TÂM MA | NGOẠI TRUYỆN 2: ĐỒNG HỒ

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

PHẦN 1: DUYÊN PHẬN

Nhi giật mình tỉnh dậy. Ba giờ sáng! Đã bao lâu rồi cô mới lại tỉnh dậy giữa chừng? Không còn hốt hoảng hay lo lắng, nhưng Nhi ngạc nhiên, sự tỉnh dậy của cô như đang báo trước một điều gì đó!

Nhi ngồi dậy, căn phòng nhỏ tối đen, im lìm, vắng lặng. Tiếng đồng hồ chạy tích tắc vẫn đều đều, vang vọng rõ từng âm thanh nghe rất sắc, lạnh lùng, đến mức làm Nhi thấy khó chịu, như thể, có một âm điệu, rất nhỏ nhưng rõ ràng đang ngâm nga, thì thầm lẫn trong tiếng tích tắc của kim đồng hồ chạy đều đều, chầm chậm.

Tiếng nói ấy rất nhỏ, như tiếng của trẻ con, thì thào, tiếng hơi thở gấp rút, tiếng bước chân chạy, nện từng bước huỳnh huỵch trên hành lang, tiếng cười khúc khích. Ngưng lại. Nhi không còn nghe thấy gì nữa.

Màn đêm vẫn đen đặc,

im lìm. Không gian yên ắng tuyệt đối, không còn nghe thấy tiếng đồng hồ kêu tích tắc. Nhi ngạc nhiên, thời gian như ngưng đọng, ngừng trôi.

tam-ma-anh-trong
“Tâm ma” Truyện hay – Nhóm 4.0

Nhón chân xuống giường, bước từng bước thật chậm và nhẹ như thể đang sợ đánh thức hay làm phiền ai đó, Nhi đẩy nhẹ cánh cửa, bước đi, mắt dò dẫm trong bóng đêm dè chừng và tìm kiếm. Chợt, Nhi khựng lại, hình như lúc nãy, có thứ gì đó tròn tròn, đen bóng vừa luồn qua chân cô.

Nhi điếng người, là chuột ư? Chưa bao giờ Nhi có cảm giác sợ hãi như lúc này – ngay trong nhà mình. Quay đầu lại, cái thứ đen bóng, tròn tròn – còn đen hơn màu của bóng đêm từ từ lăn lông lốc vào phòng thờ ông nội.

Cánh cửa vẫn đóng, Nhi đứng ở ngoài, cố tự nhủ rằng chẳng có gì để sợ. Đây là nhà Nhi, bên trong kia là phòng thờ ông nội. Thế nhưng cô vẫn run rẩy chạm vào tay nắm cửa; một phần nào đó trong cô ngăn lại, thôi thúc cô chạy trốn nhưng sự tò mò cứ đẩy cô tiến lên. Có gì đó bên trong?

Nhi mở cửa, ánh sáng mù mờ của hai bóng đèn quả nhót trên bệ thờ hắt ra một màu đỏ au, u ám. Căn phòng nhỏ, bức bối trong ánh sáng lờ nhờ và ám nồng nặc mùi nhang, lẫn với một mùi gì đó, thoang thoảng như mùi dầu gió mà ông vẫn thường hay xức. Nhi giật mình, cô nhìn thấy ông đang đứng ngay cạnh bàn thờ.

Ông vẫn mặc bộ đồ ka ki cũ, nhìn Nhi cười, gương mặt và nụ cười ông nhợt nhạt như có phần u sầu và buồn thê thiết. Rồi, chẳng nói gì, ông quay người đi, biến mất.

– Ông…! – Ngạc nhiên lẫn nghẹn ngào, Nhi gọi với theo, nhưng ông đã đi rồi.

Quay trở về phòng nhưng không tài nào ngủ lại được. Vừa rồi Nhi bị hoa mắt chăng? Nhi không muốn tin ông vẫn còn ở lại, một người tốt như ông chắc chắn đã được lên thiên đường, còn điều gì khiến ông day dứt, khiến ông đau lòng mà không thể ra đi?

***

Mấy đêm rồi Nhi đều mơ thấy ông. Ông ngồi vào bàn làm việc, tỉ mẩn tháo từng con ốc, áp tai lắng nghe sự sống trong mỗi chiếc đồng hồ. Nhi ngồi trên chiếc ghế nhỏ đối diện, vẫn là một cô bé con tròn xoe mắt nhìn người thợ sửa đồng hồ đầy ngưỡng mộ. Thỉnh thoảng ông sẽ ngẩng đầu lên, cười với Nhi, cho Nhi xem vài chiếc đồng hồ quả quýt nhỏ đã chết cứng nhưng chỉ bằng vài cái lắc tay, vài cú chạm nhẹ, chiếc đồng hồ đã có thể chuyển động bình thường. Lúc ấy, cô gái nhỏ kinh ngạc há hốc miệng, cô cho rằng ông là một người tài giỏi và vĩ đại nhất trên đời – người canh giữ thời gian. Ông có nhiệm vụ giữ cho những chiếc đồng hồ luôn sống; chẳng hiểu bằng một cách nào đó, Nhi tin rằng, nếu tất cả đồng hồ trên thế gian này chết đi, thời gian sẽ ngừng lại, cả thế giới sẽ trở nên bất động, đứng yên. Điều đó quả là đáng sợ!

Những giấc mơ cứ trở đi trở lại y như thế; sáng nào Nhi tỉnh giấc, chiếc gối cũng đều ướt đẫm nước mắt.

Nhi không dám nói chuyện mình mơ thấy ông cho ba mẹ biết, vì sợ ba mẹ buồn, sợ ba mẹ phải suy nghĩ linh tinh, vì chính Nhi cũng phải suy nghĩ, ông muốn nhắn nhủ điều gì đó ư?

Mẹ than phiền về tiếng động lạ trên căn gác mái; mấy đêm rồi mẹ bị tỉnh giấc, giữa đêm, vì nghe thấy tiếng rục rịch, lục cục, rầm rầm. Mẹ nghĩ là do bọn chuột; con mèo Mun mấy hôm nay không thấy bóng dáng, đĩa thức ăn trên bậu cửa sổ vẫn còn nguyên đã mốc meo. Thỉnh thoảng nó vẫn đi như thế, lang bạt kiếm bạn tình, được mấy hôm lại trở về, nhưng lần này, có vẻ như nó đã ở bên một cô nàng nào đó lâu hơn những lần trước, và chẳng hiểu sao, Nhi thấy sợ.

Mẹ giao cho Nhi nhiệm vụ dọn dẹp căn gác mái, vì trong nhà chẳng ai có thời gian rảnh rỗi ngoài Nhi. Ba đang bù đầu trong một dự án, mẹ luôn luôn than phiền, bận rộn bởi hàng đống thứ linh tinh, chỉ còn Nhi trong khi đợi chờ được gọi đi phỏng vấn, chẳng có việc gì làm, cả ngày ăn, xem ti vi rồi lại ngủ.

Nhi cầm khăn và chổi leo lên căn gác mái. Cầu thang gỗ dốc đứng, mở cửa ra, một lớp bụi dày bay lơ lửng trong không khí. Cánh cửa gỗ đã mọt rỗng, nhẹ tênh, Nhi lo lắng, không biết bọn mối này đã ăn mòn căn nhà đến đâu.

