CHƯƠNG XVI CẦU VỒNG ĐÊM GIÁNG SINH

No votes yet.
Please wait...

Không gian lặng như tờ. Thảng hoặc vọng lại từ đằng xa một thanh âm mơ hồ như tiếng thét của ai đó, nhưng chẳng mấy chốc lại bị nuốt gọn bởi màn đêm vô tận. Thứ ánh sáng mờ ảo như phát ra từ bóng đèn đã hết bột huỳnh quang, đùng đục. June thử tìm nguồn sáng nhưng chẳng thể thấy. Mắt vẫn chưa quen với bóng tối nên nó đi thật chậm. Thi thoảng vô tình giẫm phải thứ gì đó trên mặt đất khiến nó giật thót. Trống ngực đánh thình thịch. Trên tay nó vẫn lăm lăm cây rìu ban nãy, bàn tay và cả thân người đều ướt đẫm mồ hôi. Không khí như loãng hơn. Mọi thứ đang trở nên bí bách và ngột ngạt vô cùng. Dường như căn hầm không có lấy một lỗ thông gió nào.

Nó từng được Gavin kể cho nghe về những căn hầm bí mật chôn sâu vài chục mét dưới lòng đất, trong một thành phố hay vùng đất bỏ hoang ở ngoại ô. Chúng được dùng làm cơ quan nghiên cứu khoa học hay bảo mật gì đó trong chiến tranh. Ngày nay con người đã tìm được hàng ngàn cái hầm như thế, nhưng vẫn chưa tìm ra bí mật. Mọi thứ đều bỏ ngỏ, như tâm trí nó vậy, chằng chịt những suy nghĩ và hình ảnh. Nó cá rằng, Lucine đã bắt Gavin và đi theo hướng này, linh tính đã mách bảo nó điều đó, dẫu chẳng có gì chắc chắn cả.

Mắt dần quen với không gian tăm tối, nó nhận ra căn hầm vô cùng lộn xộn, với hàng tá đồ đạc lỉnh kỉnh. Hai bên bức tường kê những chiếc tủ kính đóng kín mít. Một làn sương bao phủ lên bề mặt, nên tạm thời nó chưa thể nhìn thấy bên trong là gì. Sờ tay lên xem thử, một cảm giác lạnh ngắt chạy dọc cánh tay khiến June giật mình lùi lại. Đột nhiên, nó cảm giác như mình giẫm phải thứ gì đó mềm mềm. Nó kinh hãi quay ngoắt 180 độ. Vội nhìn xuống, thì ra là một con gấu bông nhỏ, nó nhặt lên xem thử. Con gấu bông cũ kỹ, một mắt được gắn bằng một chiếc cúc áo trông cực kỳ dị hợm, một mắt không còn. Một phần bụng của nó bị rách toạc, lòi cả phần độn bông bên trong. Nó trân trân nhìn con gấu một hồi, ánh sáng mờ ảo phủ lên, khiến mọi thứ càng trở nên ma mị. Một cảm giác vừa thân quen vừa sợ hãi lướt nhanh qua người khiến June thấy kỳ lạ. Một dư ảnh nào đó, gợn về từ sâu thẳm tiềm thức. Nó thầm nghĩ, có thể điều đó gợi nhớ về một đồ vật thời thơ ấu bị quẳng vào sọt rác, không thương tiếc. Cô bé ấy thường tỏ ra giận dữ mỗi khi gặp chuyện buồn, mỗi khi bị bỏ rơi. Cô bé không thể nào kiềm chế được cơn giận của mình, cho tới khi sự giận dữ lên tới đỉnh điểm thì những đồ vật xung quanh, đống đồ chơi, những bức tranh… trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. June không muốn nghĩ nữa, càng nghĩ đầu óc nó càng choáng váng. Đoạn, nó thả con gấu bông cũ kỹ trở lại mặt sàn.

