ĐỪNG QUÊN, VĂN CHƯƠNG LÀ VIẾT VỀ CON NGƯỜI VÀ VIẾT CHO CON NGƯỜI!
|Thư gửi các em!
Nửa năm đồng hành cùng nhau trong im lặng, đợi chờ đến lúc sản phẩm thành hình, chúng ta đã trải qua biết bao cảm xúc – vui buồn lẫn lộn, mệt mỏi, thậm chí có cả đau khổ, nhưng chắc chắn trong đó có rất nhiều hạnh phúc, đúng không? Và giờ, khi chúng ta chính thức ra mắt độc giả, chị có đôi lời gửi đến các em!
Chị từng bị “sếp” của các em – tức chị Thùy – mắng rằng ủy mị, vì chỉ một đoạn trong “Hồng Lâu Mộng”, đọc bao nhiêu lần chị cũng khóc. Nếu nói cả tác phẩm, thì không thể không công nhận “Hồng Lâu Mộng” là một tuyệt tác; thế nhưng, nghiêm túc nhìn vào đoạn chôn hoa của Lâm Đại Ngọc, bảo đủ xúc cảm để lần đọc nào cũng đủ để lấy nước mắt, có lẽ không nhiều người đồng tình với chị. Nhưng các em ạ, khi đọc một tác phẩm văn chương, khi biết tìm hiểu về lịch sử ra đời của tác phẩm ấy, khi cảm thấu thân phận và tâm lý nhân vật đúng trong bối cảnh ấy, chị nghĩ, đôi khi chỉ một từ cũng đủ để chúng ta khóc rồi! Khi văn chương viết về con người, khi đặt tính nhân văn lên hàng đầu và chạm đến được sự đồng cảm của độc giả, tác phẩm đủ sức để chạm đến những rung động rất lạ lùng của những con người ở cách xa nhau.
Ngày chúng ta bắt đầu, bao nhiêu thứ mệt mỏi đổ xuống; bởi mọi thứ còn mới mẻ và lạ lẫm quá! Chị nghĩ mình đã không hiểu hết cảm xúc của các em, bởi chị chỉ là một người thuần biên tập, không phải một tác giả. Nhưng ngày đầu tiên, đến hôm nay và cả sau này nữa, chị vẫn giữ quan điểm của mình – những điều từng chia sẻ với các em và hôm nay cho chị được nhắc lại. Là một tác giả, đầu tiên hãy đặt mình là một độc giả có trái tim – nghĩa là đọc, cảm thụ và ghi nhận. Trên đời này không có gì là tuyệt đối hay hoàn hảo cả, thế nên khi đọc, các em đừng tìm kiếm một tác phẩm không có lỗi; như thế càng có nghĩa, khi đọc, đừng cố soi từng từ để xem tác giả đúng – sai thế nào. Đọc bằng trái tim nghĩa là các em phải học cách cảm thụ thân phận nhân vật, để hiểu đúng giá trị góc cuộc đời mà tác giả đang muốn chia sẻ cùng chúng ta.
Chị cũng đã từng nói với các em, mở một trang của bất kỳ tác phẩm nào, đừng bao giờ lên giọng chê bai, dè bỉu. Có thể các em rồi sẽ đủ sức viết hay hơn, xúc động hơn; nhưng hãy nhớ, mọi tác phẩm đều có một sự đầu tư nhất định của tác giả, đừng phủ nhận tấm chân tình ấy với suy nghĩ đạp người khác xuống, mình có thể cao hơn! Không đâu! Chúng ta không cần phải đứng cao hơn ai cả, nghề này, càng dấn sâu được vào đám đông bao nhiêu, các em sẽ càng có nhiều kiến thức thực tế bấy nhiêu. Mà, câu chuyện của chúng ta được viết ra chính từ những thực tế ấy.
Và có một điều chắc chắn các em phải ghi nhớ, quá trình đọc và quá trình quan sát quan trọng hơn quá trình viết rất nhiều. Bởi ý tưởng, cảm xúc mà các em viết ra đều xuất phát từ hai quá trình chị vừa kể. Nếu các em nhìn bằng mắt và đọc cũng bằng mắt, thì chẳng khác nào tự khẳng định viết chỉ là hành vi của bàn tay. Thế nên, hãy nhìn bằng cả trái tim, để khi viết cũng dám chắc mình viết từ cảm xúc rất thật của chính mình, từ trái tim luôn rộng mở để yêu thương, để đón nhận những điều tốt đẹp nhất! Hãy ghi nhận những điều quý giá mà tác giả đi trước để lại cho chúng ta, chị tin rồi các em cũng sẽ được ghi nhận như thế! Chúng ta còn non trẻ, nhưng rồi chúng ta sẽ trưởng thành; và chị mong các em hãy trưởng thành bằng sự dẫn dắt của trái tim trong sáng, chỉ như thế mới hy vọng rồi có thể tạo ra những tác phẩm được độc giả ghi nhận lâu dài!
TRẦN THANH THỦY
=>>Đọc thêm:
https://nhom40.com/hanh-trinh-truyen-cam-hung/
Key liên quan:
- chương viết cho những phận người