Những Ngôi Sao Trong Thành Phố | Chương 5: Những Mảng Màu Đen Tối

No votes yet.
Please wait...

          Dahlia tới Les Jeunes sớm hơn thường lệ; còn khoảng hai tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ làm việc. Nghe thực nực cười khi sử dụng động từ đó, nhưng về bản chất thì cô đang đi làm mà, đâu còn những ngày tháng thong dong, tự do tự tại như trước. Không tiền nong, không công việc, không giờ giấc và không ai quản lý. Dẫu có nhắm mắt thật lâu trong bóng tối thì cô cũng chẳng thể nào hình dung rõ ràng.

          Người phục vụ trẻ tuổi mang ra một ly chanh muối ấm, có lẽ thức uống này sẽ tốt cho cổ họng của cô – công cụ kiếm tiền hiện có. Thật mỉa mai làm sao, nhưng giờ đây có lẽ, Dahlia đã quá quen với nó rồi. Đam mê và hào quang ư? Giờ, chỉ còn những xa hoa, phù phiếm, như thứ ánh sáng xanh kỳ ảo bên bờ kia của đại dương mênh mang, thứ mà Jay Gastby sẽ chẳng bao giờ chạm tới. Khá nhiều người cho rằng, Daisy là một người phụ nữ đáng nguyền rủa nhưng trong tình cảnh ấy, lựa chọn đó với Dahlia là hoàn toàn chấp nhận được, cô luôn cảm thông cho nhân vật Daisy.

          Người phụ nữ ngoại quốc đột ngột bước vào gian phòng, cắt ngang dòng suy nghĩ của Dahlia, lôi cô về với thực tại và thu hút ánh nhìn của cô. Những hình ảnh hỗn độn về cuộc tiếp xúc ngắn ngủi giữa Dahlia và bà ta vẫn không thôi ám ảnh trong tâm trí, thậm chí cả khi đi ngủ. Những giấc mơ không rõ ràng, đứt đoạn và rời rạc, giờ đây một lần nữa như chuyển động không ngừng trong một không gian tăm tối, luôn mất phương hướng. Một cảm giác gì đó rất lạ mà tạm thời Dahlia không thể nào gọi tên.

          Nhấp thêm một mụm nước nữa, Dahlia cảm thấy mọi thứ bỗng trở nên lạnh ngắt. Người phụ nữ bận trên mình một bộ váy buông dài qua đầu gối với những họa tiết rằn ri tông màu trầm chẳng rõ hình thù, như thể bà ta đã mang cả một thế giới siêu thực và trừu tượng vào trong chiếc váy đó vậy. Tiếp tục quan sát, người phụ nữ lặng lẽ ngồi xuống, lúc này Dahlia mới để ý thấy bà ấy còn mang thêm một chiếc giỏ mây xăng-đan có thêu họa tiết là quốc kỳ của Pháp ở bên ngoài.

Khéo léo để sang bên cạnh, đoạn, người phụ nữ lấy từ trong giỏ ra một bao thuốc và bật lửa. Rồi, bà lôi ra một cuốn sách cỡ lớn, trông giống một loại sách tranh ở những cửa hàng trưng bày họa phẩm. Bà châm lửa, khẽ rít nhẹ, lặng lẽ nhả khói ra khoảng không gian có phần thiếu sáng, từng lọn khói mỏng mảnh vảng vất, quẩn quanh. Ánh mắt màu xám chăm chú nhìn vào cuốn sách tranh, thảng hoặc, người phụ nữ khẽ nhíu mày, nhăn trán, ra vẻ suy nghĩ, rồi tiếp tục rít thuốc. Cứ như thế, hết điếu này tới điếu khác. Và chẳng hiểu sao như một thứ ma lực mạnh mẽ và thu hút, Dahlia chăm chú nhìn những hành động đó hệt như một đứa trẻ đang dán mắt vào một khung cảnh vô cùng kỳ thú trong vườn bách thú hay viện bảo tàng.

          “Dahlia…” – Có lẽ phải tới lần thứ ba, Dahlia mới nghe thấy tiếng gọi của Đức.

Sự bối rối, thẹn thùng hiện rõ trên gương mặt cô, hy vọng Đức không để ý thấy.