Bên kia giấc mơ

Nó bước tiếp, quan sát căn phòng một cách tỉ mỉ, chăm chú. Nó phát hiện phía sau những tủ kính là bức tường màu xám tro chằng chịt những vết xước lớn kéo dài. Có lẽ do móng vuốt của một con quái vật đã để lại. Quan sát kỹ một lúc, June thấy vài vệt ố xỉn màu còn bám lại trên đó, trông như vết máu khô lại sau nhiều ngày.

Càng đi sâu vào trong, June càng cảm thấy không gian dần trở nên nóng bức và ngột ngạt. Cánh tay cầm chiếc rìu của nó như muốn rụng rời. Đôi chân nặng như chì, nó cảm giác mình không thể đi tiếp. Dừng lại, nó chống tay xuống gối, hổn hển thở.

Đừng đi nữa. Một giọng nói vô hình chợt vang lên bên tai, không rõ ràng, tiếng được tiếng mất. Nó dừng lại nghe ngóng. Chẳng có gì cả. Có lẽ lại là do ảo giác. Nó tự nhủ, rồi đi tiếp.

Đừng đi nữa, June! Mau trở lại đi! Lần này thì nó nghe rõ mồn một. Chắc chắn giọng nói xa lạ có nhắc tới tên mình, với âm hưởng mơ hồ, như thể được vọng lại từ một nơi xa xăm nào đó.

“Ai đó?” – June cất tiếng, giọng nó cũng trở nên mơ hồ nốt, lọt thỏm trong thinh không, vô tận, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Từng thời khắc chầm chậm trôi qua như hàng thế kỷ.

Sau đó, nó đứng lại, quan sát. Nó quét mắt quanh căn hầm một lượt, từ dưới lên trên và ngược lại. Thậm chí nó cố xoáy ánh mắt về phía những tủ kính mờ mịt nhưng vẫn chẳng thấy gì. Chẳng có bóng dáng ai ở đây cả, chẳng có con quái vật nào. Chỉ có bản thân với nỗi sợ hãi, sự rệu rã, mỏi mệt đang muốn hạ gục nó.

June vội buông rìu xuống. Một tiếng cạch sắc lạnh vang lên. Nó khuỵu gối xuống nền đất, cảm thấy khó thở. Rồi nó phát hiện ra, những tiếng thì thầm ấy bắt nguồn từ chính mình. Sự sợ hãi dâng lên trong nó đã ra sức ngăn cản, cảm giác như đó là một phản ứng vô điều kiện. June gục xuống như chàng kỵ sĩ ngã từ lưng ngựa trong bộ giáp sắt lỉnh kỉnh, nặng nề. Nó chẳng thể đi tiếp.

Đột nhiên, một tiếng “tách” thu hút sự chú ý của nó. Ngẩng đầu lên, chưa rõ chuyện gì đang xảy ra, nó nhận thấy những tủ kính đang bắt đầu hé mở. Lần lượt từng chiếc một. Màn sương bí ẩn tan ra khiến mọi thứ hiện rõ. June trân trân nhìn. Đó là những chiếc lọ thủy tinh với kích cỡ khác nhau, giống như những vật mẫu trong phòng thí nghiệm, được dùng để đựng những tiêu bản của một sinh vật nào đó. Người ta sau khi giải phẫu xong, sẽ tiến hành đổ dung dịch phoóc-môn vào trong nhằm mục đích giữ những mẫu vật không bị hỏng theo thời gian. Dung dịch sẽ giữ chúng nguyên vẹn. June đã từng thấy những con ếch bị rạch bụng, phần da rạch được căng ra, ghim lên một tấm gỗ để cố định. Cả phần chân trước và hai chân sau cũng thế. Những con ếch đang trong tư thế nằm ngửa, phơi ra những bộ phận bên trong. Nào là tim, ruột, gan và lá lách… Hai con mắt trắng dã mở to vô hồn trong thứ dung dịch ngà ngà màu hổ phách đã bắt đầu vẩn đục. June không muốn nghĩ nữa, nhưng chẳng hiểu sao những hình ảnh ấy cứ tấp vào đầu nó, như cơn sóng tấp vào bờ cát, vào những vách đá đen ngòm dựng đứng.