Đồ đạc phủ một lớp bụi dày, nằm ngổn ngang, chồng chất. Một dãy đồng hồ quả lắc được ba cất trên đây, im lìm, không ai nhìn ngó. Kim đồng hồ vẫn chạy nhưng đã lệch giờ, quả lắc uể oải đung đưa những vòng chậm chạp. Trong dãy đồng hồ đó, có một chiếc nằm ngoài cùng đã chết; kim đồng hồ bất động, đứng im.

Khi dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc, Nhi tìm thấy một cái rương gỗ, khóa chặt nằm ở góc trong cùng, dưới đáy của một đống tạp chí và sách báo cũ. Nhi tò mò muốn mở, nhưng không có chìa khóa, có vẻ như chiếc rương gỗ này đã nằm ở đây lâu lắm rồi. Nhi thấy tò mò khủng khiếp.

Nhi nhìn ngắm chiếc rương, có lẽ nó là của ông nội, bởi trước kia, căn gác mái là nơi làm việc của ông, ba và mẹ chẳng khi nào đặt chân đến. Lục tìm mọi ngóc ngách, mong tìm ra được chìa khóa nhưng chẳng thấy gì, thất vọng, cô ngồi bệt xuống sàn nghỉ ngơi, lau mồ hôi trên trán. Phía đối diện, ngay tầm mắt cô, chiếc đồng hồ quả lắc chết đứng, im lìm. Chẳng hiểu sao, nhìn nó làm Nhi thấy khó chịu.

Mày mò tháo được vỏ hộp đồng hồ ra, Nhi không biết sửa; trước nay, cô luôn thích xem ông nội sửa đồng hồ nhưng lại chưa bao giờ học cách sửa cả. Nhưng chẳng lẽ cháu gái của một thợ sửa đồng hồ danh tiếng lại không biết gì? Nhi thấy không cam tâm, cô chỉnh lại gông sao cho khớp đều với các búa, lên lại dây cót… làm đủ mọi thứ mà Nhi nghĩ một người thợ sửa đồng hồ có thể làm nhưng những chiếc kim dài vẫn đứng yên, bất động.

Chợt, Nhi nghĩ đến điều ông vẫn thường hay nói với cô, rằng mỗi chiếc đồng hồ đều chứa đựng một linh hồn riêng, sự sống không mất đi, ngay cả trong một chiếc đồng hồ đã chết! Vốn chưa bao giờ Nhi hiểu được câu nói của ông, nhưng cô vẫn muốn thử. Lắng nghe sự sống ư? Nhi áp tai, gần như nín thở, lắng nghe.

Yên ắng, rồi có nhịp đập chầm chậm vang lên, không biết là Nhi đang nghe được tiếng tim mình đập, tiếng đồng hồ chạy hay một thứ gì đó khác. Có tiếng bước chân, tiếng thở dài, buồn não ruột, rồi một tiếng rít chói tai ré lên khiến Nhi phải giật mình.

Nhi hoảng hồn, bật người dậy. Sợ hãi. Chiếc đồng hồ nằm ngang dưới nền nhà nhưng quả lắc vẫn đung đưa, lúc lắc. Kim phút nhếch tới mười hai giờ, đồng hồ điểm chuông, một điệu nhạc thánh thót vang lên, ngân nga kéo dài, Nhi rùng mình, sống lưng lạnh toát.

Bản nhạc kết thúc, bình tĩnh hơn, Nhi dựng chiếc đồng hồ vào góc phòng. “Kịch” một tiếng, có thứ gì bung ra; quay đầu nhìn lại, một chiếc chìa khóa nằm trên sàn nhà. Nhi nhặt lên, có lẽ chìa khóa được giấu trong hộp đồng hồ, rơi ra khi Nhi mở nắp. Thử tra vào ổ khóa chiếc rương gỗ, chẳng có chút hy vọng gì hơn nhưng bất ngờ, Nhi xoay chìa, ổ khóa kêu cái “tách”, mở ra.

Nhi cực kỳ ngạc nhiên, đến mức cảm thấy có chút gì đó gần như sắp đặt. Ngần ngại một hồi rồi cô mới mở nắp rương ra, bên trong chẳng có gì nhiều ngoài một mớ thư từ và một cuốn sổ bọc da.

Cuốn sổ của ông nội, nét chữ cứng cáp, thẳng hàng mà vừa nhìn vào là Nhi nhận ra ngay, nhưng đó không phải là một cuốn sổ bình thường mà là một cuốn nhật ký. Ông nội viết nhật ký ư? Nhi hồi hộp, như vừa phát hiện một bí mật vô cùng lớn lao mà mình không được phép. Nhi lấy cuốn sổ, cùng tất cả thư từ, giấy tờ trong rương, bọc lại trong một tấm nilon đen, mang về phòng.

***

Nhi ngồi trên giường, cuốn nhật ký đã được gấp lại, nằm trong tay, một tờ giấy trong cuốn sổ đã bị bung, lệch hẳn ra. Nhi rút nó ra, ngạc nhiên vì cái màu vàng ố, cũ mèm của nó không hề đồng nhất với trang giấy nào trong cuốn sổ.

“Thật lâu sau tôi mới dám quay lại căn nhà ấy – nơi chứa bao kỷ niệm yêu thương lẫn đau buồn nhất cuộc đời tôi. Giờ, nó đã tan hoang, chẳng còn lại gì cả, cứ như thể những năm tháng tôi sống ở đây, trải qua cùng em chỉ như một giấc chiêm bao mộng mị. Tôi cứ lang thang ở đấy, như người mất hồn, mong gặp được em, nơi đây là vườn hoa, chỗ này đặt xích đu em hay ngồi hóng gió, giờ chỉ là một đám đổ nát đầy gạch vữa. Từ chỗ tôi đang đứng hướng thẳng về phía đông, trước kia là căn phòng em, cửa sổ luôn để mở và những tấm chiếu mành quanh năm đều buông rủ xuống – nơi em đã sống một đời con gái trong nhung lụa, yên bình để rồi em lại kết thúc cuộc đời mình ở nơi đó. Em đang ở đâu? Tại sao em lại không bao giờ tìm gặp tôi, cũng chưa khi nào em xuất hiện trong giấc mơ của tôi cả. Có phải, em chưa bao giờ tha thứ cho tôi?

Lòng tôi đau thắt, nhưng tôi không khóc được, chưa bao giờ tôi khóc vì em, kể cả khi tôi nghe tin em đã chết. Với tôi, em vẫn sống, vẫn ở đâu đây, em đang thử thách tôi và bắt tôi phải kiếm tìm. Tôi phải tìm ra em bằng được.

Cuối cùng thì tôi cũng đã tìm thấy em, không thể diễn tả được niềm sung sướng và hạnh phúc của tôi khi đó. Vừa nhìn thấy, tôi đã biết, đã cảm nhận ngay được em ở đó, sao tôi lại không nghĩ ra sớm nhỉ? Chẳng phải đó là vật thân thuộc và gắn bó nhiều kỷ niệm với chúng ta nhất sao – tôi và em ngày ngày đều chờ đợi, nhìn lên nó, chờ tiếng điểm chuông vang lên, canh đến đúng giờ hẹn khi đám gia nhân trong nhà đi ngủ hết, hai đứa lại lén lút gặp nhau.

Tôi ôm lấy em, siết chặt em trong lòng, tôi bật khóc nhưng tôi khóc vì hạnh phúc. Gã buôn đồng hồ nhìn tôi như một thằng điên, nhưng tôi kệ gã, gã đâu có hiểu được niềm hạnh phúc, sung sướng đang ngập tràn trong tôi. Tôi mang em về với một cái giá đã lột sạch hết tài sản của tôi lúc đó – gã bán rất biết làm tiền, tôi có thể trả giá thấp hơn nhưng tôi không làm thế. Không gì có thể đo được tình cảm của tôi dành cho em, dù phải trả bao nhiêu, dù phải đánh đổi cả mạng sống của mình tôi cũng chịu.

