[truyện ngắn] Sau bức rèm cửa sổ…

No votes yet.
Please wait...
  1. Năm Ni 6 tuổi.

Mẹ kéo vội chiếc chăn mỏng lên đắp tận cổ cho Ni, ngần ngừ thêm lát nữa, mẹ khe khẽ hôn vào trán Ni rồi quay bước bước ra ngoài, nhẹ nhàng khép cửa. Trong này, Ni vẫn say sưa ngủ.

*

Chị hai líu ríu bước theo mẹ trên quãng đường đến chỗ mẹ làm. Mẹ quay lại nhìn chị hai, nói như muốn khóc: “Con… con chịu khó đi với mẹ ít bữa! Dạo này khách đông quá, mẹ phải đi sớm!”. Chị hai hiểu ý, gật lia lịa, nói rất nhanh: “Không sao, không sao mà mẹ!”. Cơn ngái ngủ của cái tuổi đang ham tiếc từng phút vùi mình trong chăn trốn mất biệt khỏi chị hai sáng đó, trốn biệt luôn khỏi cuộc đời chị. Để rồi, tuổi thơ của chị hai chỉ còn lại sự chia sẻ và nặng hai vai trách nhiệm cùng mẹ lo cho hai em.

*

Ở nhà, trong chiếc chăn cũ mèm, không đủ ấm cho nhiệt độ xuống đến gần 0, Ni và chị Na bắt đầu cục cựa, chực tỉnh giấc. Ông nội quờ gậy lộp bộp trên liếp ván gỗ của căn gác tồi tàn. Ni nghe rất rõ. Ni co người lại, sợ sệt. Chị Na cũng bắt đầu nghe và bắt đầu sợ cùng Ni. Hai chị em im thin thít nằm, không dám động đậy…

Tiếng huơ gậy của ông nội lúc một gần. Ni không chịu đựng nổi nữa, bật dậy, hét lớn: “Ông nội! Ông nội đi đi!”… Chị Na khóc sút sít vì sợ. Tiếng cha ngái ngủ dưới nhà bực dọc vọng lên: “Tụi bây khùng hả? Không ngủ để người khác ngủ. Người khác còn phải đi làm kiếm cơm cho tụi bây!”.

*

Mẹ thở dốc. Chị hai thở phèo phèo vô tư. Mẹ vẫn hì hục đẩy cái ghi-đông xe đạp. Phía sau là chị hai cũng đang ra sức vin tay vào yên sau xe đạp, phụ mẹ đẩy chiếc xe thoát ra đoạn dốc cao như dựng đứng tìm đến con lộ bằng phẳng hơn phía trên kia.

Chiếc xe bỗng bẫng nhẹ. Mẹ quay lại nhìn chị hai. Chị hai bắt đầu cảm thấy giống mẹ, quay lại nhìn phía sau… Không gì cả. Mẹ líu cả lưỡi lại: “Lê… lên… lên xe mẹ chở!”. Chị hai cun cút làm theo, không dám hỏi lời nào. Mẹ còng lưng đạp. Chị hai cố chòi hai chân ngắn cũn xuống đất, ẩy phụ mẹ.

Phía sau, ông nội đứng huơ gậy nhìn theo, lắc đầu, thở dài não nuột…

*

Nghe tiếng cha gắt, Ni và chị Na bặt thinh. Nỗi sợ hãi của tiếng gậy ông nội chưa và không bao giờ lớn bằng một cái hắng giọng của cha. Bởi, sau cái hắng giọng bực dọc ấy, thường là cơn mưa roi trút vào chị em Ni, nhất là chị hai… Và, cái hắng giọng của cha vĩnh viễn uy quyền đến thế!

Ni chong mắt, nhìn chằm chặp vào khoảng đen căn phòng trước mặt. Không có gì! Có lẽ ông nội đã ra ngoài ngồi chờ trời sáng như mọi khi. Chị Na xích sát gần Ni, thì thầm: “Gần sáng chưa Ni?”. Ni kéo chiếc rèm cửa sổ, nhìn ra ngoài. Trời nhá nhem sáng tối. Bóng mẹ và chị hai đang cố đẩy xe trên con dốc cao cao thấp thoáng ẩn hiện. Ni buông tiếng thở dài đầu đời của mình – tiếng thở dài của đứa trẻ vừa bước chân vào lớp một – lắc đầu khe khẽ: “Còn lâu lắm, chị ba!”…

*

Căn bếp nhà hàng rộng thênh thang, tối hù, ẩm thấp. Mẹ bước trước, chị hai theo sau. Vừa đi, mẹ vừa khe khẽ hát, những bài hát miền quê mẹ rặc tím một màu. Chị hai lắc lắc tay mẹ: “Coi chừng cái bậc, mẹ!”. Mẹ cười: “Mẹ nhớ rồi! Cảm ơn con!”.