Gắng gượng dậy, June tò mò tiến đến gần. Những chiếc lọ được xếp đều tăm tắp. Phía bên trong đựng dung dịch màu ngà ngà. Đúng như những gì June từng thấy, bên trong đựng các mẫu vật thí nghiệm, tuy nhiên chúng mang hình dạng kỳ quái. Đúng hơn là những bào thai kỳ quái. Những thân hình nhỏ thó trong tư thế co quắp lại, hai cánh tay nhăn nheo bó gối. Còn cái đầu nhẵn thín to tướng trong tư thế hơi cúi xuống. Những tiêu bản quái thai. Nó đã từng đọc đâu đó trên tạp chí khoa học, về những đứa trẻ chết yểu, di chứng trong quá trình mang thai, tới khi sinh ra sẽ có hình dạng kỳ quái.

June ghé mắt nhìn sâu vào bên trong. Tim nó đập thình thịch như muốn nhảy phắt ra khỏi lồng ngực. Nó trân trân nhìn về một bào thai, nằm dúm dó, co quắp. Làn da xanh tái, nhăn nheo tương phản với thứ dung dịch màu vàng. Nó đưa tay gõ gõ lên thành bình để thăm dò. Đột nhiên, hai con mắt trừng trừng mở to, trân trân nhìn nó. June kinh hãi hét lên thành tiếng. Một sức mạnh vô hình giật ngược về phía sau khiến nó té ngã xuống sàn. Đau điếng!

Từ đằng xa, một chiếc lọ rơi xuống vỡ choang, mảnh thủy tinh vung vãi khắp sàn nhà. Dung dịch tràn ra lênh láng; và bắt đầu bốc mùi khăn khẳn. June chun mũi vẻ khó chịu. Nó bụm miệng mình lại, cảm giác buồn nôn dâng lên cuống họng. Không thể chịu được nữa, nó bắt đầu nôn khan. Chẳng có thứ gì trong dạ dày nó cả. Chuyện chưa dừng ở đó. Khi ấy, một bào thai trong chiếc lọ đang bắt đầu cựa quậy. Đôi tay nhăn nheo nhỏ xíu, vươn lên khoảng không như muốn nắm lấy thứ gì đấy. Cái đầu cử động hết qua trái rồi phải, còn đôi mắt đen thẳm thì mở to, nhìn trân trân vào June. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, nó bàng hoàng nhổm dậy trong tư thế sẵn sàng bỏ chạy. Tuy nhiên, một sức mạnh khủng khiếp đè nặng khiến đôi chân của June tạm thời tê liệt. Không thể bỏ chạy. June thầm nghĩ, nó tiếp tục quan sát. Thần kinh căng lên như dây đàn, như muốn đứt bung tất cả.

Sinh vật nhỏ thó đang từ từ bò lại phía June; nó bò bằng tứ chi. Đôi mắt mở to ban nãy, giờ nhắm tịt lại. Cả thân hình run lẩy bẩy như cầy sấy. June đứng thẳng người dậy, tay lăm lăm cây rìu, sẵn sàng tư thế tấn công. Tuy nhiên, nó chẳng thể ra tay, không hiểu tại sao từng bước chuyển động của sinh vật lại khiến chân nó bủn rủn, rồi run lên bần bật. Vài hình ảnh chạy sượt nhanh qua đầu nó, như cảm giác khi đánh nhau với quái vật rễ cây. Mầm mống của nỗi sợ. June tạm gọi như vậy.