Ngày ngày tôi đều trò chuyện với em dẫu chẳng khi nào em chịu đáp lời tôi, có lẽ em vẫn còn chưa hết giận nhưng chỉ cần chúng ta được bên nhau là đủ. Tôi chỉ cần chờ đợi, đến lúc đồng hồ điểm chuông, chờ đến đúng thời điểm kim đồng hồ chạy như ngày xưa chúng ta thường hò hẹn.”

                                                       ***

Ngày Bình đến nhà ông Thành là một ngày tháng sáu nắng gay nắng gắt – dẫu cái nắng không hề khô rát, khó chịu như ở quê Bình nhưng trong lòng cậu trai trẻ mới lầu đầu ra chốn thành thị thì vẫn còn nhiều bỡ ngỡ lắm. Bình đứng trước cơ ngơi nhà ông Thành mà hít lớn, choáng ngợp với sự giàu có, bề thế của cơ dinh; cậu không dám tưởng tượng đến việc người ta sẽ sinh sống như thế nào trong một cơ ngơi như thế.

Ông quản gia đẩy lưng cậu, cái đẩy mạnh khiến cậu suýt nữa thì ngã dúi dụi, ông hừ giọng mũi, nhếch mép cười cái dáng vẻ quê mùa, thô kệch của chàng trai trẻ. Ông nói.

– Cậu đi đứng cho tử tế vào, ở đây không phải chốn nhà quê của cậu, đi đứng, nhìn ngó đều phải cẩn thận đấy. Cậu mà lỡ tay làm vỡ hay hư hỏng một thứ gì thì cả đời cậu cũng không đền nổi đâu.

– Dạ, vâng! – Bình khúm núm đáp.

Nhưng cái vẻ khúm núm, nhún nhường của cậu chỉ là giả bộ, trong bụng cậu thấy sao mà khinh thường. Cậu lên thành phố để đi học, để lập nghiệp, dẫu sao cậu còn trẻ, còn khỏe, cậu khôn khéo và thông minh, một ngày nào đó, cậu sẽ làm điều lớn lao, sẽ gầy dựng một cơ ngơi còn hơn như thế.

– Còn đứng tần ngần ở đấy làm gì nữa, mau đi vào đi!

Bình rảo bước, tươi cười bắt chuyện với ông quản gia, mặc kệ lối cư xử hống hách của ông. Cậu là kẻ thức thời, cậu biết rõ thân phận mình – một kẻ họ hàng xa lơ xa lắc đến đây ăn nhờ ở đậu, ít ra cậu cũng phải thể hiện cho người ta thấy cậu là một kẻ biết điều.

Ông quản gia xếp cho Bình ở một căn phòng nằm ở cuối dãy nhà phía tây. Phòng rất nhỏ, bám đầy bụi nhưng được cái riêng tư và yên tĩnh, rất thích hợp để cậu học hành. Cậu quét dọn căn phòng, sắp xếp hành lý mà đa số toàn là sách vở. Có một kệ sách nhỏ và một cái bàn đọc sách đã bị mọt ăn nhưng cậu thấy rất hài lòng. Cậu kéo chiếc bàn ra chỗ cửa sổ, xếp vài cuốn sách lên. Cửa sổ nhìn ra khoảng sân trước mặt có một bụi hoa quỳnh lớn; nghĩ đến sẽ có những đêm khuya chong đèn đọc sách, nhìn ra sân có hoa nở bầu bạn, Bình thấy cuộc sống của mình mới phong nhã làm sao.

Gần tới giờ ngọ, một cô hầu gái bưng khay cơm đến tận phòng cho Bình rồi vội vã bỏ đi, Bình chẳng kịp hỏi gì, cậu đành ăn cơm rồi ngồi chờ đợi.

Tầm xế chiều, khi cậu đang thiu thiu ngủ vì quá mệt bởi chặng đường dài, ông quản gia tới gõ cửa phòng, mang cho cậu một bộ đồ. Ông nói.

– Đây, cậu mặc đi rồi tôi dẫn cậu đến gặp ông chủ. Đây là bộ đồ cũ của con trai tôi đấy. Nhìn cậu không khác gì thằng chăn vịt từ dưới quê lên.

Bình nhận lấy áo, cười vang.

– Thì đúng tôi là một thằng chăn vịt rồi đấy. Cảm ơn bác nhiều lắm, ân tình này tôi nhất quyết không quên đâu.

Ông quản gia nguýt dài.

– Không dám, chỉ là tôi sợ ông chủ quở trách thôi. Dù gì cậu cũng là khách của nhà này. May phước sao cho cậu được ông ấy giúp đỡ. Tôi thấy cậu cũng là một người khá, rồi sau này may ra đời cậu sẽ khác đi.

– Cảm ơn lời tốt lành của bác, sau này tôi có làm nên thì cũng không quên ơn bác đâu.

Ông quản gia chỉ nhìn Bình, bĩu môi, không nói gì nhưng Bình biết là cậu đã có thể sống những ngày tháng yên ổn ở đây.

Khi Bình bước ra, ông quản gia đang đứng trước cửa phòng chờ cậu cũng phải xuýt xoa khi nhìn thấy.

– Chậc, chậc, người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân… cậu mặc đồ vào trông khác hẳn.

Không có gương soi nên Bình không thể nhìn thấy hình ảnh của mình trông như thế nào; nhưng từ lời của ông quản gia,cậu tự tin hẳn vì ít ra vẻ ngoài cũng coi như tươm tất. Cậu vốn không hay để ý đến ngoại hình của mình lắm; nếu cậu để ý kỹ hơn, chắc hẳn cậu phải ngạc nhiên và tự tin về mình. Sống ở vùng thôn quê đồng chua nước mặn, suốt ngày đầu trần dưới nắng nhưng da lại chẳng đen đi. Cuộc sống lao động vất vả đã rèn luyện cho cậu một vóc người cao lớn, các bắp tay, bắp chân rắn chắc, làn da khỏe mạnh, có phần hơi trắng so với con trai. Khuôn mặt thanh tú với gò má cao, sống mũi thẳng, lông mày rậm và đôi mắt luôn nhìn thẳng rất có hồn. Mái tóc bồng bềnh. Xét về tổng thể, cậu quá đẹp và quá điển trai, trông chẳng thua kém gì cậu ấm của những gia đình giàu có. Hầu như ai nhìn cậu cũng đều để ý và nhận thức được điều ấy, chỉ riêng mình cậu là không.

Ông quản gia dẫn Bình đi dọc một dãy hành lang dài. Bình đi phía sau ông, tầm mắt hơi cúi xuống nhưng vẫn đủ để quan sát và để ý mọi thứ. Ở đây rộng quá, cứ y như một cung điện với những lối đi, những dãy phòng chạy dài, những hoa viên và cả hồ nước…

Bình được dẫn vào căn nhà chính, nơi ông Thành đang ngồi trên ghế uống trà, hai bà vợ trẻ và một cô con gái nhỏ đứng sau ông.

Bình cúi gập người chào.

– Nghe nói anh sắp thi tú tài hả?

– Dạ, vâng! – Bình đáp, vẫn không nhìn thẳng vào mắt ông.