Mẹ nhem lửa. Chị hai ôm tập, ngồi sát bếp lửa củi bập bùng tìm hơi ấm, chong mắt học bài bằng cái ánh sáng đỏ xanh lập lòe. Mẹ nhìn chị hai, nói một mình: “Tội nghiệp con quá!”. Chị hai cố tình không ngẩng lên. Chị không nghe hết câu mẹ nói, bởi, mẹ chỉ nói cho riêng mẹ mà thôi, nhưng chị hai biết rất rõ câu nói ấy là gì. Giá mà, chị hai có thể nói lại để mẹ thôi nặng nề, chị hai sẽ nói rằng: “Con có gì mà tội, hả mẹ? Mẹ vất vả vậy vì tụi con, lẽ nào có tí việc vầy, con cũng không dám làm cùng mẹ sao?”.

Tình thương mẹ bao la quá! Vì bữa cơm của chị em Ni mà mẹ phải vượt qua cả nỗi sợ hãi muôn thuở của mình, 2-3 giờ sáng một mình vào gian bếp khu nhà hàng, chuẩn bị thực phẩm cho khách khứa… Mẹ chưa bao giờ than vãn một lời. Mẹ chưa từng tỏ cho chị em Ni biết mẹ sợ. May mà chị em Ni biết nỗi sợ của mẹ từ rất sớm, nên cắt nhau đứa làm việc nhà, đứa chăn vịt, để chị hai có thể mỗi sáng theo mẹ đi làm, mong có thể phần nào giúp mẹ bớt sợ…

*

Ni bật đèn, ôm quyển tập, nhìn chăm chăm vào mà đầu óc vẫn cứ mù tịt. Chị Na khều khều chân Ni: “Nằm tí nữa đi. Lạnh quá!”. Ni lắc: “Thì chị cứ nằm đi, em học bài, sáng tí nữa em đi cắt rau cho vịt”. Chị Na vùi mình ngủ tiếp. Ni liếc mắt ra cửa sổ, chiếc rèm đã gọn gàng kéo sang một bên, trời bắt đầu sáng. Có tiếng ông nội húng hắng ho rất khẽ ngoài sân…

*

Mẹ giật mình. Mẹ nói như rên: “Ba! Ba theo con làm gì? Ba ơi…”. Chị hai chạy vội tới chỗ mẹ. Mẹ lặng im, cố không nói thêm lời nào. Chị hai nhìn quanh quất. Mẹ cúi mặt, tiếp tục với mớ rau đang rửa dở dang.

*

Mãi đến tận sau này, mẹ mới kể lại, mẹ nói một mình: “Đừng nhác mấy đứa, tội tụi nhỏ, ba…”, và, sau đó, mẹ không thấy ông nội nữa, cũng không còn nghe tiếng huơ gậy của ông.

Đó là 49 ngày của ông nội.

Ông nội bị mù nên đi đâu cũng huơ gậy tìm đường…

  1. Năm Ni 15 tuổi.

Nhà Ni dọn ra phố. Giờ còn lại mẹ và ba chị em Ni. Cha đi biệt, không về nữa! Có lẽ, cha bận “kiếm cơm” cho những đứa trẻ không hư gào thét giữa đêm làm mất giấc ngủ của cha như Ni. Mẹ không bao giờ nhắc đến cha. Chị hai, chị Na cũng vậy. Ni cũng chẳng dám nhắc về cha với bất kỳ ai trong gia đình, chỉ có trang giấy trắng là nơi Ni trút những muộn phiền, bực dọc… Đa số chúng đều có ghi câu Ni hỏi: “Bây giờ, cha ở đâu?”…

