Một phim về phụ nữ thời chiến

No votes yet.
Please wait...

“Thương nhớ ở ai” là một phim về phụ nữ thời chiến, thế nên những bất hạnh, hẩm hiu luôn phảng phất trong tác phẩm này từ đầu tới khi kết thúc.

Thương Nhớ Ở Ai khiến nhiều người phải thương cảm, xót xa hết mực cho thân phận những người con gái trong phim. Làng Đông trong phim không khác nào ngôi làng ác mộng cho mọi cô gái chọn đó làm địa điểm sinh sống của mình.

Nhiều địa điểm nổi bật trong làng Đông bị mất tên và được người làng gán cho những cái tên mới rất thê lương như là bến Tình thì đổi thành bến Không Chồng, xóm Đoài cũng bị đổi thành xóm Không Chồng. Đến nỗi nhiều người cho rằng có lẽ làng Đông cũng nên đổi tên thành làng Truân Chuyên cho xong vì gần như mọi cuộc đời đau khổ nhất của người con gái mà tác giả có thể nghĩ ra thì đều xuất hiện hết ở trong làng Đông rồi.

thuong-nho-o-ai1

Ảnh 1. Ảnh minh họa.

Bộ phim chuyển thể từ nguyên tác Bến Không Chồng của nhà văn Dương Hướng nhưng được phóng tác thêm theo tư tưởng của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Đây là lần thứ hai ông thực hiện chuyển thể tiểu thuyết này. Trước đó, vào năm 2000, ông cũng đã làm một phiên bản điện ảnh và sắm luôn vai chính trong phim. Thương Nhớ Ở Ai tập trung vào 1 giai đoạn lịch sử dân tộc, khi những người đàn ông, thanh niên trai tráng ra trận còn phụ nữ mòn mỏi đợi chờ.

Chờ đợi, đợi chờ rồi cũng chẳng có gì ngoài tàn phai

thuong-nho-o-ai2

Ảnh 2. Bà Nhân là một trong những người có số phận đau khổ nhất trong phim

Một trong những người đau khổ nhất vì chiến tranh có lẽ là bà Nhân. Sau hai cuộc chiến, bà Nhân mất chồng và cả hai đứa con trai, mất luôn cả tuổi thanh xuân, phải sống cô độc lẻ bóng một mình vì định kiến của người làng đối với vợ liệt sĩ. Nỗi đau của bà Nhân được ghép nên bởi hai mảnh ghép tiêu biểu cho thời kỳ đó là nỗi buồn của người nhận vành tang trắng nơi hậu phương trong chiến tranh và gánh nặng của người phụ nữ dưới định kiến xã hội.

Mất đi tất cả những người đàn ông trong đời, tất cả những gì bà Nhân hy vọng đều dồn hết vào cho Hạnh, đứa con gái duy nhất. Tuy nhiên, số phận, cảnh ngộ của Hạnh cũng chẳng suôn sẻ gì cho cam. Bà Nhân ngày một già đi, Hạnh lại thế chỗ mẹ làm “Hòn Vọng Phu” ở Bến Không Chồng.

Sau khi mối tình của bà Nhân và ông Vạn vỡ nát vì định kiến của người làng, phim chuyển trọng tâm sang chuyện tình giữa Hạnh và Nghĩa khi cô đã trưởng thành. Hai người trẻ đủ dũng cảm và ý chí để vượt qua được mối thù truyền kiếp cũng như lời nguyền độc địa giữa 2 dòng họ Vũ và dòng họ Nguyễn. Tuy nhiên, kỳ tích vừa xảy ra thì chiến tranh ập đến. Nghĩa phải lên đường tòng quân theo tiếng gọi của Tổ Quốc, để lại Hạnh ở lại với quãng thời gian chờ đợi dằng dặc 10 năm.

thuong-nho-o-ai3

Ảnh 3. Con của Nhân thậm chí còn có số phận thê thảm hơn cả mẹ mình.

Đến khi Nghĩa trở về, anh lại mắc bệnh vô sinh, không thể có con. Tuy nhiên người trong họ lại đổ hết cái tội không sinh được lên đầu Hạnh. Để rồi sau bao năm tháng chờ đợi, thanh xuân đã phai nhạt, héo mòn, Hạnh phải chứng kiến chồng mình đi lấy vợ khác. Quá đau buồn, đến mức suýt nữa hoá điên, cô tìm đến ông Vạn, người tình cũ của mẹ để trao thân.

Đôi khi hạnh phúc không đến vì ta không thể bao dung

thuong-nho-o-ai4

Ảnh 4. Nhân vật Cúc trong phim.

Một trong những kiểu nỗi đau chiến tranh khác là trường hợp của Cúc. Là một trong những người lấy chồng sớm nhất trong nhóm bạn. Cúc được nhiều người ghen tị bởi lấy được anh chàng tốt tính, thiên lương. Tuy nhiên, ngày anh chồng trở về cũng là ngày Cúc phải giật mình trước thực tại đang phơi bày ra trước mắt. Chồng cô bị bom Napalm huỷ hoại mất một nửa khuôn mặt. Không chịu nổi cái nhìn của chồng, Cúc trả lại trầu cau cho anh và bỏ làng lên thành phố làm lao công.

thuong-nho-o-ai5

Ảnh 5. Thắm nhớ về mối tình cũ đứt gánh giữa đường.