– Anh học hành tốt chứ, có nhắm thi nổi không? Có lẽ anh không biết nhưng tôi rất quan tâm đến những người trẻ tuổi.

– Dạ, lực học của con cũng tạm ổn ạ!

Ông Thành gật gù, rồi ông nói tiếp.

– Coi như anh cũng là người có chí; nếu anh có năng lực, tôi chẳng tiếc gì mà không nâng đỡ anh. Anh có thể thông dịch được không?

– Dạ, con biết, con có theo học trên huyện.

– Ồ, ồ, anh làm tôi ngạc nhiên đấy, nói cho tôi biết thế nào mà một thằng nhà quê như anh lại học cao thế hử?

Bà vợ nhỏ phía sau ông Thành cau mày, có ý bênh vực, cảm thông cho chàng trai trẻ; dù sao đi nữa thì cậu trai trẻ kia cũng quá đẹp, khiến cho tất cả đám đàn bà con gái trong nhà đều có cảm tình.

Bình chẳng hề tự ái bởi lời lẽ của ông Thành; cậu thản nhiên trả lời, với một giọng chân thành, khiêm tốn pha lẫn hài hước khiến ông Thành phải bật cười ha hả, hai bà vợ và cô con gái đứng sau ông cũng phải lén che miệng cười theo.

– Cậu nói gì thế hả, cậu làm tôi cười chết mất, đổi một quả trứng vịt để học lấy một chục chữ à? Ha ha… Cậu làm tôi thích cậu rồi đấy, khá lắm chàng trai ạ, không nhiều người trẻ tuổi nào được như cậu đâu.

Bình nở nụ cười, đắc thắng nhưng vẫn là khiêm tốn, ông quản gia nãy giờ ngơ ngác, không tin nổi là cái cậu nhà quê kia lại có bản lĩnh ghê gớm thế, ông tự dặn lòng là phải đối xử với cậu ta cẩn thận hơn.

Theo ông quản gia bước ra khỏi gian nhà chính, Bình mới thở phào, lòng bàn tay thả lỏng, ướt đẫm mồ hôi. Lúc này cậu mới hỏi ông quản gia về tình hình trong nhà, để tránh phạm phải những điều cấm kỵ.

– Ông chủ còn có một cô con gái lớn nữa, nhưng cô chủ sức khỏe yếu, hay bị bệnh nên ít khi ra khỏi phòng. – Rồi ông liếc mắt nhìn Bình, cảnh cáo. – Tốt nhất là cậu đừng có ý nghĩ gì không hay.

Bình hiểu ý ông muốn nói gì, cậu chỉ cười, không đáp; dù có là một thằng lưu manh thật nhưng chẳng bao giờ cậu có suy nghĩ dùng phụ nữ để tiến thân. Vả lại, cậu cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc một người ở cách xa địa vị lại có thể để ý đến mình.

Bình được ông Thành cho phép đến phòng làm việc của ông mượn sách, đấy là một vinh hạnh lớn lao chẳng dễ gì có được, bởi lẽ, ông chủ chẳng bao giờ cho phép ai bước vào phòng làm việc của mình. Đám gia nhân trong nhà đối xử với Bình như khách quý, hết sức nể mặt nhưng chưa bao giờ Bình vì thế mà lên mặt với ai. Trong nhà cả chủ lẫn tớ đều thấy rằng cậu là một chàng trai biết điều, khiêm tốn và dễ thương hết sức.

Linh – cô con gái út của ông Thành là con bà vợ hai; dạo gần đây cô hay bám lấy Bình, đòi anh dạy học, kể chuyện ở quê. Cô quen được cưng chiều nên tính tình có phần ngang ngược, nghĩ rằng mọi người đều phải chiều theo ý muốn của mình, cho nên khi Bình ý tứ nói với ông Thành về chuyện ấy, cô bị ba la mắng một trận, phạt đóng cửa một tháng suy nghĩ, không được ra khỏi phòng. Linh căm ghét Bình vì vụ ấy nhưng ngược lại ông Thành càng tin tưởng Bình hơn, cho rằng cậu là một người quân tử, có giáo dục, biết suy nghĩ trước sau chứ không phải là hạng đầu đường xó chợ.

***

Bình đã ở đây hơn hai tháng, cậu vẫn chưa nhìn thấy mặt cô con gái lớn của ông Thành lần nào; không một ai nhắc đến cô; vì vậy, Bình cũng không tiện hỏi, như thể cô ấy không hề tồn tại.

Ông quản gia đề xuất cho Bình chuyển đến một gian phòng khác rộng rãi và sạch sẽ hơn nhưng cậu từ chối. Cậu vẫn thích ở căn phòng hiện tại của mình, dù xa xôi và hẻo lánh nhưng yên tĩnh, không bị ai làm phiền. Mỗi đêm cậu đều đọc sách đến tận khuya, thỉnh thoảng nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm hoa quỳnh nở.

Bình ngủ gục trên bàn, bỗng giật mình tỉnh dậy vì cậu như cảm thấy có ai đó vừa khều nhẹ vai. Cậu nổi da gà, ớn lạnh, ngoài kia bóng đêm tĩnh mịch phủ trùm, vài bông hoa quỳnh trắng muốt nở xòe, nổi bật giữa đêm đen.

Bình đứng dậy, ra khỏi phòng, vừa rồi, cậu nhìn thấy có một bóng trắng lướt qua. Ai lại đi giữa trời khuya thế này?

Khoảng sân trước mặt tối đen, ánh đèn từ căn phòng nhỏ của cậu hắt ra, soi sáng một khoảng không lờ mờ, bé xíu. Không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng côn trùng kêu râm ran trong lòng đất. Nhưng rồi Bình chợt nghe thấy một tiếng gì đó khác nữa, ban đầu rất nhỏ nhưng càng ngày càng rõ ràng hơn, như là có tiếng người đang khóc.

Tiếng khóc rấm rứt, não nề, văng vẳng bao quanh cậu, không biết xuất phát từ đâu. Gió đêm nhè nhẹ thổi, mang theo tiếng khóc vang ra từ bốn bề nghe nỉ non, ma quái.

Chợt, Bình lại như vừa thấy có một bóng trắng lướt qua ở phía sau gốc nhãn cuối vườn. Cậu bước vội đến, vì lòng tò mò, không sợ hãi, cậu đã quen với bóng đêm, quen nhìn thấy những điều kỳ lạ.

Cái bóng trắng thấp thoáng sau gốc nhãn như tà váy trắng bay bay, chân cậu bước nhanh hơn, nhẹ nhàng. Cậu vươn tay tóm lấy cái váy trắng ấy nhưng hụt mất, ngã nhoài, cái bóng biến mất, trên mặt đất còn lại một đóa hoa quỳnh dập nát.

***

– Em đã bao giờ nhìn thấy ma chưa?

– Ơ, sao cậu hỏi thế ạ? – Cô bé giúp việc đang sắp xếp chồng sách của cậu tròn mắt hỏi.

Bình ngả người trên ghế, vẻ mặt lo lắng, băn khoăn.

– Không, không có gì. Chỉ là như tôi có nhìn thấy điều kỳ lạ.

– Cậu… cậu nhìn thấy gì thế ạ?

Bình nheo mắt hỏi.

– Tôi nói thì em có tin tôi không?

Cô bé gật đầu cái rụp, vẻ mặt tò mò thấy rõ.

– Đêm qua tôi có nghe tiếng con gái khóc, chạy ra xem thì nhìn thấy một bóng trắng lướt qua.

– Ôi! Thế ạ? – Con bé rùng mình, sợ sệt.