Nó nhìn thấy một cô bé, đi lang thang bên bờ sông trong một chiều nắng nhẹ. Cô bé ướt từ đầu tới chân, vài cọng rau chân vịt, mì Ý và nước xốt sẫm màu vẫn bám lại trên tóc. Mùi khăn khẳn bốc ra. Một vài người đi đường trân trối nhìn nó nhưng chẳng ai nói gì, thậm chí lũ con nít còn tỏ ý cười cợt trước bộ dạng thảm bại. Nó chẳng buồn để ý, mà vẫn bước đi. Từng bước chân nặng nề. Rồi nó nhìn về phía con sông hiền hòa đang lững lờ chảy. Mặt nước sông sâu thẳm, nó thắc mắc thứ gì đang ở bên dưới. Một con quái vật chăng? Con quái vật Kraken đáng sợ, hay huyền thoại về quái vật biển Leviathan. Trong mỗi người đều chứa chấp một con quái vật như thế, rồi một ngày nó sẽ xé toạc cơ thể chúng ta để thoát ra, nhấn chìm ta xuống địa ngục.

Vài chiếc bình khác liên tiếp rơi xuống, cắt đứt mạch hồi tưởng. Những hình ảnh bị đánh bạt về một nơi xa tắp. June giật mình quay tới lui. Nước đã lênh láng khắp sàn phòng. Mùi xú uế nồng nặc trong không gian bức bối khiến nó thấy buồn nôn. Những bào thai kỳ dị đang dần sống lại. Chúng chỉ tiến về phía nó, với tốc độ chậm rãi vô cùng. Không giống như đang tấn công, hay uy hiếp tinh thần June. Một phản xạ vô điều kiện, chúng tiến về phía nó, như để được thương hại, che chở. June thở hắt một cái đầy mệt mỏi. Lần này nó khuỵu hẳn xuống nền nhà, hai đầu gối chạm phải thứ dung dịch khó chịu. Chiếc rìu trượt khỏi bàn tay nó, rơi xuống. Hai tay buông thõng chẳng còn chút sức sống, nó hơi chúc đầu xuống, tâm trí thì trống rỗng, vô định. Trông nó khi ấy chẳng khác gì những sinh vật thảm thương đang lết đi trên sàn. Chỉ là hình ảnh phản chiếu của bản thân. Mầm mống của nỗi sợ, dằn vặt, cô đơn và buồn tủi đang vây xung quanh nó.

Mày là một đứa cô đơn và thất bại trong mọi chuyện.

Ai đó đã nói thế, kéo theo là một tràng cười dài hả hê, đầy vẻ giễu nại. Nó nhìn thấy hình ảnh Ruby và đám bạn của con bé xấc xược đó. Một đứa trong số chúng quay lại nhổ toẹt xuống mặt đất, rồi cuối cùng bỏ đi. Tiếng cợt nhả nhỏ dần. Không gian cũng im ắng ngay sau đó. June chẳng nghe thấy gì, thậm chí cả tiếng trái tim mình đập.

Bóng tối đang nuốt chửng, xâm chiếm căn hầm.

*

June và mẹ đang rảo bước thật chậm bên bờ sông. Người dân trong thị trấn thường nói Little River đẹp nhất độ cuối hè đầu thu. Nước sông xanh ngăn ngắt, đôi chỗ thấy cả đáy, lộ những hòn sỏi nhỏ đủ kích cỡ và sắc màu. Nhưng ai biết đâu, trong thời kỳ Nội chiến, dòng sông nhuốm máu biết bao người ngã xuống. Thời gian trôi thật nhanh, nếu ngoảnh lại thì ta thấy mình cách thời điểm đang đứng một khoảng khá xa, và hầu như chẳng thấy gì. Ai đó đã nói với June như thế, có thể là trong bookmark của một cuốn sách về châm ngôn cuộc đời. Nó chẳng thể nhớ nổi.

Cả hai vẫn chầm chậm bước. Thi thoảng nó khẽ liếc sang mẹ Jess. Bà vừa đi vừa nhìn về phía dòng sông, như thể đang suy nghĩ điều gì lớn lao lắm.

