[truyện dài] Đời hoài : Chương 1

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Câu chuyện như một dòng hồi ký về cuộc đời của Hoài, và cả những cuộc đời của nhiều con người khác. Có thể, mọi thứ sẽ được tái hiện lại bằng ngòi bút của một gã ký giả “già đời”, đang cọc cạch ngồi gõ từng câu từ ngắn ngủi bằng chiếc máy đánh chữ như tôi; hoặc qua lời kể đầy chua xót của các nhân vật từng tồn tại, từng ra đi trong thế giới đầy rẫy nỗi bi ai này…”

 

Chương 1

 Tiếng tàu hỏa xình xịch giữa buổi hoàng hôn đỏ rực, đằng Tây dần chìm vào giấc ngủ miên man khi những cánh chim trời đang mải miết bay về nơi trú ẩn sau ngày dài đằng đẵng. Từng áng mây nhuộm màu chiều vàng vọt cũng bắt đầu nhàn nhạt, tạo thành thứ ánh sáng loang lổ che mờ dãy Bạch Mã hùng vĩ vẫn cứ đứng ung nhiên.

Tối! Trời tối hẳn rồi. Một buổi tối tẻ nhạt trên chuyến tàu Thống Nhất từ Nam ra Bắc. Qua tấm sắt đan chéo như tấm lưới đánh cá, ở khung cửa sổ rỉ sét, tôi chỉ biết lặng ngắm từng vệt sáng lướt qua – le lói rồi vụt tắt giữa lớp màn đen thăm thẳm của cung đèo Hải Vân. Nó giống hệt như khoảng không mơ màng, thoắt ẩn thoắt hiện trong cơn mộng ảo mà tôi từng chìm đắm suốt gần nửa tháng giời. Ở đó, tôi chẳng nhớ đã chậm rãi bước qua cánh cửa gỗ xù xì quen thuộc mấy lần, rồi nhìn thấy từng giọt nắng ươm vàng màu mật ngọt khẽ rơi rớt qua tán lá xanh mướt, để lại dưới nền đất vài chùm sáng yếu ớt đung đưa theo làn gió hanh hao qua bao mùa thay lá. Còn phía chân trời xa xăm kia, thung lũng Sủng Là đang hờ hững hiện ra sau màn sương dày đặc trên đỉnh núi tai mèo chênh vênh, bạc trắng dưới sự tác động mạnh mẽ từ thiên nhiên suốt hàng ngàn năm trời. Tôi lững thững bước tới chốn cổ tích ấy giống như bị lôi kéo, không sao cưỡng lại được. Và, tôi khẽ đưa đôi tay mảnh khảnh lên dụi mắt, sau mới dám vén nhẹ thứ bông trắng bồng bềnh, xếp tầng tầng lớp lớp trước mặt sang một bên để khám phá điều bí mật ở nơi “đá nở ra hoa” mà người ta thường nói.

Bỗng, hình ảnh đầy mơ hồ về ba đứa trẻ cứ loáng thoáng lướt qua bờ hư thực bảng lảng khói lam chiều, khiến tôi từ người tỉnh mà choáng váng đầu óc, còn hơn cả lần đầu biết uống thứ rượu ngô men lá của người H’mong. Tôi lại càng say hơn khi nghe tiếng sáo diều vi vu vọng về từ miền ký ức tưởng chừng như quên lãng nào đó – một giai điệu ngân vang tới bất tận. Thế rồi, lũ trẻ kia cũng dần dần khuất xa giữa bạt ngàn hoa tam giác mạch, nắm tay nhau chạy về phía chân trời rực rỡ. Một vùng xa xăm quá khó níu giữ cho riêng mình…

***

Tiếng loa phát thanh rè đặc trên tàu hoả vang lên. Tôi giật mình tỉnh giấc, vòng xoáy thăm thẳm đưa tôi từ cơn mộng chập chờn về với thực tại. Vì sắp tới ga Hà Nội nên mọi người có vẻ khẩn trương hơn, ai nấy đều luống cuống thu gọn mấy chiếc áo khoác kaki dùng để đắp ban tối vào bọc hành lý của riêng mình. Không nằm ngoài không khí khẩn trương ấy, tôi cũng nhanh chóng đội mũ nồi lên đầu, kéo vội chiếc va-li hình chữ nhật quen thuộc khỏi phần nóc chứa đồ, đặt nó lên mặt bàn rồi mới yên tâm ngồi xuống dãy ghế gỗ được phủ sơn bóng loáng. Trong lúc chờ tàu dừng bánh, tôi quyết định cột tấm rèm màu kem èo uột sang một bên, phóng tầm mắt ra khỏi khung cửa sổ có ánh nắng chói chang và ngắm nhìn cuộc sống xung quanh.

