“NHỮNG HẠT GẠO XOAY TRÒN” CỦA NGUYỄN ANH ĐÀO AN NHIÊN GIỮA NHỮNG ĐỚN ĐAU, MẤT MÁT

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Tôi thường hay viết về Đào, về tác phẩm của Đào theo hướng khẳng định rằng, chị không phải chỉ viết được về đàn bà, về nỗi đau của đàn bà; chị có thể viết thật về nỗi đau do những người đàn bà đã để lại trong cuộc đời của những người đàn ông. Nhưng ở “Những hạt gạo xoay tròn” lần này, tự Đào đã khẳng định điều ấy với độc giả của mình – ở ngay “Lời ngỏ” – nên tôi sẽ viết về Đào và tác phẩm này theo một hướng khác đi một chút.

Tôi thích tính hình tượng trong tuyển tập truyện ngắn “Những hạt gạo xoay tròn” của Đào – rất thích. Ung nhiên, bình thản theo cách có thể lắng lại những gợn sóng giữa dòng đời. Nếu trước đây, chỉ từ nồi cá kho, Đào có thể bật lên thân phận của một con người giữa cuộc đời đắng đót; thì nay, một lon bia – “Lon bia trong tủ lạnh” – đủ để Đào khắc họa rõ nét đời sống vợ chồng thời facebook – hào nhoáng ảo mà cô đơn lại rất thật. Có lẽ, bạn đọc không thể đồng tình nếu tôi nói rằng, “Lon bia trong tủ lạnh” là truyện ngắn khiến tôi lưu tâm nhất trong tập sách này. Một truyện ngắn không hề có cao trào! Nhưng thật là thế, chính vì Đào xây dựng một câu chuyện quá bình thản, trung dung; trong khi nỗi cô đơn cứ ứ cuộn, dọa vỡ, nên tôi mới thấy, hình tượng này đủ sắc sảo để mình phải lật lại, đọc vài lần rồi mới dám đặt tay viết.

nhung-hat-gao-xoay-tron-1
“Những hạt gạo xoay tròn” – Nguyễn Anh Đào

Tiếp đến, tôi lưu tâm và nghĩ ngợi nhiều đến hình ảnh những bậc thang – “Những bậc thang” – của Đào. Thông thường, các tác giả – kể cả tôi – nếu “đụng” đến hình tượng này, sẽ cho nhân vật đi lên; như một kiểu tạo ra hy vọng cho nhân vật của mình. Đào thì khác! Chị “bập” vào và cho luôn chuyện nhân vật phải đi xuống, thậm chí là không thể đi xuống; để rồi, nhịp nghỉ cầu thang chật hẹp ấy như đoạn nghỉ không biết đến lúc nào có thể tiếp tục trong mối quan hệ giữa hai người. Rõ ràng, cuộc đời còn rất nhiều bậc thang, chứ đâu phải chỉ 18 bậc yếu đuối đó?!

Một điển hình rõ nét để có thể khẳng định rằng Đào viết về đàn ông, về nỗi đau của đàn ông cũng day dứt không kém như chị đã viết về đàn bà – “Người ở lại sân ga”. Thật sự, khi đọc đến đoạn – hay nói rõ ràng nhất là “nhìn thấy” hình ảnh – người cha nắm trong tay những chiếc vé tàu, lòng tôi chùng hẳn lại. Xã hội ví von đàn bà như một sân ga, đợi tàu đến – đi và hy vọng tàu quay trở lại. Nhưng ở đây, Đào lại lột tả được sự thật xã hội – có những người đàn ông nhìn những “con tàu” của cuộc đời mình lăn bánh, rời đi; trong số ấy, có “con tàu” quay trở lại nhưng có “con tàu” chắc chắn mãi mãi không quay về. Đào luôn hướng được tác phẩm đến sự tích cực, hy vọng; nhưng cảm giác dư dứ chị đã để lại, cho những thực tại buồn rõ ràng không dễ mất đi.