sau-tam-rem-cua
Sau tấm rèm cửa…

Mỗi chị em Ni giờ có riêng một phòng. Mẹ ở tầng dưới. Mẹ vẫn một mình. Nỗi sợ của mẹ còn hay không, chị em Ni không biết nữa. Bởi, mẹ đã thôi cái cảnh 2-3 giờ sáng một mình đi làm ở cái nơi tối mù mịt, ẩm thấp, rộng thênh thang. Việc của mẹ giờ bắt đầu vào lúc trời đã sáng hẳn, trong cái căn-tin tập thể luôn đông người và kết thúc vào cái khi vẫn còn đầy người qua kẻ lại. Mừng cho mẹ! Mừng cho ba chị em Ni… Công việc mới của mẹ đủ để chị em Ni tới trường với tập vở trắng tinh tươm, đủ để chị em Ni có quần áo lành lặn, đủ để cả nhà Ni dọn ra phố, tránh xa con dốc cao như dựng đứng của xóm cũ nghèo nàn… Trên tất cả, công việc ấy không có cơ hội cho mẹ phải tự hỏi lại mình, rằng, mẹ có thật sự sợ những thứ mà mẹ không biết chắc có hay không có trong cuộc đời mẹ?!

*

Nhà mới của mẹ con Ni nằm trong một con hẻm khá yên tĩnh cách mặt phố chưa đầy trăm mét. Chỉ vài chục bước chân là đến được với ánh sáng phố sá mà căn nhà Ni cứ mãi chìm vào yên lặng, tĩnh mịch.

Phòng mới của Ni ở tầng hai. Cửa sổ chong ra ngôi nhà xụp xệ, tồi tàn của một bà lão tầm 70. Bà bị thần kinh. Bà thường la hét một mình vào giữa khuya, trò chuyện một mình suốt ngày… Dường như, bà không bao giờ ngủ.

*

Mẹ dành một gian lớn phía trước của tầng lầu làm phòng thờ ông nội. Bàn thờ chỉ có ảnh của ông nội, nhưng có đến hai lư hương. Chiếc lư còn lại dành cho ông ngoại – cho người cha mẹ chưa bao giờ có cơ hội biết mặt, bởi ông hy sinh ngày mẹ còn chưa lọt lòng.

Mẹ không cần nhắc, chị em Ni thay phiên nhau thắp nhang cho hai ông hàng ngày. Gian nhà ấm lên nhờ mùi hương trầm thơm nồng.

Ni hay thắp nhang nhất. Ni thường có thể dành hàng giờ ngồi trước bàn thờ ông, kể đủ thứ chuyện trên đời, đặc biệt là về bà lão hàng xóm không bình thường. Có lần, Ni khóc, nói với ông nội rằng: “Tại bà lão ấy quá hay la hét vào giữa đêm. Mà, cha thì ghét bị làm phiền giấc ngủ… Vì thế mà cha đi mãi, không về!”. Đêm đó, ông nội chống gậy ở cửa phòng Ni, nhìn Ni bằng cặp mắt hiền từ – cặp mắt chưa bao giờ Ni thấy, bởi, ông nội bị mù từ trước khi mẹ sinh Ni – nói với Ni rất từ tốn: “Cha con, nó có về nhà này đâu mà biết bà lão tội nghiệp đó! Đừng cố giải thích những điều con không thể hiểu làm gì!”… Ni choàng tỉnh. Tìm kiếm. Không sợ sệt. Lâu lắm rồi, từ cái năm Ni 6 tuổi, đến giờ Ni mới lại được nhìn thấy ông.

*

Đến tận giỗ ông nội, Ni kể lại cho mẹ, chị hai và chị Na nghe lần gặp gỡ đó giữa Ni và ông nội. Mẹ mắng: “Tầm bậy! Ông nội hiền từ, chắc chắn ông siêu thoát lên thiên đường hoặc đã đầu thai vào kiếp khác, ông không thể về gặp tụi con nữa! Tại con hay nghĩ quá nên bị ám ảnh khi mơ thôi!”. Ni im lặng.

Chị hai mắng Ni: “Sao em lại nhắc chuyện cha cho mẹ buồn?”. Chị Na gật đầu hưởng ứng. Ni lại lặng im.

*

Khoa học tâm thần chứng minh, rằng, những người bị điên họ sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Họ nhìn thấy những con người đã tự họ sinh ra cho thế giới quanh mình. Và, họ trò chuyện với những người ấy!