Đầu óc tôi lúc đó trống rỗng. Tôi chẳng nghĩ nổi điều gì khác, bởi dường như, bức tranh về tuổi thơ năm nào đang cố tìm mọi cách để đeo bám tôi. Đêm nào cũng chìm đắm giữa hai bờ hư thực khiến tôi luôn mệt mỏi, đầu đau như búa bổ. Tôi đã uống đủ loại thuốc song nào có ăn thua; thậm chí, bác sĩ bên bệnh viên quân đội còn nói rằng, do tôi quá lao lực vào mấy bài phóng sự dài kỳ nên thần kinh bị ức chế, dẫn đến tình trạng suy nhược như hiện tại. Nhưng tôi biết mọi chuyện không đơn giản như thế. Tôi có quá nhiều điều phải quan tâm, mà cũng lâu lắm rồi tôi chưa về quê cũ Hà Giang, chưa liên lạc với em gái, và chưa về thắp nén nhang trầm buồn cho một người thèm được gặp lại mà sao quá khó khăn…

***

Tôi bất giác bị kéo về thực tại bởi giọng nói lơ lớ cùng ánh mắt hồn nhiên, nhưng lại hơi xam xám giống màu sương gió của thằng bé đen nhẻm chừng bảy, tám tuổi đang đứng  trước mặt. Nó vận bộ đồ lấm lem toàn bụi đường nâu xì, đầu đội mũ lưỡi trai hất ngược ra đằng sau, còn đôi tay loắt choắt tuyền vết xước đang ôm khư khư cái rổ nhựa chứa mấy gói lạc rang muối, dăm ba cái bánh gai cùng mấy món đồ lặt vặt nữa. Nó bẽn lẽn kẹp cái rổ vào mạn sườn trái, rồi dùng tay phải đưa phong kẹo Sìu Châu về phía tôi. Thực tình, tôi chưa có cơ hội nếm trải sự đậm đà, lạo xạo toàn lạc pha với thứ mạch nha màu hổ phách dẻo quẹo ấy từ đợt gặp ông giáo già họ Vũ dưới Nam Định – một nhân vật trong bài phóng sự chân dung của tôi trên báo Văn Nghệ cách đây vài tháng.

Tôi vẫn nhớ như in, rằng ông thường pha ấm tra mạn nóng hổi, nhâm nhi hương vị đắng chát tới tận cuống họng bên gói kẹo Sìu Châu do học trò gửi biếu. Dù chẳng còn nhìn rõ vạn vật tươi đẹp ra sao, song ông vẫn nhất quyết đọc ngay vần thơ của danh hào Nguyễn Khuyến khi thưởng thức món đặc sản quê nhà, “Nguyên phùng tả hữu lai vô tận / Hương dẫn Chi Lan nhập tức văn”. Tức là, ăn kẹo Sìu Châu thì cảm nhận được hương thơm vương giả như hoa Lan. Ăn vào nhận ra ngay vị thơm ngon, đặc sản của vùng quê Nam Định.

Cuối cùng, phần vì thương thằng nhỏ, phần vì muốn cảm nhận lại chút hồi ức đặc biệt nên tôi quyết định giúi vào tay nó tờ mười ngàn đồng mới cứng, để đổi lại ba phong kẹo nhỏ xíu. Nó vui lắm, khẽ cười tươi rồi cảm ơn rối rít. Đôi chân chỏng chơ của nó tiếp tục nhảy tung tăng theo giai điệu của bài Quốc ca đang huýt vang từ khuôn miệng hơi rộng, tiến về các khoang tàu khác nhằm kiếm thêm vài đồng cho bữa cơm duy nhất trong ngày được no đủ hơn.

***

Tàu dừng bánh ở ga Hà Nội. Bên ngoài khung cửa sổ rỉ sét, từng hạt mưa phùn mong manh đang đùa giỡn với những đợt gió se lạnh, rồi hắt vào bên trong toa hành khách chật chội thứ mùi hương ngai ngái của tiết trời mùa xuân. Trong phút ngẩn ngơ ấy, tôi chợt thấy thời gian sao mà trôi nhanh quá, mới đấy thôi đã gần ba chục năm sống trên cuộc đời này. Phải, ba chục năm chứng kiến biết bao con người đang già đi rõ rệt; chỉ có thiên nhiên ngoài kia là khéo chọn cách thay đổi nên lúc nào cũng tươi mới lạ lùng – ít nhất là ở đôi mắt si tình với vạn vật của tôi!

Chừng vài phút sau, tôi bắt đầu hòa vào dòng người xa lạ ngoài kia, di chuyển theo tấm biển chỉ dẫn hoen ố nằm gần nóc chứa đồ để xuống tới sân ga. Trời vẫn mưa. Tôi đành nhấc cái va-ly lên cao quá đầu, che chắn tạm rồi chạy thật nhanh vào khu vực có mái tôn – nơi mà hàng chục người khác đang đứng chờ gia đình tới đón, hoặc chờ đợi chuyến tàu tiếp theo khởi hành.

Bữa đó, vì phải dự sự kiện quan trọng nên tôi bận bộ com-lê màu da bò mới cứng, thắt cà-vạt đỏ mận cùng chiếc áo sơ-mi trắng cổ đức. Duy chỉ có đôi giày Tây hiệu Loren nhìn hơi cũ một chút, nhưng tôi vẫn chưa muốn thay đổi vì đó là món quà do một đứa em họ đi công tác bên Pháp mua tặng. Có lẽ, cách ăn mặc hơi sang trọng ấy khiến cánh xe ôm, thậm chí là đội lái tắc-xi ở gần ga Hà Nội cứ ra sức mời chào lấy được. Thực tình, tôi cũng định tìm kiếm phương tiện nhằm ghé tới phòng trưng bày tranh trên phố thật, nhưng cái cách vồ vập mà họ vừa thể hiện khiến một người vốn quen sự bình yên như tôi cảm thấy hơi sờ sợ.