– Em có biết chuyện gì không? Ở đây có ma hả?

Con bé chần chừ nhưng thấy vẻ mặt lo lắng, phiền não của Bình, nó mới nói.

– Em nói với cậu nhưng cậu đừng có nói với ai nha. Ông quản gia mà biết chuyện là em bị đuổi việc luôn đấy.

Bình gật đầu.

– Em cứ tin tôi.

Con bé liếc nhìn quanh rồi hạ giọng xuống, thật nhỏ.

– Cái bóng mà đêm qua cậu thấy là hồn ma bà chủ đấy, ở đây ai cũng biết chuyện này nhưng cấm không được nói ra. Em mới làm ở đây hai năm thôi nên không biết tường tận lắm. Nghe nói bà chủ vì buồn ông chủ trăng hoa mà nhảy xuống giếng tự tử, chết cũng được bảy năm rồi. Bà ấy uất ức chết đi nên hồn không thể siêu thoát, đêm nào cũng hiện về, tiếng khóc cậu nghe đêm qua là tiếng bà ấy khóc vì buồn chồng và nhớ thương con gái đấy. Cũng tội nghiệp cô chủ lắm ạ, mẹ chết khi còn nhỏ, cô ấy cứ buồn thương bà chủ mãi nên mới ốm đau dặt dẹo suốt.

– Tôi chưa bao giờ gặp cô ấy.

– Cô ấy ít đi ra ngoài lắm ạ, vì ông chủ không muốn gặp cô, tình cảm của họ không tốt lắm. Cũng phải thôi, nếu là em, em cũng chẳng thể nào tha thứ được.

Bình ngắt ngang lời cô bé đang hăng say bàn luận quá đà. Cô bé làm xong việc của mình rồi lui ra, trước khi đi còn không quên dặn dò cậu không được nói những điều vừa rồi với ai.

Gia đình này phức tạp thật, Bình nằm trên giường nghĩ, nhưng bảo cậu tin bà chủ một nhà giàu tự tử vì chồng ngoại tình thì cho tiền cậu cũng không tin; tuy vậy cậu cũng chẳng có nhu cầu biết gì thêm. Cậu chỉ tò mò về cô con gái lớn, xem ra sống trong một gia đình giàu có cũng chẳng sung sướng gì.

***

Đêm rằm, ánh trăng sáng vằng vặc, Bình không thể nào tập trung nổi để đọc sách nữa. Cậu buông sách xuống, lắng tai nghe và nhìn ra khoảng sân vườn chờ đợi.

Ánh trăng sáng rõ đã dần vạt đi, ngả một màu trắng bạc, lơ lửng trên nền trời sắp sang canh. Bình ngáp dài nhưng tuyệt nhiên không buồn ngủ. Vẫn chẳng thấy chuyện gì xảy ra. Cậu vươn vai, ra sân vườn đi dạo, trăng sáng roi rõ lối đi, cậu cứ đi mãi, men theo bờ tường rào rồi qua vài lối rẽ. Chợt, cậu ngạc nhiên, cậu chẳng thể nhớ đường về, cũng không biết mình đang ở đâu.

Trước mắt cậu là một dãy nhà đã bỏ không, vườn cây cối mọc um tùm, không người chăm sóc, cỏ mọc lún phún dưới chân. Cậu đi về phía dãy nhà, giật mình, ngay trước sân là một cái giếng đã được đậy nắp.

Có phải bà chủ nhà đã nhảy xuống miệng giếng ngay đây tự tử? Bình không chắc, nhưng cậu thấy một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng. Chưa bao giờ cậu thấy sợ nhưng khung cảnh u ám, mờ ảo dưới ánh trăng khiến cậu thấy rờn rợn. Cậu bước đến gần miệng giếng đã được đậy lại bằng một tảng đá phiến to, nếu không được đậy lại, chắc hẳn cậu đã cúi người dòm xuống để xem trong miệng giếng liệu có một xác chết trương nào đang nổi lềnh bềnh không.

Có tiếng khóc rưng rức vang lên, từ ngôi nhà bỏ hoang trước mặt. Bình giật mình, quay đầu nhìn lại, căn nhà xiêu vẹo bỗng sáng lên trong ánh lửa lập lòe và rõ ràng trên cánh cửa, giấy đã bong tróc có in hình một cô gái đang ngồi trong đó.

Bình dợm bước, nhẹ nhàng nhấc chân giẫm lên bậc thềm, không một tiếng động. Cậu đẩy cửa, bước vào trong, cô gái giật nảy mình, ngừng khóc, đưa đôi mắt đẫm lệ nhìn cậu. Gương mặt cô xinh đẹp đến nỗi khiến cho Bình ngơ ngẩn. Cô gái nhìn Bình, hốt hoảng, như nhìn thấy ma.

Tức thì, cô gái bỏ chạy, lao nhanh qua cửa, Bình chạy đuổi theo, nắm tay cô kéo lại, hai người giằng co nhau. Cảm nhận được độ ấm và hơi thở của cô gái, Bình mới nhẹ nhõm thở ra, có chút vui mừng.

– Cô không phải là ma!

– Anh là ai? – Cô gái hỏi.

Bình ú ớ, ngay lập tức, cậu chẳng biết giới thiệu bản thân như thế nào và đang làm gì giữa đêm khuya. Cô gái giằng tay khỏi cậu, khó chịu vì sự đụng chạm vừa rồi.

– Thế còn cô là ai? – Bình hỏi, người trong nhà cậu đã biết hết, còn cô gái này cậu chưa từng gặp mặt.

Không cần cô gái trả lời Bình cũng đoán ngay được cô là cô con gái đầu của ông Thành. Bình không ngờ mình lại gặp cô trong một tình huống ngẫu nhiên như thế. Mãi sau này nghĩ lại, cậu mới thấy đây là duyên phận của hai người.

PHẦN 2: NGHIỆT NGÃ

Nguyệt tỉnh dậy, con bé hầu gái Liên vội chạy đi bưng nước ấm cho cô rửa mặt. Đã hơn mười giờ trưa, ngày nào cũng thế, đến giờ này cô chủ mới tỉnh dậy, tinh thần mệt mỏi và hai mắt lúc nào cũng buồn buồn như thiếu ngủ.

– Em chưa cần dọn bữa sáng lên đâu, chị chưa muốn ăn. – Nguyệt uể oải cầm khăn ấm lau mặt rồi đưa trả cho Liên.

– Bữa nay nhà bếp có nấu cháo hạt sen đấy ạ, em phải dặn để lại phần của cô, chứ nếu không mấy người kia lấy hết mất.

Nguyệt hiểu “mấy người” mà Liên nói là hai người vợ bé và cô em gái cùng cha khác mẹ của mình. Nguyệt buồn cười nói.

– Em cứ làm như nhà này thiếu ăn lắm đấy!

Liên cãi ngay.

– Tại cô không biết chứ mấy người đó chèn ép cô đủ thứ, lúc nào cũng giành những thứ tốt về mình. Vừa rồi có mấy xấp vải để may đồ mới cũng bị cô Linh giành hết rồi.

– Chị không để ý đâu.

Liên thở dài, cô chủ lúc nào cũng như người ở trên mây.

– Này em, chị nghe nói là nhà ta có khách hả? Là họ hàng xa của nhà mình lên đây đi thi.

Liên hứng khởi kể.

– Họ hàng xa bắn súng còn chẳng tới đâu cô ạ. Nghe nói ở dưới quê lên nhưng người đó đẹp trai lắm, em đã từng gặp qua rồi, nghe nói ông chủ rất thích anh ta, còn cho anh ta đến thư phòng đọc sách.