Tâm linh bảo rằng, những người điên là những người nhìn thấy linh hồn, là những người bị ma ám… Họ trò chuyện với ma và chấp nhận bán linh hồn mình cho thế giới ấy!

Ni không biết cái nào là đúng. Ni cũng chẳng tin vào bất kỳ cái nào. Có lẽ vì Ni chưa đủ tuổi để hiểu về khoa học. Và, có lẽ vì Ni chưa đủ trải nghiệm để hiểu về thế giới tâm linh. Ni chỉ biết, bà lão hàng xóm vẫn nói chuyện một mình hàng ngày và bà vẫn la hét đập phá hàng đêm… Bà chẳng bao giờ chịu ngủ cả!

*

Cha về! Mẹ sững sờ đón cha. Không một lời trách cứ. Chị hai, chị Na, Ni sợ sệt giấu mình sau rèm cửa, lén lút nhìn cha tiều tụy bước vào nhà. Nỗi ám ảnh về những trận mưa đòn roi giáng xuống cơ thể chị em Ni từ cha ở những ngày thơ ấu ầm ào kéo nhau về… Không bất kỳ đứa nào trong chị em Ni chạy ra mừng cha cả!

Mỗi tối, bà lão hàng xóm vẫn gào thét đập phá. Ni chịu đựng nhiều nhất, vì phòng Ni sát hàng rào nhà bà. Cha vẫn hàng đêm gào lớn: “Ồn ào vầy sao ngủ, hả trời?!”. Ni cũng chịu đựng nhiều nhất, vì phòng Ni phía trên phòng cha – là phòng ngủ của mẹ trước đó… Có tiếng mẹ khe khẽ thở dài phía ngoài – mẹ trải nệm nằm ở gian để trống trước cửa phòng Ni, có nói sao mẹ cũng không chịu vào ngủ cùng Ni. Mẹ bảo: “Đừng để bất cứ thứ gì làm đảo lộn cuộc sống của tụi con! Cứ để mẹ tự thu xếp!”…

Đêm đó, giấc giữa khuya, Ni nghe mẹ ú ớ trong cơn mơ: “Ba… ba, đừng, tụi nhỏ sợ, tội nghiệp!”… Và Ni nghe khe khẽ tiếng huơ gậy bước đi của ông nội năm nào.

  1. Năm Ni 25 tuổi.

Chị hai và chị Na lần lượt theo chồng. Ni ở lại cùng cha và mẹ. Ni ở lại để tiếp tục hứng đón những câu chuyện không thể xâu chuỗi của bà lão hàng xóm bất bình thường. Hứng đón luôn cả những câu gào thét chửi rủa của bà hàng đêm và tiếng cha bực dọc ầm ĩ quát tháo… Ni thấy mình chơ vơ đến lạ lùng.

Mỗi đêm, Ni đều vén rèm cửa sổ, nhìn sang căn nhà gỗ xụp xệ liêu xiêu của bà lão. Ni nghe rõ từng câu chửi của bà – giọng Huế, giống giọng mẹ – và cố gắng xâu chuỗi chúng lại. Chúng không thay đổi nhiều, chỉ là thay đổi về xúc cảm của bà – khi cáu giận, lúc đau đớn – nhưng chúng chỉ vỏn vẻn là những câu chửi rủa nặng nề: “Tổ cha bây. Quân thất đức! Bây cứ giết tao đi rồi tính”, vỏn vẻn là những từ ngữ độc địa: “Bây nghĩ bây sống nổi trên mồ tao à? Có làm ma, làm quỷ, tao cũng theo bây, coi bây sống thế nào”, vỏn vẻn là những nỗi ai oán lầm than: “Ông trời, có mắt không ông? Để chó má nó sống chà đạp con người?”… Đấy, cứ thế, hàng đêm Ni vẫn nghe rất rõ!