Tôi nhìn đồng hồ, thấy chừng ba tiếng nữa mới bắt đầu diễn ra buổi triển lãm quan trọng nên quyết định ngồi nghỉ ở hàng nước nho nhỏ, nằm nép mình ở góc khuất sân ga. Hàng nước này cũng không có gì nhiều: một vài phong kẹo lạc, vài cái chén uống nước bằng sứ, giống hệt như cái chén uống nước ở tất cả hàng nước Việt Nam, đặt úp xuống cái khay nhựa xập xệ.

Chị bán nước nom cũng khắc khổ, vừa luôn tay hãm bình chè xanh thơm đượm, vừa à ơi ru hời đứa con gái bé xíu đang ngủ ngon lành trong chiếc nôi bằng mây nằm dưới nền đất. Tôi đặt va-ly xuống, khẽ nói chị ấy rót cho một chén chè đặc. Chị bán nước cũng nhẹ nhàng đáp lại:

  • Vâng. Chú ngồi đợi tôi đắp cho cháu cái mền, rồi gửi chú chén chè nóng luôn. Trời trở lạnh, tôi chỉ sợ nó ốm thì lại khổ thân!

Nghe vậy, tôi gật đầu và tiếp tục chờ đợi. Tới khi nhà chị ấy bưng cốc nước chè bằng hai tay, đặt xuống mặt bàn loang lổ toàn vết bút chì đen nguệch ngoạc, tôi mới để ý trên tay trái chị có vết bỏng khá lớn, tạo thành mảng sẹo chằng chịt và dúm dó. Nhấp ngụm trà nóng hổi, tôi bắt đầu hỏi chuyện người phụ nữ đáng thương – vì với con mắt “làm nghề” ngót nghét gần chục năm, từng tiếp xúc với hàng trăm hoàn cảnh bần cùng trong xã hội thì tôi linh cảm rằng, đằng sau ánh mắt u sầu kia là cả một nỗi niềm đầy đau khổ.

Tâm sự hồi lâu, lân la đủ thứ, tôi mới biết chị tên Yến, quê ở mãi Cao Bằng. Chị có hai đứa con, một trai, một gái. Đứa con trai lớn chính là tác giả của những nét vẽ nguệch ngoạc trên mặt bàn, còn đứa nhỏ đang say giấc trong nôi. Chị bảo, vì gia đình giục quá, nói con gái tuổi đấy còn ở nhà ăn bám cha mẹ nên chị đành chấp nhận lấy gã trai làng bên. Hắn hơn chị bảy tuổi, từng có một đời vợ. Lấy nhau về, dù chẵn hai mặt con sau năm năm chung sống, song hắn liên tục đánh đập chị, rồi số tiền lương ít ỏi chị nhận được từ công việc phụ hồ cũng bị gã nướng sạch vào xới bạc đỏ đen. Vết bỏng trên tay chị cũng do gã chồng đổ nước sôi lên.

Không chịu nổi, ba mẹ con chị dắt díu nhau lên Hà Nội bán hàng nước kiếm sống, tối lại tranh thủ rửa bát thuê cho quán phở nằm sát vách nhà trọ nhằm đổi lấy những tháng ngày bình yên, dẫu nghèo nhưng chẳng phải chịu cảnh nhục nhã như ngày xưa.

Thế mà ông trời chẳng thương chị. Trong một lần chơi đùa ngoài hiên nhà, đứa con trai của chị đã bị một kẻ say rượu tông trúng. Vết thương nặng quá nên nó không qua khỏi. Thời gian đó, chị không thiết sống nữa. Nhưng khi nghe đứa con gái nhỏ khóc ngặt, chị lại gạt nước mắt để tiếp tục lo cho “của để dành” duy nhất còn lại trên cuộc đời này. Chị nghẹn ngào:

  • Mấy hôm nữa là giỗ đầu của nó. Tôi nhớ nó lắm, chú ạ!

Câu nói ấy khiến tim tôi thắt lại. Cầm chén nước chè đang nguội dần theo lời kể chua xót của chị bán hàng nước, tôi đưa mắt nhìn về phía xa xăm. Từng hạt mưa phùn mỏng manh cũng bắt đầu thưa dần, nước mắt người phụ nữ kia cũng bắt đầu khô cạn và héo hon vì biết bao gian truân trong vòng đời hữu hạn. Tôi không biết phải an ủi chị như thế nào, chỉ biết nói chị hãy tiếp tục sống thật tốt vì đứa con gái bé bỏng của mình, sau cơn mưa trời ắt sẽ sáng thôi! Chị mỉm cười đáp lại, theo cách hơi miễn cưỡng. Còn ánh mắt vẫn đau đáu nỗi lo lắng cho tương lai phía trước.

***

Nén tiếng thở dài vào tận sâu trong lòng, tôi chậm rãi đứng dậy, và không quên gửi chị hàng nước tờ hai mươi ngàn đồng. Tôi nói chị không cần trả lại tiền thừa, song chị vẫn cố dúi cả nắm tiền lẻ về phía tôi.