          “Em… nghe đây.” – Dahlia nói.

          “Sắp đến giờ diễn rồi! Mau chuẩn bị đi!” – Đức thúc giục.

          “Em vào ngay đây! Anh đã dặn mọi người trong ban nhạc rồi chứ?”

          “Anh dặn rồi.”

          Dahlia mau lẹ đứng dậy, không quên liếc mắt nhìn sang phía bên kia chiếc bàn, người phụ nữ đã không còn ở đó nữa. Thật kỳ lạ, chẳng còn gì, người phụ nữ tan biến như làn khói.

          Người phụ nữ cũng không hề xuất hiện sau khi Dahlia hát xong; một mình bên quầy bar, cô vẫn gọi một ly cocktail trứ danh Margarita của Mexico, lặng lẽ nhấm nháp. Mọi đồ uống đều miễn phí với Dahlia – Đức đã tuyên bố như vậy, một đặc quyền cho vị khách mời đặc biệt của Les Jeunes. Dahlia nhấp thêm vài mụm thì cảm thấy hơi chếnh choáng; phía bên kia chiếc bàn, nơi cô đã chăm chú nhìn cả tiếng đồng hồ, vẫn trống trơn. Cô thử dò hỏi tay bartender thì gã chỉ nói, đó là một phụ nữ người Pháp và là khách quen của quán, bà ta đã tới đây được một thời gian.

          Trở về nhà với tâm trạng trống rỗng hơn thường lệ, hơi men ngấm sâu vào người khiến Dahlia hơi ngà ngà, bước đi loạng choạng. May thay, cuối cùng cũng về được tới nhà. Thông thường cô sẽ ngả lưng xuống giường và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nhưng lần này, cô lại thao láo nhìn lên trần nhà sơn màu be, đã bong tróc vài chỗ. Vắt tay lên trán, Dahlia im lặng, trống rỗng như ***

          “Họa sĩ tranh trừu tượng?” – Dahlia không ngần ngại bày tỏ sự ngạc nhiên khi Đức nói với cô điều đó.

          Đức gật đầu xác nhận một lần nữa. Thứ Bảy hằng tuần, quán đông đúc hơn; từng tốp người xuất hiện, một vài gia đình còn dắt díu thêm cả con nhỏ, những cặp tình nhân trẻ hay những người cô đơn đang tìm chút gì đó để lắng lòng mình lại, suy ngẫm. Phải chăng, người phụ nữ ngoại quốc cũng đang tìm kiếm thứ gì đó, ở đây! Dahlia trộm nghĩ.

          “Có lẽ hôm nay bà ấy cũng sẽ tới, thông thường bà ấy không bỏ qua một buổi giao lưu âm nhạc nào vào ngày thứ Bảy cả.” – Đức nói tiếp.

          Dahlia im lặng. Khi ấy Đức đứng dậy; buổi giao lưu âm nhạc sẽ diễn ra sớm hơn thường lệ.

          “Jacqueline!”

          “Gì cơ?”

          “Tên bà ta là Jacqueline. Ai đó đã nói với anh, nhưng anh không nhớ rõ.” – Đức cười, nói ẩn ý, rồi mau chóng lủi vào trong phía sau sân khấu.

          Tiết mục của Dahlia được xếp lịch sớm hơn để nhường chỗ cho tiết mục giao lưu của một vài nhóm nhạc trẻ mới nổi trên mạng internet. Đức thông báo, nhưng dường như Dahlia không quan tâm tới chuyện đó; cô đã đi quá xa thời đại của mình rồi – nơi tuổi trẻ bị vùi lấp bởi những giấc mơ viển vông, như ngôi sao băng vụt nhanh qua bầu trời mà chẳng để lại chút dấu vết.

          Hát xong, như thường lệ, cô tiến về phía quầy bar, gọi cho mình một ly, tính uống xong sẽ về nhà, đánh một giấc tới tận sáng mai. Có những tháng ngày Dahlia đi về như một cái bóng, lặng lẽ và vô hồn, trong khi ngoài kia cuộc sống vẫn đang không ngừng biến động, từng ngày, bao thứ đã đổi thay, ngay cả lòng người cũng vậy. Cô cười khẩy rồi nhấp thêm một mụm rượu nữa.