Bạn của Cúc là Thắm. Cô là một trong những người có khả năng hạnh phúc lớn nhất phim. Thắm là người thực dụng. Chiến tranh đến, trai làng đi chẳng còn ai. Cúc chọn Tùng Nghi làm chồng vì nghĩ gia thế của anh đủ để phục vụ cho cái dạ dày của mình. Tuy nhiên, cô lại chê chồng vì “tội” thọt chân. Đương lúc có một tiểu đội pháo binh hành quân qua, Thắm cảm nắng một anh lính tên Thấu. Cô quyết định bỏ trốn theo anh vào Nam, bỏ mặc Tùng Nghi ở lại một mình.

Nhưng cuối cùng, mối tình đầy tính phiêu lưu và lãng mạn này cũng đâm đầu vào ngõ cụt. Thắm bị tiểu đội trưởng của Thấu phát hiện và đuổi về Bắc. Trên đường đi, cô đã để bị sảy đứa con đang mang trong bụng với Thấu.

Đẹp, cũng chính là một cái tội không biết cách nào gột rửa

Vì là bộ phim đại diện cho cả một giai đoạn lịch sử nên Thương Nhớ Ở Ai cũng không bỏ qua việc xây dựng các tuyến nhân vật làm nghề ca nương, một nghề nghiệp mà thời bấy giờ xã hội vẫn chưa có một cái nhìn đúng đắn và bị định kiến là nghề mang đến lạc thú cho đàn ông.

Đầu tiên là Thuỷ, cô gái có biệt danh là Thị Màu. Cô mang biệt danh như vậy bởi Thuỷ sở hữu giọng hát chèo rất hay và diễn vai Thị Màu trong vở Quan Âm Thị Kính rất điêu luyện. Cũng chính vì giọng hát và cái nét lẳng lơ trời sinh ấy mà Thị Màu được cánh đàn ông cả trong lẫn ngoài làng để ý. Trước ngày hội quân ra trận, cô tập hợp các thanh niên trong làng lại để hát cho họ nghe. Việc làm này khiến Màu bị nghi vào tội mua dâm, làm ô nhục thuần phong mỹ tục. Để bảo sự trong sáng của bản thân, cô đã nhảy xuống sông tự vẫn.

Người ca nương thứ 2 là Nương. Cô là một trong các nhân vật nổi bật nhất trong Thương Nhớ Ở Ai nhờ vẻ ngoài bốc lửa, cách nói chuyện cứng cáp và tính cách độc lập, mạnh mẽ. Cô là người duy nhất dám đứng ra bênh vực anh Hớn, người bị đổ oan cho tội làm địa chủ. Cũng chính vì điều đấy mà Nương coi gã Đột chủ tịch xã như kẻ thù của mình.

Trớ trêu thay, Đột lại phải lòng Nương. Anh si mê cô bằng tất cả cõi lòng và nguyện từ bỏ tất cả vì cô nhưng vẫn không có được sự tha thứ của người trong mộng. Cuối cùng, sau 10 năm ròng rã trao gửi tình cảm, Đột cũng được Nương tha thứ và chấp nhận cùng tiến đến đám cưới một cách hạnh phúc và tự nguyện. Tuy nhiên, ngay trong giây phút đáng lẽ ra phải hạnh phúc nhất cuộc đời mình, Nương lại bị loạt bom của máy bay Mỹ sát hại, để lại chú rể Đột đau khổ cào bới nắm đất tro tàn nơi người yêu bỏ mạng.

Tạm kết

Bên cạnh những cuộc đời của các nhân vật trên vẫn còn đó những mảnh đời, số phận phụ nữ hẩm hiu khác như chuyện của bà Hơn, chuyện của Dâu, chuyện của chị Liễu… Họ đều là những nạn nhân của chiến tranh, của định kiến xã hội, của nỗi sợ hãi nội tại trước lời ong tiếng ve của người đời, hay nói tổng quát hơn, họ là những nạn nhân của thời đại.

Vậy nên, làng Đông có thể là một ngôi làng hư cấu không có thật, được dựng lên từ tổng hợp các câu chuyện không hề hiếm trong xã hội Việt Nam thời kỳ 1955-1975 nhưng nó mang tính đại diện cho cả một giai đoạn lịch sử. Cũng như nhân vật Hơn trong phim đã từng nói “Sau ngôi làng này là gì ư? Sau ngôi làng này là một ngôi làng khác. Mà tôi cũng chẳng biết chắc được, tôi đã bao giờ ra khỏi làng này bao giờ đâu.”

Nguyên An

=> Đọc thêm:Review phim Vùng đất câm lặng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Key liên quan:

  • https://nhom40 com/mot-phim-ve-phu-nu-thoi-chien/
No votes yet.
Please wait...