[Tản văn]KỶ NIỆM ƯỚT MƯA

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...

Vào một ngày mưa tháng mười, tôi ngồi nhớ về những ngày mưa của tháng mười năm ngoái. Lúc đó, tôi lại nhớ về những ngày mưa khác của những tháng nào đó của những năm nào đó rất xa, khi tôi vẫn hằng ngày đạp xe qua những cơn mưa ấy.

Mưa ở quê tôi không giống mưa thành phố chỉ trở đi trở lại vào chiều tối để cản đường những kẻ mưu sinh trở về nhà sau ngày dài làm việc. Mưa ở quê tôi là mưa dầm, mưa dai dẳng, mưa đến nỗi có khi cả tháng người ta không nhìn thấy được mặt trời.

Mưa thấm qua vách tường để chảy từng giọt dài từ trên xuống rồi tràn ra cả nửa sàn. Nhà tôi vào mùa mưa khắp nơi là những xô hứng nước và giẻ lau. Phía trên phòng khách là nhà đúc thì không sao, nhưng nửa nhà sau lợp bằng ngói cũ, nước ré qua những khe hẹp, đôi chỗ rơi lộp độp lên cả đầu người. Tôi ngồi học bài trước máy tính, phải lấy vở úp lại, đắp lên những cái lỗ thông hơi trên đầu máy để nước mưa không rơi vào, còn thỉnh thoảng vài giọt trúng đầu cũng không sao.

tan - van - mua1
Những ngày mưa

Mưa và lạnh, người ta ngại ra đường. Tôi thích những lúc lười biếng cuộn mình trong chăn, ngủ hoặc chỉ nằm và nghe. Tiếng mưa rơi trên mái ngói nghe rất thích, lộp độp, lộp độp. Nằm chán, tôi chạy sang phòng ba tiếp tục nằm, nghiêng đầu về phía tivi cùng ba xem trận bóng đá mà tôi cũng chẳng biết đội nào đang đá với đội nào. Tiếng mưa có khi to đến nỗi át cả tiếng của bình luận viên. Rồi tôi ngủ lúc nào không hay, chờ đến khi mẹ phết vào mông gọi dậy ăn cơm chiều.

Còn những ngày đội mưa đến trường lại là những câu chuyện khác. Cấp hai, trường ở gần, tôi đi bộ. Những hôm có lịch học thể dục, biết chắc thầy sẽ cho nghỉ nhưng lũ chúng tôi vẫn nhất định kéo đến trường, chờ nghe thông báo rồi vỗ tay ăn mừng, kéo nhau về nhà con bạn ở tít trong ngỏ phía sau lưng nhà tôi để cùng chơi nhảy dây.

Trời mưa dầm dề, nhà nó cũng ướt như nhà tôi, chúng tôi vẫn buộc dây chơi ở bên hiên, thỉnh thoảng trượt té oành oạch để mẹ của nhỏ bạn chạy ra mắng liền một trận rồi bắt cả đám xuống nhà ăn bánh ướt. Nhà bạn tôi là một lò bánh tráng nhỏ. Trời mưa, bánh không phơi được, nên chúng tôi có một rổ bánh ướt nóng hôi hổi, thoa mỡ hẹ, chấm với nước mắm ớt tỏi ăn hoài không ngán.

Càng lớn tôi càng thêm sợ mưa, không còn nhớ nổi vì sao ngày bé thích mưa đến thế, không ngại những ngày một tay ôm dù, tay còn lại giữ hai ống quần được kéo lên thật cao để lội nước sang nhà nhỏ bạn. Lại còn có cả những ngày giữa mùa mưa mà đứa nào cũng bướng bỉnh không thèm mang theo áo mưa, cứ thế hai đứa con gái đạp xe chở nhau rong ruổi khắp các con ngỏ. Mưa thấm vào da thịt, lạnh ngắt, tôi vòng tay ôm siết lấy lưng con bạn gầy gò nhỏ con nhưng lúc nào cũng là đứa chở. Để rồi khi vừa về đến ngỏ đã thấy ba lăm le cây roi trong tay.

Trong kỷ niệm, tôi rong chơi khắp cả những ngày nắng lẫn ngày mưa, nhưng có lẽ những cơn mưa, những cơn gió lạnh kéo về những nỗi nhớ đậm đặc hơn. Những hình ảnh về ngôi nhà nhỏ, mái trường quê, những con đường, những góc phố khi tôi nhìn từ hiện tại về lại ký ức qua những màn mưa từ bay bay đến nặng hạt dần hay trắng xóa tất cả đều gợi những cảm xúc khó nói nên lời. Có lẽ mưa gắn với nỗi buồn, nên dẫu tôi tìm về gương mặt mình những lúc cười rạng rỡ của những kỷ niệm ngày mưa vẫn vương vấn chút gì như những niềm nuối tiếc lãng đãng buồn. Và cũng có lẽ những cơn mưa cũng đã giăng lối con đường tôi trở về tuổi thơ nên bước chân bỗng trở nên lạnh lẽo và nặng nề đến thế.

Rồi tôi trở về quê cũng vào một ngày mưa tầm tã. Cuộc đời tôi đã khác nên ký ức vẫn y nguyên đó bỗng trở thành những hòn sỏi từ từ được thả nhẹ vào đáy lòng. Mọi thứ đã thay đổi dẫu vẫn giữ lại chút gì đó để làm bận lòng tôi. Khi tôi nằm trong căn nhà cũ nơi bốn bức tường đã xanh rêu, vẫn nghe mưa lộp độp trên mái nhà. Nhắm mắt lại, nước mắt tôi lăn từng giọt dài.

Tôi vẫn sống vui ở hiện tại đấy thôi, không phải chỉ toàn những nỗi buồn giăng kín. Và kỷ niệm cũng thế, vẫn lấp lánh những nụ cười. Nhưng sợi dây nối hai miền thế giới ấy có lẽ vẫn là một con đường ướt mưa.

 

THANH TRÚC

=> Đọc thêm: Ngày trái tim đổi khác

 

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...