  • Cảm ơn chú, nhưng tôi không dám nhận. Chú cho nhiều quá, thực tình…

Mãi tới khi tôi bảo coi như cho cháu bé chút quà, chị mới ngập ngừng đón nhận theo cách khá miễn cưỡng – giống hệt như nụ cười của chị lúc nghe tôi an ủi ban nãy.

  • Thế mẹ con tôi xin chú. Chú tốt bụng quá! – chị khẽ đáp lại. – Có dịp đi tàu thì chú ghé qua chơi, để tôi được mời chú chén nước coi như tấm lòng thành, chứ mẹ con tôi chẳng biết cảm ơn chú thế nào cho phải…

Tôi gật đầu, chào chị ấy rồi bước về phía cổng chính. Còn chị, vẫn tiếp tục với công việc mưu sinh thường ngày bên ấm nước chè sôi được bọc bằng tấm áo gai bạc phếch, dựng bên cái hỏa lò than bập bùng chẳng biểt sẽ tắt ngúm lúc nào.

Ánh nắng yếu ớt sau cơn mưa phùn đầu xuân cũng bắt đầu ló rạng.

***

Đương dịp cận Tết nên phố thị nom tấp nập hơn hẳn với những chiếc xe gắn máy chở theo chậu đào rừng e ấp, chờ tới ngày mồng một mới bung nở hồng rực cả góc sân nhà ai; rồi đôi ba cành mai vàng ấm áp cũng thi nhau khoe sắc giữa muôn nẻo thủ đô. Tôi còn nghe đâu đó tiếng rao quà vặt của các bà các cô, tiếng leng keng nghe rất vui tai từ mấy chiếc xích lô truyền thống đang rong ruổi khắp nơi.

Tự dưng, tôi lại nhớ tới cái phong vị ngày Tết Hà Nội xưa trong dăm ba cuốn tạp văn từng đọc. Họ đã lưu giữ biết bao nét đẹp đã dần tàn phai, những phong tình một thuở trong câu chữ miên man: “Yêu tháng Chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp tết, thời tiết sao mà đã thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”. Thôi suy nghĩ miên man, tôi bắt đầu đảo mắt nhìn xung quanh, và bắt gặp một cậu thanh niên bận chiếc áo sơ mi ngả màu cháo lòng, bên dưới là quần vải ống rộng, chân đi đôi dép tổ ong lấm lem toàn bùn đất đang ngồi ăn bánh mì đặc ruột trên chiếc xe gắn máy cũ kĩ. Phần đầu xe có gắn tấm biển rách nát bằng bìa các-tông, ghi hai chữ “xe ôm” in hoa khá lớn. Thấy tôi tiến đến gần, cậu ấy cất vội thứ đồ ăn đạm bạc vào túi ni-lông, kẹp dưới yếm xe và quay sang chào hỏi:

  • Chú đi xe ạ? – cậu xe ôm cười xòa, đưa tay lên gãi đầu với vẻ hơi ngại ngùng. – Cháu đói quá nên ăn tạm cái bánh, chờ có khách thì cháu chở họ đi chú ạ!

Tôi gật đầu và ôm chiếc va-ly lên xe. Thực tình, tôi cũng định nhờ cậu ấy chở thật, vì tôi bị ấn tượng với cái sự bình yên, an phận đó. Cậu ấy không bon chen, không xô bồ mà chỉ chọn một góc nhỏ làm chỗ đứng cho riêng mình.

Những tiếng nẹt pô rè rè, nghe khá ong tai bắt đầu vang lên. Tôi nghĩ chiếc xe này quá lâu không bảo dưỡng rồi, chứ tiếng xe bình thường nghe phải giòn, phải rõ chứ nào có khó chịu như vậy!

***

Vừa chở tôi qua từng con phố, cậu ta vừa hỏi tôi có phải người ở đây không, hay từ nơi nào đến. Thấy tôi bảo có việc mới trở lại thủ đô sau mấy năm giời gắn bó ở cái khu nhà trọ tồi tàn, mấy chục đứa sinh viên chen chúc nhau trong từng căn phòng chật hẹp, bí rị, cậu chỉ cười xòa và nói rằng:

  • Dân ngoại tỉnh lên đây học đã đành. Cháu nhà ngay Hà Nội, nhưng cũng chẳng khá gì. – cậu tiếp lời. Học xong, thất nghiệp, bằng Đại học vứt xó. Đi chạy xe ôm kiếm thêm ít cơm cháo phụ thầy u thôi!

Đấy, tân cử nhân học xong ra làm xe ôm. Tôi không biết có nghe lầm không nữa? Tôi nghĩ đó là một nỗi chua xót, xen lẫn tiếc nuối khi biết bao gia đình phải dành dụm, chắt chiu từng đồng cho con có cơ hội đến trường. Vậy mà chưa viết xong giấc mơ tươi đẹp này, thì cơn ác mộng của cuộc đời đã vội ập đến khiến hoài bão của một bộ phận giới trẻ tan thành mây khói. Họ cầm tấm bằng đỏ thắm về nhà đưa cho cha mẹ, rồi bắt đầu lăn lộn giữa vòng xoáy của tiền bạc: kẻ xin được việc thì vinh dự chẳng sao kể xiết, còn đâu thì cứ sống kiếp bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vô thời hạn. Tôi cũng thử hỏi thêm:

  • Thế thầy u cậu giờ còn đi làm hay đã về nghỉ hưu?

