TỪ “ĐẾ CHẾ DC” ĐẾN “VŨ TRỤ MARVEL” TÁC GIẢ VIỆT VÀ MƠ ƯỚC VỀ ĐỘI QUÂN SIÊU ANH HÙNG – TẠI SAO KHÔNG?!

Rating: 5.0/5. From 2 votes.
Please wait...

Thật ra, không phải chỉ văn học dân gian, không phải chỉ ở thời kỳ khoa học chưa phát triển, con người mới suy nghĩ, ước mơ, mong cầu về những thế lực siêu nhiên để chống lại cái xấu. Sự mong cầu ấy không phải vì con người bất lực trước suy đồi; mà là để thể hiện rõ quan điểm bài xích, chống đối đến cùng cái xấu, cái ác.

 DC (DC Comics) là một trong hai “ông lớn” của làng truyện tranh – sau mở rộng sang phim – chuyên về siêu anh hùng. Nhắc đến DC, độc giả và khán giả nhất định phải nhắc đến Superman và Batman – hai siêu anh hùng đã trở thành hai hình tượng khát khao của trẻ em trên toàn thế giới; cũng là hai nhân vật góp công lớn biến DC thành một “đế chế” hùng mạnh.

“Ông lớn” thứ hai dĩ nhiên là Marvel (Marvel Comics); công ty sở hữu “đội quân” siêu anh hùng đông đến mức độc giả và khán giả phải gọi đây là “vũ trụ siêu anh hùng” – tức có “đủ đất” để các anh hùng dụng võ. Và minh chứng rõ ràng nhất là kỷ lục phòng vé toàn thế giới cho đợt công chiếu “End game” vừa qua.

loi-nguyen-bat-tu-1
Truyện giả sử giả tưởng hay

Ở đây, chúng ta không bàn về lịch sử hình thành của hai “ông lớn” chiếm 80% thị phần truyện tranh của Mỹ; chúng ta cũng không bàn đến “cuộc chiến” giành thị phần giữa họ. Chúng ta đang nói về những nhân vật siêu anh hùng mang hy vọng “cân bằng” thiện – ác từ góc nhìn nghệ thuật.

Thực tế, có nói “không bàn” đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, DC vốn đi trước, đi tiên phong trong việc tạo dựng hình tượng siêu anh hùng; thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Marvel lại chiếm ưu thế hơn về lượt người quan tâm. Tại sao? Có vẻ như, DC đã tạo ra những siêu phẩm hoàn hảo đến mức độc giả và khán giả khó lòng tin rằng những siêu anh hùng ấy thật sự tồn tại trong cuộc đời. Batman dĩ nhiên cũng chỉ là một con người – một anh chàng giàu sụ, thừa tiền để biến mình thành một “cỗ máy” bảo vệ cái tốt; thế nhưng, Batman cũng chưa thật sự thua trận bao giờ. Mà như thế thì độc giả và khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá anh “không có thật”. Superman thì “miễn bàn”; vì ngoài mảnh thiên thạch nọ, không có gì có thể chế ngự được anh. Mà chẳng phải, rồi nhân vật này cũng có cách khiến mình thành “vô đối”?!

Siêu anh hùng của Marvel thực tế hơn rất nhiều. Kể cả là thần như Thor cũng có điểm yếu; ví như sự kiêu ngạo tước đi cơ hội sở hữu chiếc búa thần thánh; hay như nỗi ám ảnh về một sai lầm – liên quan đến Thanos – khiến anh muốn rời bỏ cả sức mạnh được ban cho. Hoặc một gã là niềm tự hào của biệt đội siêu anh hùng, có sức mạnh “cân” nổi cả đội quân như Hulk cũng vì nỗi sợ hãi không tên, về gánh nặng bảo vệ sự an nguy của loài người, mà từng từ chối xuất hiện… Rõ ràng, bất kỳ siêu anh hùng nào của Marvel cũng thể hiện những phần rất yếu đuối, rất vị kỷ mà con người gặp phải; thế nên, họ trở nên gần gũi hơn, thực tế hơn và dễ đón nhận hơn.

Thế Việt Nam chúng ta thì sao? Có phải, độc giả và khán giả cũng từng mơ ước về một – một vài siêu anh hùng của riêng mình? Thực chất, chúng ta đã từng có – là Thánh Gióng. Nhưng như trên vừa nói, khi một siêu anh hùng quá “phi thực tế” – và thậm chí là không được khai thác tối đa nội tâm, tình cảm – thì sẽ ở mức là “một vị thánh” hoặc “một nhân vật tưởng tượng”, hay “một người quá xa tầm với” với độc giả.

Nhưng thật ra, tác giả Việt sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng câu chuyện về siêu anh hùng. Trước tiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, không ít người Việt xứng đáng nhận danh hiệu “anh hùng bàn phím”. Họ sẽ mặc sức xuyên tạc nội dung, biến tác phẩm hoặc nhân vật thành đề tài nhạy cảm trong quá trình xuất bản. Và như thế, rõ ràng, tác giả Việt đang lao vào một “cuộc chiến” “năm ăn – năm thua” để bảo vệ tác phẩm của mình trước những nguy cơ không được báo trước và cũng không chắc sẽ diễn biến theo hướng nào. Tiếp đến, khi học hỏi những “ông lớn” như DC, Marvel, các tác giả gặp phải nguy cơ bị đánh giá là “ăn theo”, “vay mượn” nếu bị chi phối bởi những siêu anh hùng mình từng đọc, từng xem; hoặc bị so sánh – dĩ nhiên theo chiều hướng thua hẳn – nếu giữ được sự tỉnh táo, không bị chi phối suốt quá trình sáng tác. Cuối cùng, khi độc giả và khán giả quá quen với những cái tên “đình đám” thuộc “đế chế DC” và “vũ trụ Marvel” rồi, thì những cái tên Việt chắc chắn sẽ rất chật vật trong hành trình thuyết phục độc giả đón nhận tác phẩm của mình.

Dẫu sao thì, chúng ta vẫn có quyền hy vọng rằng, rồi các tác giả Việt Nam sẽ thật sự tạo ra được những hình tượng siêu anh hùng mới lạ, độc đáo để xây dựng hành trình cân bằng thiện – ác.

 

Nhóm 4.0

==> Đón đọc “Lời Nguyền Bất Tử” sắp lên sóng.

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 2 votes.
Please wait...