          Khi ấy, bên cạnh cô, người phụ nữ ngoại quốc với mái tóc màu xám, xoăn dày đã xuất hiện. Bà lặng lẽ gọi một ly bourbon như mọi khi.

          “Jac… Jacqueline phải không?” – Dahlia hít một hơi thật sâu lấy lại bình tĩnh rồi nói, thú thực, giọng cô có phần run run.

          Người phụ nữ ngạc nhiên quay lại, nhìn cô, xoáy ánh mắt màu xám sâu thẳm – một ánh nhìn trực diện khiến đối phương có phần bối rối.

          “Tại… tại sao cô biết tên tôi?” – Jacqueline hỏi lại.

          “Đức đã nói với tôi.”

          “Ra thế.”

          “Bà là họa sĩ tranh trừu tượng?” – Dahlia hỏi.

          Jacqueline gật đầu.

          “Nếu được, bà có thể cho tôi xem một số bức tranh của bà không?” – Dahlia đi thẳng vào mục đích của cuộc trò chuyện đường đột này, hy vọng bà ấy sẽ không cảm thấy quá lỗ mãng.

          Jacqueline ngạc nhiên hết sức, rồi gật đầu đồng ý, ánh mắt như ánh lên một niềm kiêu hãnh khôn tả. Bà lôi từ trong chiếc túi xách xăng-đan quen thuộc ra một tập sách tranh như được bày bán đại trà trên các cửa hàng họa phẩm ở phố Yết Kiêu. Jacqueline nói, đã scan chúng ra và in thành sách tranh để làm kỷ niệm, dưới mỗi bức tranh có ghi chú thông tin ngày hoàn thành, tên tác phẩm và chữ ký của bà.

          Dahlia cầm tập sách tranh trên tay, tò mò hệt như một đứa trẻ đang đứng trước cánh cửa mở ra những thế giới bí ẩn, đầy sắc màu. Duy chỉ khác ở chỗ thế giới trẻ thơ sẽ chẳng bao giờ u tối như thế giới trong bức tranh trừu tượng của Jacqueline. Nội tâm con người, truy tìm những bản ngã cuộc đời, hành trình tìm kiếm lại chính bản thân mình, những giấc mơ bị đánh cắp, có lẽ là nội dung chính của những hình hài đang phản chiếu lấp lánh trong ánh mắt cô. Dahlia thấy lòng mình như lắng lại đôi chút, nhưng chẳng thể tìm thấy sự bình yên nào cả trong mớ hỗn độn, mơ hồ ấy.

          “Dòng chữ này nghĩa là gì?” – Lần tay theo dòng chữ ngay ngắn được viết bằng tiếng Pháp phía bên dưới bức tranh, Dahlia thắc mắc.

          “Giấc mơ của người mẹ trong căn phòng đóng kín.” – Jacqueline dịch từng từ; một lát sau bà mới nghĩ ra, có nói thì Dahlia cũng đâu hiểu được, cô không biết tiếng Pháp.

Trong khi đó, Dahlia lại hướng ánh mắt về phía Jacqueline, không giấu khỏi sự ngạc nhiên.

          Jacqueline chỉ cười, hít một hơi thật nhẹ như thể bà sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của cô.

          “Tôi dành tặng bức tranh này cho mẹ mình, chỉ tiếc là bà ấy đã mất, không còn trên đời nữa.”

          “Xin lỗi bà, tôi không có ý gì…”

          “Không sao, chuyện đã xảy ra quá lâu nên có lẽ tôi chẳng nhớ được bao nhiêu. Đây cũng là một trong những bức tranh hiếm hoi tôi vẽ về bà ấy. Có thể coi là duy nhất.”

          Một thứ gì đó giống như cuộc đời, tới đoạn đó, dường như Jacqueline khó có thể diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ khác so với ngôn ngữ mẹ đẻ của bà. Vô thức trong cuộc trò chuyện, Jacqueline buột miệng nói chêm vài câu tiếng Pháp, rồi sau đó bà dịch nghĩa sang tiếng Việt, để Dahlia có thể hiểu những gì mà mình đang muốn truyền đạt lại.