Cậu xe ôm hít vội một hơi thật dài, rồi thở hắt ra thứ âm thanh nghe mà não nề quá! Cậu bảo, thầy u giờ đi làm ở xưởng than mãi dưới Đông Anh, ngày kiếm dăm ba chục nghìn, có hôm trái gió giở giời, ốm lăn lóc cả lượt thì chỉ có nước đi hái rau dại ở vườn nhà, luộc lên chấm muối ăn qua bữa.

Tôi im lặng. Nước mắt chực trào ra tới nơi. Ai ngờ đâu, giữa cái chốn phồn hoa đô hội, từng đi vào văn thơ bằng lời lẽ mĩ miều: “Hà Nội như động tiên nga/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần”, với biết bao thú ăn và chơi thanh cảnh, thi vị, lại vẫn có nhiều mảnh đời éo le đến vậy! Thế mới bảo, muốn hiểu rõ một nơi nào đó, đừng bao giờ nhìn vào vẻ hào nhoáng bên ngoài, càng không cần biết tới những khu bảo tàng lịch sử giàu truyền thống văn hóa, hay vài tờ báo, vài mẩu tạp văn mang đậm tính tuyên dương, ca ngợi – mà hãy nhìn vào từng con người, từng giai cấp, từng số phận đang lướt qua trước mắt. Chỉ có điều tưởng chừng như đơn giản ấy mới khiến chúng ta nhìn nhận mọi thứ một cách đúng đắn nhất.

Khép dòng suy nghĩ của mình lại, tôi mới cố lái sang câu chuyện khác có phần vui vẻ hơn. Tôi nói với cậu xe ôm rằng, Hà Nội giờ thay đổi nhiều quá! Tôi chẳng còn nhìn thấy những căn nhà thò ra thụt vào được sơn màu vàng chanh loang lổ, những ô cửa sổ gác tí hin, kín đáo, hay những con phố cũ uốn quanh co như thời trước – mà nói là thời trước cho xa xôi vậy thôi, chứ đâu đây có ngót nghét chục năm chứ mấy. Thay vào đó, từng dãy nhà có lối kiến trúc giống hệt nhau được xây dựng san sát, thẳng đứng thành hàng trông văn minh hơn hẳn. Nền đất chằng chịt ổ voi, ổ gà năm xưa cũng thay bằng mẫu gạch đỏ tinh tươm, trải dài từ đầu phố tới tận cuối phố.

Đi ngang qua chợ Đồng Xuân – nơi được ví như “cái bụng” của thành phố. Ở đây bày bán các nguyên liệu cần cho đủ món cao lâu, mùi gia vị thảo quả hòa vào thứ không khí hơi bụi bặm tạo nên nét đặc trưng của khu chợ sầm uất nhất kinh kì.

***

Tôi gửi cậu xe ôm tiền công, rồi nhanh chóng xách chiếc va-ly bọc da bước vào gallery. Hôm nay có buổi triển lãm tranh đặc biệt, nên phần cửa ra vào màu trắng được phủ thêm lớp hoa nhiều màu sắc, bên phải là tấm biển khá lớn được dựng bằng giá gỗ giống hệt như giá vẽ của cánh họa sĩ. Trên đó ghi dòng chữ: “L’esapace – những sắc màu nghệ thuật”, kèm phụ đề tiếng Pháp để quan khách ngoại quốc có thể đọc hiểu.

Bên trong gallery, tiếng nhạc giao hưởng không lời cất lên. Du dương và đi lòng người. Những vị được mời tới đây hôm nay, đa phần đều là giới ký giả, nhà báo, nhà phê bình nghệ thuật cùng một vài tài năng có tiếng khác. Họ ăn vận lịch thiệp, đàn ông thì mặc đồ kiểu cách, áo sơ-mi trắng đóng thùng; phụ nữ thì diện váy zuýp dài ngang gối. Ai nấy đều cầm trên tay ly rượu vang màu đỏ mận, vừa thưởng thức, vừa ngắm các bức họa xuất thần được treo trên nền tường trắng tinh. Đôi khi, mấy cậu thanh niên độ hai nhăm tuổi – có lẽ là tay viết mới của tạp chí nào đó, lại quay sang bình luận với nhau về mảng màu sáng tối, hay cái tình mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm để đời kia theo cách khá nghiệp dư. Còn tôi – gã ký giả già đời, chỉ lặng lẽ dạo qua và chiêm nghiệm từng giai đoạn cuộc sống qua mấy bức vẽ đậm chất quê mùa ấy. Lại quên chưa nói, buổi triển lãm L’esapace đó thuần trưng bày tác phẩm mang chủ đề làng quê, phố cổ, hoặc chân dung nhân vật – có thể là tranh vẽ, tượng điêu khắc, song tuyệt nhiên không có tính hiện đại nào ở đây cả! Có mấy bức sơn dầu của Bùi Xuân Phái, vẫn là nét phố xá Hà Nội đầy hoài niệm mà tôi từng biết – một hình dung về phố trong tranh, chứ chẳng phải tranh về phố đơn thuần. Còn mấy bức vẽ khác cũng loanh quanh chủ để 36 phố phường, hoặc đời sống sinh hoạt ở Sài Gòn rất cũ, cái độ vừa thống nhất cả nước – một độ tuy nghèo khó, nhưng lại mang nét đẹp hồn  hậu, không pha tạp.

