THỜI GIAN TRONG TRUYỆN NGẮN VÀNG MÙA MIMOSA CỦA TRƯƠNG THANH THÙY
|Nếu có ai đó nói rằng cuộc đời là những chuyến đi thì cũng có người sẽ nói lại cuộc đời là những hoài niệm. Ở Trương Thanh Thùy có cả hai điều đó. Truyện “Vàng mùa mimosa”, nữ văn sĩ vừa kể về hành trình tìm tới tình yêu, về chuyến đi của kỷ niệm, và kể về tình yêu vĩ đại ngay trong những điều giản đơn.
Trương Thanh Thùy là một trong số hiếm những cây bút trẻ sáng tác thành công với nhiều thể loại. Truyện và tiểu thuyết của chị mang nhiều đề tài khi thì gần gũi với cuộc sống, khi là những cảm thức thiên về tâm linh – địa hạt mà không phải văn sĩ nào cũng bước tới. Với đề tài của truyện ngắn, nữ văn sĩ chọn những góc khuất sâu kín về tình yêu con người, tình yêu đôi lứa, những khắc khoải của nội tâm. Văn ngôn khoáng đạt, hàm ý, lúc thì vui tươi khi lại buồn buồn vô định. Trong truyện ngắn Vàng mùa mimosa Trương Thanh Thùy kể về tình yêu của anh họa sĩ với người vợ đẹp, buồn man mát như nhánh mimosa bé nhỏ vàng rộ ẩn hiện trong dòng thời gian phi tuyến tính.
Tác giả dẫn dắt người đọc theo mạch kể chuyện phi thời gian tuyến tính. Đó là lối kể bất ngờ, gây tò mò ngay từ mở đầu truyện. Nhân vật tôi nhận được tin nhắn từ một người anh về cái chết của người phụ nữ. Một cuộc đời kết thúc nhưng lại là mở đầu câu chuyện. Nó mơ hồ lôi kéo người đọc phải nhập vào mạch truyện. Một màu tang tóc bao trùm, nghe tiếng quặn đau của người nhận được tin nhắn, nhưng có sự buông lơi thản nhiên, điềm đạm cảm như nặng buồn nhưng không nước mắt, không bi lụy của người gửi tin. Cách mà Trương Thanh Thùy dẫn độc giả đến với tác phẩm của mình là lối kể chuyện đan xen hiện tại – quá khứ – hiện tại. Mở đầu là kết thúc, mà kết thúc là mở đầu. “Con bé bảo bố theo nó ra nước ngoài, bởi, anh bảo sau hôm nay, anh sẽ giải nghệ. Anh cười, bảo, anh còn nợ đấng sáng tạo và con gái đấng sáng tạo một bức tranh. Và anh vẽ, như để trả ơn. Giữa vàng rực suốt mùa mimosa, người đàn bà khỏa thân vung tay tung ánh sáng khắp thế giới quanh mình”. Kết thúc truyện nhưng là mở đầu của hành trình mới với người họa sĩ – hành trình mang theo một hồi ức tình yêu với người đàn bà và mùa mimosa vàng rực.
Cả truyện ngắn tác giả không nhắc đến một con số cụ thể của thời gian, người đọc chỉ đoán định từ lúc cặp họa sĩ gặp nhau, yêu nhau, có con và khi người vợ mất theo con số ước chừng. Chỉ biết rằng họ ở bên nhau đến khi con gái đi du học, có lẽ mời lăm năm, hai mươi năm gì đó. Và những lần quay lại Đà Lạt cũng chỉ được giả định “hưởng trăng mật lần năm, lần sáu, lần mười lăm…” Thời gian trong truyện không được nhắc tới bởi nhà văn muốn đắm chìm ngòi bút vào bức họa chân dung của người vợ anh họa sĩ phảng phất màu mimosa – màu của kỷ niệm, màu của tình yêu. Họ trải nghiệm yêu thương vùng đất bazan này như sự sáng tạo mà thượng đế dành cho mình. Không nói đến thời gian cụ thể là cách để Trương Thanh Thùy nhấn mạnh tới tình yêu của người họa sĩ “điên khùng”. Anh “điên khùng như cái điên của bao kẻ sinh ra cho nghệ thuật”. Anh điên vì anh có thể thỏa bút màu trước khuôn hình mênh mông của tự nhiên nhưng anh chỉ vẽ chị. Anh điên, vì rằng tác phẩm của anh chỉ có hình chị. Dường như cuộc đời vẽ chân dung của anh từ khi gặp chị cũng chỉ là vẽ chị.