          “Mẹ bà đã ở đâu? Ý tôi là trong không gian này?”

Dahlia hỏi, đồng thời chỉ tay vào bức tranh trước mặt cô, góc bên phải cuốn sách có chữ ký của Jacqueline và dòng chữ nhỏ, ngay ngắn viết bằng tiếng Pháp – “Pour Maman”, nghĩa là dành tặng mẹ thân yêu.

          Jacqueline ghé đầu nhìn sát vào bức tranh, có lẽ ánh sáng hơi nhập nhoạng, đoạn bà lôi từ trong túi ra một cặp kính tròn, viền vàng óng ánh. Lặng lẽ quan sát, Jacqueline trầm tư một hồi như thể đang cố gắng sắp xếp những từ ngữ trong đầu – thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Chẳng có thời gian, bà hy vọng Dahlia có thể hiểu những gì mình sẽ nói.

          “Cô có nhìn thấy một gương mặt nằm trong đống… hỗn độn này không?” – Jacqueline chỉ tay vào những hình khối lộn xộn, không trật tự trong những bức tranh.

          Những hình thù đặc trưng, có cái giống như khối lô cốt nặng nề nằm trên bãi cỏ trong một khu quy hoạch bị bỏ hoang. Có cái giống như những lon nước, chiếc hộp bị bóp méo nằm im lìm trong bóng tối của nhà kho, nếu ánh sáng lọt vào, ta dễ dàng nhìn thấy một lớp bụi bặm đang bám đầy trên đó theo thời gian. Và có những hình khối hệt như cách điệu từ gương mặt những con người – mỗi con người đều có những tâm trạng khác nhau, hay đúng hơn, đó là những sắc thái biểu cảm, buồn, vui, giận hờn, đau khổ và cả sự tuyệt vọng. Tất cả trộn vào nhau, tạo nên một bối cảnh mơ hồ, trống rỗng mà Dahlia có nằm mơ cũng chẳng thể nào hiểu nổi.

          “Đây ư?” – Dahlia chỉ tay vào một hình khối bất kỳ mà cô cho rằng nhân vật trong tranh đang tỏ ra hết sức tuyệt vọng.

          Jacqueline gật đầu, thoáng chút buồn gợn trong đôi mắt của bà, như thể ta đang nhìn về phía đại dương mênh mang, vài chiếc thuyền nho nhỏ đậu đằng xa như chấm đen lọt thỏm giữa màu xanh vô tận, thăm thẳm.

          “Bà ấy đã chết trong cô độc, bọc quanh mình là những nỗi cô độc, và chẳng ai có thể nhìn thấu được là bà ấy đang nghĩ gì, sẽ làm gì…”

          Jacqueline dừng lại, ngập ngừng, chút gì đó nghẹn ngào, một xúc cảm mãnh liệt chực trào dâng trong lòng nhưng bà đang cố gắng kìm nén để chúng không vỡ bung ra thành trăm mảnh, huống hồ giờ bà không ở một mình. Jacqueline xin lỗi, Dahlia bảo không sao, cô hiểu. Rồi sau đó, bà xin phép cô hút một điếu thuốc để lấy lại bình tĩnh. Không phiền, Dahlia nói. Jacqueline lặng lẽ rút một điếu thuốc từ trong bao ra, châm lửa, rít nhẹ một hơi. Làn khói nhẹ nhàng phả ra trong không khí đượm buồn, đâu đó từ phía bên kia sân khấu ngăn cách bằng những tấm rèm nhung màu đỏ đun, một ca sĩ đang cất lên giọng ca có phần da diết, ảo não. Một người vợ mỏi mòn chờ thông tin của người chồng nơi chiến trận, dù bặt vô âm tín, nhưng vẫn đợi trông, não nề, tuyệt vọng.

          “Cứ mỗi lần nhắc tới mẹ, hay xem lại bức tranh này, tôi đều cảm thấy như vậy, xúc động.”

          Dahlia bỏ lửng cuốn sách lên mặt quầy, ánh mắt vô định nhìn về phía bên quầy để những chai rượu nhiều chủng loại khác nhau; ánh sáng phản chiếu trên vỏ chai, lóng lánh.