“Dừng lại một lúc được không mẹ?” – June lên tiếng đề nghị.

“Con mệt sao?” – Jess hỏi.

Nó gật đầu. Hai mẹ con cùng ngồi xuống ghế đá được đặt trên con đường có rào chắn, ngăn cách với mặt sông chừng chục bước chân. Phía xa xa, vài đứa trẻ ngỗ nghịch tìm cách trèo qua hàng rào để xuống bờ sông. Cha mẹ chúng la toáng lên khi chứng kiến cảnh tượng đó.

June vẫn chưa vẽ xong chân dung của mẹ, lúc hai người ngồi ăn kem bên trảng cỏ gần quảng trường trung tâm thị trấn. Nhưng nó không lo, vì đã xong cơ bản phần phác thảo rồi, phần còn lại thì đã tạc sâu vào trong tâm trí, ánh mắt của mẹ như nào, mái tóc của mẹ ra sao… Nó lơ đãng nhìn về phía con sông. Phía bên bờ bên kia, người ta đang xây dựng những tòa nhà chọc trời hiện đại, trung tâm mua sắm. Trong tương hai sẽ là sự tương phản với một bên là thị trấn già nua với những tàn tích từ thời kỳ Nội chiến tàn khốc, còn một bên là đô thị hiện đại. Nó rất muốn nói gì đó với mẹ Jess nhưng tạm thời chưa thể nghĩ ra.

Mẹ Jess lên tiếng, phá vỡ bầu không khí im lặng.

“Nếu như có thời gian, mẹ sẽ xin phép Jared để con có thể lên Dallas thăm mẹ sớm. Mẹ sẽ dẫn con đi xem những bức tranh ở trung tâm triển lãm thành phố. Sẽ sớm thôi.”

“Con cũng nghĩ vậy.” – Nó đáp lại, gần như không biểu lộ chút cảm xúc gì sau câu nói đó, nhưng chẳng hiểu sao nó lại thấy hụt hẫng. Bởi lẽ nó biết, sẽ chẳng dễ gì để lên Dallas chơi.

Rồi Jess cười, bà lùa tay vào mái tóc sau gáy xoa xoa. Một hành động gần như vô thức ở Jess, June đã quen với điều này nên nó chẳng phản ứng gì.

“Mẹ sẽ về Dallas ngay sao?” – June hỏi.

Jess gật đầu, nói:

“Chuyện công việc ấy mà. Nếu con không thấy phiền.”

June lắc đầu, nó bảo, chẳng thấy phiền hà gì cả. Như bố Jared cũng vậy, hay người lớn đều thế. Sau này, khi trở thành người lớn, nó cũng thế.

Jess im lặng chưa nói. Một cảm giác gì đó chợt se lại trong lòng bà. Bà nghĩ ngay tới bao thuốc lá nằm trong túi xách, nhưng nghĩ đến con đang ở bên cạnh mình nên bà cố gắng kiềm chế. Một cảm giác ngột ngạt, dẫu thời tiết đang trở nên cực kỳ dễ chịu.

Như nhận ra sự biến đổi trên gương mặt mẹ, June bèn thắc mắc.

“Có chuyện gì vậy mẹ? Mẹ thấy trong người không ổn sao?”

“Cần vài viên aspirin. Con biết đấy, người lớn luôn đem chúng trong túi xách của mình mà.” – Jess cười khẩy.

Cả hai lại im lặng. Luôn như thế. Như một sự ngắt quãng trong những bản nhạc, mà đối phương cần phải có sự suy nghĩ thấu đáo để tiếp tục cuộc chuyện trò. Mọi thứ đều đúng với Jess. Sau này bà nhận ra, thật tai hại, chính nó đã vô tình tạo nên khoảng cách giữa hai mẹ con. Càng ngày càng xa cách.