*

Mẹ sợ bà lão hàng xóm. Mẹ chưa từng dám nhìn thẳng bà. Mẹ càng không bao giờ dám mở cổng bước vào nhà bà. Nhưng, mẹ rất thương bà. Hôm nào mẹ cũng mua gì đó cho bà ăn. Mua về, mẹ thường đợi lúc Ni làm về bảo Ni đem sang cho bà. Ni thường rất bình thản trước thái độ của mẹ. Ni bình thản luôn cả đôi mắt ngầu đỏ của bà nhìn Ni. Ni chỉ không thể bình thản trước cái bĩu môi của cha, và câu cha nói như soi vào lòng Ni vậy: “Ăn cơm nhà, lo chuyện thiên hạ…”.

Hôm nay, mẹ không mua gì cho bà cả. Mẹ nấu sẵn cơm và phần riêng một phần lớn trên mâm. Ni vừa bước vào nhà, mẹ ngay lập tức bảo: “Bưng qua cho bà đi con!”. Ni dạ một tiếng, rồi mặc kệ câu nói của thường ngày của cha, Ni bước thẳng, kéo cánh cửa sắt nhà bà lão hàng xóm, tiến thẳng vào bên trong.

*

Bà lão vẫn ngồi đúng chỗ đó, bên chiếc giường hôi hám mùi ẩm mốc, trong căn nhà tối hù hù luôn ngai ngái mùi nước tiểu. Bà ngước mắt nhìn Ni. Bất thình lình, bà lao đến chỗ Ni đứng, chộp hai tay mạnh vào đôi vai Ni. Mâm cơm rơi xoảng xuống đất. Bà lão giật mình. Ni giật mình…

Mắt bà lão ngầu đỏ cụp xuống: “Chó má! Một lũ chó má! Tao nguyền rủa tụi bây! Cho bây sống không yên, chết không yên!”… Ni lúi húi nhặt nhạnh từng miểng vỡ của mớ chén bát đang ngổn ngang dưới đất. Bỗng dưng khóe mắt cay cay. Ni ù té chạy về nhà. Chạy thẳng lên lầu, vén bức rèm cửa sổ phòng mình nhìn sang. Bà lão đang ngồi bệt giữa đất, hai tay ôm đầu, lầm bầm đọc gì như đọc thần chú.

Khuya ấy! 12h đêm. Bà lão mất. Một mình. Cô độc. Lặng im… Hình như cha có một đêm ngon giấc.

*

Mẹ vào phòng Ni ngủ cùng. Ni biết tại sao. Ni không dám nói, cũng chẳng dám hỏi. Suốt đêm, Ni nằm yên, thậm chí cục cựa cũng không dám. Cả đời mẹ, một giấc ngủ ngon là thứ xa xỉ, Ni cố vỗ cho mẹ có được một cơn xa xỉ không mộng mị của đời mình.

Đám tang bà lão hàng xóm bệt rệt giữa mưa trái mùa rét mướt. Lần đầu tiên Ni thấy con dâu, con trai và hai cháu của bà. Không nước mắt. Không quần áo tang. Chỉ vài chiếc khăn tang mỏng tanh, quấn vội vã trên những cái đầu xa lạ.

Ni thấy mẹ khóc! Ni nghe tiếng cha lầm bầm rủa mẹ “bao đồng”. Ni bất giác muốn quay lại hét lớn vào cha. Nhưng Ni không thể!

Các tối sau đó, mẹ vẫn ngủ cùng Ni. Ni thấy đời mình chông chênh nhưng ấm áp. Ni vòng tay ôm mẹ – lâu lắm rồi Ni mới hành động thế này – khẽ khọt hỏi: “Mẹ, mẹ không giận cha à?”. Mẹ cười, xoay qua nhìn Ni trong cái ánh sáng vàng vọt mỏng tang của chiếc đèn ngủ bé xíu: “Con giận cha à?”. Ni nằm im. Mẹ đưa tay gãi gãi đầu Ni: “Ngủ đi, con! Mai mốt lớn, con sẽ hiểu!”. Mẹ nói với Ni câu này từ khi Ni 6 tuổi. Gần 20 năm rồi, với mẹ, Ni vẫn còn bé nhỏ quá!…

Cha ú ớ dưới nhà. Mẹ choàng dậy. Ni vẫn nằm im… Có tiếng chó sủa rất to đầu ngõ.

*

Ni vẫn chưa tròn 26. Mọi thứ quanh Ni dường như đang trôi đi rất chậm. Chậm và đều đặn vô cùng.