          “Dù tôi không hiểu gì về tranh trừu tượng, nhưng có lẽ mỗi bức tranh, mỗi tác phẩm của người nghệ sĩ đều ẩn chứa những câu chuyện khác nhau, dẫu rất buồn.”

          Dahlia thực sự cảm thấy khá ấu trĩ trước câu nói của mình. Jacqueline gõ gõ điếu thuốc xuống gạt tàn, rồi bà khẽ cười.

          “Tôi đã không ở bên cạnh mẹ mình trong những năm tháng cuối cuộc đời bà.”

          “Vậy bà đã ở đâu khi đó?”

          “Thành phố Orlando. Nơi cách xa Paris hàng ngàn cây số.”

          “Có phải thành phố nằm trên bán đảo Florida không?”

          “Đúng rồi, Florida, nếu nhìn sang bờ bên kia là đảo quốc Cuba. Có một thời gian cha tôi đã từng nghiên cứu vi sinh ở La Havana, trong một ngôi nhà cũ ba tầng chỉ cách vài cây số là sang tới căn nhà Finca Vigia của Ernest Hemingway, nơi mà Những hòn đảo quanh dòng nước ấm đã từng được viết ra.”

          Jacqueline hỏi thêm, cô có biết cuốn sách đó không? Dahlia lắc đầu, có lẽ, mẹ cô sẽ biết nhiều hơn về những cuốn sách, giá mà bà còn sống thì hay biết mấy.

          Đột nhiên im lặng, Jacqueline bèn đưa điếu thuốc đang cháy dở lên môi, rít một hơi thật dài, rồi lặng lẽ nhả khói, ánh mắt trở nên mơ màng. Dahlia chăm chú lắng nghe câu chuyện.

Jacqueline tiếp tục, giọng bà đã không còn xúc động như trước nữa; sâu thẳm trong ánh mắt màu xám ấy là một sự can trường, mạnh mẽ hiếm có của người phụ nữ trạc tứ tuần, đã trải qua những thăng trầm cuộc đời.

          “Lần đó, ba tôi đã gọi điện báo, nhưng tôi không thể về được, còn vướng một số thứ. Đúng hơn là tôi đã không muốn về.”

          “Tại sao?”

          “Bởi vì tôi sợ, mơ hồ. Nỗi sợ ấy mơ hồ.”

          Jacqueline miêu tả nỗi sợ hãi của bà bằng những từ ngữ rời rạc, đôi khi chen vào vài từ tiếng Pháp. “Regretter”, sự hối tiếc. Bà tiếc rằng, mình đã không chịu học cách lắng nghe, bởi tuổi trẻ ai cũng từng sa ngã, từng bồng bột. Đôi khi ta biết chắc vấn đề nhưng vẫn mắc những sai lầm.

          “Tôi sợ nhìn thấy hình ảnh của bà, khi già nua, dù mẹ tôi rất đẹp, ai cũng cho rằng mẹ tôi rất đẹp…” – Jacqueline cười khẩy… – “có lẽ tôi không may mắn thừa hưởng những gen đó từ bà, người ta bảo tôi giống cha mình hơn. Tôi thích những chuyến phiêu lưu, những vùng đất mới, như Florida chẳng hạn, cái rốn của những cơn bão nhiệt đới. Tôi đã sống sót qua bão Keith và nhiều cơn bão khác nữa. Nhưng còn cơn bão này…”

          Jacqueline ngập ngừng, không thể nói, bởi lẽ bà chẳng biết cách diễn tả ra sao. Thấy vậy, Dahlia bèn tiếp lời.

          “Cơn bão từ gia đình của bà, mẹ bà.”

          Jacqueline gật đầu tiết lộ thêm, mẹ bà mắc một chứng bệnh kỳ lạ về tâm lý – Cryptomnesiahay, còn gọi là hội chứng “Hidden Memory – Ký ức ẩn giấu”.

          “Bà ấy không thể phân biệt được các sự kiện, nói một cách đơn giản là không thể biết đâu là ranh giới giữa hiện thực và mơ. Tôi nhớ có một lần, bà ấy không thể nhận ra tôi. Tôi là con gái bà, nhưng bà lại nói, tôi là một người bà đã gặp ở đâu đó mà không thể nhớ ra. Rồi thậm chí, bà khăng khăng khẳng định bố tôi chính là nam diễn viên huyền thoại người Pháp Alain Delon nữa chứ. Thật lạ lùng!”

