy.

– Không sao đâu, không sao đâu! Có chị ở đây rồi!

Tôi biết, trong khoảnh khắc đó, ký ức về vụ tai nạn thảm khốc lại ùa về và tất cả vẫn lại vẹn nguyện trong tâm thức của một đứa trẻ tám tuổi như em, chưa bao giờ mất đi, cũng chưa bao giờ lành lặn được. Chỉ là thời gian qua, em chỉ mới nguôi ngoai được một chút, mới bắt đầu cười một chút, mới bắt đầu hồn nhiên một chút. Chúng tôi ra về khi phía xa xe cứu thương đã đưa hai mẹ con nọ vào bệnh viện. Hy vọng họ sẽ không sao và hy vọng em cũng sẽ không sao, em gái nhỏ của chị!

Một hôm em nói với tôi sẽ đến làm tăm với mấy bác trong hội người mù ở cuối ngõ. Tôi phản đối ngay lập tức nhưng em vẫn cố thuyết phục tôi. Em nói em chỉ đến làm với các bác ấy cho vui, ngày còn được các bác cho hai chục nghìn, sẽ đỡ đần cho chị được một phần quà sáng cho em. Em nói em thường xuyên thấy tôi không ăn sáng nên dạo này trông tôi gầy hơn. Em còn nói em không phải đi bán tăm giống mấy bạn trẻ em hay đi bán dạo ngoài đường phố, chỉ ở nhà phụ các bác vót tăm thôi.

Thế là em đi làm thêm với số tiền 20 nghìn/ngày sau khi đã thuyết phục tôi thành công. Ngày lương đầu tiên nhận được, em hớn hở chạy về khoe rồi nhét vào tay tôi, hồn nhiên nói.

– Chị cầm lấy mai mua xôi ăn sáng nhé, em cho chị đấy. hì hì

Em cười trong trẻo, còn mắt tôi thì rưng rung, hình như tôi đang cảm động và muốn khóc.

Nhưng đến ngày thứ hai, thứ ba, rồi rất nhiều ngày sau đó nữa, không thấy em khoe với tôi nữa. Tôi cũng không hỏi em vì nghĩ chắc em dùng tiền đó để mua kẹo hoặc mua bút chì màu vì em rất thích vẽ. Cho đến một hôm, khi hai chị em đã lên giường đi ngủ, em mới nói như thì thầm.

– Chị ơi! Không phải em dùng tiền mua quà bánh đâu, em cho bạn Sơn hết số tiền đó rồi chị ạ!

em - gai - nuoi3
Tản văn – Em gái nuôi

Bạn Sơn mà em nói là một cậu bé bằng tuổi em, em gặp cậu trong một lần đến làm tăm. Cậu bé gầy nhom như em ngày tôi mới gặp nhưng nhếch nhác và rách rưới hơn nhiều. Sơn cũng mồ côi cha mẹ và không được đến trường. Hằng ngày cậu đến đây lấy tăm để đi bán dạo, ngoài tăm ra cậu còn bán thêm bút, bông tai,…như bất cứ đứa trẻ bán dạo trên đường phố nào mà tôi từng bắt gặp. Em kể hôm đấy Sơn không bán được gói tăm nào nên cậu ấy đói meo và lạnh, thế là em đã đưa hết số tiền em dành dụm dùng để mua kính mắt tặng tôi vì sinh nhật của tôi sắp đến cho Sơn. Nói xong, em quay sang ôm lấy tôi, áp mặt vào lưng tôi thì thào.

 Chị không buồn em chứ?

Làm sao chị có thể buồn em đây? Em giỏi lắm, em gái bé bỏng của chị! Chị vui mừng biết bao khi trái tim em không còn gai góc nữa, giờ đây em đã biết thương cho những số phận bất hạnh hơn mình, đã quan tâm họ và sẵn sàng làm bạn với họ. Chị vui lắm! Chị hạnh phúc lắm!

Hơn ba năm trôi qua, bây giờ tôi hai sáu tuổi, đang từng bước khẳng định mình trên con đường tương lai. Còn em, vẫn là cô học sinh tiểu học hiền lành và chăm chỉ. Chúng tôi cứ sống như thế, cứ hạnh phúc mãi như thế.

Một ngày trời thu ấm áp, lá vàng rơi rụng cả những con đường, mùi hoa sữa của cái thành phố hơn nghìn năm tuổi càng làm cho trái tim của bất kì ai chợt bâng khuâng, chợt chẳng muốn cô đơn nữa. Xa xa, có một chàng trai lạ đang đứng trước cửa phòng trọ cùng với em. Nhìn thấy tôi, em reo lên.

Chị!

 Chàng trai ấy quay người về hướng em chạy, ánh mắt chúng tôi gặp nhau. Anh ta cười với tôi, cả ánh mắt và nụ cười ấy đều khác lạ. Như có điều gì đó xao xuyến ở trong tim.

Cảm ơn em đã bước vào cuộc đời chị, đã chữa lành vết thương dai dẳng trong chị và đã trở thành cầu nối để chị và anh ấy gặp nhau. Cảm ơn em! Em gái bé bỏng của chị!

Thật ra, chàng trai đang cùng tôi thưởng thức ly đen nóng với nụ cười ấm áp trong quán cà phê cũ, bên cạnh ô cửa sổ cũ là thầy giáo của em. Anh nói, vì hôm đấy sợ trời sắp mưa nên anh đã quyết định chở em gái tôi về nhà. Không ngờ, định mệnh lại gõ cửa trái tim.

Megane

Đọc thêm bài viết Tản mạn về bóng đá

 

 

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...