Bất giác, Jess nắm lấy đôi bàn tay xanh xao của June. Con bé dạo gần đây gầy đi trông thấy. Jess đã đề cập chuyện này với Jared. Và ông ta nói sẽ khắc phục. Jess thật sự ngán ngẩm trước những câu nói như vậy rồi. Con bé đã lớn và nó đủ thông minh để biết chuyện gì xảy ra.

“Con không trách bố mẹ chứ June. Con đã hiểu tất cả.” – Jess cảm thấy khó diễn đạt vô cùng.

June lắc đầu.

“Con không biết. Con thật sự không biết mình có trách bố mẹ hay không. Nhưng con đã hiểu tất cả. Và con không biết làm cách nào để chấp nhận sự thật này. Dẫu con đã dành một giờ trong mỗi ngày để nghĩ về nó.”

Jess thấy nghẹn nơi cuống họng. Bà chẳng thể giải thích. Những lý lẽ của người lớn. Muôn đời là vậy. Họ luôn cho mình có quyền đúng, ngay cả bản thân bà cũng vậy.

Dẫu có nói thì cũng chẳng ích gì. Một viên đá đã ném xuống mặt sông, mặt sông nuốt chửng nó, chúng ta không thể lấy lại những gì đã mất.

“Chỉ cần con chia sẻ, và mẹ sẽ lắng nghe…” – Jess ngập ngừng, bà cảm thấy thật sự kinh tởm trước câu nói của mình.

Bà dừng lại, cúi gằm mặt xuống, hai bên tai đỏ ửng vì hổ thẹn, hai bàn tay đan chặt vào nhau, run lên. Cổ họng nghẹn ứ lại, đắng ngắt.

Bất chợt, June áp bàn tay nó lên tay mẹ, như muốn nói điều gì. Nhưng rốt cuộc, nó chẳng nói. Jess cảm thấy một chút hơi ấm từ bàn tay con bé. Bà mỉm cười im lặng. Cuộc trò chuyện chìm vào sự quên lãng.

Sau đó, hai mẹ con ra về. June cố gắng bước đi thật chậm. Nó muốn kéo dài thời gian, ở bên mẹ. Chỉ vậy thôi.

Mẹ Jess chở nó về nông trại của bố. Căn nhà gỗ nhỏ đã sáng đèn. Bố Jared khi ở một mình có thói quen không bật nhiều đèn. Nó cố gắng tưởng tượng trong thứ ánh sáng vàng đục ấy, bố đang làm gì. Nó căng mắt nhìn về phía khung cửa sổ nhưng chẳng thấy. Rồi nó tập trung lắng nghe, đó là một giai điệu. Johnny Cash và June Carter đang song ca bài Jackson. Một trong những bài hát mà bố Jared yêu thích, cả mẹ nữa.

Ngoảnh mặt lại nhìn mẹ, nó như muốn nói với mẹ điều đó, nhưng đành thôi. Bà đang thực hiện động tác gõ tay vô thức lên vô lăng. Mẹ không dám nhìn vào căn nhà.

“Tới đây thôi!” – Jess nói.

“Tạm biệt mẹ.” – June nói, rồi nó mở của định đi ra.

Jess như muốn ngăn lại, bà lên tiếng:

“Này… June.” – Thoáng ngập ngừng, Jess nói tiếp. – “… Mẹ luôn ở bên con, bất cứ lúc nào… con cần.”

Nhưng có lẽ June chẳng còn nghe thấy, khi bóng dáng con bé đã đi vào sân nhà. Ánh sáng từ ngọn đèn cao áp rọi xuống khiến mọi thứ trở nên vàng vọt và hoài niệm.

June bước lên bậc tam cấp, đi thẳng vào nhà. Johnny Cash đã chuyển sang giai điệu khác, trầm lắng hơn. Nó nhận ra đó là ca khúc Hurt.

“Hôm nay tôi đã tự làm tổn thương mình

… để nhận ra một điều mình vẫn cảm nhận được mọi thứ”

Lúc đóng cửa, nó len lén nhìn qua khe hẹp. Mẹ Jess đỗ xe thêm một lúc, rồi sau đó bà nổ máy, hướng thẳng ra đại lộ. Mất dạng.