Jacqueline cười khẩy một lần nữa, để lộ hai hàm răng trắng muốt, thẳng đều tăm tắp. Nếu nhìn kỹ sâu vào phía bên trong vẻ hoang sơ hiếm có toát ra bên ngoài, sẽ thấy một tâm hồn dễ bị lay động bởi những ấn tượng nhỏ nhưng sâu sắc. Dahlia trộm nghĩ.

          Điếu thuốc lá đã tắt lụi trong tay tự bao giờ; và Jacqueline không có ý định châm thêm một điếu nào nữa; còn Dahlia, dường như cô đã bị thu hút bởi câu chuyện của gia đình bà, sự tò mò hiện rõ trên gương mặt.

          “Nhưng đó không phải là lý do đúng không?” – Dahlia hỏi.

          Jacqueline ngạc nhiên, có lẽ bà không hiểu tại sao Dahlia lại hỏi mình như thế.

          “Ý tôi là, đó không phải là lý do mà bà với mẹ mình xa cách đúng không? Và thêm nữa, việc bà vẽ bức tranh này cũng không hẳn là để tưởng nhớ bà ấy.”

          Dahlia im bặt, có lẽ cô đã đi quá xa, không nên hỏi những câu tương tự như vậy. Cô định lên tiếng bày tỏ sự hối lỗi, nhưng Jacqueline lại gật đầu và nói tiếp.

          “Đúng thế! Sự xa cách, tôi nghĩ, nó đã có từ rất lâu. Kể từ ngày tôi rời Paris đi khắp nơi trên thế giới và không trở về. Những thư từ, cuộc gọi, tin nhắn… chẳng thể…”

          Jacqueline nói đó là những ranh giới mong manh và miễn cưỡng, chứ không hẳn là một sự nhung nhớ, tin yêu nào ở đây.

          “Tôi đã đi rất lâu để cho tới khi trở về, không có ý nghĩa gì. Ích kỷ, chỉ có những người ích kỷ mới làm những việc đó, ngay cả khi vẽ bức tranh này, bao biện cho sự nhung nhớ đối với người mẹ đã mất.”

          “Nhưng tại sao bà vẫn vẽ nó, ngay cả khi bà biết nó chẳng có ý nghĩa gì?”

          Jacqueline bèn phản biện lại:

          “Không, nó có ý nghĩa với tôi, và là thứ tôi có thể làm một cách xuất sắc nhất. Một niềm đam mê lớn.”

          Sau đó, Jacqueline đính chính lại bằng từ “mãnh liệt”, một niềm đam mê mãnh liệt cháy lên trong bà; và việc biến những ký ức đớn đau, trống rỗng và ích kỷ thành những hình khối bao gồm cả hình ảnh của mẹ bà là việc làm cần thiết. Hơn hết, bà chẳng bao giờ tự vấn lương tâm, rằng mình đã làm đúng, rằng mình đã làm sai, không có ranh giới đúng sai trong quan niệm của bà, đặc biệt đó là nghệ thuật. Thứ nghệ thuật vượt qua những ranh giới, những rào cản khác nhau rồi cuối cùng trở về với bản thể nguyên sơ, là chính nó – thứ nghệ thuật sinh ra từ những ám thị, u tối và mất mát.

          Dahlia chợt thấy lòng mình lắng lại trong vài giây, thời gian như ngưng đọng, cô chẳng biết thế giới bên ngoài kia vẫn đang không ngừng chuyển động, có những người đang chết đi. Nhưng nó chẳng có nghĩa lý gì trong không gian này, với Jacqueline và những hình khối của bà. Một trong những quan niệm về nghệ thuật mà có nằm mơ cô cũng chẳng tài nào mường tượng nổi.