– Thế à! – Nguyệt chống bàn tay nhỏ, trắng muốt lên cằm đăm chiêu.

– Nhưng có chuyện gì với anh ta thế hả cô? Chẳng mấy khi mà nghe cô hỏi đến người ngoài.

Nguyệt lắc đầu.

– Chẳng có gì cả, chị chỉ hơi tò mò thôi.

Tất cả mọi người trong nhà đều nhạc nhiên khi cô chủ lâu nay vẫn cáo bệnh, ru rú ở xó nhà bỗng dưng khỏe hẳn, tham dự vào các bữa tiệc và sinh hoạt trong gia đình. Ông Thành tuy không thích nhìn thấy sự hiện diện của cô con gái lớn nhưng chẳng có cớ gì để mà cấm cửa cô. Những lúc gặp nhau, ngồi ăn chung, hai ba con chẳng mấy khi trò chuyện.

Trước tết Trung thu xảy ra một chuyện hệ trọng làm náo loạn cả nhà. Người kế toán thân cận làm giả sổ sách cuỗm tiền bỏ trốn, ông Thành tức đến mức lên cơn đau tim. Số tiền thất thoát không đáng gì so với gia sản của ông nhưng sự phản bội khiến ông tức tối. Sau sự kiện ấy, Bình được ông Thành gọi lên; từ đó mọi người thấy ông thường đem Bình đi cùng tới các cửa hàng và những vụ làm ăn lớn. Người ta thấy cậu trai trẻ nhà quê kia bỗng chốc thay đổi, từ cách ăn mặc, đi đứng lẫn nói năng… gương mặt non nớt giờ phảng phất nét phong trần, gian xảo.

Vào ngày sinh nhật mười tám tuổi của Nguyệt, ông Thành tổ chức một bữa tiệc linh đình. Nguyệt xinh đẹp giữa đám đông nhưng đôi mắt cô đượm buồn và lạc lõng. Khách mời đa số là quan chức, những mối làm ăn của ba, chẳng hề có lấy một người bạn mà cô quen biết.

Nguyệt lơ đãng nhìn, chợt cô bắt gặp ánh mắt của Bình đang ngơ ngẩn nhìn mình si mê. Chạm mắt nhau, cả hai đều cúi xuống, má đỏ lựng, thỉnh thoảng lại liếc nhìn về phía đối phương.

Ngay trong bữa tiệc ấy, trước mặt quan khách, Nguyệt đòi ba tặng mình chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường. Mọi người cười ồ, riêng ông Thành thì hơi xấu hổ, chẳng hiểu gì về sở thích kỳ quặc của cô con gái.

***

Cứ đúng giờ đồng hồ điểm chuông, ngân nga điệu nhạc, cô hầu gái biết ý lui ra khỏi phòng; từ khi có chiếc đồng hồ, cô chủ rất quý nó, mọi giờ giấc, sinh hoạt được sắp xếp theo một kế hoạch cố định, không tùy tiện như xưa. Dù chưa quen nhưng Liên cảm thấy vui vẻ, giờ Liên có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, không phải lúc nào cũng túc trực cạnh cô chủ nữa.

Nguyệt nhìn đồng hồ, chờ thêm một khắc nữa mới khoác áo rồi nhẹ nhàng đẩy cửa bước ra khỏi phòng. Bóng đêm bao che cho người con gái đang đi ven theo tường rào bước từng bước dài vội vã.

Bình đã đứng trước ngôi nhà hoang từ lâu, cái miệng giếng bị lấp chặt như một chiếc bàn đá lớn đặt trước mặt cậu. Gió thổi, rít gào từng hồi lạnh lẽo.

Nguyệt ôm choàng lấy cậu từ phía sau; cậu quay người lại, ôm thật chặt. Hai người bấu chặt lấy nhau, hít hà cho thỏa niềm nhung nhớ.

– Em yêu! Anh nhớ em quá.

Cô gái trong lòng cậu cười hì hì, cậu bế thốc cô lên, ẵm vào mái hiên nhà tránh gió lạnh.

Nguyệt vuốt ve cổ áo sơ mi của Bình, giọng ngọt ngào, chừng như giận dỗi.

– Anh định cứ mãi làm việc cho ba em à?

Bình vuốt mái tóc cô đáp.

– Tạm thời là thế, anh cần có thời gian, làm việc cho ba em vẫn tốt hơn là xin một công việc nào đó ngoài kia.

Nguyệt chán nản bĩu môi; cô không thích người yêu phải phụ thuộc vào ba mình.

– Chờ anh thêm một thời gian nữa, nhé!

Nguyệt đáp, giọng lo lắng.

– Em không biết, nhưng anh mà mãi thế này thì ông ấy không gả em cho anh đâu.

Bình cười.

– Em yên tâm, anh sẽ cố gắng, anh sẽ không để em chịu khổ.

Nguyệt thở dài nhưng cô không muốn quan tâm nữa, dù có lo nghĩ cũng chẳng giúp ích được gì, bây giờ cô chỉ muốn được tận hưởng những giây phút yên bình, hạnh phúc bên người cô yêu.

Bình siết chặt bàn tay Nguyệt, cảm nhận được cái rùng mình, run rẩy dẫu rất nhẹ của cô. Anh nhớ về đêm đầu tiên gặp cô, khi cô đến đây đốt vàng mã vào ngày giỗ mẹ, từ ngày hôm ấy, anh đã biết mình chẳng thể nào quên được người con gái ấy. Mọi việc diễn ra sau đó như đã được duyên phận sắp đặt, cô yêu anh – với anh đó là may mắn và hạnh phúc nhất cuộc đời. Anh biết mối quan hệ này ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của mình, anh có thể một bước lên mây hoặc bị hủy hoại hoàn toàn sự nghiệp. Cái đầu óc bất lương của anh đã có thể nghĩ ra một vài kế hoạch đê hèn để ông Thành phải cắn răng gả Nguyệt cho anh, nhưng mà, anh muốn giữ tình yêu dành cho cô được hoàn toàn trong sáng, anh không muốn làm tổn hại cô và quyết không thể để những tính toán tiền bạc và địa vị chen vào.

***

Mỗi lần trở về phòng mình sau những lần hò hẹn, cái bóng trắng cứ bám theo sau lưng Bình. Khi Bình dừng lại, nó cũng dừng lại, núp vào một gốc cây, bờ tường hay một lùm cỏ nào gần đấy, tà váy trắng vẫn lộ ra, bay phất phơ. Bình nhìn nó, thở dài, cậu dõng dạc nói.

– Cô yên tâm, cháu sẽ bảo vệ con gái cô cẩn thận!

Sau lần ấy, cậu không nhìn thấy tà váy trắng bay bay nhưng trong những đêm dài mất ngủ, làm việc đến tận khuya, cậu vẫn còn nghe thấy tiếng người khóc than rấm rứt.

***

Liên hớt hải chạy vào phòng cô chủ.

– Có chuyện gì mà trông em vội vàng thế?

Liên thở gấp lấy hơi.

– Em vừa nghe được một tin lớn cô ạ. Lúc đi ngang qua nhà bếp, em nghe bà ba nói chuyện với cô Linh là ông chủ đã chọn người xem mắt cho cô rồi đấy.

Nguyệt đánh rơi cuốn sách đang cầm trong tay.

– Cái gì? Xem mắt?