Một ví dụ khác nữa, là “Tuổi thơ ám ảnh” – nỗi đau người vợ để lại cho chồng mình, cho gia đình mình, từ thứ lẽ ra phải thừa nhận là “nỗi đau đã cũ” của cô ấy. Tôi biết, có những nỗi đau lớn đến mức trở thành ám ảnh; mà ám ảnh thì không ai dễ quên, dễ vượt qua. Nhưng tại sao tôi lại cố tình gọi đấy là “nỗi đau đã cũ”? Bởi nếu không thế, tự con người sẽ tổn hại đến hạnh phúc của chính mình; trên hết, sẽ tổn hại đến cảm xúc của những người mình yêu thương – như nhân vật nữ trong truyện ngắn này vậy.

Bên cạnh những hình tượng được khai thác rõ ràng – nhưng hoàn toàn không phô phang – thì tác giả Nguyễn Anh Đào còn hình tượng hóa được nhiều thứ khác nữa để bật lên hết khả năng quan sát, góc nhìn, tư duy… của mình về cuộc đời, về thân phận con người, về nụ cười và cả nước mắt. Ví như, “Hoa tiên trên đỉnh núi” — hai hình tượng tương phản về bản chất, thể hiện hết sự cô độc của một con người giữa tột cùng đau khổ và xem cái chết như một sự giải thoát cuối cùng; hoặc, “Vùng ký ức trắng” – tô sáng màu trinh nguyên, tươi đẹp cho vùng kỷ niệm một người muốn dành riêng cho một người mà họ tin là xứng đáng.

Tôi muốn “ưu ái” hơn cho “Những hạt gạo xoay tròn” – truyện “đinh” của tập – và cũng chỉ xoay quanh hình tượng của tác phẩm này. Trước nhất, có lẽ không phải ai cũng biết đến hủ tục này – rải gạo dẫn đường cho một sự mong cầu được dựng nên từ giữa lẫn lộn hy vọng và tuyệt vọng. Thế nên, khi Đào đưa hình ảnh này vào truyện, lại chọn làm hình tượng chính cho tac phẩm – và cũng đủ lớn để làm hình tượng “đinh” cho cả tập – thật là tôi nổi gai ốc. Tiếp đến, đằng sau hình tượng này, là sự khắc khoải của những người đàn bà – trong cùng một gia đình nhưng khác thời, khác cách nghĩ – về hạnh phúc đích thực, dĩ nhiên cũng theo khái niệm riêng của từng người. Và chính từ sự khác biệt – hoặc có thể hiểu là đối lập – giữa những nhân vật trong tác phẩm này, tự độc giả sẽ tìm thấy khái niệm của mình về hạnh phúc trọn vẹn. Và trên tất cả mọi thứ, cách Đào trung dung với cả những đoạn mô tả gián tiếp việc nhân vật “bán linh hồn cho quỷ” khiến tôi càng rùng mình. Có lẽ, đó là khoảnh khắc tôi phải dừng lại, nghiêm túc tự hỏi, con người đi suốt cuộc đời, bao nhiêu lần lạc giữa hai ngả dẫn về thiên đường và địa ngục; thậm chí, chúng ta đã bao nhiêu lần lầm tưởng quỷ sứ đủ sức nắm giữ và quyết định niềm tin tâm linh của mình – thứ chỉ hinh thành khi cuộc sống thực đứng ở bờ vực bế tắc?! Thật sự, hình tượng này đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

Nếu có thời gian để luận bàn thêm về những kỹ thuật khác nữa trong văn của Đào, tôi nghĩ, có lẽ chị cũng còn nhiều điểm hạn chế trong văn của mình. Nhưng ở đây, khi chỉ nhìn câu chuyện qua góc nhìn hình tượng, theo tôi đây là một tuyển tập dễ đọc nhưng rất khó quên. Có gì đó bình lặng lắm, an nhiên lắm mà cũng đau đáu lắm…

 

T.T.T

=> Đọc thêm: “Trái tim rồng” – Truyện ngắn hay

 

 

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...