***

Không khí Giáng sinh tràn ngập khắp các nẻo đường ở Shadowfield. Người dân miền Nam đón Giáng sinh theo cách riêng của họ. Người ta vẫn thường nói với nhau như vậy. Từ vùng ngoại ô tới trung tâm thị trấn đèn hoa được chăng khắp, đèn led, đèn neon, rồi cây thông Noel.

Lúc qua những tuyến phố tới bệnh viện, Jess cho xe chạy thật chậm. Vừa đi bà vừa âm ư theo những giai điệu ấm áp của ngày lễ. Gã hippie nháy mắt thân thiện khi nhìn thấy bà. Bà gật đầu chào lại. Nếu có dịp, Jess nghĩ cần phải uống với gã một ly, chắc hẳn họ vẫn có những kỷ niệm cần ôn lại. Dù gì Jess cũng đã từng có những kỷ niệm đẹp ở Shadowfield theo cách này hay cách khác.

Khi Jess trở về phòng bệnh thì đã thấy một vài người ở đó. Vợ chồng lão Geogre – người hàng xóm thân thiện của Jared. Linda, vợ lão cũng mỉm cười với Jess, tuy nhiên bà gần như không thể nghe thấy mọi người trò chuyện nếu như không sử dụng chiếc máy trợ thính. Jess gật đầu mỉm cười với bà thay cho một lời chào.

Trong tâm trí của Jess, Geogre hiện lên như một ông lão bảy mươi phúc hậu, miệng luôn ngậm tẩu thuốc, nhả khói điệu nghệ, nhưng nay lão lại trở nên trầm ngâm kèm một chút lo lắng đang hiện hữu trên gương mặt. Jess biết, bình thường June cũng hay trò chuyện với lão. Ngoài vợ chồng lão Geogre, còn có thêm một vài người họ hàng xa ở Texas mà Jess chưa từng gặp. Jess chào từng người khi bà bước vào phòng, tay ôm một đóa hoa lưu ly màu tím nhạt, loại hoa mà June thích. Con bé từng nói, đó là loại hoa dại mọc đầy ở vùng cực lạnh giá như Alaska hay Bắc Âu.

Jess cắm hoa vào lọ, rồi để ở phía trên mặt tủ đầu giường bệnh. Vợ chồng lão Geogre có đem một vài món ăn truyền thống được chuẩn bị từ nhà. Họ cùng nhau bày biện ra bàn, cùng với ly, vài hũ đựng kẹo sắc màu, thậm chí cả những chiếc nón Giáng sinh chóp nhọn, nhỏ nhắn. Họ cùng làm trong lặng lẽ, ai nấy đều thấy vui. Giờ Jess cũng chẳng phàn nàn vì những người hàng xóm của Jared như trước nữa.

Bên ngoài trời, những tinh thể tuyết trắng đang lặng lẽ rơi xuống. Jess nhớ lại những buổi trượt tuyết ở Ohio, vào dịp sinh nhật mười một tuổi của con bé. Cả nhà đã thực hiện một chuyến du lịch lên mạn Ohio, miền Đông bắc nước Mỹ. Bà chẳng nhớ chính xác chi tiết, những gì còn lại chỉ là dăm ba ký ức mờ nhạt. Bà nhớ, vẫn còn những bức ảnh đã cất sâu trong ngăn kéo ở Dallas, thi thoảng bà lại lôi ra xem.

Bà nhớ nụ cười hồn nhiên của con bé, tương phản hoàn toàn với tình trạng hiện giờ – đôi môi tím tái vẫn mím chặt, trên cánh tay gầy nhẳng thì bùng nhùng dây dợ truyền dịch. Nghĩ tới đó, Jess lại thấy xót lòng. Bà mở sẵn cuốn sách của Mark Twain ở đầu giường, người Mỹ nào cũng từng đọc ông ấy, ít ra là một vài câu trích dẫn trong sách hay bất cứ đâu. Câu chuyện về sự hy sinh giữa con người với nhau, dù họ thân thích hay chỉ là người xa lạ. Ngay những con người đang ở đây cũng thế, chưa bao giờ Jess cảm thấy họ lại gần gũi đến thế.