Với cách kể ngôi thứ ba, nhà văn đứng ngoài quan sát cuộc tình, quan sát một bức họa vàng mùa mimosa của người đàn ông lầm lũi sống vì tình yêu, vẽ người đàn bà mỏng manh dựa hồn vào tình yêu ngập cùng mùa mimosa. “Anh gặp chị vào một đêm Sài Gòn lất phất mưa ở cái giờ mà anh bảo đấng sáng tạo đã sáng tạo ra hai con người thích làm việc sáng tạo gặp nhau. Chị đội nón lá, rặt mùi nhà quê toát lên ở cái vành nón cong cong ươn ướt”. Tác giả xây dựng người đàn ông si tình, nhưng kiểu si tình nghệ sĩ, khờ khạo, khao khát, nâng niu, nó giống mối duyên mà nhân vật anh họa sĩ mặc định. Tình yêu vốn dĩ rất thiêng liêng và trở thành biểu tượng đối với con người, đôi khi “thần thánh” hóa đối với người nghệ sĩ. Họ có thể không ăn ngon, mặc đẹp họ có thể bỏ qua những nhu cầu thiết yếu của con người cần có nhưng si mê và cuồng dại nó trở thành tín ngưỡng trong tình yêu của anh họa sĩ nói riêng, người nghệ sĩ nói chung. Và sự si mê của anh dành cho chị được thể hiện qua muôn vàn bức chân dung chị lấp lánh nhánh mimosa. Một cuộc tình buồn tinh khiết nhưng họ đã sống tận lực, cạn huyết vì đối phương. Anh suồng sã với bản thân, nhưng với mong muốn của chị được “sà” mình giữa mùa vàng mimosa thì anh cố tâm làm được. Từ yêu Đà Lạt, yêu mimosa mà những bức tranh của chị cũng có mùi của đất đỏ bazan. Chị được sáng tạo, được trở nên bé dại trong khung cảnh mimosa vàng rực. Người đàn ông họa sĩ, yêu người đàn bà ấy, yêu cả cảm thức về loài hoa bé nhỏ, vàng buồn của mình.
Thời gian trong truyện ngắn là dòng thời gian trầm lặng, không xác định. Chuyện tình của anh họa sĩ như vừa mới đến mà đã vội kết thúc trong khắc khoải nhớ mong. Anh họa sĩ dùng phần đời sống với chị để vẽ chị, và người vợ dùng phần đời ở bên chồng để vẽ mùa mimosa vàng rực. Người đàn bà cảm thấy mãn nguyện khi sống những tháng ngày bên người đàn ông trải nghiệm, thấu mình. Chị lo cho đứa con gái có được may mắn như mẹ khi đã gặp được đúng người? Người vợ anh họa sĩ ra đi trong bình yên thanh thản, nhưng để lại một lời hứa với chồng, một lời hứa giữ trọn dòng kỷ niệm về tình yêu, về mimosa.
Trương Thanh Thùy đã thành công khi khắc họa một hồi ức tình yêu đậm sắc màu mimosa. Qua câu chuyện nhà văn muốn thể hiện niềm đam mê với nghệ thuật của mình, sống vì nó, mang theo nó trong suốt kiếp người.
Swallow