NHÌN THÀNH CÔNG CỦA DIÊN HI CÔNG LƯỢC, ĐAU ĐÁU PHIM CỔ TRANG VIỆT

Rating: 5.0/5. From 4 votes.
Please wait...

Diên Hi công lược” hay “Hậu cung Như Ý truyện” đều là những bom tấn khiến cộng đồng mạng xôn xao trong suốt những ngày qua. Từ kịch bản, diễn xuất, bối cảnh cho đến trang phục, âm nhạc đều được đầu tư chỉnh chu. Và để chúng ta cũng có những phim cổ trang Việt Nam đình đám như thế không chỉ cần sự đầu tư nghiêm túc mà còn cần ánh nhìn bao dung hơn của khán giả.

Diên Hi công lược” cũng chỉ xoay quanh đề tài cung đấu quen thuộc dưới triều đại Càn Long mà trước đó đã có rất nhiều phim làm. Thế nhưng phim vẫn thành công khi trở thành một cơn sốt càn quét nhiều quốc gia trên thế giới. Có một điều cần lưu ý, đây là phim chiếu mạng trước khi được nhiều nước mua để đưa về xứ mình. Vậy tại sao phim sử Việt không thể có hào quang như thế khi đem so sánh về lịch sử nước mình có điểm nào là không bằng, thậm chí là nhỉnh hơn nước bạn?

Những năm gần đây, phim cổ trang đang được các nhà làm phim chú tâm như một món ăn lạ miệng mang đến khán giả. Dù là mảng điện ảnh hay truyền hình đều có những bước tiến mới dù kết quả chưa được khả quan. “Khát vọng Thăng Long”, “Long thành cầm giả ca”, “Mỹ nhân”… là những bộ phim cổ trang được các nhà sản xuất tư nhân đầu tư khá nhiều nhưng cũng chưa tạo được dấu ấn. Trên màn ảnh rộng có thể kể đến “Thiên mệnh anh hùng”, “Mỹ nhân kế” hay “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” dù với mức đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng vẫn bị ném đá tơi tả.

Nhin-thanh-cong-cua-dien-hy-cong-luoc-dau-dau-phim-viet 1

Một cảnh trong phim “Long thành cầm giả ca”

Đi tìm nguyên nhân của sự thất bại này có thể chia làm hai phía. Đầu tiên là sự thiếu nghiêm túc của những nhà làm phim. Khán giả hiện nay rất thông minh và khó tính, nhất là khi xem những phim liên quan đến lịch sử. Một vài tình tiết phi lý hoặc đầu tư không chỉnh chu dễ bị khán giả phát hiện và phản ứng. Kịch bản là yếu tố bị đưa lên thớt nhiều nhất, sau đó là đến bối cảnh, phục trang và diễn viên.

Ngay như phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân rất được kỳ vọng nhưng ngay sau ngày ra mắt đã bị chê không thương tiếc. Sự màu mè, ôm đồm quá nhiều thứ, kịch bản nhàm chán và diễn xuất của diễn viên chính bị lên án là giết chết nhân vật. Bộ phim “Mỹ nhân” với dàn diễn viên hùng hậu và khâu quảng bá rầm rộ cũng bị chê tơi tả từ trang phục, tạo hình cho đến sự phi lý trong kịch bản. Đừng trách khán giả quá khắt khe khi hầu như phim cổ trang Việt Nam bị chê là do sự cẩu thả từ chính các nhà làm phim.

Nhin-thanh-cong-cua-dien-hy-cong-luoc-dau-dau-phim-viet 2

Châu Thế Tâm diện trang phục có in hình Lion King

gây tranh cãi trong phim “Mỹ nhân”

Nói đi thì cũng nói lại khi sự thất bại của phim cổ trang Việt Nam còn nằm ở định kiến tư duy của khán giả. Vì sao các bạn có thể bỏ qua những biến tấu lịch sử trong “Diên Hi công lược” mà không mở lòng ra hơn với chính phim nước nhà. Thiết nghĩ nếu “Diên Hi công lược” mà là một bộ phim Việt ắt hẳn cũng đã bị ném đá tơi tả vì những lỗi sai sử mà các bạn hay dùng để chỉ trích.

Phim cổ trang Việt vốn phát triển chậm hơn so với các bộ phim cổ trang xứ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản,… Thế nên phim Việt rất hay bị đem ra mổ sẻ, so sánh và bình luận. Một số bộ phim truyền hình về lịch sử được sản xuất trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long như “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ” đều gặp phải khó khăn, trầy trật trước khi lên sóng. Hay mới đây nhất là “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” bị hủy bỏ lịch phát sóng khi bối cảnh, màu phim và phục trang đều được xem là giống Trung Quốc.

Thế nhưng thật tình mà nói thì trang phục Việt Nam được thể hiện rõ nhất là ở triều Nguyễn, còn những triều đại khác vẫn phần nào ảnh hưởng từ Trung Quốc. Vậy nên phim cổ trang Việt đang chập chững với những bước đầu tiên lại bị đặt dưới cái nhìn quá khắt khe, liệu có phải là công bằng? Sự thất bại và những bình luận tiêu cực từ khác giả cũng phần nào khiến các nhà làm phim e dè hơn trong quá trình đẩy mạnh thể loại đã, đang và sẽ không bao giờ hết hot này.

Từ sự thành công của “Diên Hi công lược” để nhìn về những thất bại của phim cổ trang Việt Nam trước đó, từ đó nhìn ra những thiếu sót của chính những nhà làm phim. Ngoài ra mong rằng sắp tới khán giả hãy có cái nhìn khách quan hơn và tích cực hơn để cổ vũ cho phim cổ trang nước nhà.

 

VIẾT THANH

=>>Đọc thêm:

https://nhom40.com/tac-gia-nhom-4-0-viet-thanh/

Rating: 5.0/5. From 4 votes.
Please wait...