– Dạ vâng! Bà ba đã gọi thợ may rồi, chiều nay sẽ đo cho cô vài bộ đồ mới.

Nguyệt ôm đầu.

– Tin này em nghe ở đâu, có chắc không?

– Chính em nghe từ miệng bà ba nói mà, không sai được. Mà sao trông mặt cô tái thế? Ôi, cô đừng lo lắng quá làm gì, rồi ông chủ sẽ chọn được người tử tế thích hợp với cô thôi.

Nguyệt muốn khụy xuống, Liên phải đỡ cô chủ ngồi lên giường.

– Rót cho chị ly nước! – Nguyệt thều thào.

Liên vừa đi rót nước vừa nói.

– Cô đừng lo lắng quá ạ! Với gia cảnh của cô thì có gả vào nhà nào cũng không ai dám bắt nạt cô đâu.

Nguyệt đón lấy ly nước; cô hầu gái còn muốn nói thêm nhưng Nguyệt nhức đầu quá, cô trả ly nước lại rồi vẫy tay. Liên không hiểu ý, vẫn nói.

– Đi ra ngoài!

– Ơ… nhưng mà…

– Đi ra! – Nguyệt hét lớn.

Liên sững sờ, rồi luống cuống đi ra cửa; chưa bao giờ nó thấy cô chủ tức giận, to tiếng hay nặng lời với ai.

Nguyệt nằm vật ra giường, gục đầu vào gối khóc òa lên.

***

– Giờ chúng ta phải làm sao? Hay là anh dẫn em bỏ trốn!

– Không được! – Bình nói ngay. – Để anh tìm cách, chắc ông ấy vẫn chưa quyết định ngay được đâu.

Nguyệt lắc đầu lia lịa.

– Em hiểu tính ba em lắm, ông ấy đang tính toán sao cho gả em đi thật có lời. Mục đích chỉ có thế, ông ấy không quan tâm em muốn gì đâu.

Bình đấm tay vào tường.

– Để anh nghĩ cách, anh không thể để em theo người khác đâu. Chắc chắn đấy.

Dẫu vậy, Bình chẳng thể nghĩ ra cách nào hay mà vẫn không làm tổn hại đến Nguyệt; anh nghĩ, nếu hai đứa bỏ trốn, nếu quyết định theo Bình thì Nguyệt sẽ chịu khổ nổi không? Rồi sau này, khi mọi chuyện đã rồi, cô có hối hận không? Anh không biết, anh cũng chẳng biết tại sao mình lại trở nên hèn yếu ngay lúc anh cần mạnh mẽ nhất như lúc này.

Tiếng khóc rấm rứt, nghèn nghẹn cứ vang vọng trong đêm dài. Bóng trắng lập lờ ngoài khe cửa sổ. Bình trở người, phiền não, không tài nào ngủ được, người con gái anh yêu sắp đi lấy chồng. Đau đớn thay! Anh nghĩ, nếu như anh xin ông Thành cưới Nguyệt thì sao nhỉ? Nghĩ rồi anh lại cười, chắc chắn ông ta sẽ cười vào mũi anh, sẽ tống cổ anh ra khỏi nhà và đoạn đường tương lai của anh coi như chấm dứt.

“Này, dũng cảm tiến lên một bước để có được người mình yêu, có cả tiền tài và địa vị. Sao lại không nhỉ? Mày vốn là một thằng giỏi tính toán cơ mà.” Giọng nói cứ vang vọng trong đầu anh, anh biết chứ, nhưng mà, có nên không?

***

Nguyệt được bà ba dẫn vào thư phòng, nơi ấy ba cô và một người đàn ông cũng già tương tự đang ngồi đánh cờ với nhau. Vừa nhác thấy, ba cô đã vẫy tay ra hiệu cô đến gần, vẻ thân thiết, giới thiệu cô cho vị khách mà Nguyệt biết chắc đấy là vị hôn phu của mình. Ông ta bảo Nguyệt đi pha trà mời khách; Nguyệt cứng nhắc làm theo, khuôn mặt xinh đẹp vô hồn, lạnh lẽo không nhếch nổi một nụ cười.

Gã chồng tương lai mà ba cô chọn là chủ một đồn điền cao su lớn nhất nhì Nam kỳ, người béo ục, râu ria xồm xoàm, gã liếc đôi mắt cú vọ nhìn Nguyệt từ đầu đến chân như đang đánh giá một món hàng. Nguyệt rùng mình, cái nhìn ấy làm cô ghê tởm.

*

– Chạm vào em đi. – Nguyệt ôm chặt lấy Bình, gần như van vỉ.

Bình giữ hai bàn tay trắng muốt của người yêu đang đốt lên người anh ngọn lửa tình nhộn nhạo. Anh hít sâu, cố gắng trấn tĩnh bản thân mình.

– Không được! Em… anh không thể.

– Tại sao? – Cô gay gắt.

– Như thế, không tốt cho em…

– Vậy điều gì mới tốt cho em? Bảo em đi lấy người khác ư?

– Anh… anh không biết, nhưng ba em sẽ không để chúng ta được bên nhau.

– Chúng ta vẫn chưa thử mà, đưa em đi trốn. Đưa em đi, em có một ít nữ trang và tiền bạc, đưa em ra khỏi nơi này đi! – Nguyệt nghẹn ngào.

Bình ôm lấy Nguyệt, cô òa khóc.

– Đi, chúng ta đi, bỏ hết tất cả. Chỉ cần hai chúng ta được ở bên nhau.

***

Nguyệt đã gói ghém hết tất cả đồ đạc, tư trang cần thiết. Cô nhìn lên chiếc đồng hồ, chờ tiếng điểm chuông. Tiếng chuông đồng hồ rót vào lòng cô từng hồi nhộn nhạo, trống ngực cô đập thình thịch. Nhanh lên nào! Cô không muốn đợi chờ thêm nữa để được ra khỏi đây, thoát khỏi căn nhà u ám này. Rồi một cuộc sống mới, chân trời mới sẽ mở ra, tự do và hạnh phúc. Cô sẽ được sống với người cô yêu. Mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp mà, chỉ cần cô kiên nhẫn chờ đợi, nhanh lên nào! Kim đồng hồ vẫn chầm chậm trôi, nhếch từng bước mệt mỏi như trôi dài qua cả hàng thế kỷ. Chờ mãi, cuối cùng cũng qua một khắc, Nguyệt vui mừng, đẩy cửa. Chợt, bọc đồ trên tay cô rớt bịch xuống, bàng hoàng, gương mặt ba cô giận dữ cùng đám gia nhân đứng trước cửa phòng.

Ông ta vung tay tát một cú như trời giáng, Nguyệt ngã sõng sượi trên nền, tay ôm má, đôi mắt căm giận nhìn ông trừng trừng.

– Mày giỏi lắm! Dám trốn nhà theo trai, cuối cùng mày cũng thuộc cái giống lẳng lơ như mẹ mày.

– Ông không có quyền nói mẹ tôi!

Ông Thành giơ chân muốn đạp nhưng bị bà vợ bé cản lại.

– Thôi! Xin ông! Ông bớt giận, ông tha cho nó. Nó cũng là con gái ông, liễu yếu đào tơ như thế, ông đánh chết nó được ích lợi gì?

Ông Thành nguôi giận giao việc cho vợ rồi bỏ đi. Bà ba đỡ Nguyệt nằm lên giường, thỏ thẻ.