Ni vẫn có thói quen vén rèm cửa sổ nhìn qua phía nhà bà lão hàng xóm tội nghiệp vừa mất cách đây chưa đầy một tháng. Mẹ thấy vậy, mẹ sẽ la: “Nhìn làm gì, hả con? Như vậy, không tốt…”. Ni thường buông rèm ngay sau khi mẹ nói, mặc dầu, chưa bao giờ Ni biết, cái gì là tốt, cái gì là không tốt với chuyện chỉ là một thói quen?!

Người con dâu của bà lão hàng xóm sau ngày bà mất thỉnh thoảng ghé về căn nhà gỗ ấy. Dòm dòm, ngó ngó, rồi đi. Cả xóm bắt đầu xao lên bàn tán về người đàn bà này.

Nghe đồn, bà chủ ý đầu độc cả nhà chồng, nên mẹ chồng bà điên, chồng bà điên, hai đứa con cũng xa lánh bà không dám gần… Tất cả, tất cả chỉ vì mẫu đất vuông vức cạnh nhà Ni.

Nghe đồn, bà từng là cô giáo. Bỏ nghề cũng chỉ vì đạo đức của bà “có vấn đề trầm trọng”. “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, cả trường ai cũng biết tâm địa độc ác của bà đối với gia đình chồng, tìm mọi cách để cho bà nghỉ việc…

Nghe đồn, bà ra ngoài bương chải kiếm cơm. Tiền làm ra nhiều, nhưng toàn để cúng cho thầy bà, bùa chú, hòng ếm gia đình chồng mau mau giải thoát cho bà, để lại toàn bộ gia sản cho bà, mà, toàn bộ gia sản ấy, là lô đất gần nhà Ni…

Tất cả cũng chỉ là tin đồn. Đâu là sự thật? Ni không biết! Và, Ni không thể biết!

  1. Năm Ni chuẩn bị 26 tuổi.

49 ngày bà lão. Cả nhà chồng của cô con dâu bà lão – tức là con trai và cháu nội bà lão – về tụ họp trong căn nhà gỗ tuềnh toàng ấy. Con trai bà lão chỉ vài ngày không gặp, tóc phơ bạc cả đầu. Ông ngồi thừ trước cổng nhà, vấn thuốc hút – mùi thuốc quen thuộc Ni vẫn ngửi thấy ngày bà lão hàng xóm còn sống – và lầm bầm nói một mình – giống y hệ những gì bà lão đã từng làm… Ni bất giác rùng mình.

Người con dâu chửi đổng vài câu gì đó, rồi xách gói bỏ đi. Dưới nhà, tiếng mẹ tặt lưỡi rất lớn: “Tội nghiệp bà già, chết rồi cũng không yên!”. Và tiếng cha vẫn muôn thuở cáu gắt, lạnh lùng: “Tội vạ gì? Chết thì để cho con cho cháu…”. Ni lệch bệch đi xuống nhà, cố tình tạo tiếng động để cha nghe. Ni muốn cha biết Ni đang không đồng tình với thái độ cha dành cho mẹ – thái độ cha đã giữ cho mình quá lâu. Tiếng cha vẳng theo từng bước chân Ni: “Nhấc cái chân không nổi, hèn chi chả làm được trò trống gì! Hèn gì, chẳng thằng nào nó ngó tới giùm tao!”…

*

Đêm! Tiếng chó sủa xé màn đêm hoang hoải. Ni bật dậy. Cũng chẳng biết vì sao mình lại thức giấc bởi những thứ chừng như đã quen thuộc quá với mình. Mẹ quay sang, dáo dác: “Gì vậy, con?”. Ni lắc khe khẽ: “Không có gì, mẹ!”. Tiếng cha lầm rầm dưới nhà: “Gì mà ồn ào dữ vậy, không biết!”. Ni lặng người, nghe ngóng. Bất thình lình Ni nghe tiếng cha hét thất thanh: “Á… Gì vầy nè trời?”. Mẹ nằm im thin thít. Ni cũng không động đậy. Nằm xuống, choàng tay ôm mẹ, vỗ về mẹ như thể mẹ là trẻ con – đứa trẻ đang bệu rệu bởi nỗi sợ hãi không tên: “Ngủ đi mẹ! Ngủ đi! Không có gì đâu!”…

Chặp, mẹ nói, trong thảng thốt và kinh hoang: “Có phải… có phải ông nội không, Ni?”. “Đâu có, mẹ! Mẹ nói ông nội hiền hành, về thiên đàng rồi mà. Không phải đâu, chắc gió thôi mà!” – Ni cố trấn an mẹ. Ni không sợ, không phải vì Ni không nghe những thứ mẹ vừa nghe, mà với Ni, điều ấy thân quen lắm, yêu thương lắm, đến độ, dẫu biết đó là điều hoang tưởng, Ni vẫn không thấy sợ bao giờ.

