TỪ TÁC PHẨM “CÁI CHẾT ẢO” CHỈ NGƯỜI NGHÈO MỚI HIỂU ĐÚNG VỀ GIÁ TRỊ HẠNH PHÚC?
|Những câu chuyện tương phản giàu – nghèo nhan nhản khắp các trang mạng xã hội suốt một thời gian dài khiến bản thân tôi có phần khó chịu. Đại khái như vào một cửa hàng thời trang, cùng một lúc, là hai cặp vợ chồng giàu nghèo. Dĩ nhiên, những câu chuyện ấy thường theo một motif quen thuộc – người chồng nghèo, quần áo tả tơi nhưng theo sát gót vợ, ân cần chọn lựa và không tiếc khoản tiền bỏ ra, dẫu có thể đó là cả một tháng lương của anh ta; ngược lại, người chồng giàu sang trọng thờ ơ đuổi theo những thứ trên điện thoại, rồi ơ hờ vứt ra một số tiền trả cho món đồ đắt đỏ của cô vợ, không chút quan tâm. Người viết thường hướng độc giả theo con đường họ muốn người khác phải đi theo – tin rằng, chỉ người nghèo mới hiểu đúng về giá trị hạnh phúc.
Từ tác phẩm “Cái chết ảo” chỉ người nghèo mới hiểu được giá trị của hạnh phúc
Có lẽ nặng lời, nhưng theo tôi, quan điểm trên cực kỳ ấu trĩ; hoặc nếu phải nói chính xác, thì có lẽ những tác giả này chưa thật sự nhìn đủ về thế giới của người giàu và người nghèo. Họ chưa thật sự nhìn thấy hai vợ chồng giàu làm cật lực để cố tặng cho người kia thứ mà họ biết có giá trị lớn hơn vật chất. Họ càng chưa thật sự nhìn thấu hết những hoàn cảnh vì thiếu tiền mà vợ chồng biến nhau thành kẻ thù.
Thế nên, khi đọc vài chương đầu của tiểu thuyết “Cái chết ảo” do nhóm tác giả 4.0 thực hiện, tôi phần nào hình dung ra thân phận của những nhân vật chính trong câu chuyện này. Không quá khó đoán mối quan hệ giữa hai nhân vật Lê Nam và Anh Thư ngay ở bối cảnh đầu tiên tác giả cho họ gặp lại. Với thái độ của Anh Thư, tôi đoán được cô từng bỏ rơi anh vì chênh lệch đẳng cấp – một tiểu tiết rất quen thuộc của thế giới ngôn tình, quen thuộc đến mức đã gây nhàm chán, và không hiểu tại sao lúc này, nhóm tác giả này lại dùng lại?!
Tôi không phủ nhận việc tác giả xây dựng kỹ thuật hiện thực đan xen phục hiện khá tốt, đảm bảo sự tương phản khi cặp nhân vật này còn nghèo – tạm cho là thế, cho dẫu sự thật có vẻ chỉ mỗi nhân vật Lê Nam nghèo – và khi họ đều đã giàu có. Tuy nhiên, ngay cả giai đoạn đẹp khi tình yêu còn, họ cũng có thật sự hạnh phúc, hay nói đúng hơn là hiểu đúng giá trị của hạnh phúc để đấu tranh cho đến cùng tình cảm của mình đâu?! Bằng chứng là đã có cuộc chia ly rồi, nên họ mới gặp lại. Và cho dù khi gặp lại, họ bắt đầu toan tính nhiều thứ để trả lại cho chính mình cảm giác mà quá khứ đem lại – tôi chưa chắc chắn lắm, vì chưa đọc hết tác phẩm – thì việc không hạnh phúc, cũng là do khoảng thời gian nghèo khó tạo nên đấy chứ?!
Chỉ mới tiếp cận tác phẩm, chưa nhìn thấy cốt lõi câu chuyện – vì theo tên gọi của tác phẩm và tư thế nhân vật, tôi đoán tác giả muốn gửi gắm nhiều thứ khác, chứ không phải chỉ là câu chuyện tình yêu giàu, nghèo – nhưng rõ ràng, cảm giác của tôi là nhóm tác giả khá khắt khe và thậm chí là chua chát khi nói đến người giàu. Tác phẩm mô tả khá tốt với câu cú chuốt kỹ lưỡng, nhưng rõ ràng nhấn rất mạnh về chuyện người giàu thì chỉ thế này, thế kia… Và theo tôi, như thế là rất không công bằng. Một tác phẩm văn chương nên là câu chuyện của nhân vật được kể lại bằng góc nhìn trung dung. Cực đoan là từ không thể xuất hiện trong những tác phẩm nghệ thuật được. Và nếu “Cái chết ảo” đang đuổi theo “chân lý” chỉ người nghèo mới hiểu, mới trân trọng hạnh phúc, thì rõ ràng đây là một tác phẩm mang quá nhiều tính cực đoan.
Nếu công tâm đánh giá, theo tôi, đây là một tác phẩm đáng đọc vì kỹ thuật văn chương khá ổn, mô tả tâm lý mượt và xúc động. Tôi vẫn sẽ tiếp tục theo dõi tác phẩm này để tìm cốt lõi câu chuyện, tìm hiểu xem thử nhóm tác giả có cực đoan như tôi đang dự đoán hay không; vì theo tìm hiểu, tôi biết Việt Nam chưa có quyền viết theo nhu cầu độc giả mà phải hoàn thành toàn bộ tác phẩm nếu muốn được cấp phép xuất bản. Nghĩa là, nhóm tác giả vốn đã hình thành quan điểm của họ từ trước; và tôi muốn đợi xem khả năng phán đoán của mình đúng hay sai. Nếu nhận định của tôi hôm nay là đúng, thì có lẽ nhóm tác giả 4.0 nên điều chỉnh lại cái nhìn của họ để trung dung hơn, bình thản hơn và công tâm hơn với các nhân vật trong tác phẩm của họ.
Nhóm 4.0