VĂN ĐÀN VÀ VIỆC GỌI TÊN THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Giai đoạn này – trước đây vài năm đến nay – văn đàn “nhiễu” sách văn học, khi mà chính các nhà xuất bản, các công ty phát hành cũng không gọi tên đúng thể loại sản phẩm văn chương. Có quá nhiều tác phẩm là “tạp bút” được đưa lên thành “tản văn” – minh chứng rõ ràng nhất vì danh xưng này được đưa ra ngay trên bìa sách hoặc các bài viết truyền thông. Còn những trường hợp khác, vì không rõ ràng thành hình nên khó nhìn thấy, nhưng sự thật lại là cơ sở để văn đàn vốn rơi vào “sự nhiễu” càng trở nên hỗn loạn hơn!

Vấn đề cần phải bàn, là việc gọi tên đúng thể loại có thể xem như một cơ sở để phân khúc độc giả tốt nhưng lại bị bỏ qua. Trong khi, văn chương thể hiện sức mạnh văn hóa, xu thế phát triển xã hội rất rõ ràng; nên không xác định rõ đường hướng để phát triển văn chương là một thiếu sót lớn của những người có liên quan đến ngành nghề này.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng, không thể nói loại văn chương nào dễ viết hơn thể loại nào. Mỗi thể loại có những đòi hỏi, những nhu cầu riêng. Kể cả thể loại nghe có vẻ đơn giản nhất là “ngôn tình” cũng cần có một sự đầu tư nhất định từ phía tác giả, ở những khía cạnh như nền kiến thức xã hội, tâm lý nhân vật. Ngôn tình không phải sản phẩm văn chương có quyền vượt qua yêu cầu logic, mà thực tế, thể loại này du nhập từ Trung Quốc về, mô tả cuộc sống và tình yêu của những nhân vật thuộc giới thượng lưu – một giới người không thật sự được hiểu đúng, khiến độc giả mặc định đấy là tưởng tượng, là nói quá. Không! Chắc chắn kể cả ngôn tình Trung Quốc cũng thể hiện xu hướng của tầng lớp thượng lưu một cách hợp lý, có thật; chỉ là độc giả đã tìm hiểu đủ hay chưa mà thôi!

sinh-vat-huyen-bi
Tác phẩm về sinh vật huyền bí

Tiếp đến, có một thể loại văn chương có vẻ đang bị “lãng quên” ở văn đàn Việt – giả sử giả tưởng. Nếu kể tên những đầu sách dịch có mặt ở thị trường Việt Nam thì thể loại này cũng không quá nhiều, nhưng hiệu ứng lại rất tốt, ví dụ “Chạng vạng”, “Harry Potter”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn”… Vậy câu hỏi phải đặt ra là, tại sao cơ hội thành công của thể loại này rất cao nhưng tác giả Việt lại hạn chế chạm vào trong quá trình sáng tác.

Trở lại vấn đề vừa nêu, các nhà làm sách không gọi tên đúng thể loại, thiếu một bước truyền thông hợp lý, khiến cho cơ hội tiếp cận độc giả quá thấp, điều này khiến tác giả cảm thấy thật sự e ngại chọn thể loại này để sáng tác. Và phải khẳng định lại, đây là một thiếu sót hết sức đáng tiếc. Vì, giả sử giả tưởng là một thể loại thật sự đáng giá, thể hiện rất nhiều yếu tố “đắt” trong một sản phẩm văn chương. Từ kỹ thuật văn chương phải nằm ở mức độ cao – dĩ nhiên thôi, vì thể loại này mang nhiều tầng nghĩa, nếu kỹ thuật không tốt thì tác giả khó có thể lột tả hết ý đồ của mình; đến câu chuyện phải hấp dẫn tính trên nền tảng logic – cũng vẫn là điều tất nhiên, vì xây dựng một thế giới rất khác nghĩa là sinh ra hàng tá thứ phải xâu chuỗi lại và làm cho hợp lý trên nền kiến thức xã hội chung… Do vậy, phải thừa nhận, đây là một thể loại xứng đáng được đầu tư đúng mức.

Đặc điểm chung của thể loại giả sử giả tưởng, là từ một vấn đề vốn từng được bàn bạc, đặt ra một giả sử khác đi và khai thác câu chuyện theo giả định này để lường trước vấn đề có thể xảy ra. Hoặc với những tác giả chuyên nghiệp hơn, họ hoàn toàn có thể xây dựng ra một quan điểm rất mới – chưa từng được thảo luận trước đó – để lột tả nguy cơ và cả cơ hội đến với nhân vật, từ đó gửi gắm thông điệp đến độc giả của mình. Nên nếu để thể loại này bị hiểu mơ hồ như lâu nay độc giả vẫn hiểu, là thể loại dành cho trí tưởng tượng, viết về một thế giới hoàn toàn không có thật, để giải trí rồi quên… thì chắc chắn văn học Việt không thể giữ được một thể loại quá đáng giá với văn đàn.

Hãy tự đặt lại câu hỏi, siêu phẩm “Harry Potter” là tác phẩm đã theo suốt tuổi thơ của bao nhiêu độc giả và bao nhiêu phần trăm trong số họ quên được tác phẩm này? Dĩ nhiên, chúng ta không thể hoang tưởng rằng, rồi một sớm một chiều, Việt Nam sẽ có tác giả xây dựng nổi một siêu phẩm tương tự hay ngang hàng. Nhưng cũng đừng quên rằng, nếu hôm nay không tạo ra một tiền đề để vực dậy, làm lớn mạnh giả sử giả tưởng, thì mãi mãi không có quyền hy vọng rồi chúng ta sẽ tạo ra nổi một tác phẩm để đời ở thể loại luôn mang nhiều tầng nghĩa này!

 

Nhóm 4.0

=> Đọc thêm Full Kết Giới 2

 

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...