Đang chìm đắm giữa bạt ngàn sắc màu nghệ thuật, tôi bỗng giật mình bởi giọng nói quen thuộc. Quay người lại, tôi nhận ra đó là ngài Péter – giám đốc triển lãm tranh D’janero mà tôi quen đợt sang Pháp công tác. Nhìn ông ấy vẫn lịch lãm như ngày nào, chỉ có điều mái tóc vàng óng đã bắt đầu lất phất mấy sợi bàng bạc, đúng với tuổi ngũ tuần.

Tôi lập tức tiến lại gần, bắt tay ông ấy:

–         Bonjour, monsieur Péter. Cela fait longtemps qu’on ne š’est. Ça va? (Xin chào, ngài Péter. Đã lâu không gặp. Ngài vẫn khỏe chứ?). 

Đáp lại sự nhiệt tình đó, ngài Péter đã ôm tôi thay cho lời chào hỏi ban đầu. Ông ấy nói lần này đến Việt Nam để mua lại vài tác phẩm ấn tượng, đem về Pháp trưng bày trong buổi triển lãm ngoài trời sắp diễn ra vào mùa thu năm nay. Tôi phải công nhận rằng, được ngắm tranh vào cái khoảng thời gian lãng mạn đó, giữa bạt ngàn lá vàng rơi dưới chân tháp Effiel thì quả là đáng sống! Nghĩ đoạn, tôi mới nhấc hai chiếc ly chứa thứ rượu vang màu đỏ nồng nàn lên, một đưa về phía ngài Péter, một cầm bên tay phải chờ ngài ấy cụng ly. Đây được coi là một nghi thức xã giao theo kiểu “Tây hóa”, nhằm thể hiện sự sang trọng và lịch sự trong những buổi gặp mặt. Tuy nhiên, uống như vậy còn đỡ, chứ cứ thử lên mấy vùng Tây Bắc như tôi đã từng, đi cả lượt chúc tụng nhau trong đám cưới hay mấy dịp hội hè bằng rượu ngô, rượu sắn đậm chất dân dã của người Việt thì đúng quên đường về!

Tôi tiếp lời. – Ngài có muốn cùng tôi đi ngắm những tác phẩm ở đây không?, – Tôi tin chắc ngài sẽ thích chúng.

Nghe vậy, ngài Péter tỏ ra khá hào hứng. Ông ấy cười lớn và gật đầu đồng ý.

Chúng tôi bắt đầu đi lướt qua đoạn trưng bày mấy bức tranh sơn dầu vẽ phố cổ ban nãy. Ngài Péter nói, bên nước ngoài cũng chuộng loại tranh này, vì nét đẹp hoài niệm đó chỉ  Hà Nội mới có. Họ thường dành cả giờ đồng hồ để chiêm ngưỡng các bức họa về mấy bà, mấy chị mặc áo lụa Hà Đông, tóc đen nhánh dài tới tận eo đang gánh gánh quà vặt trên vai; hay thi vị hơn là mấy cô gái trẻ bận áo dài thướt tha, chậm rãi đạp xe qua từng con phố trầm mặc với dãy nhà mái ngói cổ kính nằm nép mình ở hai bên đường. Còn tại xứ Pháp mộng mơ, dù lâu đài Chateau de Sully-sur-Loire luôn trở nên rực rỡ dưới ánh nắng ban mai, dù những cánh đồng hoa oải hương Lavender màu tím hồng trải rộng ngút ngàn tới tận chân trời ở vùng Provence, hoặc khu phố cổ Carcassonne với bức tường thành bao quanh kiên cố có trở thành di sản, thì điều đó cũng không thể khiến người bản xứ quá đỗi rung động. Bởi, ai mà chẳng yêu thích và say mê trước bao điều mới mẻ – nhất là cái điều chưa từng được trông thấy tận mắt bao giờ!

Tới khu trưng bày tượng điêu khắc, tôi và ngài Péter tỏ ra khá ngạc nhiên trước bức tượng bằng đồng, mô phỏng lại cảnh một người bà đang ru hai đứa cháu nhỏ ngủ say giấc trong chiếc võng bằng lưới. Tác phẩm đó thực sự có hồn. Nó khiến người đối diện có thể liên tưởng ngay tới hình ảnh ở vùng quê Bắc Bộ ngày xưa – khi mà tiếng ầu ơ ru hời đã trở nên quen thuộc đến mức, đứa trẻ nào được sinh ra và lớn lên dưới bóng đa mái đình đều có thể hát làu làu cái giai điệu ngọt ngào, sâu lắng ấy một cách rất tự nhiên. Ngài Péter nói, sẽ rất tuyệt vời nếu tác phẩm này được xuất hiện tại buổi triển lãm sắp tới. Song đáng tiếc là, bức điêu khắc có tựa “Lời ru” trên lại không nằm trong danh sách đấu giá nên không thể mua lại.