Cha đều đều ngáy dưới nhà. Thỉnh thoảng lại ú ớ. Trong tiếng ú ớ không thành lời, có câu nào đó, chập chờn, Ni nghe: “Ba à… ba, tha lỗi cho con…”.

*

Người con dâu của bà lão hàng xóm dọn về ở trong căn nhà xập xệ đó. Xe cộ ra vào nhiều lắm. Nào là xe chở cát. Nào là xe chở đá. Hàng xóm chầu chực đợi đến lúc vắng đi người đàn bà đầy ắp lời đồn đại nặng nề đi khuất là xổ vào nhau, thổi thêm nhiều, nhiều lời đồn đại nữa.

Nghe đồn rằng, bà lão chết không xuôi, đi không đặng trước sự điêu ngoa, xảo trá, tàn độc của con dâu, đêm đêm vẫn về cố giữ ngôi nhà của mình, đó là lý do đêm nào chó cũng sủa inh ỏi…

Nghe đồn rằng, người con dâu chẳng những không khiếp sợ trước tội lỗi mình gây ra và bóng hình vất vưởng của mẹ chồng, ngược lại, bà ta lại đổng chửi, rằng, bà ta thách tất cả những ai muốn sinh sự với bà…

Nghe đồn rằng, con trai của bà lão hàng xóm già vừa mất ấy, được đưa vào bệnh viện tâm thần, sống biệt chả ai biết đến nữa.

Nghe đồn rằng, hai đứa cháu của bà lão cũng bỏ xứ mà đi, trốn chạy tiếng đời cay độc dồn về mẹ mình. Mà có khi, chúng trốn chạy chính người mẹ nhẫn tâm của chúng…

Mẹ chỉ nghe, không nói. Ni nghe, cũng chẳng nói gì. Cha cười khẩy: “Đời này nếu có ma quỷ, thì chắc chẳng mấy con người được sống yên!”.

*

Người con dâu của bà lão hàng xóm chặn giữa đường, móc tay vô túi áo, giúi cho Ni mớ giấy bạc vụn: “Đi ra ngoài, mua giùm cô ít bánh mì cho thợ thầy sửa nhà, bận rộn quá…”. Ni lắc đầu, đưa trả mớ bạc: “Con không rảnh, cô nhờ ai khác đi!”. Nói rồi, Ni quay lưng bước thẳng vào nhà, lòng chẳng có bất kỳ cảm xúc nào. Trong này, cha thả rèm cửa chính xuống, kết thúc cuộc “rình mò”. Vừa thấy Ni bước vào, cha sẵn giọng: “Mày giống đày tớ thiên hạ, ai cũng có suy nghĩ sai khiến mày!”. Mẹ lắc đầu trước cái quắc mắt của Ni. Ni cúi đầu, cam chịu – cái cam chịu Ni thừa hưởng được từ mẹ – đi thẳng về phòng, vén rèm cửa sổ phòng, nhìn miên mang sang căn nhà gỗ sắp bị người ta dở đi. Bất giác, lòng Ni thấy cóng lạnh, buồn chơi vơi.

*

Cha đau ngực dữ dội. Mẹ xuống phòng dưới, kê ghế bố nằm cạnh để lo cho cha. Trên này, Ni cũng không tài nào ngủ được. Ni muốn bước xuống hỏi cha một câu, mà sao chân cứ dính chặt vào nền phòng.

Mùi thuốc lá Cẩm Lệ đâu đó phả vào phòng Ni. Ni bối rối quay ngang quay dọc. Ông nội chống gậy đứng nhìn Ni hiền từ, chong mắt về phía cửa sổ phòng Ni đang buông rèm ơ hờ. Ni chần chừ nhìn ông thêm lát nữa, rồi bước đến vén rèm cửa sổ, nhìn ra.