          “Đôi khi tôi thấy xấu hổ vì hai tiếng yêu thương, cái thứ phù phiếm như dòng chữ Pour Maman mà tôi ghi dưới đây, tuy nhiên chẳng còn cách nào khác. Nếu như tôi thuyết minh về bức tranh này với đông đảo mọi người thì tôi vẫn phải kể câu chuyện này, dù tôi muốn hay không! Có thể nói đó là một thứ hào quang sáng chói khiến mọi thứ xung quanh bị lu mờ. Tôi đã mê đắm thứ hào quang phù phiếm ấy.”

          Dahlia im lặng, trống rỗng như thấy mình đang rơi xuống một cái hố với tốc độ khủng khiếp, xung quanh không tiếng động, chỉ nghe thấy tiếng thở, tiếng nhịp tim yếu ớt của chính mình. Đột nhiên, mặt cô nóng bừng, thứ gì đó dâng lên và chẹn lại nơi lồng ngực, thiếu dưỡng khí, cô chợt thấy khó thở vô cùng.

          “Cô sao vậy, D?” – Jacqueline lên tiếng, vẻ mặt bà tỏ rõ sự lo lắng.

          “Tôi xin lỗi, có lẽ, câu chuyện của tôi quá tăm tối chăng?”

          Dahlia lắc đầu.

          “Không phải, tôi rất thích câu chuyện của bà, có lẽ do tôi hơi kiệt sức thôi, dạo này tôi không được khỏe cho lắm. Có lẽ tôi cần về nhà.”

          “Tôi có thể đưa cô về?”

          “Không, tôi tự về được, không có gì. Hẹn gặp lại bà vào dịp khác. Cảm ơn bà vì câu chuyện.”

          “Không có gì.”

          Dahlia trao lại cho Jacqueline cuốn sách tranh. Cô lặng lẽ tụt khỏi chiếc ghế cao bên quầy, gật đầu lịch sự chào Jacqueline rồi nhanh chóng rời khỏi Les Jeunes. Không khí ngột ngạt, bức bối trong quán sẽ giết chết cô mất.

          Jacqueline bất lực nhìn cô rời khỏi quán, hy vọng mọi thứ không trở nên quá tồi tệ, một thứ mà bà thấp thoáng thấy trong ánh mắt ấy – ánh mắt như đại dương luôn ẩn chứa những điều bí mật.

***

          Về đến nhà thì đã gần mười một giờ đêm, khu cư xá im lìm trong ánh đèn cao áp vàng vọt rọi xuống, loang lổ trên mặt đường, trong con ngõ nhỏ chật hẹp, san sát những ngôi nhà cao thấp. Những cửa hiệu đã đóng cửa gần hết, duy chỉ còn vài hàng ăn đêm vẫn mở; chẳng có bụng dạ gì để ăn, Dahlia đi thẳng lên nhà. Hành lang tăm tối, tiếng nhạc khe khẽ phát ra từ một chương trình dân ca nhạc cổ truyền. Đột nhiên có đứa trẻ khóc ré lên khiến Dahlia giật mình – là căn nhà kế bên của một đôi vợ chồng trẻ mới chuyển tới được hai tháng nay. Người mẹ khẽ nựng con, rồi ru ầu ơ, được một lát thì đứa trẻ ngưng khóc, có lẽ lại chìm sâu vào giấc ngủ.

          Dahlia đẩy cửa, bật công tắc, đèn sáng, cô quẳng chiếc túi xách xuống giường, tiến lại chỗ cửa sổ mở toang, một cơn gió lạnh thốc vào mặt, cô luôn thích cảm giác này. Nhắm mắt một hồi lâu, nín thở, vài ký ức chạy sượt qua đầu cô như một thước phim tua nhanh, không rõ rệt.

          Khi ấy cô đang đứng trên tầng thứ 21 của một tòa nhà cao nhất nhì Hà Nội, đó đã từng là căn hộ của cô, một căn hộ cao cấp trong khu dự án nằm ở ven đô, phóng ánh mắt ra tầm xa có thể bao quát cả khoảng rộng của thành phố. Cô thường ngồi ở ban công – nơi kê một bàn trà, hai chiếc ghế bọc nhung êm ái; trên chiếc bàn tròn nhỏ, đặt một lẵng hoa khô; bên cạnh lẵng hoa là một chiếc giỏ đựng một chai rượu vang Pháp hảo hạng, mùi men rượu thơm nồng. Dahlia ngồi đó nhâm nhi rồi ngắm nhìn khung cảnh thành phố về đêm, rực sáng trong ánh đèn đủ màu sắc, phóng ánh mắt xuống dưới những con đường lắt léo, nhìn dòng xe cộ đang di chuyển, tạo nên những dải sáng uốn lượn, nhịp nhàng, những dải sáng như trong bức tranh của Van Gogh, rồi bỗng nhiên, chúng bị bóp méo thành những hình thù quái đản, tấn công tâm trí cô. Dahlia không muốn nghĩ nữa, cô mở mắt, vẫn trong hiện thực này, chẳng có căn hộ cao cấp, hoa khô, rượu vang Pháp hay gì cả.