Chuẩn bị xong xuôi, họ cùng nhau cụng ly chúc tụng. Trời sập tối. Phóng tầm mắt ra xa, khu nông trại rộng lớn, những ngôi nhà nhỏ tỏa ra thứ ánh sáng màu vàng ấm áp phản chiếu từ những ngọn đèn. Phía trung tâm thị trấn, giữa quảng trường, người ta đang cùng nhau hát những bài ca mừng Giáng sinh ấm áp, kèm theo tiếng kèn, trống.

“Vì June!” – Họ cùng nhau cụng ly và nói.

***

Một dải sáng lóng lánh xuất hiện. Dù đang nhắm tịt mắt, nhưng June vẫn có thể cảm nhận được. Cảm giác ấm áp khẽ sượt qua lòng nó, dẫu chút ít, nhưng chúng thật rõ rệt. Nó quên ngay đi những gì khủng khiếp mới trải qua. Nó nghĩ rằng, mình chỉ vừa trải qua một cơn ác mộng khủng khiếp nhất. Nó biết, mọi chuyện không thực, nhưng vẫn cảm thấy đôi chút an ủi.

Rồi, nó mở mắt và không khỏi ngạc nhiên. Trước mặt, một khung cảnh lạ lùng, tuyệt đẹp đang hiện hữu. Những dải sáng phản chiếu với tủ kính đầy đủ sắc màu. Là cầu vồng, June thốt lên. Theo đó, những bụi sáng li ti lơ lửng như nhảy múa trong không khí. Nếu nhắm mắt và cố gắng mường tượng, June cảm giác như nó đang nghe thấy một giai điệu thân quen nào đó, sâu trong những ngóc ngách tối tăm của con phố chật hẹp, bẩn thỉu, hay những đại lộ ngoại vi thênh thang, lộng gió. Đó là những bài ca chào mừng Giáng sinh.

Dưới mặt sàn, những bào thai yếu ớt run lên sợ hãi. Chúng cảm thấy khó chịu thực sự khi thứ ánh sáng đó tiếp tục rọi vào. Chúng rên rỉ thành tiếng. Khe khẽ. Rồi lớn dần thành những tiếng rít đầy man rợ. Chúng nhắm tịt mắt, trông thảm thương vô cùng! Thứ ánh sáng tuyệt diệu đó đang thiêu đốt chúng, như mảnh nhựa tan chảy dưới sức nóng khủng khiếp của mùa hè. Chúng bắt đầu tan ra, sôi lên rồi bốc hơn. Thoáng chốc, chúng tan biến, không để lại chút dấu vết.

Những mảnh kính vương vãi, thứ dung dịch hôi thối cũng không còn nữa, trả lại mặt sàn trơn láng như trước, như không hề có chuyện gì xảy ra. Cả căn phòng bỗng trở nên ấm áp và thân quen lạ thường. June không còn thấy đôi chân mình bủn rủn như trước nữa. Một cảm giác khoan khoái lạ thường trong cơ thể. Dẫu nó không chắc chắn rằng, mình có đang đúng không? Hay chỉ là những ảo giác trong cơn khủng hoảng bế tắc? Nó chẳng cần biết. Đoạn, nó nhặt cây rìu dưới sàn rồi đứng dậy đi tiếp. Cuối con đường tăm tối, nhưng nó chẳng còn cảm thấy sợ hãi nữa.

===>>> BÊN KIA GIẤC MƠ | CHƯƠNG XVII: NƠI CUỐI ĐƯỜNG HẦM

 

 

No votes yet.
Please wait...