Tiếng chó sủa thất thanh. Người con dâu của bà lão tông cửa chạy ra ngoài, vừa chạy, vừa hét: “Tha cho tui! Tha cho tui!”. Phía sau, bà lão hàng xóm già nua khắc khổ bình thản bước ra, nhìn theo, trên tay là điếu thuốc Cẩm Lệ cháy dở. Đầu điếu thuốc bất chợt lóe đỏ, đỏ màu đỏ của đôi mắt bà dại cuồng…

*

Anh ra đi, chỉ để lại một lời giải thích cay đắng: “Em bị ám ảnh nhiều quá! Những chuyện vô thưởng vô phạt của em ám ảnh cả hai đứa mình…”. Ni không khóc, không thể khóc, dẫu lòng đau ghê gớm. Ni chỉ còn hỏi với theo được một câu: “Anh không thể thông cảm cho em sao, anh?”. Anh quay lại, nhìn Ni, hờ hững: “Thà em ám ảnh tình yêu cũ của em. Thà em đau đớn với những thứ chính bản thân em vấy vào. Đằng này, toàn ma, toàn quỷ… Anh biết thông cảm thế nào đây?”….

*

Căn nhà gỗ nhìn từ cửa sổ phòng Ni giờ hoang lạnh. Cỏ mọc um tùm quanh nhà khiến không gian càng trở nên ẩm thấp. Người con dâu không còn về đó nữa. Con trai và hai đứa cháu của bà lão cũng vẫn chẳng thấy đâu. Có lẽ họ vẫn đang cố ngụp lặn để chạy trốn sóng gió của cuộc đời mà do một phần quan trọng của cuộc sống họ gây ra.

Từ sau dạo ấy, Ni không còn thấy bà lão. Cũng chẳng còn thấy ông nội. Chỉ thỉnh thoảng, Ni ngửi được mùi thuốc Cẩm Lệ thoang thoáng phả vào phòng mình từ phía căn nhà gỗ ấy – nơi vừa phát ra tiếng khua gậy quen thuộc của tuổi thơ Ni.

*

Cha lều phều gọi mẹ vào phòng. Ni lấp ló đứng ngoài, lừng khừng với nửa suy nghĩ thương yêu – nửa xúc cảm căm giận.

Mẹ khóc như nấc. Ni nghe cha thều thào thú nhận vợ riêng, con riêng của mình – những người đang vò võ đợi cha về với lời hứa sẽ đem ít tiền bạc, của cải để họ được sống an nhàn.

Chị hai, chị Na cũng vừa về tới, loáng thoáng nghe câu chuyện của cha. Chị hai lặng im, không nói. Có lẽ, tuổi thơ chị đã nuôi nấng sự lặng im chịu đựng này cho cả cuộc đời chị chưa bao giờ thôi chông chênh. Chị Na lao ầm ào vào phòng, lớn giọng: “Cha đi bỏ tụi con, bỏ mẹ chừng đó năm trời. Giờ, cha về, làm khổ mẹ. Lại còn muốn mẹ chia tài sản của mẹ cho những người đã giành giựt cha với tụi con sao? Cha đừng hòng. Bọn họ đừng hòng”…

Cha nhìn chị Na trân trối rồi quay sang mẹ van xin… Cha nhìn vào khoảng không sau lưng mẹ – chỉ là bức tường vôi – nói rên rỉ: “Ba! Đừng!… Con lạy ba!”.

Cha tắt thở!

Cha bị ung thư cuốn tim. Ừ, có lẽ, trái tim cha không đủ chỗ cho tất cả những người cha buộc phải “kiếm cơm” cho. Có lẽ, trái tim cha chỉ đủ để cha rướn tìm những giấc ngủ không bị quấy phá! Và, cha lặng lẽ ra đi. Chưa kịp nhìn thấy cái lắc đầu hay cái gật đầu của mẹ. Thứ cuối cùng cha nhìn thấy, là sự phẫn giận của một trong số những giọt máu của cha – thành quả, kết quả hay hậu quả gì đó mà mãi mãi chị em Ni không bao giờ giải thích được, chẳng bao giờ gọi tên được để mà định nghĩa.

 

Nhóm 4.0

+> Đọc thêm truyện ngắn Hết duyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No votes yet.
Please wait...