***

Ngài Péter ngỏ ý dẫn tôi vào khu vực nằm tít ở góc phòng trưng bày. Nhìn từ xa, nơi này được trang trí khá đơn giản với mấy cái bình hoa bằng gốm có hoạt tiết vẽ tay, phỏng lại gương mặt của cô gái Tây Nguyên đầy hoang dại. Ánh sáng trắng từ bóng đèn loại nhỏ cũng khiến không gian thêm phần sang trọng và hút mắt hơn.

Vừa dẫn đường, ngài Péter vừa tiết lộ rằng, tôi sẽ cảm thấy rất bất ngờ trước những gì sắp nhìn thấy.

  • Cậu sẽ bất ngờ đấy. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ được sở hữu một thứ đáng giá như vậy, nó đẹp hơn tất cả mọi thứ tôi vừa gặp ở đây.

Tôi khá hồi hộp. Đó hẳn phải là nơi trưng bày một tác phẩm trác tuyệt nào đó mà ngài Péter vừa mua được sau cuộc đấu giá diễn ra trước khi buổi triển lãm này được mở cửa Và, ngài ấy sẽ bọc nó cẩn thận bằng lớp vải lụa màu đỏ như thường lệ, bọc thêm mấy lớp ni-lông chắc chắn, rồi mới đóng thùng các-tông để chuyển về bên Pháp qua đường hàng không. Vậy là một công trình nghệ thuật nữa của Việt Nam lại được xuất hiện bên nước bạn, thực sự quá vinh dự đối với tác giả tạo ra nó. – tôi nghĩ thầm.

Khi chúng tôi chuẩn bị bước vào bên trong, đột nhiên có một tiếng gọi cất lên từ phía sau khiến ngài Péter giật mình. Quay người lại, ngài ấy nhận ra đó là một người bạn thân thiết nên lập tức tiến tới gần và bắt tay chào hỏi.

  • Cuối cùng thì anh đã xuất hiện. Tôi luôn muốn gặp anh để nói lời cảm ơn. Tác phẩm đó thực sự rất tuyệt! – ngài Péter nói lớn.

Nghe vậy, người đàn ông với vóc dáng dong dỏng cao, vận bộ com-lê màu đen ấy đáp lại bằng tiếng cười giòn tan, rồi mời ngài Péter ghé tới khu vực chính uống ly rượu vang nhân dịp gặp mặt. Trước khi di chuyển ra phía ngoài, ngài ấy không quên ra hiệu mời tôi vào trong chiêm ngưỡng các tác phẩm trước. Tôi vui vẻ gật đầu.

Đợi ngài Péter đi khuất, tôi mới chậm rãi bước vào nơi ẩn chứa điều đặc biệt mà ngài ấy nhắc đến. Hiện ra trước mắt tôi là gần chục tác phẩm với đủ mọi chủ đề khác nhau, từ tranh chân dung, tranh phong cảnh làng mạc cho tới mấy bức vẽ về cuộc sống của những người lính áo xanh trong kháng chiến trường kỳ. Tất cả đều gợi lên nét đẹp mộc mạc trong chính tâm hồn của người vẽ, bởi chỉ khi có cảm quan sâu sắc với mọi thứ xung quanh, các tác giả mới có thể xuất thần và tạo ra bức tranh “tĩnh mà như động” khiến ai nấy đều phải rung động.

***

Chiêm ngưỡng hồi lâu, tôi bỗng bị kéo lại bởi bức tranh sơn dầu vẽ một thiếu nữ chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Bức tranh này thoạt nhìn có vẻ giống bức “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn, bởi nhân vật chính trong đó cũng ngồi trên chiếc ghế mây trắng muốt. Đó là một thiếu nữ mặc chiếc váy màu đỏ mận, tóc tết hai bên, khẽ buông trên bờ vai nhỏ nhắn, hai bàn tay thon khéo đan nhẹ vào nhau. Đôi mắt bồ câu đen láy mở to, ánh lên vẻ trong sáng, hồn nhiên, tạo điểm nhấn đắt giá trên gương mặt thanh tú với sống mũi thẳng tắp, cùng khuôn miệng chúm chím như đóa hoa rừng e ấp. Mọi đường nét đều toát ra cái sự hồn nhiên rất quen thuộc.

Nhìn kĩ hơn, tôi bắt đầu thấy có chút gì đó lạ lùng. Chính ánh mắt trong bức tranh kia khiến tôi bị xoáy mạnh vào ký ức sâu thẳm. Hình như, tôi đã từng bắt gặp cô thiếu nữ ấy ở đâu rồi…