– Cô đấy! Cũng dại lắm cơ, ba mẹ, người nhà mình không tin ai, lại đi tin cái hạng người dưng như thế. Cô nghĩ cậu ta yêu cô ư? Cậu ta chỉ nhắm vào cái gia sản nhà này thôi; biết là ba cô không thể nào chấp nhận nên cậu ta đã đi nói với ông quản gia rồi nhận tiền cút đi rồi. Đấy! Cô thấy chưa? Suýt tí nữa thì cô tan đời con gái!

– Không! Anh ấy sẽ không làm thế.

– Cô không tin cũng tùy, nhưng cậu ta làm thế đấy. Cậu ấy đã thi đỗ tú tài rồi, con đường tương lai của cậu ấy còn rộng lắm, không lẽ cậu ấy chịu vì cô mà bỏ hết tất cả ư?

– Không! Tôi không tin…

Bà ba thở dài.

– Cô cũng thật là, cô đừng có phạm sai lầm như mẹ cô đấy!

Nguyệt trừng mắt, giống như con mèo nhỏ xù lông; bà ba hơi lùi người lại, bà giãy nảy vài câu rồi đi ra ngoài, đóng cửa phòng, Nguyệt nghe tiếng lách cách khóa cửa. Cô vẫn nằm vật vã trên giường.

Mẹ cô, không phải tự tử vì ba phụ lòng mà là bỏ đi theo nhân tình, bị ba bắt gặp, uất ức nhảy xuống giếng mà tự vẫn. Khi ấy, Nguyệt còn nhỏ, cô vẫn không thể hiểu tại sao cuộc sống ở ngôi nhà này có điều gì tồi tệ mà mẹ nhất quyết muốn bỏ đi, thậm chí lựa chọn cái chết chứ không chịu quay về. Bây giờ, cô đã hiểu.

***

Cánh cửa phòng Nguyệt vẫn khóa kín, chỉ mở ra vào những giờ đưa cơm, con bé Liên mỗi lần đưa cơm vào phòng đều nhìn cô mà rớt nước mắt. Cô chủ ngồi bất động trên giường, thẫn thờ như một bức tượng gỗ, hai mắt cứ nhìn chằm chằm theo từng cái nhích chậm chạp của kim đồng hồ.

Lễ cưới tổ chức rất linh đình, căn nhà được trang hoàng rực rỡ, náo nhiệt, ồn ào khách khứa. Bà ba vào phòng Nguyệt, tấm tắc khen cô dâu trông thật xinh đẹp, thân thiết nắm tay Nguyệt, dặn dò cô đủ thứ. Nguyệt không đáp lại lời bà, cũng không có một phản ứng nào, trông cô cứ như một con búp bê làm bằng sứ.

Bà ba nói với cô dâu thêm vài câu rồi ra khỏi phòng, đi tiếp khách. Lúc chú rể đã đến nhà đưa dâu, người ta đẩy cửa đi vào phòng, ai nấy cũng kinh hoàng, khiếp đảm.

Trên trần nhà, một dải lụa trắng vắt ngang thanh xà, móc vào cổ cô                        dâu treo mình lơ lửng.

Đêm ấy, gió thổi rất dữ, màu đỏ rực được chuyển thành màu trắng của đám tang, tiếng khóc lóc rít gào trong gió, vang vọng khắp bốn bề nhưng không phải tiếng khóc của người nhà đó, vì họ chẳng có ai nhỏ nước mắt – ngoại trừ đám gia nhân. Gia đình ông Thành nói với quan khách và tất cả mọi người rằng, cô dâu của họ không may bệnh chết, ngay trong ngày cưới.

***

Nhi run rẩy gấp cuốn nhật ký lại, hít một hơi dài, cố ngăn dòng nước mắt, thế nhưng chúng vẫn cứ tuôn rơi. Cô nhìn cuốn nhật ký trong tay mình; có lẽ cô không nên đọc nó.

Nhi lau nước mắt, bước xuống giường, đi lên căn gác mái, vài tiếng cục cựa, rục rịch phát ra ở trên đó y như lời mẹ nói. Nhi sợ hãi bước lên, bàn chân cẩn thận đặt lên từng bậc cầu thang dốc đứng.

Căn gác tối mù mờ không nhìn thấy gì ngoài một màu đen mờ mịt, đột nhiên chiếc đồng hồ dựng đứng trong góc sáng rực lên, ánh sáng vàng nhạt, ma quái. Mặt đồng hồ hiện lên rõ ràng từng mũi kim đang chầm chậm nhúc nhích, quả lắc đung đưa. Kim phút nhích chỉ đến số mười hai, đồng hồ điểm chuông, tiếng nhạc thánh thót vang lên, ngân nga, vang vọng. Nhạc kết thúc, ánh sáng vụt tắt, Nhi đếm thời gian, chờ thêm mười lăm phút nữa. Từ chiếc đồng hồ, một bóng trắng thoát ra, gương mặt một cô gái cực kỳ xinh đẹp hiện ra nhìn Nhi chăm chú.

– Người cô đợi không đến đâu. – Nhi nói, giọng nghèn nghẹn, run run.

Cô gái không đáp, gương mặt trông thật buồn.

– Ông tôi vẫn đang chờ cô, nhưng ở một nơi khác, sao cô không chịu gặp?

Đôi mắt cô gái chuyển sắc lạnh nhìn Nhi chằm chằm đầy căm phẫn.

– Ông ấy không thất hẹn với cô đâu, ông vẫn đang chờ cô đấy!

Tức thì cô ta lao tới, hai tay vươn dài tóm lấy cổ Nhi, bóp chặt; Nhi thấy mặt mũi tối sầm, cổ tắc nghẹn, cô vùng vẫy thoát ra, vẫn cố nói.

– Ông không hề thất hẹn với cô, ông đã muốn bỏ hết tất cả để đem cô đi trốn… Nhưng… nhưng em gái cô đã nhìn thấy hai người, ông không hề tự ý bỏ đi…

Nhi nghẹn giọng, sắp không thở được nữa, bàn tay đang siết quanh cổ chợt buông ra. Nhi thở dốc.

– Ông đã từ bỏ tất cả mọi thứ, trở thành người thợ sửa đồng hồ. Tất cả cũng vì cô đấy! Bao nhiêu năm rồi cô vẫn không tin ư?

Kể cả việc ông chưa bao giờ cưới vợ, ông nhận nuôi ba, Nhi không phải là cháu ruột của ông. Đến tận bây giờ Nhi mới biết.

Nhi khóc òa, vì sự thật phũ phàng, vì thứ niềm tin trong cô đang dần rạn nứt ra, tan vỡ thành trăm ngàn mảnh nhỏ. Cô ước gì mình chưa từng biết. Ông vẫn là ông của cô.

Dường như có một vòng tay dang ra ôm choàng lấy Nhi từ phía sau, có tiếng thì thầm ghé sát vào tai Nhi nghe rất rõ.

– Cháu vẫn mãi là cháu của ông mà.

Nhi quay người lại, nhưng cô chẳng thấy ông đâu, cô gái cũng không còn ở đó nữa. Nhi ngồi ở đó thẫn thờ, cho đến sáng, khi ánh sáng đầu tiên chiếu vào căn gác mái, soi lên mặt đồng hồ trong xó nằm im, quả lắc đứng yên, kim đồng hồ bất động. Nhi áp tai lắng nghe, vô hồn, không một tiếng động.

Thời gian như dừng lại, Nhi cảm thấy mọi thứ đang bất động, ngừng trôi.

 

Nhóm 4.0

=. Đọc thêm: Tâm ma | Chương 4: trường Nguyễn Thị Minh Khai

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...