TRUYỆN DÀI VỪA – THỂ LOẠI “KHÓ NHẰN” NHƯNG LUÔN ĐẮT GIÁ

No votes yet.
Please wait...

Vài năm trở lại đây, sau “cơn sốt” của “Cánh đồng bất tận” – Nguyễn Ngọc Tư – không còn mấy tác phẩm dài vừa xuất hiện trên văn đàn nữa. Điều này thật ra cũng dễ hiểu, vì đây là thể loại khó viết, khó xử lý và kén độc giả vô cùng. Tuy nhiên, xét ở góc nhìn của một người cầm bút, thì rõ ràng, thể loại này rất hấp dẫn, rất đắt giá về mặt nội dung và cả kỹ thuật.

Đầu tiên, nếu nói về nội dung, thông thường các tác phẩm dài vừa sẽ đủ “dầy” để xây dựng, phát triển lên thành tiểu thuyết – thậm chí, có những tác phẩm thừa sức trở thành bộ tiểu thuyết, nếu tác giả “phóng tay”. Rà soát một lượt trên văn đàn, những năm gần đây, chúng ta sẽ thấy, câu chuyện tiền đề của những tác phẩm dài vừa đều đặc sắc, phản ánh rõ nét, chân thực về thân phận con người, về những góc khuất cuộc đời mà không phải ai cũng muốn “đụng” đến.

the-loai-truyen-dai-vua1
Thể loại truyện dài vừa “khó nhằn” nhưng đắt giá

Nếu tính tỷ lệ, thì phụ nữ vẫn luôn được ưu ái chọn làm nhân vật tiền đề cho các câu chuyện này. Có lẽ, bởi họ luôn thiệt thòi trong cuộc sống, luôn phải đè nén những khát khao riêng để phù hợp với bản chất xã hội vẫn còn nặng phong kiến; thế nên, thân phận phụ nữ có vẻ luôn là đề tài tạo nhiều cảm xúc. Và ở thể loại dài vừa – một thể loại “nặng ký” và “đủ chất” để các nhân vật nữ được tự do hơn, các tác giả chọn thể loại này thật đã tạo ra những câu chuyện táo bạo, vượt qua rào cản cũ để nữ nhân vật của mình được “sống” đúng nghĩa. Thế nên, đa phần các tác phẩm dài vừa đều có nội dung đặc sắc.

Tiếp đến, kỹ thuật văn chương của thể loại dài vừa luôn được liệt vào hàng “khó nhằn” nhất; bởi từ nội dung vừa nêu, để “siết” dung lượng lại, không quá dài như tiểu thuyết – khi mà tác phẩm lại có rất nhiều nhân vật, nhiều sự kiện – các tác giả nhất thiết phải viết nhiều tầng nghĩa trên từng câu ngắn gọn, súc tích – một kỹ thuật khó mà không phải tác giả nào cũng có thể làm.

Tính hình tượng trong thể loại dài vừa cũng được đề cao, bởi khi không có nhiều “đất” để diễn tả tâm lý, thì mắt xích hình tượng với nhân vật để tạo ra cao trào, xung đột là yêu cầu nhất thiết phải có. Việc “phô diễn” bằng hình tượng để tạo ra lớp kịch mới luôn là một thử thách mà các tác giả tự đặt ra cho mình trên con đường tìm kiếm sự trưởng thành trước chữ nghĩa; thế nên, khi một tác giả làm được điều này và bật lên thành nỗi ám ảnh, cảm giác dư dứ cho người đọc nghĩa là họ đã thành công.

Văn chương là phải nói đến tâm lý nhân vật, phục vụ cho mục đích cuối cùng là “viết về con người và viết cho con người”; nhưng khi dung lượng bị giới hạn, buộc các tác giả phải mô tả tâm lý bằng hành động, bằng thoại của nhân vật. Đây là kỹ thuật đòi hỏi đến kinh nghiệm sống, khả năng quan sát và thâu tóm của người viết. Và có lẽ, đây là thứ chính yếu để gọi tên đúng thể loại này; tránh việc hiểu nhầm dài vừa được hình dung chỉ bằng dung lượng, bằng số từ trong tác phẩm.

Từ đây, có thể thấy, khi xét đúng về kỹ thuật, nội dung, thì thể loại dài vừa thật sự rất khó; nhưng cũng chính vì thế mà các tác phẩm văn chương ở thể loại này luôn mang giá trị rất riêng, rất “đắt”!

Nhóm 4.0

=> Mời các bạn đọc full truyện “Tên của kẻ sát nhân” 

 

 

 

 

 

 

No votes yet.
Please wait...