***

Lục lại miền quá khứ đang lẫn lộn trong đầu, tôi mới khựng người lại. Chẳng phải ngày xưa, cái Vân – cô em gái bé bỏng của tôi cũng từng có bộ đồ giống hệt như vậy hay sao? Ngày đó, nó nhất quyết đòi mặc chiếc váy đẹp nhất trong tủ quần áo để ngồi làm mẫu cho Như Hoài – thằng bạn mà tôi rất yêu quý vẽ vời. Nó còn dành cả tiếng đồng hồ trước cái bàn phấn mà mẹ tôi hay ngồi để trang điểm mỗi khi đoàn văn công có lịch đi biểu diễn, chỉ để tết gọn gàng lại hai bím tóc suôn dài, rồi cài thêm chiếc nơ màu màu đỏ xinh xắn dưới phần đuôi tóc. Thực tình, tôi cũng chưa được nhìn thành phẩm ngày hôm đó của Hoài. Tôi chỉ mới được nghe em gái kể lại rằng, anh Hoài vẽ em đẹp lắm! Con bé còn liên tục xuýt xoa anh Hoài của nó vẽ được bằng màu sơn dầu, rồi anh Hoài hứa sẽ vẽ cho nó thật nhiều bức chân dung đẹp hơn như thế! Nhưng chẳng kịp giữ lời, ba đứa trẻ chúng tôi đã phải xa nhau rồi. Cái Vân chỉ lưu lại được một bức họa duy nhất mà Như Hoài tặng nó. Đến tận bây giờ, con bé vẫn cất giữ cẩn thận món kỷ vật tuổi thơ này trong một ngăn kéo tủ đặc biệt – có thể là ngăn kéo của chiếc tủ gỗ đựng trang phục thường ngày dưới quê, song cũng có thể là một ngăn kéo bí mật trong trái tim mong manh của nó. Tôi cũng không rõ nữa…

***

Đang chấp chới giữa dòng suy nghĩ không hồi kết, tôi như kẻ mộng du bị kéo về thực tại bởi cái vỗ vai của ngài Péter. Chưa để tôi kịp nói gì, ngài ấy đã nhanh chóng lên tiếng:

  • Cậu thấy bức tranh này thế nào? Đây là tác phẩm khiến tôi ấn tượng nhất trong buổi đấu giá trước đó. – ngài Péter vừa nói, vừa quay sang phía người đàn ông mặc bộ com-lê đen ban nãy. Tôi đã rất bất ngờ khi biết anh Tùng đây lại là chủ sở hữu của bức tranh. Chúng tôi là bạn cũ.

Nghe vậy, người đàn ông mặc bộ com-lê đen hơi cúi đầu xuống thấp, một tay đặt lên ngực, một tay đưa ra đằng trước để bắt tay tôi. – Rất hân hạnh được gặp anh. Tôi nghe nói anh là một ký giả nổi tiếng?

  • Chào anh. Tôi chỉ là một gã ký giả quèn thôi. Bôn ba nhiều nơi quá, người ta cứ nghĩ là nổi tiếng, được đi khắp mọi miền, chứ do bản chất công việc nên tôi mới đành phải vậy. – tôi vui vẻ trả lời.

Người đàn ông ấy lại tiếp tục câu chuyện của những kẻ mới gặp mặt, mà đã vội thân thiết như quen nhau từ rất lâu rồi. Ông ta kể, bức tranh kia thực chất không có tên. Người vẽ bức tranh đó đã đem gửi nó ở xưởng của ông từ mấy năm trước, bảo cứ giữ lấy nếu có ai vừa mắt thì bán cho họ. Nhưng chưa kịp bán được thì gã họa sĩ bạc phận đã mãi mãi rời xa cõi đời này, chẳng kịp quay lại xưởng để viết dòng tiêu đề cho đứa con tinh thần của mình.

  • Mãi sau này, khi giám đốc gallery L’esapace tình cờ trông thấy bức họa trong một lần ghé xưởng mua tranh, bà ấy mới đề nghị tôi đem bức vẽ tham gia buổi đấu giá “L’esapace – những sắc màu nghệ thuật”, tôi mới tạm đặt tên cho nó là “Chiếc váy màu đỏ mận” theo gam màu nổi bật trong tác phẩm. – ông Tùng nói thêm.

***

Nén lại dòng cảm xúc đang dâng trào trong lòng, tôi và hai người bạn kia tiếp tục chiêm ngưỡng những tác phẩm đặc sắc khác tại buổi triễn lãm tranh. Nhưng tới khi bước ra khu vực đón tiếp quan khách, cầm ly rượu vang mới trên tay, tôi bỗng thấy trái tim mình như bị bóp nghẹn và không thể thở nổi. Tôi như muốn quỵ ngã, bởi tất cả ký ức năm xưa đang dồn dập đội về. Tôi đã từng muốn quên nó đi mà, phải không? Tôi không muốn nỗi đau lại tiếp tục hành hạ, dày vò mình thêm một phút nào nữa. Tôi chợt nghĩ, cơn mộng ảo suốt mấy tuần qua có chăng là điềm báo về cái ngày định mệnh này?

Tôi thở dài. Đôi mắt tôi bắt đầu ngân ngấn nước.

***

Nhìn về phía khung cửa sổ bằng gỗ, dưới ánh đèn màu trăng trắng mơ hồ, tôi bắt gặp hình ảnh một gã đàn ông say xỉn đang bước đi lảo đảo dưới ánh nắng ban trưa gay gắt. Điều đó lại khiến tôi nhớ tới lần cuối cùng mà tôi gặp anh, cũng ở một góc phố nhỏ nồng nặc mùi men rượu…

Nguyên An

Còn nữa….

 

 

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...