          Những hình khối trong tranh của Jacqueline vẫn ám ảnh tâm trí cô, câu chuyện về người mẹ mắc chứng bệnh tâm lý lạ lùng hay câu chuyện về đam mê và khát khao. Dahlia cười khẩy, “đam mê” và “khát khao”, giờ đây hai từ đó quá xa lạ với cô, thứ ánh sáng phù phiếm đã ám ảnh cô trong một thời gian dài.

          Nhắm mắt một lần nữa, chúng chẳng hề buông tha, kẻ đeo bám dai dẳng, kẻ thù của Dahlia – ký ức. Cô không dám nhắc hai từ đó lên thành tiếng, bởi lẽ nó sẽ như mũi dao tấn công cô trực diện, cứa sâu vào trái tim đang rơm rớm máu, thứ máu không tanh tưởi, nhưng đen kịt. Chúng bắt đầu tấn công, khơi gợi lại mọi thứ.

          Dahlia lại thấy mình đang đứng trong một không gian hoàn toàn khác, không phải căn hộ cao cấp, cũng không có mùi rượu vang. Một không gian hoàn toàn trắng xóa, ánh đèn pha rọi xuống khiến mọi thứ chói lòa. Phía bên dưới, Dahlia nghe thấy tiếng hò reo của nhiều người, ánh sáng dần dần doãng ra, cô bắt đầu nhìn rõ mọi thứ. Đông kịt người, định thần lại giây lát, cô thấy mình đang đứng trên sâu khấu, phía dưới là hàng ngàn khán giả đang hò reo, họ gào tên cô như những điệp khúc dài đằng đẵng, bất tận, họ lặp đi lặp lại từ “Dah-li-a” tới hàng trăm lần, hàng ngàn lần. Những gương mặt hiện rõ sự háo hức, khát khao.

Những mảnh nhỏ li ti đầy sắc màu rơi xuống như một cơn mưa, những băng rôn khẩu hiệu, nếu nhìn kỹ có thể thấy hình ảnh của cô ở trên đó. Khác xa so với con người bây giờ, một sự tương phản hoàn toàn, như thể đó là hai con người xa lạ, hai bản thể hoàn toàn khác nhau. Một Dahlia đang mỉm cười rạng rỡ với những hào quang tỏa ra từ tứ phía, và một Dahlia hốc hác, già nua đang che đi mọi khuyết điểm trên gương mặt bằng lớp hóa trang khéo léo. Dahlia chững lại trong vài giây, một nhiễu động âm thanh như khi đang dò chỉnh tần số radio, chói tai, những tiếng hò reo hay điệp khúc tên cô bỗng dưng bị bóp méo bởi một sức mạnh khủng khiếp. Dahlia vội thụp người xuống, một lát sau, mọi thứ đều chìm trong im lặng, chỉ có tiếng trở mình khe khẽ của màn đêm.

          Dahlia bừng tỉnh, đâu còn sân khấu, đèn pha và khán giả. Hình ảnh một Dahlia mỉm cười trên băng rôn quảng cáo rạng rỡ trôi dạt về phía sau – quá khứ – với tốc độ khủng khiếp, chẳng còn gì. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, phía trước ngực và cả trên gương mặt. Những ký ức đã tấn công cô như cơn bão, nó sẵn sàng quét sạch mọi thứ trên đường đi của mình; và bỏ lại những hoang tàn của ngày cũ. Tất cả, giờ đây, chỉ còn là những tàn tích, không hơn.

 

 

 

No votes yet.
Please wait...