MẤT LỬA

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Theo ý kiến cá nhân mình thì bất cứ công việc, ngành nghề nào cũng cần có lửa – ngoài những yếu tố tiền đề như phù hợp, đam mê,… Và công việc viết lách cũng không ngoại lệ.

Lửa có thể hiểu là một chất xúc tác để kích thích sự ham thích, đam mê trong công việc. Bởi như chúng ta đã biết, dù ban đầu bản thân có thích một điều gì đó nhiều đến đâu nhưng khi nó trở thành công việc mà mình phải làm mỗi ngày thì sự yêu thích kia sẽ ít nhiều vơi đi. Không những thế, những khó khăn, rào cản tất yếu trong công việc sẽ bào mòn sự ham thích ban đầu. Khi đó, chúng ta thường gọi là “mất lửa”. Trong công việc này, mình cũng trải qua cảm giác “mất lửa” như vậy. Không chỉ một mà nhiều lần.

Đó là cảm giác chán nản và hờ hững với bàn phím, con chữ – những thứ từng tưởng rằng sẽ mãi là bạn đồng hành thân thiết trên con đường sáng tác này. Cảm giác không còn trăn trở về nhân vật nữa thay vào đó là sự thờ ơ. Ngoài ra, còn có cảm giác không hài lòng với chính những điều mình viết ra nhưng thật tình không biết cách sửa sao cho thỏa mãn.

mat - lua

Giữ lửa cho tâm hồn

Những lúc đó, mình thường tự refresh bản thân bằng cách nghe một bài hát yêu thích, xem một bộ phim cũ từng làm mình say mê để tìm lại cảm xúc cho chính mình. Nhưng tất nhiên đó chỉ là biện pháp nhất thời, mình vẫn luôn băn khoăn tự hỏi làm sao để biết cách giữ lửa, để ngọn lửa đam mê không bao giờ tắt – dẫu đôi khi nó không quá ngùn ngụt?

Mình từng được truyền kinh nghiệm rằng đọc là một trong những cách giữ lửa tốt và không bao giờ cũ. Không những đem lại kiến thức, cảm xúc, việc đọc còn giúp người viết lấy lại năng lượng và cảm hứng làm việc. Mình được dạy phải biến việc đọc thành thói quen và trách nhiệm trong nghề để thực hiện mỗi ngày. Năm mươi hay một trăm trang sách cho một ngày không quá to tát nhưng lâu dần nó sẽ là nền tảng vững chắc cho ngọn lửa đam mê.

Có một người anh trong nghề từng cho một lời khuyên khác, đó là viết mỗi ngày. Viết khi muốn viết là điều quá dễ dàng; nhưng viết cả khi không muốn viết sẽ là điều cần phải tập. Khi cảm thấy chán chường, không cảm xúc và trong đầu dường như trống rỗng, ta biết viết gì đây? Thưa rằng cứ viết những cảm xúc ấy và tình trạng của bản thân. Dùng chính việc viết để diễn đạt sự mất lửa trong việc viết. Anh cho rằng đó là lúc ta được quyền viết mà không phải quan tâm bất cứ thước đo, chuẩn mực nào, viết như kiểu “điếc không sợ súng” càng tốt. Đó không phải là cách thổi bùng ngọn lửa leo lét thành hừng hực nhưng đó là cách để giữ cho nó không bao giờ tắt đi.

Đi! Đi là một hoạt động khá được ưa chuộng ở giới trẻ trong thời hiện đại, nhất là với những bạn trẻ năng động và những người có chất lượng cuộc sống cao. Tất nhiên đi ở đây không nhất thiết phải là những chuyến du lịch hoành tráng, xa xôi hay những chuyến phượt trèo đèo lội suối. Theo mình, đi trong ngữ cảnh này có thể được hiểu là vận động và dịch chuyển để không bị thụt lùi, để nhìn ngắm thế giới, tương tác với xã hội – đó là cách kéo mình ra khỏi sự trì trệ, chùng chình của tâm hồn. Hơn nữa, đó cũng là điều kích thích ham muốn truyền đạt – một trong những tiền đề của việc viết lách – ở ta, giúp ta dễ dàng quay trở lại với con chữ sau những giây phút ơ hờ.

Những chia sẻ trên chỉ là chia sẻ mình đã được nhận và đang trong giai đoạn tập tành để đưa chúng thành thói quen. Mình chia sẻ lên đây với hy vọng nếu ai đó cũng đang rơi vào tình trạng mất lửa như mình, sẽ tìm được một gợi ý phù hợp để bắt lửa lại cho chính bản thân.

SG, 01/11/2018

Diệp Thanh

=> Đọc thêm: Những ngày cảm xúc đi lạc

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...